Trong lịch sử Ðảng ta, đồng chí Lê Duẩn có thời gian giữ trọng trách Tổng Bí thư dài nhất, 26 năm, kể từ năm 1960 đến 1986, đó là chưa kể trước năm 1960 cũng có thời gian đồng chí được BCH T.Ư Ðảng phân công chủ trì công việc của Ban Bí thư. Qua các Văn kiện Ðảng cho thấy, đồng chí Lê Duẩn không chỉ là một nhà hoạt động thực tiễn kiệt xuất, mà còn là một nhà tư tưởng, lý luận tài ba, lỗi lạc, sắc sảo.

Trong Ðiếu văn do đồng chí Trường - Chinh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn, BCH T.Ư Ðảng ta đã đánh giá: "Từ cuối những năm 30 cho đến khi qua đời, đồng chí là một người lãnh đạo quan trọng của Ðảng, và từ năm 1960, với cương vị là Bí thư thứ nhất rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của Ðảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác", và "cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và nhân dân ta thật là to lớn".

Chính tư duy cách mạng, khoa học, sáng tạo là một phần nguyên nhân giúp đồng chí Lê Duẩn tạo nên những cống hiến to lớn đó đối với Ðảng và nhân dân ta. Dĩ nhiên tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn lại được bắt nguồn từ những hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa Marxism-Leninism và tham gia hoạt động thực tiễn vô cùng sinh động của nhân dân. Ðồng chí Lê Duẩn đã nổi tiếng về tấm gương tự đọc sách báo Marx-Lenin, như Tư bản luận, Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản... và truyền bá cho các chiến sĩ cộng sản ngay trong nhà tù Côn Ðảo, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Còn về hoạt động thực tiễn, Ðảng ta cũng đánh giá rất cao rằng "Ðồng chí đã tham gia hoạt động ở tất cả các miền: miền bắc, miền trung, miền nam, từng trải mọi thử thách, gian nan, luôn luôn gần gũi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lao động". Có thể nói, nhờ đó đồng chí Lê Duẩn rất dày dạn kinh nghiệm đấu tranh cách mạng để cống hiến cho Ðảng và nhân dân.

Tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn còn bắt nguồn từ một nhận thức cơ bản, một luận điểm nổi tiếng cả trong nước và trên thế giới, do chính đồng chí nêu ra "chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo".

Ban Chấp hành T.Ư đã đánh giá cao tấm gương tư duy của đồng chí Lê Duẩn, khi nhấn mạnh rằng "Là một người Marxist-Leninist chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt lịch sử và những tình huống phức tạp". Có thể nói, tư duy của đồng chí Lê Duẩn là vô cùng năng động, nhạy bén. Ðồng chí Lê Duẩn luôn luôn suy nghĩ, động não, tranh luận, luôn luôn nêu ra nhiều câu hỏi với các đồng chí chung quanh để tìm ra những giải pháp mới. Ðó là một phẩm chất rất cao quý, một phong cách rất cao quý, mà các cán bộ, đảng viên chúng ta cần noi gương, học tập, trước hết đối với cán bộ lãnh đạo.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm vùng kinh tế mới An Hạ, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (8/1982). (Ảnh tư liệu TTXVN)

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm vùng kinh tế mới An Hạ, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (8/1982). (Ảnh tư liệu TTXVN)

Tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn không chỉ ở cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng trước hết hãy nói về cách mạng giải phóng dân tộc. Ðó là tư tưởng chiến lược cách mạng tiến công, dám tiến lên đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận của chủ nghĩa đế quốc, khi mà thế giới đang có ba dòng thác cách mạng, khi mà chủ nghĩa đế quốc đang bị động về chiến lược, khi mà tương quan so sánh lực lượng được tính toán trên từng không gian cụ thể, trên từng chiến trường cụ thể. Ðó là tư tưởng kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi cuối cùng của cách mạng giải phóng miền nam.

Nhờ tư duy rất sáng tạo và đúng đắn đó mà đồng chí Lê Duẩn đã đóng góp to lớn cùng Bộ Chính trị, BCH T.Ư Ðảng ra Nghị quyết 15 (khóa II) vào năm 1959 về cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới quan điểm chiến lược vô cùng anh minh của Bác Hồ "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", lại có những tư tưởng chiến thuật cách mạng táo bạo, sáng suốt của đồng chí, đồng đội như Nguyễn Chí Thanh nêu ra "Nắm thắt lưng địch mà đánh"... đã giúp đồng chí Lê Duẩn cùng tập thể Bộ Chính trị, BCH T.Ư có những tư duy cách mạng, tư duy quân sự sáng tạo tuyệt vời về chiến tranh nhân dân, về ba vùng chiến lược, ba mũi giáp công, sử dụng sức mạnh tổng hợp chính trị, quân sự, binh vận, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại..., góp phần xứng đáng đưa kháng chiến thắng lợi từng bước, tiến lên thắng lợi toàn diện và triệt để. Những bức Thư vào nam là một phần làm sáng tỏ tư duy sáng tạo mang tính cách mạng và khoa học của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam ta.

Những bức Thư vào nam là một phần làm sáng tỏ tư duy sáng tạo mang tính cách mạng và khoa học của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam ta.

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội (29/3/1982). (Ảnh: TTXVN)

Phải kể đến một tư duy vô cùng sáng suốt, đúng đắn của đồng chí Lê Duẩn khi nói về động lực trong cách mạng dân tộc dân chủ. Theo đồng chí, đội quân chủ lực không chỉ là nông dân, mặc dù nông dân là lực lượng đông đảo nhất và rất quan trọng. Giai cấp nông dân chỉ có thể phát huy được sức mạnh to lớn của mình dưới sự hướng dẫn, lãnh đạo, tổ chức của giai cấp công nhân. Thắng lợi cuối cùng phải diễn ra ở thành thị, ở nơi sào huyệt của kẻ địch, ở nơi đầu não chỉ huy của kẻ địch. Ðiều này làm cho vai trò của nhân dân lao động thành thị, đặc biệt công nhân, là vô cùng quan trọng. Vì thế, đội quân chủ lực của cách mạng phải là công - nông. Thực tế của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam giành thắng lợi toàn vẹn và triệt để vào ngày 30-4-1975 đã chứng minh cho luận điểm đó.

Thắng lợi cuối cùng phải diễn ra ở thành thị, ở nơi sào huyệt của kẻ địch, ở nơi đầu não chỉ huy của kẻ địch.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ, còn phải kể đến tư duy đúng đắn và sáng suốt về giai cấp địa chủ Việt Nam, về chính sách đối với giai cấp này. Theo đồng chí Lê Duẩn, địa chủ Việt Nam không giống địa chủ ở châu Âu, cũng không giống địa chủ ở Trung Quốc, cả về quy mô, về vị trí... Họ cũng nằm trong dân tộc bị mất nước, ngoài một bộ phận câu kết với đế quốc, còn bộ phận khác cũng thể hiện yêu nước, mong muốn độc lập, có thái độ ủng hộ cách mạng, ủng hộ và tham gia kháng chiến. Vì thế, cần có thái độ, chính sách cải cách ruộng đất phù hợp đặc điểm đó, phù hợp thực tế đó. Thực tế cho thấy ở Nam Bộ giải quyết vấn đề cách mạng ruộng đất phù hợp đặc điểm Việt Nam, không mắc phải sai lầm, tăng cường được lực lượng đoàn kết dân tộc để đẩy mạnh kháng chiến.

Tư duy cách mạng sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn trong cách mạng giải phóng dân tộc thật là sáng ngời, mặc dù chúng ta chưa kể được đầy đủ, càng chưa kể được xứng tầm vóc tư duy sáng suốt, độc đáo, đúng đắn của đồng chí. Nhất quán với lối tư duy sáng tạo trong cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí Lê Duẩn cũng để lại những ấn tượng sâu sắc đối với Ðảng ta về tư duy sáng tạo, độc đáo trong đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đồng chí Ban Thường vụ Khu ủy Khu V, năm 1986. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đồng chí Ban Thường vụ Khu ủy Khu V, năm 1986. (Ảnh: TTXVN)

Trước khi có đường lối đổi mới toàn diện thì đất nước ta đã diễn ra đổi mới từng lĩnh vực. Có được việc đổi mới từng lĩnh vực, một mặt do hoạt động sáng tạo của quần chúng, mặt khác do đã có tư tưởng đổi mới của một bộ phận các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng ta. Ðồng chí Lê Duẩn là một trong những nhà lãnh đạo rất sớm thể hiện tư tưởng đổi mới, mong muốn đổi mới quan niệm và mô hình chủ nghĩa xã hội, không giáo điều, rập khuôn.

Ngay sau khi giải phóng miền nam, đồng chí Lê Duẩn đã nói: "Có lẽ sau này ta không tiến hành cải tạo công thương nghiệp ở miền nam như cách làm ở miền bắc trước đây. Ta phải tận dụng kinh tế hàng hóa có phần phát triển hơn miền bắc, phải sử dụng nhiều thành phần kinh tế để phát triển sản xuất và đời sống nhân dân".

Ðồng chí Lê Duẩn đã trăn trở tìm tòi một mô hình chủ nghĩa xã  hội Việt Nam, phù hợp đặc điểm đất nước, xã hội và con người Việt Nam, cả mô hình chính trị cũng như mô hình kinh tế. Có thể nói, đồng chí Lê Duẩn đứng hàng đầu phê phán bệnh giáo điều. Một mặt, đồng chí đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải học tập chủ nghĩa Marxism-Leninism, phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marxism-Leninism; mặt khác, đồng chí nhiều lần nói và viết rằng: Không phải Marx, Lenin đã chỉ ra hết mọi điều. Chúng ta phải suy nghĩ trên mảnh đất của mình, phải độc lập tự chủ, ngay từ đường lối. Theo đồng chí Lê Duẩn thì Marx, Lenin nói về chuyên chính vô sản chứ chưa nói về nhân dân làm chủ trong chế độ mới như thế nào, và nhiều lần đồng chí nhấn mạnh rằng Marx, Lenin chưa nói đến vấn đề sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa như thế nào. Ðấy là những vấn đề mà chúng ta phải giải quyết, phải phát triển.

Trên thực tế, đồng chí Lê Duẩn đã tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ hình thức khoán sản phẩm trong công nghiệp và cả trong nông nghiệp để tạo ra động lực mới, khắc phục tình trạng trì trệ trong sản xuất.

Phải đổi mới cơ chế quản lý... Không thể làm kế hoạch theo kiểu quan liêu, bao cấp, mà làm kế hoạch phải gắn với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phải vận dụng các quy luật kinh tế, phải sử dụng đúng đắn quy luật giá trị và các quan hệ hàng hóa - tiền tệ.

Vào mùa hè năm 1979, chúng tôi đến Ðồ Sơn để chuẩn bị tài liệu để đồng chí Tổng Bí thư chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Ðảng. Hằng ngày, chúng tôi được đồng chí Lê Duẩn hướng dẫn rất nhiều, hé mở rất nhiều điều mới mẻ về tư tưởng, lý luận. Khi ấy có thông tin từ Hà Nội rằng tại lớp học về quản lý kinh tế của mấy trăm cán bộ cao cấp, các giáo sư Liên Xô như Abankin, Kulikov, Tikhinov giảng bài rất hay. Họ đều nói nhiều về kinh tế hàng hóa, nói không có thị trường đối với hàng hóa thì chẳng khác nào cắt bỏ ô-xy đối với cuộc sống con người. Ðồng chí Lê Duẩn rất đồng tình, chỉ thị mở thêm nhiều lớp học, sao in các bài giảng đó gửi các đồng chí lãnh đạo.

Tại hội nghị lần thứ 10 BCH T.Ư Ðảng (khóa V) tháng 5 - 1985, đồng chí Lê Duẩn đã nói "Phải đổi mới cơ chế quản lý... Không thể làm kế hoạch theo kiểu quan liêu, bao cấp, mà làm kế hoạch phải gắn với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phải vận dụng các quy luật kinh tế, phải sử dụng đúng đắn quy luật giá trị và các quan hệ hàng hóa - tiền tệ".

Ðó là những tư tưởng rất mới, khác với mô hình cũ. Tuy nhiên, cũng cần nhận biết rằng có tư tưởng đổi mới là một chuyện nhưng có bối cảnh thuận lợi để tư tưởng đổi mới đó trở thành hiện thực lại là một chuyện khác. Ví như trong nông nghiệp, khoán hộ diễn ra trong thực tế từ năm 1968, nhưng mãi 20 năm sau mới được công nhận và nhân rộng. Nhớ rằng, những năm 70, những năm đầu của thập kỷ 80 của thế kỷ trước còn đang tồn tại hệ thống xã hội chủ nghĩa. Vai trò, vị trí của Liên Xô cùng mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô có ấn tượng vững bền, ăn sâu vào tiềm thức đảng viên và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa. Cần đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể như thế thì việc nghiên cứu tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn mới đúng đắn.

Tư duy sáng tạo mang tính cách mạng và khoa học của đồng chí Lê Duẩn là một phần trong kho tàng tư tưởng, lý luận của Ðảng ta. Nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của đồng chí, chúng ta ôn lại và vận dụng phù hợp tình hình mới nhằm thúc đẩy đổi mới toàn diện, đồng bộ theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng đã đề ra.

Bài đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 05/04/2007
Nội dung: Vũ Hữu Ngoạn, Thường trực Ban Chỉ đạo biên soạn Toàn tập Văn kiện Ðảng
Trình bày: Thùy Lâm