Truyền thông
chính sách:
Cầu nối cho sự đồng thuận

Nhằm chuyển tải thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân và toàn xã hội một cách kịp thời, tin cậy, đúng, đủ, góp phần giúp người dân thay đổi hành vi, tuân thủ pháp luật..., truyền thông chính sách ngày càng được Chính phủ đề cao, đẩy mạnh các hoạt động. Thực hiện tốt công tác này sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện để người dân và toàn xã hội ủng hộ, hợp tác, chủ động tham gia vào quá trình thực thi chính sách, là cầu nối cho sự đồng thuận xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc “Tăng cường công tác truyền thông chính sách”; phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” ngày 30/3/2022 nhấn mạnh tới việc truyền thông ngay từ khi bắt đầu quá trình dự thảo chính sách mới. Ngoài các cơ quan báo chí truyền thống, các phương tiện truyền thông mới gắn với thời đại khoa học công nghệ như các nền tảng mạng xã hội hoặc các lực lượng khác cũng được chú trọng như kênh giao tiếp, tương tác hiệu quả giữa Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan hành chính nhà nước với người dân.

Tuy nhiên thực tế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như sự thiếu chủ động, thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin ở các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; nguồn nhân lực làm công tác truyền thông chính sách còn yếu và thiếu... dẫn đến một chính sách mới đưa vào cuộc sống chưa nhận được sự đồng thuận trong toàn xã hội như đáng lẽ phải có. Để có thể đạt mục tiêu: “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”, đưa thông tin chính thống nhanh chóng, chính xác, nhất quán ở tất cả các cấp... tới người dân và toàn xã hội, Nhân Dân hằng tháng số tháng 6 sẽ cùng các chuyên gia, các nhà quản lý, những người làm công tác truyền thông bàn luận, trao đổi trong Tiêu điểm Truyền thông chính sách: Cầu nối cho sự đồng thuận.

Một bàn tay
không vỗ thành tiếng

Thực tế cho thấy, không phải bất cứ một chính sách nào khi được đưa ra đều được triển khai một cách suôn sẻ và được người dân, dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, việc triển khai bài bản từ quy trình xây dựng văn bản pháp luật cho đến tuyên truyền về thay đổi nhận thức của các đơn vị, bộ, ngành và người dân đã giúp các chính sách đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

Muốn hiệu quả, phải không tránh né, không sợ sai

Sự đối phó, thậm chí phản đối quyết liệt trong việc triển khai một số chính sách liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những chính sách liên quan đến đông đảo người dân, doanh nghiệp, là tình trạng được ghi nhận ở nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước trong thời gian qua.
Có thực tế phải thừa nhận, sự thiếu vắng trong phối hợp truyền thông chính sách với các cơ quan báo chí nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng luật, nghị định, thông tư ở nhiều lĩnh vực là nguyên nhân chính khiến nhiều cơ quan soạn thảo phải thu hồi các văn bản dự thảo để sửa sai.

Một trong những đơn vị có những hoạt động khá nhạy cảm nhưng làm khá tốt việc truyền thông chính sách liên quan đến cơ cấu, sắp xếp lại các tổ chức tín dụng hay ban hành các chính sách liên quan đến điều chỉnh tỷ giá, lãi suất điều hành cũng như quản lý thị trường vàng là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc triển khai sớm và truyền thông minh bạch thông tin đã giúp các cơ quan quản lý địa phương cũng như doanh nghiệp, người dân không bị “sốc”, bị động trước các chính sách liên quan đến tiền tệ, tỷ giá.

Lý giải cho việc Ngân hàng Nhà nước triển khai hiệu quả các chính sách ban hành, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, chính là nhờ sự chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong tuyên truyền và truyền thông sớm, đầy đủ các thông tin liên quan chính sách ban hành. Việc phối hợp hiệu quả cùng các cơ quan báo chí ngay từ khâu xây dựng chính sách cho đến khâu triển khai và nhận phản hồi các chính sách đã giúp cơ quan quản lý tiếp cận đầy đủ, đa chiều các ý kiến để điều chỉnh các chính sách dự kiến đưa ra.

Việc các bộ phận chức năng của Ngân hàng Nhà nước cùng lắng nghe một cách đầy đủ ý kiến từ các đối tượng bị tác động cũng giúp cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp phù hợp liên quan đến chính sách tiền tệ, tái cơ cấu ngân hàng và các chính sách tác động đến người dân, doanh nghiệp, không tạo ra những tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Cũng chính nhờ việc biết lắng nghe và chấp nhận cả các ý kiến phản biện trái chiều ban đầu sẽ giúp việc triển khai chính sách về sau thuận lợi hơn rất nhiều.

Thực tế cũng cho thấy, việc các bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động truyền thông một cách bài bản và minh bạch về các chính sách thông qua các cơ quan báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp các thông tin chính thống kịp thời, chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, đẩy lùi tiêu cực, góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Có thể kể đến rất nhiều chương trình truyền thông chính sách đã được thực hiện thành công liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19; truyền thông về phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại hay như các chuyên mục về nhận diện, xử lý tin giả, tin xấu, độc trên môi trường mạng... góp phần không nhỏ trong nâng cao nhận thức cũng như tăng cường trách nhiệm của mỗi công dân.
Thời gian qua, nhiều chương trình truyền thông chính sách, nâng cao chất lượng giáo dục người dân, thế hệ trẻ trong nhiều lĩnh vực đã được các bộ, ngành triển khai khá hiệu quả. Như việc chủ động truyền thông các chương trình về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hay đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã góp phần không nhỏ trong việc giảm bớt các vụ tai nạn giao thông ở các địa phương, giảm gánh nặng cho xã hội.

Các số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính từ khi Công an thành phố bắt đầu thực hiện cao điểm chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn (từ 24/11/2023 đến 9/1/2024), số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn giảm rất mạnh. Số bệnh nhân cấp cứu liên quan đến rượu bia tại các bệnh viện cũng giảm theo tương ứng. Cùng với đó, việc truyền thông hiệu quả các chính sách đặc thù như phòng chống tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử đã góp phần giúp môi trường học đường sạch và an toàn hơn rất nhiều. Các phụ huynh, học sinh và sinh viên cũng hiểu hơn về những tác hại do hương liệu, hóa chất phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau và có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn trong các thành phần.

Bên cạnh những chương trình truyền thông chính sách được thực hiện hiệu quả, cũng có không ít các dự thảo luật, dự thảo nghị định đã phải đối mặt sự phản ứng dữ dội của người dân và dư luận liên quan đến việc thiếu lắng nghe các ý kiến phản biện và buộc phải sửa sai, rút lại các quy định không phù hợp. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật thất bại cũng một phần do được “xây dựng trong phòng máy lạnh”, thiếu ghi nhận hơi thở cuộc sống. Điển hình như các chính sách được đưa ra trong dự thảo về phát triển và quản lý chợ của Bộ Công thương hồi năm 2022.

Tại giai đoạn góp ý cho dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các chuyên gia chỉ ra loạt lỗ hổng và những quy định can thiệp thô bạo vào quyền kinh doanh của các thương nhân trong chợ, hoạt động của doanh nghiệp, vi phạm lợi ích người tiêu dùng như: “Siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ sáng đến 22 giờ tối; Mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình giảm giá phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo...”. Sau đó, Bộ Công thương đã phải sửa sai bằng cách bỏ những điểm bất cập trong dự thảo của mình xây dựng.

Các phiên họp báo Chính phủ thường kỳ luôn đáp ứng được sự mong đợi của dư luận. Ảnh: Khánh An

Các phiên họp báo Chính phủ thường kỳ luôn đáp ứng được sự mong đợi của dư luận. Ảnh: Khánh An

Cần chủ động phối hợp, cung cấp thông tin

Ở góc độ khác, một bàn tay sẽ vỗ không thành tiếng nếu chỉ doanh nghiệp tự nói, tự truyền thông về những việc mình làm. Sự thiếu vắng tiếng nói chia sẻ, đồng hành quyết liệt trong chỉ đạo và thực thi từ lãnh đạo Chính phủ tới các bộ ngành cho đến các cấp chính quyền sẽ khó tạo sự cộng hưởng, đồng thuận lớn trong người dân. Những bài học về việc thiếu chuyên nghiệp trong phối hợp truyền thông các chính sách liên quan đến tăng giá điện hoặc như phát triển công nghiệp hỗ trợ đã khiến người dân, doanh nghiệp khó đồng cảm và luôn phản ứng trước các tác động của việc tăng giá điện. Trong khi đó, chỉ cần Bộ Công thương, thậm chí Chính phủ đứng ra chia sẻ các thông tin, cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến nguyên nhân và lý do tăng giá điện, chắc chắn sẽ nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của người dân.
Bài học quyết liệt trong chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Công thương và chính quyền các địa phương trong tháo gỡ hàng loạt vấn đề vướng mắc trong đấu thầu, chuyển đổi sử dụng đất rừng cùng nhiều quy định khác để đẩy nhanh tiến độ của dự án đường dây 500 kV mạch 3 với những chỉ đạo “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, sát sao với từng đầu công việc, đã tạo động lực rất lớn trong việc truyền thông, thúc đẩy trách nhiệm cũng như nhận thức của các cấp bộ, ngành và người dân về việc cấp thiết của triển khai dự án đặc biệt quan trọng liên quan đến việc đưa điện từ miền trung ra miền bắc, giúp giải bài toán thiếu nguồn điện trong các năm tới ở các tỉnh, thành phố phía bắc.

Cùng với xây dựng các chính sách sát với thực tế đời sống, việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người đứng đầu về vị trí, vai trò của công tác truyền thông chính sách, chủ động, làm tốt công tác truyền thông chính sách trong lĩnh vực quản lý của mình cũng là những vấn đề đặt ra với các cơ quan quản lý cũng như chính quyền địa phương.

Việc chủ động và thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, không ngại trách nhiệm, né tránh báo chí cũng là nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan xây dựng và triển khai chính sách. Việc có lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu thông tin tới người dân của các cơ quan báo chí và coi truyền thông - một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương - sẽ giúp nâng cao rõ rệt hiệu quả truyền thông của các chính sách đồng thời giúp giải quyết những tồn đọng kéo dài ở chính nội tại của nền kinh tế cũng như những vấn đề mới phát sinh, để người dân hiểu, chia sẻ với Đảng, Nhà nước.

Phiên thảo luận tại Hội thảo Hàng không-Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững do Báo Nhân Dân tổ chức. Ảnh: Thành Đạt

Phiên thảo luận tại Hội thảo Hàng không-Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững do Báo Nhân Dân tổ chức. Ảnh: Thành Đạt

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Phạm Tuyên-Khánh Lam-Thanh Huyền-Ngô Hương Sen
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Thành Đạt, Khánh An, Lê Thủy Nguyên, Đức Anh, nguồn internet