FO TRƯƠNG QUỐC PHONG

“Chậm 5 phút, tôi đã sang thế giới khác”

Loạt bài “Tôi đã vượt qua lằn ranh sống chết trong đại dịch” ghi lại tháng ngày nguy hiểm rình rập, sang chấn tâm lý nhưng thấm đẫm tình người của những bệnh nhân Covid-19. Với quyết tâm “không bỏ cuộc” của đội ngũ bác sĩ, cùng nghị lực và may mắn của bản thân, họ đã hồi sinh kỳ tích.

Hít một hơi thật sâu khí trời sau 19 ngày sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở ô-xy, tim đập lạc nhịp khi được lên xe trở về nhà, Trương Quốc Phong ngoái đầu nhìn lại bệnh viện và cúi đầu nói thầm: “Xin được tạ ơn”. Thành phố thân thương đang khẽ thở nhẹ nhàng. Phong nhận ra, hạnh phúc lớn nhất của đời người chính là được thở.

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày giãn cách.

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày giãn cách.

Chậm 5 phút, tôi đã sang một thế giới khác

Trương Quốc Phong đã được trở về căn gác nhỏ tại quận 1, TP Hồ Chí Minh sáng 13/9. 19 ngày nằm viện, Phong đã trải qua tất cả cảm giác cùng cực nhất của khao khát được sống.

Phong phát hiện cơ thể mình có những triệu chứng khác lạ vào ngày 19/8. “Tôi không nghĩ mình nhiễm Covid-19. Nhưng khu trọ của tôi đã có người mắc, có người tử vong. Tôi nghĩ, thế nào rồi cũng tới lượt mình”, Phong kể.

Tự test tại nhà, Phong biết mình nhiễm bệnh nhưng anh vô cùng tự tin, gọi điện cho một số người bạn để lấy những thuốc điều trị tốt. Thậm chí, anh còn chuẩn bị cho mình một kiến thức dầy dặn với niềm tin mãnh liệt, mình sẽ là FO chiến thắng được bằng điều trị tại nhà.

“Đó là một sự tự tin sai lầm. 80% may mắn nhẹ và khỏi như mắc cúm. Nhưng 20% số còn lại, nếu không có sự can thiệp kịp thời sẽ tử vong. Tôi nằm trong số 20% đó”, Phong tâm sự.

Nhiệt độ cứ tăng liên tục, những cơn ho ngày một sâu hơn, không thể ăn uống nổi, không tự chăm sóc được mình như những ngày đầu. 6 ngày sau, Phong thấy mình không ổn thật sự, những hơi thở gấp gáp, có lúc bị hụt hơi. Phong cầu cứu anh em cùng lớp.

Sau nhiều gian nan, các bạn cùng lớp đã tìm được bình ô-xy để chuyển cho Phong. “Hẻm sâu, vác bình ô-xy lên gác tôi thở không ra hơi”, Phong kể. Chưa yên tâm, các bạn trong lớp kết nối Phong tới nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự để tư vấn điều trị tại nhà.

Bác sĩ báo nồng độ ô-xy trong máu thấp nguy hiểm, phải chuyển sang cách dùng ô-xy khác. “Em phải nhập viện nếu không sẽ tử vong rất nhanh”, bác sĩ nói với Phong.

Ngày 26/8, Phong được đưa tới Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chỉ số SpO2 xuống thấp 75. “Đó là chỉ số tử”. Phong mất kiểm soát hơi thở, nhanh chóng được đeo mặt nạ ô-xy. “Cảm giác lúc đó mình như con cá oằn mình vì bị ném lên bờ”. Bác sĩ nói, trễ vài phút, anh không còn giữ được sinh mạng.

Những ngày sang chấn tâm lý và một đêm suýt bỏ lỡ cơ hội sống

Phong được xếp vào phòng hồi sức tích cực, nằm chung với 3 bệnh nhân khác. Đó là một đêm vô cùng mệt và hoảng loạn. “Tôi được chụp mặt nạ thở ô-xy. Cơ thể như con robot chạy bằng pin, có ô-xy là khỏe lại, ngừng ô-xy là đi. Virus SARS-CoV-2 thật đáng sợ, nó chặn ô-xy nạp vào cơ thể một cách bình thường”.

Phong đã chảy nước mắt suốt đêm, vì sợ hãi, vì thương ba mẹ già ở quê, vì ngay phía bên giường kia, người vào viện cùng Phong cũng chỉ trong tình trạng chỉ số SpO2 giảm mà đã ra đi sau một đêm. Đó là nỗi ám ảnh đến tận cùng.

Phong bị tổn thương phổi rất nặng, không thể rời máy thở ô-xy một giây. Cơ thể khỏe mạnh chừng 75 ký, giờ đây phải nằm im bất động, phụ thuộc vào người khác chăm sóc, mọi vấn đề ăn uống vệ sinh tại chỗ. “Bác sĩ khuyến cáo mọi người phải tuân thủ không được rời khỏi giường. Có rất nhiều người ngại vệ sinh tại chỗ, cố gắng lết ra toilet và trong quá trình đó, họ đã gục xuống không thể cứu được”.

Phong thấm thía điều đó vì đã từng đánh cược bản thân với 60 giây để chạy ra nhà vệ sinh. Nhưng nửa chừng đường, hơi thở lụi dần, chỉ kịp đủ ý thức để chạy ngược trở lại giường chụp mặt nạ ô-xy thở dốc. Lúc này, muốn sống là phải nghe lời bác sĩ, Phong tự nhủ.

Tôi chưa bao giờ nghĩ không thở được 1-2 phút, mình sẽ chết. Mỗi khi bỏ mặt nạ thở ô-xy ra, tôi thấy mình như robot hết pin, cảm giác rất buồn. 60 giây đi vệ sinh cũng không kịp? 60 giây làm được gì bây giờ? Cảm giác một người khỏe mạnh, giờ phải chịu đựng sự sống phụ thuộc kéo dài vào máy móc, không biết khi nào thoát ra được rất kinh hoàng.

Những ngày nằm viện, Phong gặp những sang chấn tâm lý vì sợ và những ám ảnh từ những bệnh nhân nằm chung quanh. Hầu hết mọi người phải vào khu hồi sức đều nặng, nguy cơ tử vong cao. Nhưng không phải ai cũng hợp tác với sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Có người vùng vẫy, đòi gỡ ô-xy ra vì khó chịu. Có người kêu la cả ngày lẫn đêm. Nhưng họ không biết, càng kêu nhiều, hô hấp càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Có bệnh nhân không hợp tác, bác sĩ đành phải cột tay chân để giữ được hơi thở bằng máy thở ô-xy cho người bệnh”, Phong sợ hãi nhận ra sự sống ngày càng mong manh.

Cứ đúng giờ, các y, bác sĩ lại lấy máu, làm vệ sinh, cung cấp bữa ăn, tiêm 5 mũi/ngày, chụp X-quang phổi nhưng tuyệt nhiên Phong không biết cơ thể mình bị tổn thương tới đâu.

Phong chỉ cảm nhận được lá phổi của mình rất bất ổn và gần như trải qua hết các triệu chứng khó chịu nhất khi mắc Covid-19. Những cơn sốt cao hành hạ Phong ngày đêm, cơ thể đau nhức, mất hoàn toàn vị giác, khứu giác. Những bữa cơm, Phong cố gắng ăn từng chút một chỉ với một suy nghĩ phải vực dậy và trở về.

Bên kia, bệnh nhân vẫn mặc sức rên la vì sợ hãi. Những ai bất mãn, không hợp tác, phó mặc đều ra đi rất nhanh. “Cuộc sống mong manh trong tích tắc. Không biết ngày mai, người được lặng lẽ đưa ra cửa sau kia có phải là mình không. Tôi sợ hãi, căng thẳng nhưng trong đầu tự nhủ cố gắng phải ăn để có sức khỏe”, Phong nói.

Phong không dám tự ý ra khỏi giường, tất cả sự sống phụ thuộc vào nguồn ô-xy cung cấp cho cơ thể.

Phong không dám tự ý ra khỏi giường, tất cả sự sống phụ thuộc vào nguồn ô-xy cung cấp cho cơ thể.

Đêm là thời gian cơ thể các FO yếu đuối nhất vì sợ bóng tối và bất trắc. Gần như không có ai ngủ được một giấc sâu trong đêm. Ai cũng mong đến sáng, để được mở nhạc, được bắt đầu một ngày mới không sợ hãi. Hay nói đúng hơn, là mình đã sống thêm được một ngày, le lói niềm tin về việc cơ thể đang dần khống chế được virus SARS-CoV-2.

Phong cũng có một đêm kinh hoàng vì chìm vào giấc ngủ. Đó là ngày thứ 10 khi Phong nằm viện, cơ thể mệt rũ sau cơn sốt. Mặt nạ ô-xy đã rơi xuống và Phong lơ mơ thấy một sự thiếu hụt sự sống của cơ thể, chới với không vùng vẫy ra được. May bệnh nhân giường kế bên la lên rất to, Phong choàng tỉnh, vội vã kéo mặt nạ ô-xy thở gấp.

“Tôi cảm giác như mình vừa bước đến cửa quỷ môn quan. Ôm chặt mặt nạ ô-xy, tôi không dám nằm xuống ngủ. Tôi chỉ sợ trong cơn ngủ mê, một lần nữa mình sẽ lại không còn ô-xy mà thở”. Phong nhìn bệnh nhân giường bên cạnh với ánh mắt tạ ơn.

Ngày thứ 14, Phong được thử sang ống thở ô-xy nhỏ hơn, mừng rỡ vì thoát được áp lực của chiếc mặt nạ rất vướng víu. Ngày thứ 17, Phong thử rút hẳn ống thở ô-xy. “Đó là cảm giác được hồi sinh thật sự. Đó là hơi thở của mình, cuộc sống của mình. Chưa bao giờ tôi nghĩ, thở cũng làm cho mình hạnh phúc tới thế”, Phong nói.

Xin cúi đầu tạ ơn!
Đã có lúc mình nghĩ, mình không còn cơ hội để gặp lại bất kỳ một ai nữa. 19 ngày ở bệnh viện là 19 ngày cận kề ranh giới giữa sự sống và cái chết, đã có lúc mình cảm thấy bất lực trước cơ thể, muốn buông xuôi... Chiều nay được xuất viện về nhà để tĩnh dưỡng, lúc vác ba lô lên vai thấy như vác bao gạo cả trăm kg thì mình hiểu, hành trình phía trước vẫn còn gian nan. Nhưng mình đã vượt qua được Covid-19, an toàn và được cấp phép chính thức ở lại cùng với mọi người. Không gì hạnh phúc bằng khi chúng ta cùng được thở dưới một bầu trời...
Nhật ký ngày 13/9 của Trương Quốc Phong

Trân trọng cuộc sống hơn

Phong giấu gia đình mắc bệnh khi nhập viện. “Tôi bỏ ngỏ khai thông tin về nhân thân. Tôi sợ ba mẹ cao tuổi, lo lắng không chịu nổi khi con phải nguy kịch nhập viện. Tôi cố gắng ghi lại thông tin của người bạn thân nhất”, Phong tâm sự.

Cuộc sống tự lập gần 20 năm qua, Phong đã quen với việc tự lo cho mình, dù kể cả sẵn sàng đón nhận một kết cục sau cùng không may mắn. Căn bệnh Covid-19 đến bất ngờ và khủng khiếp nên vào lúc tỉnh táo nhất, Phong cố gắng nhắn tin cho người bạn thân. “Nếu Phong rơi vào trường hợp xấu, bạn hãy mang tro cốt mình về cho ba mẹ”.

Những ngày nằm viện, người bạn cùng lớp của Phong cũng nhiễm bệnh nằm điều trị tại một cơ sở khác. Cả hai động viên nhau cùng vượt qua. Nhưng tin xấu cứ liên tục dội về, người bạn ấy đã hôn mê. “Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện. Bạn ấy sinh năm 1990, còn quá trẻ”.

Ngày Phong xếp đồ rời bệnh viện, cũng là ngày anh nhận hung tin người bạn đồng môn đã vĩnh viễn không thể gặp lại.

Tôi đã bật khóc giữa bệnh viện vì lo cho bạn trong lúc nhân viên y tế đang bày máy móc ra để chụp phổi cho tôi. Tôi đã từng hy vọng bạn ấy sẽ như tôi, sẽ khỏe mạnh và trở về. Nhưng rồi, chỉ trong một buổi chiều, khi tôi cuốn ba lô xuất viện về nhà, niềm vui chưa trọn thì bạn ra đi mãi mãi. Bàng hoàng đến thảng thốt. Bạn chọn ra đi ngay lúc mình được quay về nhà...

Phong thấm thía, chỉ có nghị lực sống, hợp tác với bác sĩ mới có thể sống sót. Giờ đây khi được về nhà, trải qua một cơn sang chấn nặng nề về cả sức khỏe và tâm lý, Phong bảo anh vẫn chưa thể hồi phục. “Chỉ số vẫn xấu, phổi đã thoát ra khỏi tổn thương nhưng tôi thấy mình không khác gì một người già, chậm chạp và thở mệt. Sẽ phải rất lâu nữa, tôi mới có thể hồi phục”.

Trương Quốc Phong mong bình phục trở lại sớm để được trở lại tiếp tục theo học sự nghiệp làm đạo diễn.

Trương Quốc Phong mong bình phục trở lại sớm để được trở lại tiếp tục theo học sự nghiệp làm đạo diễn.

Bữa cơm đầu tiên ở phòng trọ dù thiếu thốn, nhưng Phong thấy ngon hơn bao giờ hết. Vì anh đã được sống cuộc sống của mình, được thở bằng hơi thở mà anh đã gắng sức để giành giật được. Phong tự nhủ, không biết có phải vì phước phần không, mà khi gặp chuyện dữ sẽ hóa lành. Thời gian ở bệnh viện, và ngay cả khi đã về nhà, Phong nhận được rất nhiều sự quan tâm, động viên của mọi người.

Bao nhiêu bon chen, sân si, ích kỷ giờ đây đã được rũ bỏ. “Khi bạn được hồi sinh, bạn mới thấy bao dung và an nhiên hơn. Trong ngày chúng tôi được về, chỉ biết cúi lạy bác sĩ cảm ơn. Có người khóc nấc nghẹn ngào, có người không chịu rời đi vì nơi đây đã kéo họ từ cõi chết trở về. Thêm lần nữa được sống, hẳn ai cũng sẽ sống một cách có ích hơn”.

Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: THIÊN LAM, PHAN ANH, ĐỨC DUY
Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP, MẠNH HẢO, ĐOÀN MINH, BỘ Y TẾ