
Tháng 11/2024, mặt đất Alaska như thường lệ, bao phủ một mầu trắng tinh của tuyết. TS Lương Việt Quốc cùng cộng sự của mình đem drone Hera tới trình diễn thử nghiệm cho khách hàng “sát hạch”. Trong tích tắc, những chiếc máy bay không người lái nhãn hiệu Hera có bốn tải trọng gimbal được gắn đồng thời đã cất cánh, chao liệng trên bầu trời tiểu bang Alaska nước Mỹ. Lần đầu tiên, một drone hoàn toàn do người Việt Nam nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất... vượt qua cả loạt rào cản kỹ thuật khắt khe bậc nhất thế giới, chinh phục nước Mỹ, được các cơ quan trực thuộc Chính phủ Mỹ lựa chọn...
1“Bán được một sản phẩm công nghệ cao vào Mỹ với giá thành cao hơn hẳn các sản phẩm cùng loại ngay tại thị trường Mỹ không phải là phép màu, cũng không phải câu chuyện thần thoại Thánh Gióng vụt lớn bổng sau một đêm. Đây là thành quả 10 năm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Real-time Robotics, là niềm tin đã thành động lực: Tin vào bản thân mình; Tin rằng người Việt Nam làm được, doanh nghiệp Việt Nam làm được; có thể sáng tạo nên những sản phẩm đột phá, giải được các bài toán của thế giới”, TS Lương Việt Quốc chia sẻ.
Đã sở hữu được máy bay không người lái Hera với những tính năng vượt trội nhưng giống hầu hết các startup khác, ngày đầu khởi nghiệp, Lương Việt Quốc chỉ tính làm… dịch vụ, thuê drone đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong mọi lĩnh vực. Thời điểm đó, drone còn sơ khai, thuê về nhưng sản phẩm không đúng ý, khác xa với quảng cáo, Lương Việt Quốc phải can thiệp chỉnh sửa hệ thống và cải tiến thêm rất nhiều. Cải tiến mãi đâm chán, đành quay ra tự làm trong bối cảnh, các kỹ sư Việt Nam cũng chưa biết gì mấy về drone: “Mất ba năm đầu học việc, mua đủ loại drone trên đời về dỡ ra, mổ xẻ. Ba năm tiếp theo là giai đoạn đuổi kịp thế giới, người ta làm gì mình cũng… làm theo. Sau đó, khi hội tụ đủ các điều kiện về kiến thức, đội ngũ, công nghệ, mới đến giai đoạn sáng tạo, quyết tâm phát minh ra một cái gì đó thật khác biệt. Để có sản phẩm đột phá như Hera, được cấp bằng sáng chế độc quyền của Mỹ, chúng tôi đã tiêu tốn 10 năm cuộc đời và dốc túi hàng trăm tỷ đồng”, TS Lương Việt Quốc hào hứng.
TS Lương Việt Quốc.
TS Lương Việt Quốc.
Năm 2002, Lương Việt Quốc nhận học bổng Fulbright. Con đường để một cậu bé lớn lên trên rạch xuyên tâm ở quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh), trong hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè được tiếp cận học bổng danh giá và từ đó mở ra cánh cửa tới các trường đại học trong top ten nước Mỹ như Cornell và UC Berkeley thật sự là một “giấc mơ có thật”… Lương Việt Quốc kể: “Mấy chục năm trước, có phóng viên Báo Người lao động tới phỏng vấn người dân trong xóm: Ước mơ của gia đình mình cho tương lai là gì? Mọi người cười phá lên. Phóng viên không hiểu tại sao họ cười, nhưng tôi thì hiểu: Với những người, ăn bữa trưa rồi chưa biết bữa chiều có gì ăn nữa không, sức đâu mà nghĩ đến ước mơ với tương lai này khác!”.
TS Trần Xuân Thảo, nguyên Giám đốc chương trình Fulbright Việt Nam nhớ lại: “Năm 2002, sau khi đọc hồ sơ ứng tuyển học bổng Fulbright của Quốc, các thành viên trong ban tuyển chọn, cả người Việt và Mỹ, ai cũng mong được xếp vào nhóm phỏng vấn Quốc. Bài tự luận của Quốc bắt đầu bằng: “Tuổi trẻ của tôi là những năm tháng dưới dòng kênh đen để bới lên trong đống cặn bã ấy những thứ có thể làm bữa ăn cho gia đình!”. Hôm phỏng vấn, Quốc đi vào với nụ cười tươi và ánh mắt sáng. Quốc kể lại những mảnh đời và ước muốn lúc nào cũng có trong Quốc: Làm bất cứ những gì có thể làm để sinh tồn và vươn lên. Tôi nhớ cả hai giám khảo đều với tay lấy khăn giấy lau nước mắt”. Những giọt nước mắt cao trào của hai giám khảo thời khắc ấy không làm họ quên đi một trở ngại tưởng sẽ là bất khả kháng với tương lai Lê Việt Quốc: Anh tốt nghiệp đại học hệ tại chức trong khi yêu cầu bắt buộc của các ứng viên học bổng là phải có bằng cấp chính quy.
Để có sản phẩm đột phá như Hera, được cấp bằng sáng chế độc quyền của Mỹ, chúng tôi đã tiêu tốn 10 năm cuộc đời và dốc túi hàng trăm tỷ đồng
- TS Lương Việt Quốc
Nhà nghèo, vật lộn mưu sinh, Quốc học trung cấp tài chính sau khi… trượt đại học. Khi phong trào tiếng Anh bắt đầu rộ lên, Quốc tuần ba tối, mỗi tối hai tiếng giấy bút đi học ở Trung tâm. Giáo trình Streamline băng cát-sét rè rè cô trò ra sức luyện nghe nói, rồi trong chuỗi ngày cặm cụi ấy, Quốc may mắn gặp được một giáo viên người Mỹ: “Cô Elisabeth, phải ngoài 60 tuổi, sang Việt Nam dạy thiện nguyện. Tiếp xúc với cô, được cô coi như con, võ vẽ nói được vài câu với cô, tôi ngộ ra: Giáo dục là quá trình tiếp nhận thông tin để thay đổi suy nghĩ, hành vi và có thể làm biến hóa số phận một con người”.
Cày, cày, dốc sức cày tiếng Anh, Lương Việt Quốc thi TOEFL được 667 điểm (điểm tối đa là 677), trở thành một nhân vật truyền cảm hứng. Năm đó, để “trao cơ hội thứ hai” cho Lương Việt Quốc và những người như anh, TS Trần Xuân Thảo đã đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bỏ quy định phân biệt loại hình tốt nghiệp (chính quy, tại chức) cũng như xếp hạng tốt nghiệp (loại giỏi, khá, trung bình) trong bằng cấp của các ứng viên Fulbright…
Phải phát minh, phải có những phát minh đột phá và liên tục, liên tục; Phát minh liên tục đó lại bắt buộc phải đi trước đối thủ, nếu không sẽ tụt lại ngay
TS Lương Việt Quốc


Học xong tiến sĩ, Lương Việt Quốc thành lập Công ty Real-time Robotics ở Mỹ. Năm 2017, anh mang Realtime Robotics về nước với điểm tựa: Trí tuệ của người Việt Nam, năng lực của đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Hướng đi của Real-time Robotics Việt Nam là R&D, nghiên cứu và phát triển; Mục tiêu là xâm nhập thị trường thế giới, những thị trường khó tính nhất; cạnh tranh với thế giới bằng các sản phẩm có tính năng vượt trội; Nhiệm vụ cần làm là: “Phải phát minh, phải có những phát minh đột phá và liên tục, liên tục; Phát minh liên tục đó lại bắt buộc phải đi trước đối thủ, nếu không sẽ tụt lại ngay”, Lương Việt Quốc nhấn mạnh. Sau Hera, Lương Việt Quốc còn có thêm nhiều sáng chế tích hợp các công nghệ đột phá như: OmniSight Gimbal - thiết bị chống rung mang 2 camera đầu tiên trên thế giới, hay thiết bị vượt qua được hạn chế gây nhiễu điện tử của drone tự sát - vốn rất cần thiết cho các nhiệm vụ quân sự…
“10 năm, hàng trăm tỷ đồng, xác suất thành công dưới 1% và vẫn là startup, vẫn nguyên mối lo cơm, áo, gạo, tiền; Nhiều khi đến ngày 25 của tháng còn chưa biết lấy tiền đâu trả lương nhân viên. Nếu đầu tư vào bất động sản từ đó tới giờ, tôi đã có lợi nhuận khủng khiếp rồi”, Lương Việt Quốc cười: “Thế nhưng, không đổi mới sáng tạo, không nghiên cứu phát triển, không có khoa học công nghệ, không có phát minh của riêng mình thì Việt Nam mãi mãi không thể vươn lên hàng đầu. Con đường đi của chúng tôi rất phù hợp với chiến lược mà Nghị quyết 57 chỉ ra. Thật mừng là Nghị quyết 57 ra đời vào lúc này, rất đúng đắn, kịp thời. Bây giờ thực hiện Nghị quyết 57, ít nhất 5 năm, thậm chí 10 năm hay cả một thế hệ nữa chúng ta mới có thể thu hoạch được trái ngọt, nhưng không thể không làm”.
TS Lương Việt Quốc.
TS Lương Việt Quốc.
Trung tuần tháng 3, TS Lương Việt Quốc có mặt trong đoàn doanh nghiệp thuộc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tham gia cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội. Với một doanh nghiệp nội địa nhưng có khả năng hành xử như một công ty đa quốc gia, đủ vị thế để đi ra thế giới như Real-time Robotics Việt Nam, điều mà CEO - nhà sáng chế Lương Việt Quốc băn khoăn chỉ là: Một hành lang pháp lý cởi mở từ phía Nhà nước, tạo điều kiện cho các startup công nghệ đi nhanh hơn, mạnh hơn vì chỉ chững một nhịp là bị bỏ lại đằng sau ngay: “Drone là công nghệ lưỡng dụng, vừa phục vụ dân sự vừa đáp ứng mục tiêu quốc phòng. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, quốc gia nào cũng mong làm chủ được công nghệ chế tạo drone tiên tiến nhất. Nhiều nước đã tích cực ủng hộ ngành sản xuất drone nội địa. Chúng tôi muốn có một chính sách vừa bảo đảm an toàn bay vừa đủ không gian cho ngành drone phát triển. Thí dụ ở Mỹ, nếu drone bay ở khu vực cách sân bay từ 5 dặm (khoảng 8,05 km) trở lên, độ cao dưới 125m, không thuộc khu vực dân cư thì không phải xin phép. Ngược lại Việt Nam, drone bay ở đâu cũng phải xin phép”.
Năm 2025, nửa thế kỷ ngày non sông liền một dải, TS Lương Việt Quốc và team Real-time Robotics Việt Nam chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất drone tại khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thành phố mang tên Bác, những chiếc drone hiện đại, 100% do người Việt Nam sáng tạo sẽ xuất xưởng, sải cánh trên bầu trời các nước phát triển, đánh dấu sự độc lập-tự chủ về khoa học công nghệ của người Việt Nam trong kỷ nguyên
Nội dung: Ngô Hương Sen
Trình bày: Nam Đông - Phùng Trang
Ảnh: Nhân vật cung cấp