TƯ DUY QUÂN SỰ NHỎ ĐÁNH LỚN TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Quang cảnh chung tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt.

Quang cảnh chung tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt.

Các nhà chiến lược Pháp và Mỹ đã đúng khi coi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một pháo đài bất khả xâm phạm. Từ Thủ tướng nước Cộng hòa Pháp Lanien, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp Eli cho đến Đại tướng Nava, Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đều thống nhất rằng "phòng giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào".

Ngay tướng Ô. Đanien, người đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ một nước đến lúc này đã chi trả 80% chiến phí của nước Pháp ở Đông Dương, Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, sau khi thị sát trận địa, cũng có chung một quan điểm như trên.

Điều đó dễ hiểu. Vì Điện Biên Phủ hiện diện với những phát triển mới của phòng ngự hiện đại được đúc kết từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) – hệ thống phòng ngự bằng nhiều trung tâm đề kháng, bằng sự liên kết chặt chẽ giữa nhiều cụm cứ điểm, cùng hệ thống hỏa lực và hệ thống lực lượng cơ động kết hợp chặt chẽ với các chiến trường có liên quan.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự là tập đoàn phòng ngự mạnh nhất lúc bấy giờ ở Đông Dương. Tổ chức phòng ngự Điện Biên Phủ với diện tích rất lớn tới khoảng 126km2 (18km x 7km). 49 cứ điểm được tổ chức thành nhiều cụm cứ điểm - "trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp", vừa có khả năng phòng ngự độc lập khá mạnh, vừa tạo thế phòng ngự liên hoàn khó chia cắt.

Toàn thể trận địa phòng ngự, các "trung tâm đề kháng" lại được liên kết chặt chẽ bởi tổ chức phân khu; có ba phân khu: phân khu bắc gồm các cứ điểm ngoại vi, tiêu biểu là đồi Độc Lập, đồi Bản Kéo; phân khu trung tâm - Mường Thanh, châu lỵ Điện Biên Phủ; phân khu nam - phân khu Hồng Cúm.

Hệ thống hỏa lực mặt đất và trên không của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ khá mạnh. Hai tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, hai đại đội súng cối 120 ly, tổng cộng khoảng 40 nòng pháo và súng cối từ 100 ly trở lên, với hai căn cứ hỏa lực cơ bản là Mường Thanh và Hồng Cúm; hai sân bay, sáu đến tám máy bay cường kích, sáu máy bay trinh sát - liên lạc, một máy bay lên thẳng khống chế hoàn toàn không phận Điện Biên Phủ và các vùng trời lân cận.

Điện Biên Phủ có thể tiếp nhận từ 300-480 tấn hàng/ngày từ các sân bay trong vùng kiểm soát và được sự yểm trợ trên không của máy bay chiến đấu, ném bom cất cánh tại các sân bay của quân Pháp ở Bắc Bộ và Thượng Lào. Hơn một phần ba lực lượng cơ động của quân Pháp trên chiến trường Bắc Bộ được bố trí tại Điện Biên Phủ (17/44 tiểu đoàn) gồm những đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của tướng Nava...

Theo quan điểm của các nhà quân sự phương Tây và Bắc Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam không có khả năng tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm như Điện Biên Phủ.

Trước hết vì Quân đội nhân dân Việt Nam không có những phương tiện tiến công tương ứng, như không có không quân để yểm trợ trên không, để oanh tạc sân bay, để vận chuyển lương thực, đạn dược từ hậu phương xa đến chiến trường. Không có cả xe tăng, xe bọc thép làm lực lượng đột kích chủ yếu khi công phá các cứ điểm, các cụm cứ điểm để dẫn bộ binh đánh chiếm lần lượt các cứ điểm, và đánh lực lượng đối phương phản kích; không đủ hỏa lực pháo để khống chế toàn bộ hệ thống phòng ngự của đối phương, nhất là chế áp pháo binh của quân Pháp để chi viện cho bộ binh xung phong nhiều đợt với mật độ cao... Không có lực lượng phòng không đủ sức mạnh để bảo vệ đội hình chiến dịch, đánh trả có hiệu lực những cuộc tập kích hỏa lực bằng không quân của đối phương...

Các nhà chiến lược ở Paris, London và Wasington lại càng đúng khi nói rằng, không thể tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm, nếu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương tiến công tập đoàn này theo nghệ thuật tiến công thông thường, nghệ thuật tiến công mà các học viện quân sự nổi tiếng ở châu Âu và Bắc Mỹ đã nghiên cứu, giảng dạy từ lâu. Chính vì thế mà Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chọn cách đánh khác cách đánh của mọi quân đội thông thường. Đó là cách đánh mà các học viện quân sự của Pháp, Mỹ cũng như Anh chưa từng nghiên cứu và giảng dạy - cách đánh của chiến tranh nhân dân, nhỏ đánh lớn, ít địch nhiều.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chọn cách đánh khác cách đánh của mọi quân đội thông thường. Đó là cách đánh mà các học viện quân sự của Pháp, Mỹ cũng như Anh chưa từng nghiên cứu và giảng dạy - cách đánh của chiến tranh nhân dân, nhỏ đánh lớn, ít địch nhiều.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã từng có phương án tác chiến "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Theo phương án này, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tập trung ưu thế binh lực và hỏa lực, đồng thời tiến công vào tập đoàn phòng ngự của quân Pháp bằng nhiều hướng, hướng đông và hướng bắc là hướng chính, tiến công một mạch vào sâu trong tổ chức phòng ngự, chia cắt tập đoàn phòng ngự của địch, cô lập từng bộ phận của chúng, tập trung lực lượng và phương tiện đánh vào chỗ địch sơ hở và hiểm yếu nhất của tổ chức phòng ngự, nhằm tiêu diệt bộ phận lực lượng quan trọng của quân Pháp, tạo nên sự chuyển biến để hoàn thành nhiệm vụ của chiến dịch là tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Với phương án này, thời gian chiến dịch sẽ rút ngắn đi rất nhiều. Cuộc chiến đấu quyết liệt chỉ diễn ra khoảng ba đêm hai ngày. Do đó, bộ đội ta đang sung sức, có đủ sức khỏe để chiến đấu tốt; lượng tiêu thụ đạn dược, lương thực không quá lớn, nên có thể bảo đảm tiếp tế được,...

Song về cơ bản, phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh" không phù hợp với thực tế là kẻ địch đã được tăng cường và điều kiện của quân đội ta lúc đó. Vì thế, ngày 25-12-1953, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, trực tiếp là đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch, quyết định bỏ phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh" và đề ra phương án "đánh chắc, tiến chắc".

Đương nhiên, thực hiện phương án "đánh chắc, tiến chắc" đâu có phải là giản đơn, càng không phải là "dễ dàng, thoải mái" hơn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh". Trái lại, phương án "đánh chắc, tiến chắc" phản ánh một quá trình tư duy quân sự và xử lý thực tiễn vừa thống nhất vừa đầy mâu thuẫn, phức tạp và có liên quan đến toàn cục. Đó cũng là một quá trình tổ chức đầy sức sống, chặt chẽ và rộng lớn. Vì thế, nó là đỉnh cao của tư duy quân sự sáng tạo trong "15 phút đọ sức cuối cùng" của cuộc chiến tranh trường kỳ với bộ máy quân sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân.

Thực hiện phương án "đánh chắc, tiến chắc" đâu có phải là giản đơn, càng không phải là "dễ dàng, thoải mái" hơn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh". Trái lại, phương án "đánh chắc, tiến chắc" phản ánh một quá trình tư duy quân sự và xử lý thực tiễn vừa thống nhất vừa đầy mâu thuẫn, phức tạp và có liên quan đến toàn cục. Đó cũng là một quá trình tổ chức đầy sức sống, chặt chẽ và rộng lớn. Vì thế, nó là đỉnh cao của tư duy quân sự sáng tạo trong "15 phút đọ sức cuối cùng" của cuộc chiến tranh trường kỳ với bộ máy quân sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân.

Để đánh chắc, tiến chắc, phải làm cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ không nhận được sự tăng cường, nhất là tăng cường đột biến về binh lực của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nghĩa là phải phá vỡ và phân tán triệt để khối lực lượng cơ động của tướng Nava. Quá trình chỉ đạo chiến lược đúng đắn, kiên quyết và tài giỏi của Bộ Chính trị Đảng ta và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trên các chiến trường đã buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động ra năm nơi: đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ, Xênô (Trung Lào), Plâycu - nam Tây Nguyên và Luông Prabăng (Thượng Lào).

Rõ ràng, Bộ Chỉ huy của tướng Nava đã buộc phải hành động theo ý định của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - phân tán khối lực lượng cơ động của mình, và bị tước đi khả năng tăng cường đột biến binh lực cho Điện Biên Phủ. Mà khối lực lượng cơ động chiến lược này là ước mơ của tướng Nava, là chủ bài của ông ta để lật lại thế cờ có lợi cho quân Pháp.

Bị mất đi lực lượng cơ động chiến lược, Đại tướng Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp không thể thực hiện được ý định của mình là "luôn luôn chủ động", "luôn luôn tiến công" như lời tuyên bố của ông ta lúc mới nhậm chức. Có nghĩa là ông ta mất khả năng cứu giữ Điện Biên Phủ bằng cách tăng cường binh lực đột biến cho nó, hoặc mở chiến dịch tiến công lớn ở một hướng chiến lược nào đó, buộc Quân đội nhân dân Việt Nam phải rút lực lượng và phương tiện ở Điện Biên Phủ để đối phó.

Đó cũng là sự phối hợp các chiến trường một cách kỳ tài. Phối hợp chiến trường Việt Nam với chiến trường Lào; phối hợp chiến trường miền Nam, miền Trung với chiến trường miền Bắc; phối hợp chiến trường vùng địch tạm kiểm soát với chiến trường tiến công trực diện; phối hợp chiến trường chính và chiến trường hỗ trợ, phối hợp chiến trường chiến tranh du kích với chiến trường chiến tranh chính quy.

Điều đó đã khiến cho gần nửa triệu quân Pháp và nguỵ, cùng 500 máy bay các loại, gần 1.000 xe tăng và xe bọc thép, hàng trăm tàu chiến bị phân tán, dàn mỏng ra khắp Đông Dương, chịu để cho Quân đội nhân dân Việt Nam tập trung những lực lượng mạnh nhất của mình tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Điện Biên Phủ.

Bộ Chỉ huy của tướng Nava đã buộc phải hành động theo ý định của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - phân tán khối lực lượng cơ động của mình, và bị tước đi khả năng tăng cường đột biến binh lực cho Điện Biên Phủ.

Đánh chắc, tiến chắc ở Điện Biên Phủ được thực hiện theo lối đánh gần độc đáo.

Không nên hiểu đánh gần chỉ là đánh giáp lá cà, bò sát, chui vào hàng rào, đến đánh bộc phá vào các công sự và sử dụng hỏa lực bắn thẳng, lựu đạn để tiêu diệt địch trong các trận chiến đấu.

Đây là lối "đánh gần chiến dịch". Cách tiến công một tập đoàn cứ điểm khi ta không có những phương tiện tiến công địch từ xa, phương tiện đột kích mạnh như xe tăng, pháo tự hành, phương tiện cơ động hiện đại như máy bay, xe bọc thép, hoặc thiếu phương tiện hỏa lực để khống chế và bảo vệ đội hình chiến dịch, chiến đấu từ trên không.

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ của giặc Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta phá hủy và thu được

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ của giặc Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta phá hủy và thu được

Nét đặc sắc của lối đánh gần độc đáo của Điện Biên Phủ là vây, lấn, chia cắt quân đối phương.

Tập đoàn phòng ngự của quân Pháp ở Điện Biên Phủ là một hệ thống phòng ngự trận địa rộng lớn, có nhiều cứ điểm, chia thành nhiều cụm cứ điểm, nhiều phân khu. Đây là hệ thống phòng ngự vừa có sức đề kháng độc lập cao, vừa có thể liên hoàn chặt chẽ. Một cứ điểm nào bị đánh chiếm, các cứ điểm khác trong cụm có thể tổ chức đánh chiếm lại, một phân khu nào bị tiến công, các phân khu khác có thể chi viện cả bằng binh lực và hỏa lực. Đặc biệt, đối phương có ưu thế tuyệt đối về không quân và xe tăng, xe bọc thép. Quân tiến công rất dễ dàng bị đánh bật khỏi vị trí mới chiếm được bởi lực lượng ưu thế trên đây của quân phòng ngự.

Song, cách đánh vây lấn, chia cắt và áp sát đội hình chiến dịch, chiến đấu của đối phương, đã tước bỏ khả năng trên của quân Pháp.

Quân ta đã thực hiện bao vây Điện Biên Phủ bằng cả bao vây lớn - bao vây chiến dịch - và bao vây nhỏ - vây, lấn chiếm, chia cắt từng cứ điểm và cụm cứ điểm.

Khi ta tiến công các cứ điểm ngoại vi như Him Lam và Độc Lập, lực lượng ta đã vây chặt đường số 41 từ trung tâm Mường Thanh lên, và chặn đứng các lực lượng của địch ở phía bắc sân bay. Đồng thời dùng hỏa lực pháo ngăn chặn các cuộc phản kích của địch từ trung tâm ra; bao vây uy hiếp luôn cứ điểm Bản Kéo, khiến chúng phải kéo một bộ phận ra hàng.

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ

Sau khi diệt phân khu bắc và cứ điểm ngoại vi Him Lam, quân ta phát triển thế trận tiến công và bao vây vào sát phân khu trung tâm Mường Thanh.

Điều nổi bật là, ta xây dựng cả trận địa tiến công và trận địa bao vây để thực hiện đòn tiến công thứ hai. Cả một hệ thống trận địa tiến công, đường hào, hầm ếch, công sự hỏa lực, đến cơ động lực lượng, nơi ăn, ngủ, vệ sinh được xây dựng, phát triển và lấn dần vào phía cứ điểm của địch.

Quân ta bao vây, tiếp cận các mục tiêu tiến công từng bước bằng đường hào, bằng công sự chiến đấu như những thòng lọng thít dần vào cổ họng đối phương. Điều đó vừa tạo nên thế uy hiếp, kiểm soát đối phương ngày càng lớn, vừa giảm hiệu lực của không quân và pháo binh địch vì khoảng cách giữa ta và địch ngày càng ngắn. Bằng hệ thống công sự chiến đấu, ẩn nấp, sinh hoạt, đường hào đi lại, quân ta ung dung chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm ngay trên một địa hình bằng phẳng.

Các đơn vị xung kích của ta dưới sự chỉ huy của anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị đang tấn công sân bay Mường Thanh

Các đơn vị xung kích của ta dưới sự chỉ huy của anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị đang tấn công sân bay Mường Thanh

Cũng bằng hệ thống trận địa tiến công và trận địa bao vây, quân ta đã chia cắt, cô lập cứ điểm này với cứ điểm khác, giữa cụm này với cụm khác.

Điều "khác biệt" là, quân ta bao vây, chia cắt sân bay Mường Thanh - sân bay chính của tập đoàn cứ điểm không phải bằng không quân và hệ thống hỏa lực phòng không dày đặc, mà bằng hệ thống trận địa bao vây. Chính bằng đường hào chiến đấu, quân ta đã cắt sân bay này thành hai mảnh bắc và nam không sử dụng được nữa.

Cũng bằng hệ thống trận địa tiến công và trận địa bao vây, quân ta bao vây chặt phân khu nam - Hồng Cúm ra khỏi phân khu trung tâm, cô lập Điện Biên Phủ với Thượng Lào, với toàn Đông Dương...

Cách đánh vây, lấn, áp sát và chia cắt địch đã tạo ra thế uy hiếp lớn gấp đôi so với lực ta có, đã hạn chế đến mức tối đa chỗ mạnh của quân phòng ngự về không gian, cơ giới và pháo binh. Còn ta đã không tốn nhiều đạn (theo tiêu chuẩn tiến công trận địa) mà vẫn tiêu diệt cả một tập đoàn cứ điểm, bắt sống trên 10.000 quân địch.

Nét độc đáo của cách đánh gần ở Điện Biên Phủ còn là tiến công tiêu diệt từng bộ phận quân địch, đập vỡ từng mảng phòng ngự của đối phương.

Lần đầu tiên quân ta tiến công một tập đoàn cứ điểm của quân Pháp. Ta chưa có kinh nghiệm, đồng thời không có cả những phương tiện tiến công hiện đại như không quân, xe tăng, xe bọc thép. Ưu thế về bộ binh trong chiến dịch của quân ta so với đối phương chỉ là tương đối, và còn xa mới bằng ưu thế của các chiến dịch tiến công hiện đại. Cho nên ta đã lựa chọn cách đánh tiến công tiêu diệt từng bộ phận quân địch, đập vỡ từng mảng phòng ngự của đối phương, tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Cách đánh đó cho phép ta vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, có lượng thời gian cần thiết để chuẩn bị tăng cường lực lượng, giành thắng lợi sau lớn hơn thắng lợi trước, nhất là phù hợp với khả năng của quân ta, với so sánh lực lượng giữa ta và địch trong cuộc đọ sức cuối cùng.

Trong chiến dịch này, ta thực hiện từng đợt tiến công, mỗi đợt tiến công nhằm giải quyết một phần quan trọng của mục đích chiến dịch.

Bị quân ta tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, các chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào đang dùng súng trường bắn tỉa.

Bị quân ta tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, các chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào đang dùng súng trường bắn tỉa.

Quân ta bao vây, tiếp cận các mục tiêu tiến công từng bước bằng đường hào, bằng công sự chiến đấu như những thòng lọng thít dần vào cổ họng đối phương.

Đợt tiến công thứ nhất diễn ra từ ngày 13-3-1954 đến 17-3-1954 tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam và phân khu bắc. Ngày 13-3-1954, quân ta tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, cụm cứ điểm nằm cách Mường Thanh 2,5 km, ngăn chặn các cuộc tiến công của ta vào vùng vành đai của phân khu trung tâm. Ngày 15-3-1954, quân ta tiếp tục tiến công cứ điểm Độc Lập, uy hiếp cứ điểm Bản Kéo. Bị tiêu diệt một bộ phận lực lượng và tổ chức phòng ngự ở phía đông - bắc và tây - bắc bị phá vỡ, quân Pháp ở Điện Biên Phủ được tăng cường thêm hai tiểu đoàn dù.

Đợt tiến công thứ hai bắt đầu từ ngày 30-3-1954 đến khoảng trung tuần tháng 4-1954 nhằm đánh chiếm các ngọn đồi phía đông áp sát khu trung tâm, cắt hết đường tiếp tế, tiếp viện, vây chặt quân phòng ngự trong một vòng vây hẹp. 17 giờ ngày 30-3-1954, pháo binh mở đầu cuộc tiến công. Các cao điểm E, D1, D2 lần lượt rơi vào tay quân ta. Riêng điểm cao A1 và C1 quân ta và quân địch quần nhau quyết liệt, giành giật qua lại nhiều lần, cuối cùng, mỗi bên chiếm một nửa...

Đợt tiến công này quân ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch, tương đương sáu tiểu đoàn, trong đó có ba tiểu đoàn bị tiêu diệt gọn. Điều quan trọng hơn là quân ta tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của đợt tiến công thứ hai, đã lấn chiếm khu vực phòng ngự của đối phương có nơi chỉ cách cứ điểm của chúng 10-15m. Nhiều vị trí của địch bị ta uy hiếp quá mạnh phải bỏ chạy, sân bay bị ta đánh chiếm hoàn toàn. Toàn bộ phân khu trung tâm Mường Thanh phơi mình dưới hỏa lực của tất cả các vũ khí của ta từ tiểu liên đến pháo 105 ly. Thả dù là biện pháp duy nhất để tiếp tế cho quân phòng ngự. Có thế nói, đợt tiến công thứ hai diễn ra rất quyết liệt kéo dài, giành giật căng thẳng giữa hai bên.

đợt tiến công thứ ba mở đầu đúng ngày 1-5-1954, kết thúc 17 giờ 30 ngày 7-5-1954, khi toàn bộ Bộ Tham mưu và tướng Đờ Cátxtơri bị bắt sống, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn.

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy và thu được tại mặt trận Điện Biên Phủ

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy và thu được tại mặt trận Điện Biên Phủ

Các nước đế quốc to ở phương Tây và Bắc Mỹ ngỡ ngàng khi được tin Điện Biên Phủ thất thủ. Các nhà quân sự châu Âu không giải thích được làm cách nào Quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt được tập đoàn phòng ngự lớn của đối phương khi họ không có máy bay, không có xe tăng, rất ít pháo cỡ lớn, lại xa căn cứ hậu phương?

Những nghịch lý trong nghệ thuật quân sự của chiến tranh quy ước, cổ điển đã được Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta xét đến và tạo nên bất ngờ cho đối phương bằng cách đánh sáng tạo, cách đánh của chiến tranh nhân dân, cách đánh lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều.

Đại tá, TS. LÊ BẰNG Trưởng ban Tổng kết chiến lược Bộ Quốc phòng

Trích trong sách “50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

Ảnh: TTXVN
Trình bày: MINH ĐỨC