Từ các đại đoàn đến các quân đoàn chủ lực cơ động - Bước phát triển về tổ chức lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam

Trong suốt quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cuộc kháng chiến, Đảng ta đã nắm vững và vận dụng sáng tạo quy luật giành thắng lợi của chiến tranh nhân dân; thực hành kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài; dùng lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, lấy đấu tranh vũ trang làm chủ yếu.

Để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng ta hết sức coi trọng việc tổ chức cả ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; trong đó, bộ đội chủ lực là nòng cốt. Từ xây dựng tổ chức bộ đội chủ lực quy mô cấp đại đoàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến quy mô cấp quân đoàn trong kháng chiến chống Mỹ, là bước phát triển nhảy vọt về tổ chức, biên chế của Quân đội ta trong 30 năm kháng chiến, tạo thành các “quả đấm” chủ lực góp phần đưa cuộc chiến tranh giải phóng đến thắng lợi.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình Giải phóng quân Việt Nam chuẩn bị cho buổi Lễ Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình Giải phóng quân Việt Nam chuẩn bị cho buổi Lễ Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: TTXVN

Ngay sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công, cách mạng Việt Nam phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, nhiều khó khăn, thử thách nặng nề, nền độc lập dân tộc vừa giành được bị đe dọa nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, cùng với việc triển khai một loạt biện pháp nhằm từng bước ổn định tình hình mọi mặt, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặc biệt coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ra đời từ trong phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nòng cốt cùng toàn dân giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là bộ đội chủ lực. Đến cuối năm 1945, ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã có 40 chi đội giải phóng quân.

Các đơn vị lực lượng vũ trang tại buổi Lễ Quốc khánh 2/9/1945. Ảnh: qdnd.vn

Các đơn vị lực lượng vũ trang tại buổi Lễ Quốc khánh 2/9/1945. Ảnh: qdnd.vn

Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL ấn định Quy tắc Quân đội quốc gia, nêu rõ: "Quân đội của nước Việt Nam là một Quân đội quốc gia". Quy tắc Quân đội quốc gia quy định về tổ chức biên chế thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh, các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Theo đó, các chi đội ở Bắc Bộ và Trung Bộ được cải tổ thành trung đoàn, tiểu đoàn độc lập. Ở Nam Bộ, vẫn giữ nguyên tổ chức chi đội. Trên cơ sở các trung đoàn, ta tổ chức 2 đại đoàn (1 và 2) ở Bắc Bộ và 3 đại đoàn (23, 27, 31) ở Nam Trung Bộ.

Tuy nhiên, lúc này việc thành lập các đại đoàn chỉ mang tính hình thức, tập hợp lực lượng. Do chưa đủ điều kiện về khả năng lãnh đạo, chỉ huy và bảo đảm cung cấp, hậu cần kỹ thuật, nên đến tháng 11/1946, các đại đoàn nêu trên được giải thể để tập trung xây dựng, củng cố các đơn vị bộ đội quy mô cấp trung đoàn, tiểu đoàn.

Đội Cảm tử quân Hà Nội trong ngày thành lập với lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ảnh: qdnd.vn

Đội Cảm tử quân Hà Nội trong ngày thành lập với lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ảnh: qdnd.vn

Nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến là phải tiến lên vận động chiến, đầu năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh điều một số tiểu đoàn ở các liên khu về tổ chức các Trung đoàn 88, 102; tiếp đó điều Trung đoàn Sông Lô, Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng về xây dựng thành các Trung đoàn chủ lực 209, 174 trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Trên cơ sở hội đủ điều kiện, tháng 4/1949, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong chính thức làm lễ thành lập. Sự ra đời của Sư đoàn 308 là mốc son lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta.

Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong chính thức làm lễ thành lập. Sự ra đời của Sư đoàn 308 là mốc son lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta.

Lễ thành lập Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 28/8/1949. Ảnh: qdnd.vn

Lễ thành lập Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 28/8/1949. Ảnh: qdnd.vn

Tiếp tục trong các năm 1950 đến 1952, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến tập trung, mở những chiến dịch lớn, một số đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập: Đại đoàn 304 (3/1950), Đại đoàn 312 (12/1950), Đại đoàn 320 (1/1951), Đại đoàn công-pháo 351 (3/1951), Đại đoàn 316 (5/1951) và Đại đoàn 325 (12/1952). Như vậy đến cuối năm 1952, quân đội ta đã có 5 đại đoàn bộ binh, một đại đoàn binh chủng (công binh-pháo binh). Mỗi đại đoàn bộ binh có quân số khoảng 9.500 người, biên chế thành 3 trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo và các đơn vị binh chủng. Đây là "những binh đoàn cơ động - quả đấm chiến lược" để thực hiện các chiến dịch lớn, các đợt hoạt động mang tầm chiến lược, tạo chuyển biến trên chiến trường có lợi cho ta, bất lợi cho đối phương. Các chiến dịch: Biên Giới 1950, Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và đặc biệt là cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 đã minh chứng rõ điều đó.

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta đã lớn mạnh, trưởng thành, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trên khắp cả hai miền Nam, Bắc. Tuy nhiên, đối tượng tác chiến của quân ta lần này là quân Mỹ, quân ngụy và một số nước đồng minh của Mỹ, có trang bị vũ khí, tổ chức tác chiến theo kiểu chiến tranh hiện đại. Trong khi đó, Quân đội ta còn rất nhiều khó khăn, mới bắt đầu triển khai xây dựng các quân, binh chủng cần thiết theo phương hướng chính quy, hiện đại.

Trong 10 năm xây dựng (1954-1964), Quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ đơn thuần là bộ binh, trang bị còn khó khăn, thiếu thốn, thành một quân đội chính quy và tương đối hiện đại, gồm: Lực lượng Lục quân và các quân chủng: Phòng không-Không quân và Hải quân. Trong đó, Lục quân là lực lượng chủ yếu gồm: bộ binh, pháo binh, công binh, thiết giáp, phòng hóa, thông tin, vận tải…, được huấn luyện có hệ thống và khá cơ bản về kỹ chiến thuật, bước đầu nắm được nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng. Bộ đội chủ lực được tổ chức thành các đơn vị có quy mô sư đoàn và trung đoàn độc lập, có khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao, được trang bị tương đối hiện đại, có trong biên chế các thành phần binh chủng.

Trong 10 năm xây dựng (1954-1964), Quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ đơn thuần là bộ binh, trang bị còn khó khăn, thiếu thốn, thành một quân đội chính quy và tương đối hiện đại.

Ở miền nam, Quân giải phóng miền nam Việt Nam được thành lập, được tổ chức thành các đơn vị, phổ biên quy mô cấp trung đoàn, có khả năng tác chiến tập trung trong các đợt hoạt động và các chiến dịch.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích tại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: qdnd.vn

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích tại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: qdnd.vn

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, về mặt quân số, Quân đội ta đã lớn mạnh không ngừng: Quân số từ 17 vạn (1958) lên 30 vạn (1963), 70 vạn (1968) và lên tới 1 triệu (1973). Những bước phát triển về lực lượng và tổ chức biên chế cũng là bước trưởng thành vượt bậc về sức mạnh chiến đấu, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch.

Tháng 2/1970, Quân ủy Trung ương họp xác định vị trí, vai trò của bộ đội chủ lực, vấn đề đưa bộ đội chủ lực lên tác chiến hiệp đồng binh chủng ở các chiến trường. Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất lúc này được Quân ủy Trung ương xác định đó là xây dựng những binh đoàn chủ lực mạnh, làm trụ cột cho các chiến trường đánh Mỹ. Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu tập trung củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu và khả năng cơ động của các Sư đoàn bộ binh: 308, 304, 312, 320; chuyển 2 sư đoàn 325 và 320B làm nhiệm vụ huấn luyện quân bổ sung thành sư đoàn cơ động trực thuộc Bộ và tăng cường thành phần binh chủng cho Sư đoàn 316 làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào.

Bộ đội Pathet Lào cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam trực sẵn sàng chiến đấu bằng súng phòng không 14,5mm trên xa thiết giáp do bộ đội tình nguyện Việt Nam tăng cường cho chiến trường Lào (1972). Ảnh: TTXVN

Bộ đội Pathet Lào cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam trực sẵn sàng chiến đấu bằng súng phòng không 14,5mm trên xa thiết giáp do bộ đội tình nguyện Việt Nam tăng cường cho chiến trường Lào (1972). Ảnh: TTXVN

Ở miền nam, trong hai năm 1965-1966, các Sư đoàn bộ binh: 9, 5, 7 chủ lực Nam Bộ, các Sư đoàn 2 và 3 chủ lực Khu 5 và Sư đoàn 1 chủ lực Tây Nguyên, được thành lập. Đặc biệt, năm 1970, ta thành lập Binh đoàn 70 gồm 3 Sư đoàn bộ binh: 304, 308, 320 và các trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng. Sự ra đời của Binh đoàn 70 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong giai đoạn mới với quy mô lớn, đồng thời là tiền đề cho sự ra đời các quân đoàn chủ lực sau này.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước sang giai đoạn phát triển mới. Để có những “quả đấm” chủ lực mạnh đánh những đòn quyết định kết thúc chiến tranh, đòi hỏi phải tập trung một lực lượng lớn các binh đoàn chủ lực mở các chiến dịch quy mô lớn. Theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tháng 10/1973, Bộ Chính trị phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực. Theo đó, ngày 24/10/1973, Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng được thành lập gồm 3 Sư đoàn bộ binh: 308, 312, 320B, Sư đoàn Phòng không 367, Lữ đoàn Pháo binh 45, Lữ đoàn Xe tăng 22, Lữ đoàn Công binh 299, Trung đoàn Thông tin 140 và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Quân đoàn 1 là quân đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 16/10/1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng. Ảnh: TTXVN

Ngày 16/10/1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng. Ảnh: TTXVN

Tiếp theo, ngày 17/5/1974, Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang được thành lập ở Trị - Thiên, gồm 3 Sư đoàn bộ binh: 304, 325, 324, Sư đoàn Phòng không 673, Lữ đoàn Pháo binh 164, Lữ đoàn Xe tăng 203, Lữ đoàn Công binh 219, Trung đoàn Thông tin 463 và các cơ quan, đơn vị bảo đảm, phục vụ.

Ngày 20/7/1974, Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long được thành lập ở miền Đông Nam Bộ, gồm 2 Sư đoàn bộ binh: 7, 9, Trung đoàn Pháo binh 24, Trung đoàn Phòng không 71, Trung đoàn Đặc công 429, Trung đoàn Thông tin 69, các cơ quan và đơn vị phục vụ, bảo đảm.

Ngày 27/3/1975, Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên được thành lập ở Tây Nguyên, gồm 3 Sư đoàn bộ binh: 10, 316, 320A, Trung đoàn Pháo binh 675, Trung đoàn Xe tăng 273, Trung đoàn Phòng không 312, Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn Công binh 545, Trung đoàn Thông tin 29 và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Sự ra đời của 4 quân đoàn chủ lực vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về quy mô tổ chức lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với các quân đoàn binh chủng hợp thành được trang bị khá mạnh, sức đột kích lớn, sức cơ động cao, sức chiến đấu liên tục, dài ngày, Quân đội nhân dân Việt Nam có khả năng mở các chiến dịch tiến công bằng lực lượng binh chủng hợp thành quy mô lớn trên các hướng chiến lược ở chiến trường miền nam, đánh tiêu diệt lớn về chiến dịch, kết thúc chiến tranh. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, các Quân đoàn: 1, 2, 3, 4 cùng quân và dân ta bằng sức mạnh áp đảo, tiến công thần tốc, tiến vào Sài Gòn, lật đổ chính quyền tay sai, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Sự ra đời của 4 quân đoàn chủ lực vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về quy mổ tổ chức lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thực tiễn trong 30 năm chiến tranh cách mạng, việc xây dựng bộ đội chủ lực được Đảng ta hết sức coi trọng. Với sự ra đời của các Đại đoàn chủ lực: 308, 304, 312, 316, 320, 325, 351 là quy mô tổ chức cao nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến việc thành lập 4 Quân đoàn chủ lực: 1, 2, 3, 4 có quy mô tổ chức cao nhất trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô tổ chức lực lượng, trang bị và trình độ tác chiến. Đó chính là những “quả đấm thép” thực hiện những đòn đánh quyết định, đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi.

Nội dung: Lê Văn Cử
Trình bày: Ngô Hương
Ảnh: Báo QĐND; TTXVN