FULRO - BÓNG MA ÁM ẢNH TÂY NGUYÊN
Fulro, dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch với nước ta, là một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên trong nhiều thập niên qua. Mặc dù hiện nay, về cơ bản, tổ chức Fulro đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn tồn tại trong “vấn đề Tây Nguyên”, “âm mưu Tây Nguyên” thông qua các hình thức khác với thủ đoạn không kém phần tinh vi và tàn bạo. Cuộc tấn công của những kẻ khát máu với sự chỉ đạo của tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, vào trụ sở chính quyền và công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào lúc 1 giờ sáng ngày 11/6/2023 vừa qua gây nên sự hy sinh của 9 cán bộ, công an và người dân, gây sự bất ổn nghiêm trọng an ninh chính trị địa phương là một minh chứng rõ nét…
Với loạt bài hồ sơ-tư liệu “Fulro-bóng ma ám ảnh Tây Nguyên”, một lần nữa, chúng tôi xin góp một góc nhìn tái hiện phần nào hoạt động và bản chất của tổ chức tội ác này. Đồng thời xin được tôn vinh những chiến công của quân và dân Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh đầy cam go và mất mát, hy sinh nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ sự bình yên cho mảnh đất hùng vĩ trong lòng Tổ quốc…
Một thời được mệnh danh là “con hùm xám” trong lực lượng Fulro, “Đệ nhất Phó Thủ tướng” Nahria Ya Duck nay là cán bộ tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Năm 2007, ông được bầu làm đại biểu Quốc Hội khóa XII. Để bạn đọc hình dung rõ hơn về con người này, chúng tôi ghi lại câu chuyện cuộc đời đầy sóng gió của ông - một nhân chứng quan trọng chứng minh cho ảo vọng khôn cùng của cái gọi là Fulro và “Nhà nước Đề Ga” tự trị…
Đối diện với Nahria Ya Duck, tôi cảm nhận gương mặt của ông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 61 (Ya Duck sinh năm 1940), những nét hào hoa của người trí thức dân tộc thiểu số và những biểu cảm chứa đầy hạnh phúc của ông trên cương vị công tác hiện thời của mình. Tuy nhiên, trong đôi mắt hay cười của Ya Duck vẫn còn đó những day dứt và một nỗi buồn khó tả khi ông phải nói về những điều đáng tiếc từng xảy ra từ những năm đất nước mới giải phóng và cả những vụ gây bạo loạn của bọn phản động do Ksor Kớk cầm đầu trong những năm 2001, 2004 trên địa bàn Tây Nguyên.
Câu chuyện bắt đầu bằng những thước phim quay chậm về ký ức của người đàn ông Cơ Ho này, một con người đã trải qua qúa nhiều biến động. Những tình tiết “vật đổi sao dời” trong cuộc sống của một đời người nhưng cũng là một phần sinh động trên bước thăng trầm của vùng đất Tây Nguyên thân yêu giữa lòng nước Việt…
Nahria là một dòng họ lớn, dòng họ có công trong việc khai phá, tìm ra đất mới lập cư, lập nghiệp cho cộng đồng buôn làng ở vùng Ka Đô, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Sinh ra trong gia đình có thế lực, Ya Duck là một trong số ít thanh niên dân tộc thiểu số được học hành đến nơi đến chốn. Nahria Ya Duck tốt nghiệp Đại học quốc gia tài chính tại Sài Gòn, với kết quả học tập xuất sắc, ông được chính quyền chế độ cũ điều về giữ chức Trưởng Ty tài chính kinh tế Vũng Tàu, rồi tham gia phiên dịch trong các cuộc thương thuyết do ông Y Bhăm Ênuôl (1923-1975, dân tộc Ê Đê, sinh trưởng tại Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk, một trong những người lập ra tổ chức Fulro) với đại diện chính phủ Sài Gòn.
Năm 1965, Hội nghị các nước Đông Dương diễn ra tại Phnôm Pênh, Ya Duck được mời dự. Khi đó ông 25 tuổi. Ông nhớ lại: “Fulro ra đời với tên gọi “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức”. Nghe hấp dẫn quá, khiến tôi nghĩ đó là lý tưởng và hăm hở bước theo. Đâu ngờ đó là sự lừa mị bịp bợm của các thế lực phản động. Tôi đã không nhận ra thực dân, đế quốc muốn dùng Fulro làm công cụ thực hiện mưu đồ xấu ở Tây Nguyên, Việt Nam...”
Có một điều phải nói là sự áp bức của chế độ ngụy quyền độc tài Ngô Đình Diệm đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đẩy những người như Ya Duck tìm đường phản kháng. Sự thúc dục của “lý tưởng Tây Nguyên tự trị” thời đó đã kéo Ya Duck vào rừng và trở thành một sĩ quan thân cận của thủ lĩnh Fulro Y Bham Ênuôl.
Trong suốt thời gian đó, tôi thường xuyên bị khủng hoảng tinh thần. Ở đâu người ta cũng nói tới một cuộc trả thù đẫm máu của cộng sản. Đảng giải phóng miền nam nhưng có giải phóng cho tất cả đồng bào Tây Nguyên hay không? Trong khi đó thì những kẻ xấu thường xuyên xúi giục, lôi kéo. Tôi đã tiếp tục vào rừng tham gia Fulro trong một tâm trạng như thế…
Ya Duck tham gia Fulro giai đoạn đầu từ năm 1964 đến năm 1969. Khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống ngụy, để thoả hiệp, y đã cho thành lập Bộ Sắc tộc với mục đích lấy người Tây Nguyên cai trị người Tây Nguyên. Ya Duck được thủ lĩnh Fulro phái về tham gia bộ máy của ngụy quyền Sài Gòn và ông trở thành Trưởng Ty Sắc tộc tỉnh Tuyên Đức (một phần Lâm Đồng ngày nay)…
Miền nam giải phóng. Đó cũng là lúc mà những người từng tham gia chế độ cũ như Nahria Ya Duck cảm thấy hoang mang. Ông tâm sự rằng, lúc đó không hiểu chút gì về chính sách khoan hồng và những ưu việt, nhân đạo của Đảng và chế độ mới.
Ông kể lại: “Trong suốt thời gian đó, tôi thường xuyên bị khủng hoảng tinh thần. Ở đâu người ta cũng nói tới một cuộc trả thù đẫm máu của cộng sản. Đảng giải phóng miền nam nhưng có giải phóng cho tất cả đồng bào Tây Nguyên hay không? Trong khi đó thì những kẻ xấu thường xuyên xúi giục, lôi kéo. Tôi đã tiếp tục vào rừng tham gia Fulro trong một tâm trạng như thế…”
Năm 1975, Ya Duck lội rừng từ Đơn Dương lên Lạc Dương để nhận chức “đại tá, tư lệnh” sư đoàn Bidoup của lực lượng Fulro, rồi sau đó được “thăng chức Tư lệnh vùng 4). Năm 1978, sau một cuộc tham gia “đảo chính trong nội bộ Fulro”, ông trở thành một trong những người đứng đầu lực lượng này khi được phong “Đệ nhất Phó Thủ tướng” phụ trách chính trị, ngoại giao.
“Đại bản doanh của “Đệ nhất Phó Thủ tướng được đặt ở đâu trong dãy núi Bidoup?” Tôi hỏi. Ya Duck kể: “Đó là cái hang Ploóc Krong nằm sâu trong dãy Bi-doop - núi Bà - Lang Bian, một vùng rừng đại ngàn, hoang vu trải dài từ xã Đầm Ròn (nay là huyện Đam Rông, giáp tỉnh Đăk Lăk) đến gần hết các xã của huyện Lạc Dương, với chiều dài khoảng 90km, cách trung tâm TP. Đà Lạt 30km”.
GIÁ MÀ tôi và nhiều người khác nhận ra được chân lý sớm hơn thì TRÁNH ĐƯỢC sự đổ máu vô ích khi nhân dân ta đã đổ quá nhiều máu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc!
- Ya Đuk -
Ông Ya Đuk nói rằng, hang Ploóc Krong xứng đáng được xếp vào loại “số 1” xét về giá trị... lẩn trốn, bởi nó vô cùng hiểm trở, hùng vĩ, địa thế thì không chê vào đâu được. Hang Ploóc Krong được bao bọc phía trước là ngọn núi Voi sừng sững sát quốc lộ 20 từ Đà Lạt đi Sài Gòn, có khả năng che chắn, bảo vệ. Tại núi Voi, “Bộ chỉ huy TW Fulro” cho đóng rất nhiều căn cứ với hàng trăm Fulro. Toàn huyện Lạc Dương lúc đó có đến trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hầu hết đều “giúp đỡ” Fulro, hoặc đã bị Fulro khống chế.
Nếu có động, Fulro trong hang Ploóc Krong sẽ kịp thời được báo để mà chuẩn bị phản công hoặc sơ tán. Cửa hang ở độ cao khoảng 200m, lòng hang có sức chứa cả trăm người. Đặc biệt trong hang có cấu tạo một phòng riêng, rất đẹp như một hành cung dành riêng cho “Đệ nhất phó thủ tướng” Ya Đuk. Tại lối vào cửa hang cả vài cây số có nhiều trạm gác, quân Fulro thay phiên nhau túc trực ngày đêm. “Địa chỉ đen” này chính là nơi sinh ra những kế hoạch chống phá cách mạng, chống phá cuộc sống bình yên của các buôn làng…
Mãi tới năm 1983, cuộc đời Nahria Ya Duck mới thực sự rẽ sang bước ngoặt tươi sáng khi ông quyết định trở về với nhân dân, với chính quyền cách mạng (từ chuyên án F101 mà chúng tôi đã phản ánh ở phần trước của loạt bài này.) Ông Ya Duck nói: “Cái mà tôi đeo đuổi và hành động suốt bao nhiêu năm là đem lại ấm no và sự bình đẳng cho các dân tộc Tây Nguyên nhưng lại chọn cách làm cực kỳ sai lầm. Thực ra đó là điều mà Đảng, Nhà nước ta đang làm nhưng theo một cách khác và cách đó mới mang lại kết quả tốt đẹp. Giá mà tôi và nhiều người khác nhận ra được chân lý sớm hơn thì tránh được sự đổ máu vô ích khi nhân dân ta đã đổ quá nhiều máu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc!”…
Sau khi trở về, Ya Duck đã thực sự vượt qua được những mặc cảm, những cái hố ngăn cách để xác lập lại chỗ đứng đích thực của mình trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ông trở thành tuyên truyền viên tích cực kêu gọi những tàn quân Fulro đang lẩn trồn, đói khát và bệnh tật trong những cánh rừng sâu trở về với nhân dân, với chính quyền cách mạng. Và sau đó, với sự tín nhiệm của Đảng và nhân dân, Ya Duck đã trở thành một cán bộ mặt trận tích cực. Vị trí công tác của ông hôm nay được xây dựng bởi một quá trình chuyển biến lâu dài của nhận thức cá nhân, sự độ lượng khoan dung của chế độ và lòng tin yêu của nhân dân các dân tộc anh em.
Cuộc đời của Nahria Ya Duck đã trải qua những bước thăng trầm, biến động. Những chặng đường dài với bao cay đắng, ngọt bùi đã giúp ông định giá chính xác sự tốt đẹp trong cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên mà Đảng, Nhà nước và chế độ ta mang lại. Ya Duck nói rằng, ông rất đau lòng vì sự kiện Tây Nguyên hồi tháng 2/2001 và tháng 4/2004, khi một bộ phận đồng bào nhẹ dạ, cả tin, bị kẻ xấu lôi kéo vào mưu đồ của chúng tham gia gây rối làm mất trật tự, trị an.
Ông cũng tỏ ra rất bức xúc và cực lực phản đối những kẻ mang tâm địa xấu xa trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, chúng biến mình thành công cụ sai khiến của các thế lực thù địch, thực hiện nhiều hoạt động khủng bố hòng kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại cuộc sống đang rất bình yên của đồng bào.
Vị trí công tác của ông hôm nay được xây dựng bởi một quá trình chuyển biến lâu dài của nhận thức cá nhân, sự độ lượng khoan dung của chế độ và lòng tin yêu của nhân dân các dân tộc anh em.
Ông Ya Duck nói: “Chúng ta không ngạc nhiên với những luận điệu của bọn xấu do kẻ thù giật dây, nhưng buồn lòng khi một bộ phận đồng bào đã bị chính kẻ thù của mình lôi kéo vào âm mưu thâm độc của chúng.” Những điều Nahria Ya Duck nói thật sự chí lý, bởi đó là tâm sự mà ông rút ra từ gan ruột, từ sự thật cuộc đời, từ chính những cảm quan cá nhân và hiện thực cuộc sống Tây Nguyên…
* Bài đã đăng trên ấn phẩm Thời Nay - Báo Nhân Dân
Tác giả: Uông Thái Biểu
Trình bày: Ngọc Diệp