Trưng bày mỹ thuật chuyên nghiệp

Để tiềm năng thành giá trị đích thực

Trưng bày sưu tập mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 4/2022. Ảnh: Kiều Dương

Trưng bày sưu tập mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 4/2022. Ảnh: Kiều Dương

Sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam những năm gần đây được thể hiện qua việc xuất hiện liên tục và dày đặc các triển lãm với đa dạng mô hình tổ chức. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vắng không gian và điều kiện thiết kế trưng bày tác phẩm chuyên nghiệp để đem tới trải nghiệm thị giác đặc sắc cho công chúng nói chung, đồng thời thu hút sự quan tâm của khách hàng, giới đầu tư, sưu tập nghệ thuật nói riêng đang là khó khăn lớn tác động đáng kể đến những nỗ lực hoạt động.

“Của khoe không bằng cách khoe”

Lâu nay, mỹ thuật đã không còn chỉ là tranh treo tường, tượng bày trong phòng và tượng đài nữa, mà còn bao gồm nhiều hình thức nghệ thuật đương đại như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art, body art, các hình thức nghệ thuật đa phương tiện... Sự đa dạng của các loại hình sáng tác mỹ thuật đồng thời đòi hỏi nhiều thay đổi trong cách thức trưng bày và giới thiệu chúng đến với công chúng.

Ở nước ta hiện nay, triển lãm mỹ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì có ba mô hình: Triển lãm Điêu khắc toàn quốc, định kỳ 10 năm, gần đây nhất là 2003-2013; Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam định kỳ 5 năm và từ năm 2020 là định kỳ ba năm; Festival Mỹ thuật trẻ định kỳ ba năm. Ít nhất là từ năm 2010 trở lại đây, cả ba mô hình này, đến mỗi kỳ triển lãm, đều vấp phải bài toán nan giải: bày ở đâu và bày như thế nào cho hàng trăm tác phẩm vô cùng đa dạng về kích thước, chất liệu, hình thức.

Triển lãm mỹ thuật cấp quốc gia gần đây nhất là Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020, diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội). Đây có lẽ cũng là triển lãm mà công tác trưng bày tác phẩm thật sự bộc lộ nhiều vấn đề. Khu vực trưng bày khá rộng rãi, bao gồm bảy tầng nhà, mỗi tầng có diện tích mặt sàn hơn 300m2, chưa kể hai sảnh và nhiều vách ngăn phụ được dựng tạm để treo tranh, bày tượng, đưa tổng diện tích trưng bày ước tính lên đến hơn 3.000m2. Nhưng do số lượng sáng tác lớn, hơn 500 sáng tác với kích thước, chất liệu đa dạng nên đem tới cảm giác chung là hết sức rối mắt.

Một góc Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Ảnh: An Trung

Một góc Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Ảnh: An Trung

Các triển lãm mỹ thuật cấp quốc gia nói chung thường được bày trong một không gian tạm thời cho triển lãm nên không có hệ thống ánh sáng, tường vách chuyên nghiệp. Sự trình bày tác phẩm vẫn theo một mô hình đơn giản, sơ sài, hoặc theo yếu tố chất liệu sáng tác, hoặc một vài yếu tố vùng miền, phong cách rất đại trà, đủ mặt.
Bà Dương Thu Hằng, phụ trách Hanoi Studio, Hà Nội.

Mỹ thuật cũng là lĩnh vực duy nhất ở Việt Nam hiện nay có bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia (xếp hạng I). Tọa lạc trên khu đất vàng của Thủ đô (ngã tư Nguyễn Thái Học-Văn Miếu, quận Ba Đình) với diện tích xấp xỉ 4.700m2, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có gần 2.000 hiện vật trưng bày thường xuyên, trong đó có chín hiện vật thuộc danh mục Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, đại diện của Bảo tàng cho biết: “Bảo tàng có kế hoạch hằng năm về công tác chỉnh lý trưng bày nhưng chỉ là những chỉnh lý nhỏ, kết cấu trưng bày cơ bản vẫn từ năm 2000.

Các phần trưng bày thường xuyên không có thay đổi gì nhiều, ngoại trừ việc cho tạm nghỉ những bức tranh xuống cấp trầm trọng và thay mới khung bục trưng bày, bổ sung phụ kiện trưng bày. Việc chỉnh lý cũng được làm dần từng bước vì kinh phí eo hẹp". Vị đại diện này cũng cho biết thêm, hiện nay, mật độ treo tranh quá dày, không có điểm nghỉ, khoảng thở và cần có những phụ kiện trưng bày hiện đại hơn, thông tin về tác phẩm đi cùng trưng bày nói chung còn sơ sài, chưa kể đến thực trạng khác là tranh bày nhiều và phơi mặt tranh trực tiếp nên khi số lượng khách quá đông, khó bề kiểm soát ý thức “tương tác” với tác phẩm của họ, dẫn đến nhiều rủi ro cho việc bảo vệ tác phẩm.

Trong khi đó, khác hẳn với những định chế nhà nước, do nhìn thấy tiềm năng to lớn về giá trị và trị giá của nghệ thuật, nhiều tư nhân hoặc nhóm tư nhân đã mạnh dạn đầu tư cho mỹ thuật thông qua việc thành lập, vận hành các không gian theo hướng chuyên nghiệp, tuân thủ những nguyên tắc hoạt động mang tiêu chuẩn chung của thế giới. Họ nhanh chóng nắm bắt cơ hội về nhân lực thế hệ mới được đào tạo bài bản hơn hoặc năng động hơn trong việc cập nhật kiến thức khoa học chuyên ngành.

Nguyễn Gia Trí, Phong cảnh, sơn mài, 155,5x400cm, năm 1939, Một trong chín bảo vật quốc gia hiện được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Nguyễn Gia Trí, Phong cảnh, sơn mài, 155,5x400cm, năm 1939, Một trong chín bảo vật quốc gia hiện được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Trong vòng năm, bảy năm qua, sự ra đời của Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA, Hà Nội), Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo (Vĩnh Phúc), Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (TP Hồ Chí Minh), Dự án Phố bên đồi (Đà Lạt, Lâm Đồng) cùng nhiều không gian nghệ thuật lớn nhỏ khác, đặc biệt là các địa chỉ kinh doanh không gian làm việc chung (co-working space)... là những định chế mới nổi rất đáng chú ý.

Các không gian trưng bày nghệ thuật của tư nhân ở Việt Nam, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan, hoàn toàn có thể đóng cửa, tạm đóng cửa, rời chuyển đến một nơi chốn khác. Họ chỉ có thể chịu trách nhiệm với các quan hệ cá nhân của họ chứ không thể khoác cho họ một vai trò xã hội nhất định như các định chế nghệ thuật của nhà nước, có sử dụng ngân sách hay quỹ tài trợ từ chính phủ. Đây chính là một bất lợi cho sự phát triển của đời sống mỹ thuật.

Trong đầu tư cho văn hóa nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước luôn đóng vai trò dẫn dắt, điều hướng. Một thí dụ điển hình là khi một nghệ sĩ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập tác phẩm, cho dù trị giá của nó khó có thể so sánh với giá trên thị trường, vẫn luôn là vinh dự lớn cho nghệ sĩ, góp phần quan trọng trong việc khẳng định danh tiếng và nâng cao vị thế của nghệ sĩ trong giới chuyên môn và cả với công chúng.

Trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo. Ảnh: FCAM

Không gian trưng bày tại VCCA Hà Nội. Ảnh: VCCA

Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo. Ảnh: FCAM

Không gian trưng bày tại VCCA Hà Nội. Ảnh: VCCA

Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Chính vì vậy, thiết nghĩ, chất lượng trưng bày mỹ thuật ở Việt Nam cần được cải thiện càng sớm càng tốt và điểm phóng chiếu đầu tiên về vai trò dẫn dắt của định chế nhà nước trong lĩnh vực này chính là từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Gần đây, có so sánh tại sao Bảo tàng Mỹ thuật cấp quốc gia mà lại chưa thể thực hiện được một trưng bày các tác phẩm mỹ thuật thời kỳ Đông Dương thật đẹp và sang trọng như có một nhà đấu giá nước ngoài đã làm tại TP Hồ Chí Minh, tháng 7 vừa qua. Nhưng với những quy định chung lâu nay về ngân sách cho hoạt động triển lãm chuyên đề, nghiên cứu sưu tầm tại hệ thống bảo tàng công lập, sẽ, thật khó thực hiện được.

Những giới hạn về ngân sách cũng là nguyên do chính dẫn đến việc cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể có được một hoặc một số trung tâm trưng bày triển lãm mỹ thuật tương xứng với vị thế quốc gia, do nhà nước đầu tư, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới-điều mà các cơ quan liên quan ấp ủ từ nhiều năm trước.

Cần phải nhắc lại là trong Quyết định số 1755/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 8/9/2016, phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có ghi rõ: “Mục tiêu đến năm 2030, ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thu về khoảng 125 triệu USD”.

Mục tiêu ấy hoàn toàn khả thi nếu có một sự quan tâm đồng bộ dành cho hoạt động này, trong đó, cần phải có một hệ thống các địa chỉ trưng bày, triển lãm nghệ thuật chuyên nghiệp là rất cấp thiết.

Thiết kế trưng bày nghệ thuật là một nghề thực thụ

Thiết kế triển lãm rất quan trọng. Đó là một trong bốn khâu trụ cột quyết định sự thành công của một triển lãm, bên cạnh ý tưởng giám tuyển, chất lượng tác phẩm và chương trình tương tác với công chúng.

Tại các bảo tàng lớn, việc thiết kế triển lãm mang một ngôn ngữ chung theo định dạng của kinh viện, trong đó, sự nhất quán là thiết yếu. Họ có một cuốn nhận diện thương hiệu lên tới cả nghìn trang, thảo ra chi tiết các quy tắc thiết kế cho các trưng bày tĩnh để bảo đảm sự nhất quán, từ cách dùng kích thước logo, màu và kiểu chữ chính/phụ cho tới hướng dẫn viết nhãn tác phẩm, chất liệu in ấn, cách lựa chọn và sử dụng hình ảnh quảng bá, v.v. Tất cả đều được quy chuẩn để bảo đảm một bộ máy vài trăm người trải trên vài chục phòng, ban vận hành cho mỗi triển lãm sẽ có tiếng nói chung, giữ vững hình ảnh cho tổ chức và tối ưu trải nghiệm cho khán giả.

Thí dụ ở Singapore, trong ngành học Thực hành giám tuyển, bậc cao học, Thiết kế triển lãm là môn học quan trọng. Nhiều giáo sư chuyên về ngành này bắt đầu học và làm việc trong ngành kiến trúc, rồi rẽ nhánh vào Thiết kế triển lãm.

Một góc Triển lãm Sáu nghệ sĩ sau năm 1965 tại National Gallery Singapore, 2021. Ảnh: Ace Lê

Một góc Triển lãm Sáu nghệ sĩ sau năm 1965 tại National Gallery Singapore, 2021. Ảnh: Ace Lê

Các bảo tàng lớn thường sẽ có một phòng, ban phụ trách thiết kế triển lãm đồng thời kết hợp với những cố vấn độc lập bên ngoài theo dạng dự án. Được biết, với một triển lãm quy mô lớn tại National Gallery Singapore, sẽ có ngân sách tới sáu chữ số dành riêng cho khâu thiết kế triển lãm, từ nghiên cứu và lên ý tưởng cho đến tạo hình 3D và xuất file thi công.

Tôi tin là một khi chất lượng triển lãm đạt chuẩn, nhà tổ chức hoàn toàn có thể đưa ra những biện pháp để bảo đảm sự tôn trọng với không gian triển lãm, thí dụ như giới hạn số lượng người hay bán vé vào cửa. Với cơn khát hoạt động văn hóa như hiện nay, khán giả thông thái sẽ tự biết gạn đục khơi trong, và sẽ tập cho mình được thói quen “mở hầu bao” cho nghệ thuật như một sự tôn trọng hai chiều
Giám tuyển Ace Lê, Thạc sĩ ngành Nghiên cứu bảo tàng và Thực hành giám tuyển, Trường đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University).

Ứng xử, trào lưu và chuẩn mực

Bên cạnh đó, việc giáo dục nghệ thuật, giáo dục kỹ năng ứng xử tại các không gian văn hóa nghệ thuật công cộng là một kỹ năng mềm còn thiếu hụt trong giáo dục phổ thông của Việt Nam nhiều năm qua. Dù bảo tàng và triển lãm không phải là thứ gì quá mới ở Việt Nam, nhưng, cho tới tận thời điểm hiện tại, các triển lãm nghệ thuật đối với số đông người dân vẫn còn là những sự kiện có phần xa lạ.

Khoảng 10 năm trở lại đây, bên cạnh sự hiện diện của các bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật, sự ra đời của ngày càng nhiều và đa dạng hình thức không gian, studio, trung tâm nghệ thuật do tư nhân đầu tư tại nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, liên tục đem tới công chúng các sự kiện triển lãm mỹ thuật.

Sự phát triển nghệ thuật đương đại với những không gian mới, hiện đại, các tác phẩm nghệ thuật được làm với quy mô kích thước lớn và hấp dẫn về mặt thị giác, đã đặc biệt thu hút đông đảo giới trẻ. Tuy nhiên, khi lượng khách tới một cách ồ ạt, lại không được hỗ trợ giáo dục, hướng dẫn về cách thức tiếp cận một trưng bày nghệ thuật, chất lượng cảm nhận nghệ thuật của chính họ và người xem chung quanh đều bị ảnh hưởng không tốt.

Người trẻ check-in tại Triển lãm Điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn 2020. Ảnh: An Trung

Người trẻ check-in tại Triển lãm Điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn 2020. Ảnh: An Trung

Đáng kể đầu tiên hẳn phải là tiếng ồn, đôi khi đến mức độ ô nhiễm, trong không gian trưng bày mỹ thuật. Có nhiều loại tiếng ồn. Ở những không gian triển lãm của nhà nước, và những địa điểm cho thuê trưng bày triển lãm chuyên nghiệp, đôi lúc các cuộc nói chuyện của khán giả trong triển lãm, hay giữa khách thăm triển lãm và nghệ sĩ tác giả: nói to, cười đùa, tay bắt mặt mừng, làm giật mình cả khách đang xem khác.

Không ít tác giả tự trực tại phòng triển lãm của mình, thế là tranh thủ nói chuyện điện thoại, lướt video trên mạng, nhắn tin “ting ting” thật vô tư, quên mất có khách đang lặng lẽ ngắm tranh, tượng của họ. Nhất là những nhóm khách đi theo gia đình có trẻ nhỏ; cả gia đình vẫn giữ nguyên không khí sôi nổi và vô tư ở công viên khi bước vào phòng triển lãm.

Việc chụp hình check-in trong triển lãm trưng bày hay các địa điểm tham quan nào trong thành phố đã trở thành một thói quen mới trong văn hóa hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh mục đích lưu giữ kỷ niệm trong mỗi hành trình, đáng bàn là hiện tượng lạm dụng chụp hình trong các không gian nghệ thuật, cố tình tới các không gian để tổ chức chụp hình, mượn các tác phẩm như những phông nền để thực hiện bộ ảnh cá nhân. Hoạt động này của các bạn trẻ cũng có thể tạo nên những hiệu ứng tốt như: một cách thụ động, họ cũng tiếp cận với các tác phẩm và cảm nhận được ít nhiều; và góp phần lan tỏa được hình ảnh về các sự kiện/tác phẩm rộng rãi ra cộng đồng.

Trong nhiều trường hợp, tiếng ồn hay việc chụp ảnh “check-in sống ảo” tại nhiều không gian trưng bày mỹ thuật gây ra không ít ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của việc trưng bày và thưởng thức nghệ thuật, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của những bức tranh, tượng quý hiếm, là bảo vật quốc gia.

Những “cách đi” còn ngẫu hứng

Một khía cạnh khác rất đáng chú ý là thời gian dành cho một trưng bày mỹ thuật ở Việt Nam khá bất cập. Ở nước ta lâu nay, loại hình phòng trưng bày tự phát trong bảo tàng, trường nghệ thuật, một số trung tâm văn hóa thường chỉ là nơi cho thuê địa điểm, nghệ sĩ tự lo mọi chi phí và các thủ tục liên quan. Chính vì thế, các triển lãm ở dạng này, vốn chiếm tuyệt đại đa số ở Việt Nam hiện nay, thường có thời gian trưng bày ngắn, trong khoảng 5-10 ngày.

Nguyên do chính là kinh phí eo hẹp, tác giả nghệ sĩ tự bỏ tiền túi, và thường không thu vé vào cửa. Gần đây, xuất hiện một số địa chỉ gallery tư nhân quảng bá việc bán vé và hạn chế lượt khách thăm để giữ trật tự và dành không gian, điều kiện tối đa cho thưởng lãm nghệ thuật thì cũng lại vấp phải không ít ý kiến trái chiều.

Khách thăm Mori Art Museum, Nhật Bản xếp hàng mua vé tham quan sau giờ làm việc. Bảo tàng này mở cửa từ 10 giờ đến 22 giờ hằng ngày, trừ những dịp đặc biệt. Ảnh: Đức Đạt

Một không gian trưng bày nghệ thuật sắp đặt tại Mori Art Museum, Nhật Bản. Ảnh: Đức Đạt

Khách thăm Mori Art Museum, Nhật Bản xếp hàng mua vé tham quan sau giờ làm việc. Bảo tàng này mở cửa từ 10 giờ đến 22 giờ hằng ngày, trừ những dịp đặc biệt. Ảnh: Đức Đạt

Một không gian trưng bày nghệ thuật sắp đặt tại Mori Art Museum, Nhật Bản. Ảnh: Đức Đạt

Đến mùa triển lãm (bắt đầu từ mùa thu năm này đến đầu mùa hè năm sau) có rất nhiều triển lãm xếp hàng chờ đến lượt, mà thường nghệ sĩ phải đặt phòng trước khoảng sáu tháng đến hai năm. Vì vậy, có những triển lãm chỉ có một ngày để lắp đặt tác phẩm: từ vận chuyển đến treo tranh, tượng, chỉnh ánh sáng... rất vất vả, đôi khi khai mạc xong mới thấy là không thể hoàn hảo và không chuyên nghiệp vì thời gian quá gấp gáp.

Phòng trưng bày nghệ thuật là một nơi để xây dựng các kết nối cộng đồng có mối quan tâm chung về nghệ thuật. Ở đó nghệ sĩ và tác phẩm là trung tâm, quanh họ là giới sưu tập nghệ thuật, khách hàng, giám tuyển, nhà giáo dục, nhà tổ chức và cả nhà xuất bản (nếu in sách hay vựng tập tặng hoặc bán). Cộng đồng nghệ thuật rất quan trọng với từng nghệ sĩ.

Vậy nên chăng, giới chức quản lý văn hóa nghệ thuật cần quan tâm chú ý hơn nữa đến việc lập một quỹ hỗ trợ mỹ thuật ở Việt Nam, đầu tư cho các nghệ sĩ có tác phẩm tốt có cơ hội trưng bày triển lãm lâu dài hơn, chuyên nghiệp hơn, góp phần thúc đẩy nhận thức nghệ thuật đúng đắn hơn cho công chúng, tạo đà hình thành thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp trong tương lai gần!

Đa dạng hóa không gian

Xu hướng phát triển các loại hình nghệ thuật công cộng ngoài trời phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới, như Đức, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore… Các quốc gia này rất coi trọng loại hình nghệ thuật công cộng để nâng cao nhận thức thẩm mỹ và đời sống tinh thần cho người dân, tạo được sự hấp dẫn cho du lịch, đồng thời đó cũng chính là những điểm chốt văn hóa để gắn kết cộng đồng.

Ở Việt Nam, bên cạnh hệ thống tượng đài, phù điêu được xây dựng từ thời Pháp thuộc, mô hình vườn tượng/ điêu khắc ngoài trời, nhất là các mô hình xã hội hóa với sự tham gia của nhiều bên, đã xuất hiện từ thập niên 90 thế kỷ trước (Hà Nội với Trại điêu khắc quốc tế năm 1997, tại Công viên Bách thảo). Theo thời gian, mô hình này được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Đà Nẵng, An Giang,... Tính đa dạng của xu hướng trưng bày ngoài trời cũng được chú trọng, phát huy sự sáng tạo của nghệ sĩ và nhà tổ chức. Không chỉ có công viên điêu khắc hay vườn tượng, các dự án trưng bày mỹ thuật ngoài trời còn có tranh gốm sứ, làng bích họa, phố bích họa, một số dự án nghệ thuật đa phương tiện ở Hà Nội, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng, Kiên Giang...

Một trưng bày sắp đặt ngoài trời tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, 2018. Ảnh: Thu Hằng

Một trưng bày sắp đặt ngoài trời tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, 2018. Ảnh: Thu Hằng

Mỹ thuật đang đi vào đời sống của người Việt một cách phổ biến hơn với sự kết hợp của các mô hình kinh doanh thương mại có sử dụng các tác phẩm mỹ thuật như một hình thức trang trí, làm thay đổi không gian tổ chức sự kiện, thí dụ như các sảnh của các tòa nhà phức hợp, quán cà-phê, một khu vực bên trong các trung tâm thương mại… Các hình thức kết hợp này có tính hợp lý và tiềm năng để phát triển cho việc mở rộng không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật và nâng cao nhận thức cảm thụ nghệ thuật đối với công chúng.

Gần đây, tại TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện mô hình thuê/mượn sáng tác mỹ thuật, không gian trưng bày mỹ thuật để một đơn vị tổ chức sự kiện thực hiện chương trình đặc biệt, đem tới trải nghiệm mới cho khách hàng của họ, nhấn mạnh yếu tố khác biệt của sản phẩm của họ với khách hàng. Trong không gian này, yếu tố thẩm mỹ được đề cao, các sáng tác mỹ thuật được chăm chút chi tiết, đồng bộ về khung, giá đỡ, quy cách sắp xếp, treo và cung cấp thông tin theo từng đơn vị hoặc chuỗi sáng tác. Cách làm này đặt mỹ thuật vào một vị thế khác hẳn so trước đó, cho thấy tiềm năng của lĩnh vực này ở góc độ thương mại.

Do đặc thù lịch sử, ở nhiều địa phương, nhất là ở các đô thị lớn có hàng trăm năm tuổi, tồn tại đồng thời các di tích cổ, thư viện, các nhà văn hóa địa phương, bưu điện thành phố và đa dạng địa điểm bảo đảm yếu tố không gian cho tác phẩm… Tất cả hoàn toàn có thể được lột xác nhờ những cách thức trưng bày nghệ thuật đương đại trong một thời hạn nhất định. Điều này có ý nghĩa tạo ra sự bất ngờ, linh hoạt cho các nơi chốn vốn quen thuộc trong đời sống, và cho sự năng động của văn hóa thành phố. Đây là cơ hội để mang nghệ thuật đến với công chúng một cách có chủ đích, bài bản và hiệu quả.

Trưng bày mỹ thuật trong một quán cà-phê ở Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng

Trưng bày mỹ thuật trong một quán cà-phê ở Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng

Trong quá trình đô thị hóa, mô hình của kiến trúc và thiên nhiên kết hợp với các tác phẩm mỹ thuật là một giải pháp vừa mở rộng không gian trưng bày cho mỹ thuật vừa nâng cao tính thẩm mỹ, nhân văn và cả lợi ích kinh tế cho hoạt động của địa phương.

Việc nghiên cứu và sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật cho những không gian trưng bày mở rộng chưa có tiền lệ kể trên không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực để sáng tạo ra những tác phẩm mang tính phổ quát/ nhân văn hơn đối với các nghệ sĩ, mà cần đến sự kết hợp một cách chuyên nghiệp giữa nghệ sĩ, giám tuyển, các nhà lý luận nghệ thuật, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, ban cố vấn kỹ thuật, truyền thông, quan hệ công chúng… Vô hình trung, chính sự hình thành các chuỗi không gian trưng bày mở rộng liên quan các địa điểm văn hóa như vậy đã làm các thành tố của văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại gắn kết chặt hơn để phát triển một cách chuyên nghiệp.

Trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo. Ảnh: FCAM

Trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo. Ảnh: FCAM

Ngày xuất bản: 22/8/2022
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, ĐÀO MAI TRANG, TRẦN THU HUYỀN, MAI LOAN, BẰNG LĂNG, THU HẰNG, AN TRUNG, ĐỨC ĐẠT
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG