Bắc Kinh mơ về "những dòng sông hạnh phúc"

Ô nhiễm nguồn nước là một trong những mối đe dọa sinh thái nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Chuyên đề Xử lý ô nhiễm nguồn nước - vấn đề cấp bách mang đến góc nhìn đa chiều từ nỗ lực hồi sinh những dòng sông, con suối "chết", cho tới những biện pháp để "tắt chế độ báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm này ở một số quốc gia trên thế giới.

“Linh khí cố đô Bắc Kinh sinh ra từ nước”

Từ thuở dựng đô cách đây hơn 700 năm, Bắc Kinh dựa thế nước mà thành, thuận thế nước để tiến. Đến nay, những nhánh sông chảy trong lòng thành phố không chỉ là những động mạch thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là những khu cảnh quan sinh thái thân thiện, nuôi dưỡng đời sống tinh thần người dân thủ đô.

Bên kia cầu vượt là khu trung tâm thương mại của Bắc Kinh.

Bên kia cầu vượt là khu trung tâm thương mại của Bắc Kinh.

Khôi phục diện mạo cố đô

Trải qua sự công phá của thời gian, cùng với đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, mạch sống đường thủy trong nội thành Bắc Kinh bị nhồi nhét, trở thành những lòng sông hồ cạn nước, bị ô nhiễm bởi rác thải, bùn lầy, cỏ dại. Khô hạn và thiếu nước sử dụng vốn là đặc điểm của Bắc Kinh.

Những công trình dẫn nước khổng lồ Quan Đình, Vĩnh Định, Mật Vân và Kinh Mật lần lượt được xây dựng từ đầu những năm 50 đến 60 của thế kỷ trước, đã tạo ra động năng, thay đổi hiện trạng khan hiếm nước của thành phố.

Tuy nhiên, cùng với nhịp phát triển kinh tế từ những năm 1980, tới đầu thế kỉ 21, thành phố phình to bởi những khối kiến trúc đồ sộ và lượng dân nhập cư tăng đột biến, kéo theo những nhánh sông hồ quá tải.

Những kênh thoát nước chủ yếu đi ngầm trở nên lạc hậu, 80% các nhánh sông tại Bắc Kinh bị ô nhiễm, tích bùn có độ sâu từ 80-120 cm. Dọc theo Hồ Đồng Tử - “chuỗi vòng cổ của Tử Cấm Thành” - có tới 400 điểm xả thải.

Trả lại những dòng sông sạch, duy trì dòng chảy liên tục, khai thác tuyến du lịch đường thủy trở thành nhiệm vụ quan trọng và liên tục của Bắc Kinh. 1,1 tỷ nhân dân tệ vào thời điểm 1998 là nguồn vốn lớn, huy động từ trái phiếu chính phủ và các khoản vay ngân hàng, được sử dụng cho Dự án phục hồi diện mạo cố đô.

Đây là dự án quy mô lớn, với chiều dài 50 km, xuyên suốt 13 hồ nước nội thành, trong đó gồm Lục Hải - 6 hồ nước có ý nghĩa lịch sử quan trọng tại lõi trung tâm thành phố. Những năm trước với công nghệ lạc hậu, Bắc Kinh đã huy động 180 nghìn người để nạo vét bùn tại hồ Côn Minh trong Di Hòa Viên.

Công nghệ được áp dụng trong những năm 2000 là sử dụng đường ống dài 20 km, dùng áp lực nước để bơm đẩy bùn vào khu vực xử lý. Hàng trăm nghìn mét khối bùn và rác thải trôi qua đường ống, âm thầm như lúc chúng đến và tích trữ tại lòng hồ. Chỉ có khoảng 500 công nhân tham gia dự án này.

Từ trung tâm Tử Cấm Thành, thuyền xuôi bốn phương tám hướng, sau gần 100 năm trung đoạn, tuyến giao thông thủy lộ nội thành dài 50 km, chảy qua những điểm du lịch nổi tiếng xuyên qua một nửa thành phố nay đã hồi sinh.

Tại những đoạn hồ cần có độ sâu để di chuyển bằng thuyền, đáy hồ được phủ bằng vật liệu xi măng thân thiện môi trường, vừa giúp cho thủy sinh sinh trưởng, đồng thời vừa đủ độ cứng để có lợi cho công tác nạo vét bùn thường xuyên. Bờ kè sau mỗi khoảng cách nhất định được kè sâu vào bờ, tạo khoảng lõm để hấp thụ sóng và mở rộng diện tích hồ nước.    

Tuyến đường thủy nội thành đã góp phần tái hiện diện mạo của cố đô, thu hút đầu tư, tăng giá trị bất động sản dọc hai bên hồ, tạo việc làm cho một bộ phận người lao động nghỉ hưu sớm.

Với những trung tâm thương mại cao tầng, những cây cầu dựng theo lối cổ, công viên với thảm cỏ xanh mượt, bể bơi với thiết bị hiện đại, Bắc Kinh trở thành điểm du lịch nội thành hút khách, tạo nên sức sống mới cho thủ đô.

Một góc Thập Sát Hải.
Một góc Thập Sát Hải.
Bắc Hải, vốn là khu vực của hoàng tộc, hiện nay được khai thác là điểm du lịch trên hồ.

“Năm 1272, Nguyên Đại đô được xây dựng dựa trên trục Tý Ngọ (nam - bắc). Trên trục Tý Ngọ này, khu vực đầm Bạch Liên được cắt ngang thành hai nửa trên dưới với 6 hồ nước thông nhau, phía nam ở dưới trở thành đất của hoàng tộc với Bắc Hải, Trung Hải và Nam Hải (được đào vào đời Minh), phía bắc ở phía trên gồm Tiền Hải, Hậu Hải và Tây Hải là nơi sinh sống của người dân.

Nguyên Đại đô với bố cục các trục đường chạy theo hướng chính đông, nam, tây, bắc, cùng với các ngõ (Hutong), trở thành lõi trung tâm định hình nên quy hoạch đô thị của thành Bắc Kinh ngày nay”.

- Theo Baidu

Một góc nhìn ra Bắc Hải.

Một nhánh sông, một chính sách

Người đứng đầu quản lý một nhánh sông, một hồ nước, nếu để gây ra sự việc tổn hại môi trường sẽ bị truy cứu trách nhiệm chính trị và hành chính trọn đời.

Cơ chế Trưởng sông, Trưởng hồ được ghi nhận là sự sáng tạo của Bắc Kinh, hiện được thành phố thúc đẩy toàn diện. Cơ chế gồm 4 cấp, cao nhất là thành phố quản lý 14 lưu vực sông hồ, các cấp tiếp theo lần lượt là cấp quận, phường (xã) và Thôn. Chức danh Trưởng và Phó được đảm nhiệm bởi lãnh đạo Đảng và Chính quyền các cấp.

Ngoài việc đôn đốc xây dựng hạ tầng xử lý nguồn nước và nước thải, Trưởng sông, Trưởng hồ có nhiệm vụ căn cứ vào nguyên tắc “một nhánh sông, một chính sách” để tổ chức xây dựng đề án xử lý ô nhiễm môi trường nước và cảnh quan hai bên.

Năm 2011 đánh dấu mức ô nhiễm môi trường nước tại Bắc Kinh đạt tới đỉnh điểm, đa số những nhánh sông, hồ từ vành đai 4 vào trung tâm đều gây ám ảnh bởi màu nước đen ngòm và mùi bốc lên.

Hầu hết các nhánh sông, hồ đều có mức ô nhiễm gần hoặc chạm mức nghiêm trọng. Những cái tên vốn rất mỹ miều, như sông Lượng Thủy (nước sáng), sông Thanh (xanh), hồ Tiểu Nguyệt… thuộc nhánh sông Bắc Vận Hà trở thành những dòng nước quyện với bùn hôi thối. Nhiều hồ nước cạn do bùn và rác thải, hầu hết các dòng sông tại Bắc Kinh xuất hiện hiện tượng tảo nở hoa.

5 hệ thống sông chảy qua địa phận Bắc Kinh, gồm Triều Bạch, Bắc Vận, Vĩnh Định, Cự Mã và Kế Vận, gồm 41 nhánh sông có nước, tạo thành 425 hồ nước tự nhiên, ngoài ra còn 88 hồ chứa nước nhân tạo.

Tổng diện tích mặt nước sông hồ tại Bắc Kinh là 371,38 km2, tổng chiều dài các nhánh sông, hồ có nước là 2.616 km. Theo thống kê đo đạc mức độ ô nhiễm tháng 5/2013, ngoài 4 nhánh sông chưa được tiến hành đo đạc, 37 nhánh sông còn lại có chất lượng ô nhiễm nước vượt mức cho phép.

Các chỉ số ô nhiễm của 5 hệ thống sông kể trên đều chạm ngưỡng báo động, đặc biệt là hệ thống sông Bắc Vận, nơi tập trung nhiều kênh nước gồng gánh 90% nhiệm vụ thoát nước của khu vực trung tâm có 70% dân số thành phố.

Do vậy, kế hoạch xử lý nước bẩn 3 năm lần thứ nhất (2013-2015) đặt ra mục tiêu xử lý từ đầu vào thành phố, song song với công thức “một cống thải – một biện pháp xử lý”. Về tổng thể, thành phố lên kế hoạch xây mới 47 nhà máy tái chế nước, nâng cấp cải tạo 20 nhà máy xử lý nước thải, lắp mới 1.300 km đường ống nước thải.

Trải qua Kế hoạch 3 năm lần thứ 2 và Kế hoạch 3 năm lần thứ 3 đang được triển khai, những kênh dẫn nước chủ yếu vốn là điểm nóng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng như Thành Hà (28,69 km); Lượng Thủy (68 km), Tiêu Thái Hậu (21 km), thì nay đã trở thành những mạch sống gắn liền với nước của thành phố.

Thành công của những Kế hoạch 3 năm trở thành viên gạch đầu tiên, đặt nền tảng cho giấc mơ tiến tới một thành phố du lịch, nơi có “những dòng sông hạnh phúc” .

Bắc Hải, vốn là khu vực của hoàng tộc, hiện nay được khai thác là điểm du lịch trên hồ.
Hồ Phủ Tiên (Vân Nam), nước ở đây có thể uống trực tiếp, điểm bảo tồn đặc biệt cấp nhà nước.

Những dòng sông hạnh phúc

Từ dòng sông ô nhiễm đang sống “ngắc ngoải”, sông Lượng Thủy mới đây đã gia nhập câu lạc bộ 17 nhánh sông, hồ điển hình cấp quốc gia của Trung Quốc.

Chảy qua 7 quận, dài 68 km, diện tích lưu vực sông 695 km2, sông Lượng Thủy là động mạch thoát nước lớn nhất phía nam thành Bắc Kinh, đồng thời có tác dụng điều tiết lũ. Dự án cải tạo chất lượng nước sông Lượng Thủy triển khai năm 2013, vốn đầu tư ban đầu 8 tỷ nhân dân tệ, được đặt ra yêu cầu rất cao. Trên cơ sở bảo đảm công năng xả lũ, dự án xử lý nước bẩn sông Lượng Thủy phải chuyển dịch từ mô hình công trình thủy lợi sang mô hình tài nguyên và sinh thái.

Công nhân đang cắt ngắn các cây thủy sinh sống dưới lòng hồ.

Công nhân đang cắt ngắn các cây thủy sinh sống dưới lòng hồ.

Dự án cải tạo nguồn nước và cảnh quan sông Lượng Thủy yếu cầu kết hợp phục hồi môi trường sinh thái, năng lượng mới và đất ngập nước nhân tạo. Bảo đảm 3 hiệu quả gồm xã hội - kinh tế - bảo vệ môi trường. Sử dụng ngân sách thành phố để hoàn thành đồng bộ công tác trị thủy, xanh hóa cảnh quan, quy hoạch đường tuần sông, bảo đảm chất lượng nước sạch, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và cung cấp điện năng, thiết kế trở thành phố đi dạo ven sông đầu tiên của Bắc Kinh.

Ngoài ngân sách thành phố, vai trò của doanh nghiệp cũng tạo tác dụng tích cực lên công tác thiết kế cảnh quan xanh. Gần đây, hồ Lượng Mã tại quận trung tâm Triều Dương đã cho ra mắt dự án hành lang cảnh quan quốc tế. Với vị trí địa lý trung tâm quận, dọc 6 km hai bên bờ sông là nơi thu hút nhiều trụ sở của các tập đoàn kinh tế lớn nhỏ.

Qua vận động của Trưởng sông, Trưởng hồ các cấp, nhiều doanh nghiệp đã tự giác trả lại hành lang sông, tạo điều kiện cho chính quyền triển khai hành lang cảnh quan kết hợp thoát nước. Cùng với sự tham gia của xã hội, chính quyền không còn đơn độc trong công tác bảo vệ môi trường.

Một điểm ngắm cảnh tại Hồ Điện (Vân Nam), điển hình của Trung Quốc trong bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.

Một điểm ngắm cảnh tại Hồ Điện (Vân Nam), điển hình của Trung Quốc trong bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.

Quan điểm trị thủy theo hướng sinh thái là bước chuyển dịch quan trọng trong công tác trị thủy của Trung Quốc, phù hợp với bước đi của những quốc gia tiên tiến trên thế giới. Năm 2002, Trung Quốc hợp tác với Đức triển khai dự án “Hành lang đất ngập mềm sông Vĩnh Định”, hiện nay là công viên đất ngập mềm Hắc Thổ Oa. Đây được coi là dự án đánh dấu bước chuyển dịch trong quan niệm trị thủy, cơ sở sáng tạo các phương pháp mềm sau này tại Bắc Kinh.

Ngày xuất bản: 30/9/2021
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: VISA, HỒNG VÂN, ĐỨC DUY, HOÀNG HÀ, PHAN ANH
Ảnh: VISA (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc)