Sau khi thất bại ở Tây Nguyên, Sư đoàn 23 ngụy bị ta tiến công dữ dội, thiệt hại nặng. Trước tình thế khó cứu vãn, Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống ngụy quyền quyết định rút toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên theo Đường 7 về giữ đồng bằng duyên hải Trung Bộ.

 Từ thực tế diễn biến trên chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã dự kiến đúng tình huống địch rút chạy khỏi Tây Nguyên và chỉ thị cho Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên tập trung lực lượng mở cuộc truy kích lớn đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy.

 Vào thời điểm này, Đại tá Khuất Duy Hoan, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 đang là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320). Đơn vị ông nhận lệnh truy kích địch rút khỏi Pleiku theo đường 7 về Phú Yên

Giữa những ngày sôi sục của chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975, khi đang chỉ huy tiểu đội bộ binh truy kích địch tại Đạt Lý nằm cách Buôn Ma Thuột chừng 10km, Đại tá Khuất Duy Hoan nhận được lệnh khẩn từ cấp trên: Phải lập tức hành quân vượt rừng về phía nam Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, Gia Lai hiện nay) để chặn định rút lui từ Pleiku.

“Chúng tôi lên đường ngay trong đêm. Hành quân liên tục suốt gần 24 giờ, qua rừng núi dốc đứng, cắt qua những đoạn đường mòn sũng bùn và bị cày xới bởi bom đạn. Tối 16/3/1975, xe ô-tô đổ quân xuống chân núi Chư Be Lang, cách Cheo Reo hơn 10 cây số. Lúc này, chúng tôi mới biết rằng mình đang chặn đứng cửa thoát cuối cùng của một đạo quân lớn – lực lượng chủ lực Quân đoàn 2, Quân khu 2 của Ngụy quyền đang tháo chạy khỏi Kon Tum và Gia Lai, rút về duyên hải bằng con đường số 7 [đường 25 ngày nay-PV]”, ông kể.

Được lệnh cấp trên, Trung đoàn tiếp tục cơ động trong đêm tới khu vực cách cầu Sông Bờ khoảng 2km. Đây cũng là đoạn hẹp nhất trên toàn tuyến, đồng thời cũng là con đường duy nhất dẫn về vùng duyên hải Trung Bộ. Đón lõng và khép được vòng vây tại sông Bờ, địch sẽ không còn đường tiến lui.

Để rút quân bí mật, địch tổ chức thành 3 khối, trong đó đi ở giữa là đại bộ phận chủ lực có chỉ huy và được tập trung nhiều xe tăng, thiết giáp để bảo vệ chỉ huy, chi viện cho lực lượng đi đầu và đi cuối

Xác định rõ vị thế chiến lược cũng như đội hình rút lui của địch, Trung đoàn 64 triển khai đội hình dọc tuyến. Tổ phục kích tiền tiêu do đồng chí Nguyễn Vi Hợi, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9 dẫn đầu.

50 năm đã qua đi, nhưng những ký ức về cuộc truy kích địch trên đường 7 vẫn rõ như in trong tâm trí Đại Tá Khuất Duy Hoan.

50 năm đã qua đi, nhưng những ký ức về cuộc truy kích địch trên đường 7 vẫn rõ như in trong tâm trí Đại Tá Khuất Duy Hoan.

“Sau khi để một số xe dân sự đi qua, Tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi đã chỉ huy đồng đội dùng B40, B41 bắn vào tốp thiết giáp và xe tăng của địch. Đoàn vận tải bốc cháy, ngay lập tức trở thành vật cản khiến đường rút của ngụy quân bị bít kín hoàn toàn”, Đại tá Khuất Duy Hoan nhớ lại.

Lúc này, để thoát thân, địch buộc phải hỗn loạn tràn sang 2 bên đường tìm cách rút chạy. Từ các lùm cây, khe suối, lực lượng ta đã phục kích sẵn tiếp tục chia cắt đội hình địch, đánh mạnh vào những điểm yếu của đoàn quân đã vô cùng rệu rã. Ở gần đó, cầu Sông Bờ, cây cầu nối đồng bằng duyên hải miền trung với Tây Nguyên thậm chí cũng bị sập khi hàng loạt xe cơ giới hạng nặng của ngụy cố đi qua. Đường lui cuối cùng đã mất. Sau khi chống trả yếu ớt, địch nhanh chóng vứt súng đầu hàng.

Từng là “người” của chế độ cũ, ông Ksor Tôn (sinh năm 1935) nhớ lại: Khi có lệnh rút lui, ông đang là lính điện báo của ngụy quyền tại Phú Thiện. 

Cựu lính điện báo chế độ cũ, ông Ksor Tôn kể lại với phóng viên về cuộc tháo chạy của lính ngụy theo đường 7.

Cựu lính điện báo chế độ cũ, ông Ksor Tôn kể lại với phóng viên về cuộc tháo chạy của lính ngụy theo đường 7.

Lúc đó, tất cả binh lính được chỉ đạo phải chuẩn bị lương thực cho 7 ngày ăn cùng với đạn dược đầy đủ để di tản theo hướng cầu Sông Bờ. Chúng tôi nghe đồn với nhau, cách mạng đã đến rồi. Nhưng rất nhanh, mọi liên lạc với Chi khu bị cắt đứt. Tôi lo lắng quá nên lấy xe chạy về nhà ở Cheo Reo cách nơi đóng quân chừng 3km thì không thấy vợ con đâu. Khắp nơi, người dân, binh lính đông như củi. Đồ đạc, quần áo… vứt khắp nơi.
Ông Ksor Tôn nói

 Trong khi đó, cựu chiến binh Trịnh Quang Phú (sinh năm 1945), nguyên Chính trị viên Đội Vũ trang tuyên truyền Ayun Pa giai đoạn mùa hè năm 1975 kể lại: Thời điểm đó, ông cùng lực lượng du kích địa phương hỗ trợ bộ đội chính quy chặn đường địch rút lui.

 “Trên đường 7, xe tăng, xe cơ giới, xe lam của dân nối đuôi nhau xếp đầy. Nhiều chiếc nằm gục do trúng pháo kích. Khi hoảng loạn, ngụy quân còn càn hết cả lên xe của dân để thoát đi. Mé rừng hai bên đường đầy người bị lạc”, ông Phú kể.

Cựu chiến binh Trịnh Quang Phú (sinh năm 1945), nguyên Chính trị viên Đội Vũ trang tuyên truyền Ayun Pa giai đoạn mùa hè năm 1975.

Cựu chiến binh Trịnh Quang Phú (sinh năm 1945), nguyên Chính trị viên Đội Vũ trang tuyên truyền Ayun Pa giai đoạn mùa hè năm 1975.

 Sau hơn một tuần tiến hành truy kích, quân ta đã diệt gọn toàn bộ quân địch, loại khỏi vòng chiến đấu 6 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 liên đoàn công binh, 20 tiểu đoàn bảo an, cảnh sát dã chiến và một bộ phận cơ quan Quân khu 2 ngụy, bắt 8.000 tù binh, phá hủy 1.400 xe các loại, trong đó có 90 xe tăng và 25 xe thiết giáp M113...

Cuộc truy kích địch trên đường 7. (Ảnh tư liệu)

Cuộc truy kích địch trên đường 7. (Ảnh tư liệu)

Sau khi hoàn thành việc truy kích tàn quân ngụy, nhiệm vụ tiếp theo không kém phần quan trọng là sớm ổn định tình hình cũng như tâm lý cho nhân dân.

Nguyên Chính trị viên Đội Vũ trang tuyên truyền Ayun Pa Trịnh Quang Phú kể, vài ngày sau sự kiện, cách mạng bắt đầu cử người lên rừng, lên rẫy… gọi đồng bào về:

“Chúng tôi nấu cơm, vắt thành từng vắt rồi đi tìm dân đang lẫn trong những cánh rừng dọc đường 7. Ban đầu, họ sợ hãi lắm. Có người còn đói lả cả đi. Nhưng khi nghe vận động, tuyên truyền, được cho ăn cơm, uống nước, bà con lại mừng mừng, tủi tủi. Họ bảo với chúng tôi: Không có quân giải phòng chắc chúng tôi chết đói, chết khát rồi”.

Ở phía đối diện, ông Ksor Tôn sau khi rời trại Phú Thiện cũng… lẩn trốn 2 ngày mới dám quay lại buôn xưa. Nhưng, trái với lời đồn, “cách mạng” không nổ súng vào cựu lính báo vụ của chính quyền cũ.

“Các ông ấy nói với tôi: Cứ dô nhà [vào nhà – PV], không có gì sợ hết. Cách mạng giải phóng cho mình rồi. Bà con yên tâm có hòa bình rồi”, ông móm mém kể.

Sau 8 tháng học tập và cải tạo, Ksor Tôn trở về Ayun Pa gây dựng lại cuộc đời mới. Ông trồng rẫy, nuôi bò, tập trung làm ăn “thay vì suốt ngày lo chiến tranh như ngày trước”. Nhiều năm sau, Ksor Tôn còn tham gia làm Thôn phó, động viên bà con trên quê hương cùng chung tay thoát nghèo.

Chỉ vào căn nhà mới xây còn thơm mùi vôi mới, ông khoe: Cuộc sống ở Ayun Pa bây giờ đang ngày càng tốt đẹp hơn. Bản thân ông hiện đang canh tác trên 7.000m2 rẫy, tự nuôi 2 con bò. Vài năm trước, tiền từ bán gia súc đã giúp ông xây thêm một ngôi nhà dài theo truyền thống của người J’Rai.

Đưa người dân trở lại nơi ở cũ sau chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Bảo tàng Quân đoàn 34)

Đưa người dân trở lại nơi ở cũ sau chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Bảo tàng Quân đoàn 34)

Người dân chào mừng giải phóng Kon Tum. (Ảnh: Bảo tàng quân đoàn 34)

Người dân chào mừng giải phóng Kon Tum. (Ảnh: Bảo tàng quân đoàn 34)

Con đường 7 năm xưa, giờ là Quốc lộ 25 xanh ngắt một màu trù phú. Những vết thương chiến tranh đã dần được hàn gắn lại...

Con đường 7 năm xưa, giờ là Quốc lộ 25 xanh ngắt một màu trù phú. Những vết thương chiến tranh đã dần được hàn gắn lại...

Với riêng Đại tá Khuất Duy Hoan, trận truy kích trên đường 7 còn để lại những dư âm khác về lòng trắc ẩn, sự vị tha và tinh thần nhân văn của người lính Cụ Hồ. Suốt 50 năm qua, ông vẫn giữ cho mình câu chuyện về lần giáp mặt với người lính ngụy ở Cheo Reo.

Đó là buổi chiều ngày 19/3/1975, Đại tá Hoan cùng Trung đội truy quét tàn quân địch. Khi tới mép một bãi lau gần con dốc đá, ông bất ngờ thấy có tiếng động lạ trong bụi rậm. “Theo phản xạ, tôi hô lớn: ‘Bỏ súng xuống, giơ tay lên!’ như mọi lần đối mặt", ông khẳng khái nói.

Nhưng không có khẩu súng nào. Thay vào đó, một người lính ngụy lom khom ngẩng lên, tay run lẩy bẩy chắp lại, miệng van lạy: “Con lạy ông giải phóng… ông muốn bắn con cũng được, nhưng xin hãy tha cho con gái con được sống”.

Cầu Sông Bờ - cây cầu đã từng đổ sập trong cuộc tháo chạy của ngụy quân 50 năm về trước nay đã được xây lại mới khang trang hơn.

Cầu Sông Bờ - cây cầu đã từng đổ sập trong cuộc tháo chạy của ngụy quân 50 năm về trước nay đã được xây lại mới khang trang hơn.

Ánh mắt ông lúc ấy dừng lại nơi tay người lính chỉ vào một cái làn nhỏ cũ kỹ. Trong làn, một đứa bé sơ sinh được bọc vụng về trong mảnh áo lính sờn cũ, khuôn mặt đỏ au, khẽ cựa mình.

Giây phút ấy, tiếng pháo vẫn rít trên đầu, cây gãy rào rạo vì đạn bắn vương vãi. Nhưng cả tiểu đội năm người lính giải phóng, vừa bước ra khỏi bao trận sinh tử đã cùng lúc khom người xuống, vây quanh đứa trẻ như một phản xạ bản năng. Họ hiểu thầm, cần phải bảo vệ sinh linh bé nhỏ này.

Trung đội trưởng ra lệnh: Tha cho người lính ấy. Đồng chí Nguyễn Trọng Luân - người có nét chữ đẹp nhất đơn vị cẩn thận viết giấy xác nhận để anh ta được vào ấp xin sữa cho con.

Đại tá Hoan nhớ lại: “Chúng tôi chia nhau tất cả những gì còn trong ba lô: hộp sữa đặc, nắm lương khô, vài viên lạc rang. Tôi lục mãi mới tìm được tờ tiền 10 đồng bạc cũ – loại tiền giấy xanh dương mà giờ nhiều người trẻ chưa từng thấy. Tôi đưa anh ta, bảo: ‘Cầm lấy. Biết đâu nay mai còn cần đến’. Dù chưa ai biết ngày giải phóng sẽ đến lúc nào…”

Người lính ngụy ấy quỳ rạp xuống đất, không nói thành lời. Anh ta ôm đứa con, liêu xiêu bước vào rừng.

“Chuyện đó đã qua nửa thế kỷ rồi. Mỗi lần trở lại Ayun Pa, tôi đều cố tìm kiếm, hỏi thăm xem có ai từng nghe về một người lính mang con thơ đi xin sữa dọc đường 7 năm ấy. Nhưng chưa có câu trả lời. Có thể họ đã rời đi, hoặc sống ở đâu đó trong một đời khác. Nhưng tôi tin: nếu đứa bé ấy còn sống, thì trong người nó vẫn chảy dòng máu được giữ gìn bằng lòng nhân ái giữa chiến trường”, Đại tá Hoan nói.

Đường 7, với ông, không chỉ là một tuyến quân sự hay chiến tích. Đó là nơi người lính từng giương súng để bảo vệ Tổ quốc, nhưng cũng từng cúi xuống để che chắn cho một sinh linh nhỏ bé.

Đại tá Khuất Duy Hoan.

Đại tá Khuất Duy Hoan.

Chúng tôi từng học rằng: Chiến thắng không phải là tiêu diệt thật nhiều. Mà là giữ lại được những gì có thể cứu. Hôm ấy, chúng tôi đã giữ lại được một hạt mầm sự sống.
Đại tá Khuất Duy Hoan khép lời.

TỪ GIẢNG ĐƯỜNG ĐẾN CHIẾN HÀO - LỰA CHỌN KHÔNG HỐI TIẾC

Đầu những năm 70, trong không khí sục sôi của miền bắc hướng về miền nam ruột thịt, chàng thanh niên Khuất Duy Hoan, khi ấy đang theo học Trường Cao đẳng Cơ điện Thái Nguyên, đã gác lại bút nghiên, rời giảng đường để khoác lên mình màu áo lính. Quyết định tưởng chừng đột ngột ấy lại là điều tự nhiên, như một lẽ phải của thời đại.

“Thế hệ chúng tôi lớn lên giữa tiếng loa truyền thanh, những đợt tuyển quân và các phong trào ‘Ba sẵn sàng’, ‘Năm xung phong’... Ai cũng mong được đi chiến đấu, được biết thế nào là ‘Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù’, như lời Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương từng nói”, ông hồi tưởng.

Những ngày khám tuyển nhập ngũ vẫn còn in đậm trong ký ức ông. Những hàng người nối dài chờ đo huyết áp, kiểm tra thể lực. Có những người bị loại vì không đủ sức khỏe, đã òa khóc nức nở. Họ nài nỉ xin đi bằng được, như sợ đánh mất một cơ hội.

"Phía sau chúng tôi là quê nhà, nơi có mẹ tiễn con bằng chiếc khăn tay thêu vội, có ánh mắt lặng buồn của cha, có nụ cười gượng gạo của đứa em út. Là tiếng gọi ‘nhớ viết thư về nhé!’ của đám bạn gái cùng trường. Phía trước là Trường Sơn thăm thẳm, là những bước chân đi giữa sỏi đá và mây núi, là khát vọng được trở về trong khúc khải hoàn vang lên giữa sân trường xưa", Đại tá Khuất Duy Hoan chia sẻ.

Nói đến đây, ông dừng lại, mắt lặng nhìn xa xăm. "Chúng tôi ra đi không hề do dự. Không phải vì không tiếc tuổi trẻ, mà vì hiểu rằng tuổi trẻ đó, nếu chỉ dành cho mình, thì chưa phải là trọn vẹn".

Ngày xuất bản: 22/04/2025
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN - THẢO LÊ
Thực hiện và trình bày: SƠN BÁCH, PHAN THẠCH, VĂN TOẢN
Ảnh: PHAN THẠCH, SƠN BÁCH, HỒNG QUÂN, BẢO TÀNG QUÂN ĐOÀN 34