Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

LTS: Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến hội thảo bài viết "Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta". Ðây là bài viết của Ðại tướng nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1999). Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này.

* Ảnh bìa: Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở màn trận chiến lược với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ, tháng 12/1953. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thế kỷ 20 sắp kết thúc. Nhân loại sắp bước vào thế kỷ 21, thiên niên kỷ thứ ba.

Trong những ngày này, quân và dân ta trong cả nước đang kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 10 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân 22/12/1944 - 22/12/1999.

...Chúng ta đã biết Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên được thành lập theo chỉ thị của Bác Hồ. Ngay sau khi ra đời đã đánh hai trận đầu toàn thắng, phát triển thành đại đội, đại đội chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Tiếp đó đã phát triển nhanh chóng thành nhiều đại đội thống nhất với Cứu quốc quân, với lực lượng vũ trang cả nước trở thành Việt Nam Giải phóng quân. Từ thời còn non trẻ dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với lực lượng vũ trang địa phương và dân quân tự vệ cả nước đã cùng với toàn dân vùng lên tổng khởi nghĩa đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi vĩ đại, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Ðông-Nam châu Á. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến thần thánh 30 năm đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)

Ðánh thắng hai đội quân viễn chinh hùng mạnh, kể cả đội quân mạnh nhất thế giới là thắng lợi vĩ đại của quân đội ta, của dân tộc ta. Ðây là một thắng lợi mà trên thế giới, từ đối phương cho đến bạn bè đều cho rằng ta không thể làm nổi. Cho đến nay chiến thắng ấy đã qua một phần tư thế kỷ mà biết bao nhà chiến lược, biết bao viện khoa học đã nghiên cứu tìm tòi vì sao Việt Nam có thể thắng Pháp, thắng Mỹ. Mãi cho đến gần đây, nhiều chính khách và bạn bè quốc tế đến Việt Nam, gặp tôi vẫn còn nêu lên những câu hỏi: Vì sao Việt Nam có thể thắng Mỹ? Vì sao Việt Nam đánh thắng được B52 của Mỹ? Con trai Tổng thống Ken-nơ-đi sang Việt Nam đã lên Pác Bó, khi về gặp tôi hỏi vì sao các ngài ở trong hang núi cùng với những người dân tộc thiểu số như vậy mà lại tin rằng sẽ chiến thắng? Vì sao Việt Nam có thể thắng, mà lại thắng vào lúc Pháp mạnh nhất, Mỹ mạnh nhất?

Còn đối với ta là người trong cuộc, đương nhiên chúng ta đã rõ. Nhưng đây là một thắng lợi vĩ đại chưa từng có, do vậy chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu tìm tòi luận giải ngày càng sâu thêm, rút ra những bài học cho sự nghiệp hôm nay và mai sau của đất nước.

Như chúng ta đã biết nhiều nghị quyết của Ðảng, nhiều bản tổng kết kháng chiến đã nêu lên nguyên nhân thắng lợi một cách toàn diện. Ðó là sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Ðảng, của Bác Hồ, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, do có toàn dân tham gia đánh giặc, do được bạn bè quốc tế ủng hộ và giúp đỡ, v.v. Những nguyên nhân rất cơ bản, rất đúng đắn ấy chúng ta đã nhiều lần phân tích và nhận thức sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bộ đội Hải quân, năm 1959. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bộ đội Hải quân, năm 1959. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam lần này, tôi muốn nói sâu hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự ra đời, quá trình trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta, góp phần lý giải tiếp điều mà Ðại hội lần thứ VII của Ðảng sau hơn 60 năm lãnh đạo cách mạng đã tổng kết khẳng định: tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Ðảng cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin lý luận tiên phong của Ðảng Cộng sản.

Hồ Chí Minh là một người Việt Nam đã thấm nhuần sâu sắc truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường bất khuất của dân tộc, thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước đã nuôi chí lớn ra đi tìm đường cứu nước.


Hồ Chí Minh là một người Việt Nam đã thấm nhuần sâu sắc truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường bất khuất của dân tộc, thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước đã nuôi chí lớn ra đi tìm đường cứu nước. Ðược hấp thụ văn hóa dân tộc, lại đi khắp bốn biển năm châu, tiếp xúc với văn hóa thế giới, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa  Lê-nin, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm ra phương hướng cho con đường cứu nước.

Tiếp đó sau mấy chục năm tham gia hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm của cách mạng các nước, đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Ðảng Cộng sản Việt Nam, vạch ra con đường cách mạng Việt Nam đúng đắn và sáng tạo, phù hợp với thực tiễn nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Lữ đoàn xe tăng 202, ngày 5/10/1959. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Lữ đoàn xe tăng 202, ngày 5/10/1959. (Ảnh: TTXVN)

Vì vậy, có thể nói: tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp truyền thống văn hóa Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Ðông, phương Tây với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm cơ sở thế giới quan và phương pháp luận đề ra đường lối cách mạng Việt Nam: tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, không qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (giai cấp), giải phóng con người.

Như vậy tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác - Lê-nin, con đường cách mạng Việt Nam đi theo con đường của cách mạng vô sản.

Lâu nay ta thường nói: thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của chiến tranh cách mạng Việt Nam là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nói như vậy là đúng nhưng qua thực tiễn cách mạng, ta thấy nói đầy đủ hơn đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ta cũng thường nói tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nói như vậy cũng đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì như trên đã nói, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có sự tiếp thu vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà còn có truyền thống văn hóa Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Ðông, tinh hoa văn hóa khác của phương Tây đã có trong hành trang tư tưởng của Hồ Chí Minh trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, còn có tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh phản ánh thực tiễn Việt Nam.

Hồ Chí Minh là người yêu nước Việt Nam đầu tiên trở thành người cộng sản khi đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đỉnh cao của tư tưởng nhân văn của nhân loại, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách sáng tạo có phân tích chọn lọc.


Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ của Quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, năm 1968. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ của Quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, năm 1968. (Ảnh: TTXVN)

Hồ Chí Minh là người yêu nước Việt Nam đầu tiên trở thành người cộng sản khi đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đỉnh cao của tư tưởng nhân văn của nhân loại, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách sáng tạo có phân tích chọn lọc. Từ năm 1924, Người đã suy nghĩ đến những hạn chế lịch sử của chủ nghĩa Mác và thấy cần được bổ sung cho phù hợp với đặc điểm phương Ðông, đặc điểm Việt Nam. Người đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin những nội dung phù hợp với cách mạng Việt Nam. Cái chủ yếu nhất mà Người tiếp thu về thế giới quan là mục tiêu cách mạng, về phương pháp luận là phép biện chứng duy vật. Có thể nói Hồ Chí Minh đã "Việt Nam hóa", "phương Ðông hóa" chủ nghĩa Mác - Lê-nin như một số đồng chí đã nêu. Ðến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã có một sự chuyển biến nhảy vọt về chất, giải phóng dân tộc đã gắn với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước đã gắn với chủ nghĩa quốc tế chân chính.

Bác Hồ đã nói: cuộc đấu tranh xã hội diễn ra trên hai mặt: đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Mác - Ăng-ghen sống trong thời điểm bấy giờ, đã phân tích chủ nghĩa tư bản, phân tích cuộc đấu tranh giai cấp, giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản một cách khoa học, sâu sắc, tìm ra con đường cách mạng cho giai cấp công nhân và nhân loại cần lao. Về đấu tranh dân tộc, thì Mác cũng đã nói đến nhưng phải đến Lê-nin, trước thực tiễn phát triển của chủ nghĩa đế quốc, mới đề cập đến một cách rõ hơn. Hồ Chí Minh, kế thừa tư tưởng của Mác, của Lê-nin, xuất phát từ thực tiễn chủ nghĩa đế quốc đã phân chia nhau thống trị khắp thế giới mà Việt Nam là một điển hình, phân tích sâu sắc chủ nghĩa thực dân, nêu lên một cách toàn diện và mở ra đột phá khẩu với cách mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc bằng mọi hình thức, đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Ðóng góp lớn nhất của Hồ Chí Minh đối với hệ tư tưởng Mác - Lê-nin và phong trào cách mạng thế giới là vấn đề dân tộc. Từ năm 1924, Người đã ra chủ trương "phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản",  Người coi "chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước". Người cộng sản ở nước thuộc địa phải coi "Tổ quốc là trên hết", trước hết là giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 22/12/1962. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 22/12/1962. (Ảnh: TTXVN)

Ðóng góp lớn nhất của Hồ Chí Minh đối với hệ tư tưởng Mác - Lê-nin và phong trào cách mạng thế giới là vấn đề dân tộc.


Từ những nội dung  trình bày trên ta thấy: tư tưởng Hồ Chí Minh tuyệt đối không có gì đối lập với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp thu nội dung chủ yếu của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nếu cho rằng nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh là hạ thấp chủ nghĩa Mác - Lê-nin là không hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh, là xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, là hạn chế phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải khẳng định ở Việt Nam nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh là cách có hiệu quả nhất để bảo vệ và nêu cao chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Bài đăng trên báo Nhân Dân ngày 15/05/2007

Trình bày: Nhã Nam