
TỪ PHÒNG QUÂN GIỚI ĐẾN TỔNG CỤC CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG
Là cơ quan đầu ngành về công nghiệp quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chịu trách nhiệm tham mưu giúp Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; giúp Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng trên phạm vi cả nước; chỉ huy, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc quyền gồm các cục, phòng, ban chức năng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổng cục; quản lý, chỉ đạo các công ty sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị, các viện nghiên cứu, trường dạy nghề và các đơn vị trực thuộc khác.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn tham quan gian hàng triển lãm của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, tại Trung tâm Triển lãm Hội nghị Impact, Thái Lan, tháng 11/2023. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn tham quan gian hàng triển lãm của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, tại Trung tâm Triển lãm Hội nghị Impact, Thái Lan, tháng 11/2023. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)
…việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng và các thành viên trong Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tham quan gian trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh 2022 tại Thái Lan, diễn ra từ ngày 29 đến 31/8/2022. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)
Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng và các thành viên trong Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tham quan gian trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh 2022 tại Thái Lan, diễn ra từ ngày 29 đến 31/8/2022. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)
Ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy Nhà nước non trẻ, việc tổ chức xây dựng Quân đội cũng được khẩn trương tiến hành, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ. Sức mạnh chiến đấu của quân đội là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật, cách đánh,… trong đó, con người và vũ khí là hai yếu tố cơ bản nhất. Vì vậy, cùng với xây dựng và phát huy nhân tố con người, việc sản xuất, trang bị vũ khí cho quân đội là rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng phát triển vũ khí, trang bị để vũ trang toàn dân, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Với tư duy và tầm nhìn chiến lược, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là cơ quan điều hành cao nhất của ngành Quân giới Việt Nam lúc bấy giờ, với hai nhiệm vụ: Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức sản xuất vũ khí để trang bị cho quân đội. Thành lập Phòng Quân giới là bước đi khởi đầu hết sức quan trọng và cần thiết để tạo lập nền móng vững chắc cho ngành quân giới-công nghiệp quốc phòng sau này.
Trong những ngày đầu thành lập, ngành Quân giới đứng trước muôn vàn khó khăn, không có các cơ sở sản xuất cơ khí chế tạo, không có công nghệ, kỹ thuật sản xuất và vật tư, thiết bị, nguyên liệu cốt yếu. Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “…việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”. Đông đảo các tầng lớp nhân dân, công nhân đã tự nguyện đóng góp sức người, sức của xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí cho cách mạng. Ngày 25/9/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp ủy nhiệm cho đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân “có đủ quyền trưng thu các xưởng và tất cả các vật liệu cần thiết cho kỹ nghệ binh khí để củng cố quốc phòng”. Hàng loạt các tổ sửa chữa vũ khí và chế tạo vũ khí, các binh công xưởng ở các tỉnh, các khu từ bắc chí nam ra đời.
Trước tình hình nhiệm vụ mới, theo đà phát triển của Quân đội quốc gia, tháng 3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó Phòng Quân giới được nâng cấp thành Chế tạo Quân giới Cục để thống nhất tổ chức và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, cán bộ, công nhân, các nhà khoa học Quân giới đã làm nên kỳ tích đầu tiên: Tập hợp lực lượng, quy về một mối những người thợ lành nghề, cán bộ quản lý, nhà khoa học, các thanh niên, các chủ xưởng, bà con nông dân… cùng tham gia đóng góp sức lực, trí tuệ chế tạo vũ khí, từ đó tạo nên một mặt trận “Quân giới nhân dân” chống xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được.
Thủ tướng Phan Văn Khải xem sản phẩm kinh tế do nhà máy quốc phòng sản xuất tại Triển lãm hàng cơ khí Việt Nam, năm 2001. (Nguồn: 60 năm Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.14)
Thủ tướng Phan Văn Khải xem sản phẩm kinh tế do nhà máy quốc phòng sản xuất tại Triển lãm hàng cơ khí Việt Nam, năm 2001. (Nguồn: 60 năm Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.14)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao Huân chương Sao Vàng cho ngành quân giới năm 1996. (Nguồn: 60 năm Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao Huân chương Sao Vàng cho ngành quân giới năm 1996. (Nguồn: 60 năm Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)
Thành lập Phòng Quân giới là bước đi khởi đầu hết sức quan trọng và cần thiết để tạo lập nền móng vững chắc cho ngành quân giới-công nghiệp quốc phòng sau này.
Do yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phát triển, nặng nề và phức tạp, đầu năm 1947, Chế tạo quân giới Cục được đổi tên thành Cục Quân giới. Vượt lên mọi khó khăn và vượt lên chính mình, Cục Quân giới đã tổ chức nghiên cứu và hướng dẫn quân giới các chiến trường nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí: đã chế tạo thành công súng và đạn Bazoka (Đây là loại vũ khí hiện đại, bộ đội ta đang rất cần để hạn chế sức mạnh của thiết giáp, xe tăng của quân Pháp), đạn AT, súng và đạn cối 51mm, bom phóng...; sản xuất axit, các thuốc gợi nổ làm hạt lửa, nụ xoè... kịp thời cung cấp cho các đơn vị, góp phần làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho các đơn vị chủ lực.
Với sự tham mưu, tổ chức thực hiện của Cục Quân giới, hàng trăm, hàng nghìn tấn vũ khí đã kịp thời chuyển ra mặt trận, góp phần làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù, xây dựng tiềm lực kháng chiến để giúp quân và dân ta lập nên những thắng lợi vang dội mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành quân giới tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; đã nghiên cứu, cải tiến thành công nhiều loại vũ khí, trang bị của các nước bạn viện trợ để sử dụng phù hợp với điều kiện chiến trường và cách đánh của Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Lập xưởng quân giới ở Việt Bắc, năm 1946. (Nguồn: 60 năm Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.27)
Lập xưởng quân giới ở Việt Bắc, năm 1946. (Nguồn: 60 năm Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.27)
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy và hiện đại, do trang bị của quân đội ta ngày càng phát triển về số lượng và phức tạp về kỹ thuật, nên năm 1974, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 211/CP thành lập Tổng cục Kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng. Các nhà máy sản xuất, sửa chữa vũ khí thuộc Cục Quân giới quản lý trước đây, được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Cục Quản lý Xí nghiệp, Tổng cục Kỹ thuật.
Trong hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Tổng cục đã đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho chiến đấu ở các khu vực trọng điểm trên biên giới phía Bắc và chiến trường Campuchia… Đây thật sự là sự tổ chức chỉ huy thống nhất, có tính kế thừa và sáng tạo nên các hoạt động công tác kỹ thuật đã phát huy được tác dụng tích cực, hiệu quả bảo đảm cho quân đội chiến đấu thắng lợi.
Sử dụng các máy công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm có độ chính xác cao ở Nhà máy Z129.
Sử dụng các máy công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm có độ chính xác cao ở Nhà máy Z129.
Sau 12 năm (1975-1987) thành lập, Tổng cục Kỹ thuật đã hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ, nhưng do tình hình có nhiều thay đổi, tổ chức Tổng cục Kỹ thuật không còn phù hợp, nên cần phải tổ chức lại. Việc bảo đảm kỹ thuật đưa về quản lý theo ngành, như vậy mới có đủ điều kiện, quyền hạn chỉ đạo từ Bộ đến các cơ sở.
Ngày 3/3/1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 22/HĐBT thành lập Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế, trên cơ sở hợp nhất và sắp xếp lại Tổng cục Kỹ thuật (Cơ quan quản lý các xí nghiệp sản xuất quốc phòng) với Tổng cục Kinh tế. Tiếp đó, ngày 24/12/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/1998/QĐ-TTg thành lập và thay đổi một số tổ chức trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong đó, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế thôi nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về kinh tế, động viên công nghiệp và đổi tên thành Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Tổng cục Công nghiệp đã tạo được bước phát triển mới, khá toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của ngành; luôn nắm vững chủ trương, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Trong đó xác định “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại” và “trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”, “công nghiệp quốc phòng phải làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại” đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tổng cục đã huy động được sức mạnh, trí tuệ tập thể trong nghiên cứu khoa học-công nghệ, sáng kiến và sáng chế; trang, thiết bị được đầu tư nâng cấp, đổi mới, hiện đại hóa và có bước nhảy vọt; tổ chức lực lượng công nghiệp quốc phòng được củng cố, kiện toàn, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ quân đội, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia.
Nhiều sản phẩm vũ khí trang bị do Công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất đã đạt trình độ khoa học công nghệ ngang tầm khu vực và thế giới. Các dự án đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao được triển khai quyết liệt, đúng định hướng và đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả; nâng cao năng lực, trình độ và hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng quốc gia, từng bước đáp ứng yêu cầu trang bị cho các lực lượng vũ trang huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và đánh trả khi có chiến tranh công nghệ cao.
Trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, qua hoạt động thực tiễn lao động, sản xuất và chiến đấu, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên đã vun đắp nên truyền thống tốt đẹp “Tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo” của Cục Quân giới trước đây và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nội dung: Phan Ánh Tuyết
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
