Là một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một tài năng quân sự bẩm sinh, giàu lòng nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, dấu ấn Nguyễn Bình đã in đậm ở nhiều vùng miền của Tổ quốc cũng như trên những chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Trở về từ “địa ngục trần gian” Côn Đảo, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Bình đã nỗ lực gây dựng cơ sở cách mạng ở quê hương và có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt là trong những năm tháng gắn bó với chiến trường Nam Bộ.
TIỂU SỬ
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH
Nguyễn Bình (tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo), sinh năm 1908, quê ở thôn Yên Phú, xã Tinh Tiến (nay là xã Giai Phạm) huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Bị thực dân Pháp truy lùng vì tham gia phong trào yêu nước, năm 1927, Nguyễn Phương Thảo vào hoạt động ở Sài Gòn và gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng. Năm 1929, bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Tại đây, Nguyễn Phương Thảo được những người Cộng sản giác ngộ và tự nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng Cộng sản.
Sau khi ra tù, năm 1935, Nguyễn Phương Thảo bị trục xuất khỏi Sài Gòn, đưa đi quản chế ở Hải Phòng. Sau nhiều lần bị địch bắt, từ năm 1944, Nguyễn Bình được cấp trên giao phụ trách binh vận và mua sắm vũ khí cho các cơ sở cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng chuẩn bị khởi nghĩa. Tại đây, Nguyễn Phương Thảo đổi tên là Nguyễn Bình với ước vọng “Bình thiên hạ”.
Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp, ngày 12/3/1945, Nguyễn Bình chỉ huy trận đánh diệt đồn Bần Yên Nhân ở Hưng Yên. Ngày 8/6/1945, Nguyễn Bình tham gia chỉ huy diệt 4 đồn Đông Triều, Chí Linh, Tràng Bạch và Mạo Khê, giải phóng 2 huyện Đông Triều, Chí Linh; thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo. Tháng 7/1945 chỉ huy quân khởi nghĩa đánh chiếm đồn Uông Bí và Bí Chợ, giải phóng thị xã Quảng Yên. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Hải Phòng, Đồ Sơn, Kiến An, Hải Dương. Khi Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu Trần Hưng Đạo đổi thành Ủy ban Quân sự liên tỉnh miền Duyên hải Đông Bắc, đồng chí Nguyễn Bình được phân công làm Tư lệnh.
Nước nhà độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược Nam Bộ (ngày 23/9/1945). Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phái Tư lệnh Ủy ban quân sự liên tỉnh miền Duyên hải Đông Bắc vào thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Nhận nhiệm vụ được giao, ngày 25/11/1945, đồng chí Nguyễn Bình đã chủ trì Hội nghị thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ tại An Phú Xã, huyện Củ Chi. Hội nghị nhất trí bầu Nguyễn Bình làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ và An Phú Xã làm địa điểm xây dựng căn cứ.
Vào cuối năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ chia chiến trường Nam Bộ thành 3 khu, phân công Nguyễn Bình làm Khu trưởng Khu 7. Trên cương vị mới, ngày 12/12/1945, Nguyễn Bình quyết định thành lập Trường Quân chính Khu 7 để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng đi đôi với công tác đào tạo cán bộ quân sự, phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài; đồng thời xây dựng lực lượng Tự vệ thành để đưa chiến tranh du kích vào trong lòng địch. Thực hiện trọng trách Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó ở chiến trường xa Trung ương, Khu trưởng Nguyễn Bình tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng căn cứ địa cách mạng, bảo đảm được địa bàn đứng chân cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng và lực lượng vũ trang tập trung, tạo thuận lợi hoạt động xây dựng tiềm lực mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến.
Trong đợt phong quân hàm tướng đầu tiên, ngày 25/1/1948, Nguyễn Bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng, là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 29/9/1951, Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh trên đất bạn Campuchia trong chuyến công tác đặc biệt.
Với những cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Trung tướng Nguyễn Bình được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh.
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH
NHỮNG CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH
- Từ “trận đánh kiểu mẫu” tới “Đệ Tứ chiến khu”
Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Bình đề nghị tổ chức tiến công hạ đồn Bần Yên Nhân (thuộc thị trấn Bần, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) và được cấp Xứ ủy Bắc Kỳ chấp thuận. Đây là một đồn binh khá lớn nằm sát đường 5, do một trung đội lính khố xanh đóng giữ, có nhiệm vụ chống phá phong trào cách mạng ở khu vực Bắc Hưng Yên.
Theo đúng kế hoạch, tối ngày 12/3/1945, tự vệ Việt Minh do Nguyễn Bình chỉ huy về vị trí tập kết cách đồn Bần Yên Nhân khoảng 200m. Đúng giờ “G”, trên đường 5, Nguyễn Bình trong vai người chỉ huy dẫn đầu một tốp “quân Nhật” cùng 1 thông dịch viên với quân phục, phù hiệu đầy đủ. Khi tiến đến cổng đồn Bần Yên Nhân, toán “quân Nhật” hô lớn “Quân Nhật về thu súng”.
Đúng lúc này, bộ phận nội ứng trong đồn nổ phát pháo hiệu, mở toang cánh cổng cho lực lượng “ngoại kích” xông thẳng vào đồn. Từ lo lắng, hồi hộp chuyển sang bất ngờ, hoang mang, lực lượng trong đồn Bần Yên Nhân buộc phải đầu hàng, giao nộp toàn bộ vũ khí gồm 24 khẩu súng, 6 hòm đạn (khoảng 6.000 viên đạn). Ngay sau đó, Nguyễn Bình chỉ huy toàn đội rút lui an toàn trước khi quân Nhật ập tới.
Trận hạ đồn Bần Yên Nhân đã thực hiện một cách đầy đủ, hoàn hảo những quan điểm của Đảng về đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, trong đó chú ý đến đặc điểm của mục tiêu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định đây là “một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ”.
Hoà cùng khí thế sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, rạng sáng ngày 8/6/1945, Nguyễn Bình chỉ huy lực lượng tiến công đồn Đông Triều bằng chiến thuật “nở hoa trong lòng địch”. Nhờ sự chuẩn bị tốt và có lực lượng nội ứng phối hợp nhịp nhàng, nghĩa quân đã chiếm được đồn nhanh chóng. Sau khi làm chủ huyện lỵ Đông Triều, Nguyễn Bình chỉ đạo phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân, kêu gọi đồng bào tham gia mặt trận Việt Minh. Từ thắng lợi của trận công đồn, Chiến khu Trần Hưng Đạo (Đệ tứ Chiến khu Đông Triều) được thành lập, Ủy ban Quân sự cách mạng cùng Đội du kích Đông Triều ra mắt và tuyên thệ vì sự nghiệp cứu nước dưới lá cờ đỏ sao vàng.
- Thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ vì mục tiêu “Tổ quốc trên hết”
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng trở lại xâm lược Việt Nam, trước sức tiến công của địch, các đơn vị vũ trang do Đảng tổ chức và lãnh đạo đã anh dũng chiến đấu, ngăn cản chúng thực hiện âm mưu nhanh chóng xâm chiếm Nam Bộ. Trong khi đó, các đơn vị khác bị tan rã, phân hoá, một bộ phận gia nhập các đơn vị vũ trang cách mạng, một số đầu hàng làm tay sai cho thực dân Pháp, số còn lại rơi vào tình trạng không kiểm soát. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Nguyễn Bình, Tư lệnh Ủy ban Quân sự liên tỉnh Duyên hải Đông Bắc, vào giúp Nam Bộ củng cố lực lượng vũ trang với lời căn dặn: “Bác nghĩ các lực lượng vũ trang trong đó đang cần một thủ lĩnh tài năng, có thể tập hợp các đơn vị vũ trang lại. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “thập nhị sứ quân” rất bất lợi cho cách mạng… Hãy về thu xếp vào Nam ngay ! Tình hình Nam Bộ đang như nước sôi lửa bỏng”.
Với tư cách phái viên của Trung ương, ngày 25/11/1945, Nguyễn Bình tổ chức Hội nghị quân sự tại An Phú Xã với sự tham gia của 49 đại biểu, đại diện cho các đơn vị Giải phóng quân liên quân, lực lượng vũ trang Bình Xuyên, Cao Đài, Đệ Tam sư đoàn… Hội nghị tập trung vào các vấn đề như thống nhất lực lượng, chỉ huy, chương trình chống Pháp, diệt tề trừ gian. Tại hội nghị, chủ trì Nguyễn Bình chỉ rõ: “Muốn thắng Tây chúng ta phải tập hợp thành một khối. Tôi đề nghị từ nay không gọi bộ đội ông A, ông B, mà gọi bộ đội chúng ta bằng cái tên chung là Giải phóng quân”.
Dưới sự điều hành, thuyết phục của Nguyễn Bình, Hội nghị nhất trí cải tổ các đơn vị vũ trang độc lập, tập trung thành chi đội Giải phóng quân, mỗi chi đội tương đương một trung đoàn; đồng thời nhanh chóng xây dựng căn cứ địa rộng khắp để xây dựng, phát triển lực lượng, tiến hành kháng chiến lâu dài. Hội nghị thống nhất bầu Nguyễn Bình làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Tư lệnh Nguyễn Bình, đến giữa năm 1946, chiến trường miền Đông Nam Bộ đã có 17 chi đội và tiểu đoàn Vệ Quốc quân. Đây là cơ sở quan trọng để các đơn vị vũ trang chủ động phối hợp tiến công địch, tổ chức những trận đánh có quy mô ngày càng lớn.
- Đưa chiến tranh du kích vào nội đô Sài Gòn - Chợ Lớn
Cùng với việc thành lập Trường Quân chính Khu 7, từ tháng 12/1945 đến tháng 4/1946, Khu trưởng Nguyễn Bình mở liên tiếp hai khóa đào tạo về quân sự, chính trị cho khoảng 100 học viên. Sau khi mãn khóa, Hiệu trưởng Nguyễn Bình chỉ đạo phân công học viên về các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa để hướng dẫn nhân dân phát động chiến tranh du kích, xây dựng chính quyền cơ sở; một bộ phận được đưa xuống các chi đội làm nòng cốt huấn luyện bộ đội và một bộ phận được đưa về Sài Gòn để hoạt động.
Với niềm tin mãnh liệt về khả năng “có thể đánh du kích ngay trong lòng địch xuất phát từ căn cứ nằm giữa lòng dân”, Khu trưởng Nguyễn Bình đã trực tiếp đưa đội ngũ này hòa cùng dòng người hồi cư đột nhập vào nội thành Sài Gòn và căn dặn: “Các đồng chí về thành, rừng người bảo vệ các đồng chí còn tốt hơn rừng cây” .
Để củng cố lực lượng hoạt động ngay trong lòng địch, đầu năm 1946, Khu trưởng Nguyễn Bình triệu tập Hội nghị tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hóc Môn, với sự tham dự các chi đội trưởng, chỉ huy các phân đội vũ trang tự lập như Ban Phá hoại, Ban Trừ gian, Đội cảm tử Nguyễn Bình… Hội nghị thống nhất các tổ chức này thành 10 Ban Công tác phân chia khu vực hoạt động khắp các quận nội, ngoại thành Sài Gòn - Gia Định. Các Ban công tác có nhiệm vụ tác chiến, phá hoại cơ sở của địch và tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến.
Bên cạnh đó, Khu trưởng Khu 7 sắp xếp, tổ chức lực lượng tự vệ nội đô thành 15 khu và đội tự vệ. Cuối năm 1949, các ban công tác Thành hợp nhất tổ chức thành Tiểu đoàn quyết tử 950. Đến năm 1951, Tiểu đoàn quyết tử 950 được giải thể để tổ chức thành ba đại đội quyết tử ở nội đô, một đội đặc công hoạt động trong nội đô; ba đại đội biệt động và hai đội đặc công binh chủng.
Trong lúc tích cực kiện toàn về biên chế, tổ chức, Khu trưởng Nguyễn Bình chỉ đạo lực lượng tự vệ biệt động, du kích đặc công ở Sài Gòn - Gia Định với lối đánh bất ngờ, táo bạo, luồn sâu, đánh hiểm đã tổ chức thành công hàng chục trận đánh ngay giữa lòng Sài Gòn, tiêu biểu như trận đột nhập phá kho đạn của Pháp trên đường Ducter Aggier, trận đánh mìn nhà hàng La RoSette trên đường MacMahon, đợt đánh phá các nhà máy xay xát gạo của tư nhân cung cấp cho quân Pháp ở Sài Gòn - Chợ Lớn ở đường DeSpange (Lê Thánh Tôn) và Pageace (Đồng Khởi)…
Lối đánh “đặc biệt” của lực lượng “đặc biệt” đã phát huy hiệu quả to lớn, tạo nên nỗi khiếp sợ thường trực cho quân địch ở ngay tại những nơi được chúng bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Sự phát triển của các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ ở nội thành, các căn cứ và lực lượng vũ trang ngoại thành đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, hình thành thế liên hoàn, trực tiếp uy hiếp sào huyệt của kẻ thù.
Từ những mầm mống đầu tiên, lực lượng biệt động nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, toả rộng khắp các địa bàn trên cả nước và có nhiều đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, ngày 28/7/2018.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, ngày 28/7/2018.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình.
NHỮNG ĐÁNH GIÁ VỀ
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH
Cá nhân đồng chí Nguyễn Bình, trong một giai đoạn lịch sử nhất định đã có những đóng góp quan trọng cho sự chuẩn bị tư thế kháng chiến của Nam Bộ.
(Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định)
Được lệnh vào Nam Bộ, trong khi bộ đội ở đó chỉ còn một số ít đang bị hàng vạn quân giặc bao vây chặt chẽ, đã kiên quyết sáng suốt xây dựng bộ đội lớn mạnh và chỉ huy chiến đấu đánh thắng quân địch nhiều trận lớn trên các chiến trường Nam Bộ.
(Ngày 29/5/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 84/SL truy tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình, quyết định khen thưởng ghi)
Trung tướng Nguyễn Bình luôn luôn giữ trọn danh hiệu cao quý của người cộng sản, trung thành với sự nghiệp cách mạng, một lòng một dạ chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với đồng bào và đồng đội, đồng chí là người sống có nghĩa, có tình, trung thực, thẳng thắn, luôn nghiêm khắc, quyết đoán trong xử lý tình huống. Đồng chí luôn tôn trọng nhân tài, đã cảm hóa, động viên các nhân sĩ, trí thức yêu nước phát huy tài năng phục vụ cách mạng.
(Điếu văn do Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng đọc tại Lễ truy điệu Trung tướng Nguyễn Bình ngày 11/3/2000)
Tuy mất một mắt nhưng tôi lại thấy sáng ra hơn khi còn hai mắt.
Bác đã giao miền Nam cho Nguyễn Bình, thành phố Cảng tặng Nguyễn Bình khẩu súng này để hoàn thành nhiệm vụ Bác giao. Nguyễn Bình thề với khẩu súng này: Nếu để Nam Bộ mất, Nguyễn Bình sẽ chết với khẩu súng này.
Các đồng chí về thành, rừng người bảo vệ các đồng chí còn tốt hơn rừng cây.
Ngày xuất bản: 17/12/2024
Nội dung: Thiếu tá, ThS Lê Minh Nam, Viện Lịch sử Quân sự
Ảnh: QĐND, TTXVN
Tranh chân dung nhân vật: Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Trình bày: Văn Toản