Từ Hiệp định Geneva (21/7/1954)

đến giải phóng Thủ đô (10/10/1954)

Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thay đổi cục diện chiến trường có lợi tại Việt Nam và tình hình đàm phán ở Hội nghị Geneva. Thắng lợi đó là đòn chí mạng giáng vào âm mưu kéo dài xâm lược và mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, buộc đối phương phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) và tạo thế mạnh cho các đoàn đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các đoàn đại diện Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc trong cuộc đấu tranh để đi tới giải pháp hòa bình trên toàn cõi Đông Dương. Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (21/7/1954), những quy định về vấn đề ngừng bắn, rút quân, trao trả tù binh và giải phóng các thành phố được bắt đầu từ ngày 22 tháng 7 năm 1954. Theo đó, các thành phố đặc biệt là Hà Nội còn nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp 80 ngày trước khi bàn giao cho ta. Từ chỗ ra sức củng cố, xây dựng Hà Nội thành đầu não chỉ huy chiến tranh, thực dân Pháp và ngụy quyền chuyển sang thực hiện âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho ta. Chính vì vậy, quân và dân Hà Nội nỗ lực đấu tranh bảo vệ thành phố trước thời điểm Thủ đô hoàn toàn giải phóng.

Từ Hội nghị Geneva đến Hội nghị quân sự Trung Giã

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, những tháng đầu năm 1954 quân và dân ta dốc sức chuẩn bị tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ đồng thời chuẩn bị đoàn cán bộ để đi tham dự Hội nghị Giơnevơ vì Trung ương Đảng nhận định: “Hội nghị Giơnevơ là một bước tiến tới làm cho tình hình thế giới và tình hình Viễn Đông bớt căng thẳng… Việc đấu tranh khôi phục hòa bình ở Việt Nam là ý nguyện của nhân dân ta nhưng chúng ta phải biết rằng chỉ chiến thắng địch mới có thể thực hiện được hòa bình chân chính. Bởi vậy chúng ta đừng có ảo tưởng hòa bình sẽ đến một cách dễ dàng. Tại Điện Biên Phủ, quân và dân ta ngày đêm gấp rút chuẩn bị trận địa tiến công, ngày 13 tháng 3 năm 1954 Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn giành thắng lợi.

Tiếp đến, trong quá trình chuẩn bị lực lượng cho đợt 2 chiến dịch, Đại tướng Tổng Tư lệnh, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ gửi thư cho các đơn vị, động viên cán bộ chiến sĩ gấp rút xây dựng trận địa vững chắc, đúng tiêu chuẩn để tiến tới tiêu diệt địch nhiều hơn. Tiêu diệt địch nhiều hơn làm cho địch thất bại về mặt quân sự là nhằm tác động đến tình hình chiến sự ở Đông Dương, gây bất lợi cho thực dân Pháp tại Hội nghị Geneva: “Dư luận địch lúc đầu còn che giấu, nhưng đến nay không thể bưng bít được nữa. Chúng nói: Nếu ngọn cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi đây được phất cao trên chiến lũy Điện Biên thì tình thế ở Đông Dương sẽ thay đổi lớn, lại có ảnh hưởng đến cục diện và Đông Nam Á nữa. Chúng lo ngại nếu Pháp bại trận thì khi đi Hội nghị Giơnevơ sẽ bị lép vế".

Về phía Pháp, Tổng chỉ huy Nava đã khuyên cáo chính phủ Pháp không nên tiến hành bất cứ cuộc điều đình nào khi chưa giành được một thắng lợi về quân sự có tính quyết định tại Đông Dương, Chính phủ Pháp bị đặt trong tình thế bế tắc.

Trước đó vào tháng 2 năm 1954, tại Hội nghị Berlin, giới chính khách Pháp và các nhà quân sự đã hoàn toàn không mong muốn sự có mặt của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Geneva: “Ông Bidault khi đến Hội nghị Berlin đã quyết định chỉ chấp nhận một hội nghị hạn chế, không có mặt của Trung Quốc và nhất là không có mặt của Việt Minh”. Ngày 26 tháng 4 năm 1954, các đoàn đại biểu đã có mặt tại Giơnevơ, Hội nghị bàn về chiến tranh ở Triều Tiên và Đông Dương. Trên bán đảo Triều Tiên đã có thỏa thuận ngừng bắn nhưng vẫn chưa đạt được một hiệp định hòa bình. Sự quan tâm của các cường quốc tập trung vào tình hình chiến sự nóng bỏng tại Đông Dương.

Hội nghị Geneva. (Ảnh tư liệu)

Hội nghị Geneva. (Ảnh tư liệu)

Trung ương Đảng và Chính phủ ta tiến hành nhiều hoạt động ngoai giao kiên trì và khéo léo để tham dự Hội nghị Geneva. Tại Việt Nam, thực tế chiến trường trên cả nước và ở Điện Biên Phủ diễn biến nhanh chóng, ngày 7 tháng 5 năm 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp thất thủ trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm giới cầm quyền Pháp choáng váng. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ bàn về chiến tranh Đông Dương. Chính phủ Pháp đã thừa nhận sự thất bại về mặt quân sự tại Điện Biên Phủ, chính Nava trong hồi kí đã thừa nhận khi chấp nhận đàm phán với ta về lập lại hòa bình là họ đã : “Cúi đầu lủi vào cái bẫy”.

Từ ngày 17 tháng 5 năm 1954 đến ngày 19 tháng 6 năm 1954 Hội nghị Geneva đã diễn ra 14 cuộc họp hẹp để bàn các vấn đề cụ thể về Việt Nam, Lào và Campuchia. Đến phiên họp lần thứ bảy ngày 27 tháng 5 năm 1954, trưởng đoàn đại diện Pháp tán thành đề nghị của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là cần họp bàn giữa đại diện quân đội hai bên tại Geneva và ở Việt Nam. Tại các phiên họp ngày 29 tháng 5 năm 1954 và ngày 2 tháng 6 năm 1954, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đoàn đại biểu Pháp đã thoả thuận về việc đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương gặp nhau tại chỗ ở Việt Nam song song với cuộc đàm phán ở Geneva, đó là cơ sở hình thành Hội nghị quân sự Trung Giã.

Từ Hội nghị quân sự Trung Giã đến giải phóng Thủ đô

Thực hiện quyết định của Hội nghị Giơnevơ, tại Việt Nam, đoàn đại diện của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đại tá Hà Văn Lâu phụ trách và đoàn đại diện của Bộ Tổng chỉ huy chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp, do Đại tá De Brebisson phụ trách triển khai các bước chuẩn bị tiến tới hội nghị. Đến nửa cuối tháng 6 năm 1954, hai Bộ Tổng tư lệnh thống nhất đề xuất của hai đoàn đại diện, trao đổi danh sách đoàn, địa điểm họp tại Trung Giã, Sóc Sơn, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội) và lấy tên hội nghị là Hội nghị quân sự Trung Giã.

Ngày 4 tháng 7 năm 1954, Hội nghị quân sự giữa đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương khai mạc. Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn. Các thành viên bao gồm Đại tá Song Hào, Đại tá Lê Quang Đạo, Trung tá Nguyễn Văn Long, Trung tá Lê Minh (Lê Minh Nghĩa), Thiếu tá Nguyễn Văn Lê (Lưu Văn Lợi), phiên dịch. Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương gồm 5 thành viên Pháp và 3 thành viên của Quốc gia Việt Nam (chính quyển Bảo Đại), do Đại tá Lennuyeux làm Trưởng đoàn.

Đoàn đại biểu quân sự hai bên thảo luận trong hội nghị Trung Giã. (Ảnh: Tư liệu)

Đoàn đại biểu quân sự hai bên thảo luận trong hội nghị Trung Giã. (Ảnh: Tư liệu)

Sau 23 ngày làm việc căng thẳng và nghiêm túc, ngày 27 tháng 7 năm 1954, Hội nghị quân sự Trung Giã kết thúc. Nhờ tinh thần cố gắng và hiểu biết của hai đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh hai bên, Hội nghị đã đạt được nhũng kết quả cụ thể. Chấp hành các điều khoản của Hội nghị Geneva, Hội nghị Trung Giã đã giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề trao trả tù binh bị ốm, bị thương và cũng đã thỏa thuận với nhau về việc cải thiện đời sống cho tù binh. Hội nghị đã nghiên cứu và định ra được thể thức cần thiết để thực hiện ngừng bắn, rút quân trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Tại Thủ đô Hà Nội, ngay sau khi Hiệp định Geneva có hiệu lực, cuối tháng 7 năm 1954, Thành ủy chỉ thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; lên án và kiên quyết đấu tranh âm mưu phá hoại hiệp định của thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bọn tay sai nhằm phá hoại công cuộc tiếp quản Thủ đô. Thành ủy Hà Nội đã nhanh chóng củng cố các đội tự vệ, bí mật hoạt động trong thành phố, kịp thời phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, cùng với nhân dân đấu tranh đòi đối phương phải thi hành và chấp hành đúng các nội dung đã được ký kết ở Hội nghị Geneva đấu tranh giữ gìn các nhà máy, xí nghiệp, công sở, giao thông; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong thành phố; đẩy mạnh công tác phát triển lực lượng cách mạng trong thành phố, làm nòng cốt để phối hợp với các lực lượng bên ngoài chuẩn bị tốt mọi mặt cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Đầu tháng 8 năm 1954, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tư lệnh Liên khu 3, Thành ủy Hà Nội họp, tiếp tục xác định nhiệm vụ chính của công tác tiếp quản là: “Coi trọng công tác tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân về tình hình và nhiệm vụ mới của thành phố. Kiện toàn hệ thống chỉ đạo, chỉ huy, tăng cường cán bộ cơ sở; mở rộng mặt trận đoàn kết, phối hợp các mặt đấu tranh chống địch phá hoại tài sản, máy móc, chống địch cưỡng ép di cư, đẩy mạnh công tác địch vận; xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch tiếp quản và các mặt công tác khác”.

Để thực hiện được các nhiệm vụ đó, về công tác quân sự: “Phải khẩn trương xây dựng phát triển lực lượng tự vệ mạnh mẽ và rộng khắp cùng với công an giữ gìn trật tự an ninh địa phương, bảo vệ nhà máy, xí nghiệp, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài vào tiếp quản Thủ đô. Đưa cán bộ trước đây đã chuyển sang các ngành trở lại mặt trận Thủ đô Hà Nội để chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ. Giải tán Đại đội 8 (Đại đội chủ lực cơ động của Thủ đô Hà Nội), đưa cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho cơ sở. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự ngay tại địa phương, xin Liên khu và Bộ Tổng Tư lệnh tăng cường cán bộ quân đội cho Mặt trận Thủ đô Hà Nội”.

Tiếp đó, Ban Chỉ huy Mặt trận Thủ đô Hà Nội cử đoàn cán bộ về thành phố Nam Định để nghiên cứu học tập kinh nghiệm công tác tiếp quản, xây dựng chính quyền cơ sở và lực lượng tự vệ. Ban Cán sự nội thành do đồng chí Trần Sâm làm Bí thư đã chỉ đạo tăng cường cán bộ cho các nhà máy, xí nghiệp, công sở; đẩy mạnh xây dựng lực lượng tự vệ và tuyên truyền giáo dục quần chúng, tập trung vào Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy nước, Nhà Bưu điện, Sở Hỏa xa,...

Với sự chỉ đạo kịp thời, công tác tuyên truyền, vận động đã đạt được những kết quả quan trọng, công nhân các nhà máy, xí nghiệp, công sở tin tưởng, phấn khởi sẵn sàng thực hiện mọi chủ trương công tác mới. Đến cuối tháng 9 năm 1954, tại Nhà máy điện Yên Phụ đã tổ chức được một trung đội tự vệ gồm 36 đội viên. Các vị trí quan trọng như bộ phận: vận hành lò, cơ khí, tuabin, bảng điện, than,... đều được biên chế một tổ để phù hợp với sản xuất và bảo vệ khi cần.

Tại các cửa ô, xóm lao động, việc xây dựng tự vệ cũng được xúc tiến khẩn trương. Từ trung tuần tháng 8 đến cuối tháng 9 năm 1954, ở nội thành, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức và xây dựng được 20 đơn vị tự vệ với 934 đội viên trong năm nhà máy, xí nghiệp, ba công sở, hai nhà ga, bến cảng, hai bệnh viện và tám khu xóm lao động cửa ô; lực lượng này cùng với nhân dân Thủ đô tiến hành nhiều cuộc đấu tranh với quân địch hiệu quả, góp phần giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh để bảo vệ nhà máy, xí nghiệp, công sở trong thành phố.

Đầu tháng 8 năm 1954, Bộ Tư lệnh Liên khu 3 và Bộ Tổng Tư lệnh tăng cường cho năm quận ngoại thành hơn 100 cán bộ quân đội để làm nòng cốt trong xây dựng các đội tự vệ. Số cán bộ này nhanh chóng được triển khai xuống các địa phương phát động nhân dân xây dựng tự vệ làm nòng cốt giữ gìn an ninh, bảo vệ mùa màng và góp phần chuẩn bị địa bàn cho các đơn vị bộ đội vào tiếp quản Thủ đô. Nhiều nơi đã thành lập được Ban ủy nhiệm thôn để tiến hành công việc chung. Lực lượng tự vệ được tổ chức ở hơn 110 trong tổng số 136 thôn, với 1.976 đội viên. Đây là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân tiến lên làm chủ nông thôn, chuẩn bị địa bàn vững chắc để quân đội tiến vào tiếp quản thành phố.

Để chỉ đạo công tác tiếp quản được thống nhất, ngày 17 tháng 9 năm 1954, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị thành lập Ủy ban quân chính Hà Nội làm nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. “Ủy ban quân chính Hà Nội là cơ quan lãnh đạo tối cao trong Hà Nội, thống nhất tập trung mọi quyền lãnh đạo đối với các ngành hoạt động”.

Tiếp đó, Hội đồng Chính phủ đã công bố “Tám chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với các thành phố mới giải phóng”: Bảo hộ tính mệnh, tài sản của nhân dân trong thành phố; bảo hộ công thương nghiệp; tiếp thu và quản lý các xí nghiệp, công sở của chính quyền Pháp và Bảo Đại; bảo hộ các trường học, nhà thương, cơ quan văn hóa, giáo dục...; viên chức trong các cơ quan chính quyền Pháp và Bảo Đại đều được tuyển dụng theo khả năng; những sĩ quan và binh lính trong quân đội Pháp và Bảo Đại còn ở lại trong các vùng mới giải phóng, sau khi đến ghi tên đều có thể được giúp đỡ để trở về quê quán hoặc được tuyển dụng tùy theo năng lực; bảo hộ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều; thực hiện tự do dân chủ, bảo hộ tự do tín ngưỡng của nhân dân.

"8 chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với các thành phố mới giải phóng" đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 9-10/10/1954.

"8 chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với các thành phố mới giải phóng" đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 9-10/10/1954.

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Hà Nội trong ngày tiếp quản, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về tiếp quản Hà Nội, phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Đề phòng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các lực lượng phản động phá hoại, cũng như khắc phục hậu quả mà chúng có thể gây ra, Trung ương Đảng và Chính phủ đã giao cho Đại đoàn 308 phối hợp cùng với Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) cùng các đơn vị công an chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp quản, chiến đấu và bảo vệ Thủ đô khi cần thiết.

Ngày 21 tháng 9 năm 1954, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 35, tổ chức Đại đoàn 350, chỉ định đồng chí Hà Kế Tấn, Tư lệnh Liên khu 3 làm Đại đoàn trưởng, kiêm Chính ủy; đồng chí Nguyễn Đình Tuy làm Phó Chính ủy. Đại đoàn có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ sở chính trị, kinh tế quan trọng ở Thủ đô Hà Nội.

Cùng với các mặt công tác chuẩn bị tiếp quản, các nhu cầu về đời sống vật chất của nhân dân cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, các ngành, các liên khu, tỉnh bạn dốc sức chi viện cho Hà Nội. Đến cuối tháng 9 năm 1954, Hà Nội đã chuẩn bị được 12 nghìn tấn gạo, hơn 12 nghìn tấn củi, 15 nghìn tấn than, 400 con bò, đủ cung cấp trong vòng ba tháng.

Song song với quá trình chuẩn bị mọi mặt tiếp quản Thủ đô, phong trào đấu tranh nhằm bảo vệ các công sở, nhà máy, xí nghiệp trong thành phố cũng được đẩy mạnh. Tại Nhà máy điện Yên Phụ, tự vệ và công nhân liên tiếp đấu tranh đòi chủ nhà máy không được tháo dỡ máy móc mang đi, giữ nguyên hiện trạng và phải đảm bảo đủ than dự trữ cho nhà máy hoạt động... Nhằm phá hoại hệ thống thông tin liên lạc của thành phố, trong tháng 8 năm 1954, địch cho tay sai ép công nhân tháo dỡ máy và tổng đài điện thoại của Bưu điện Hà Nội. Ngày 9 tháng 10 năm 1954, ngày cuối cùng quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội, chúng đã đặt mìn, định phá Nhà bốt nước Hàng Đậu, tự vệ khu phố kịp thời phát hiện, nhanh chóng tháo gỡ mìn, chặn đứng âm mưu phá hoại của quân Pháp…

Người dân trang trí đường phố cho ngày tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội)

Người dân trang trí đường phố cho ngày tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội)

Tại nhiều công sở, xí nghiệp, đội tự vệ và công nhân cũng tổ chức đấu tranh chống địch tháo dỡ máy móc, giữ gìn và bảo vệ tài liệu. Tuy nhiên, ở một số nơi do thiếu cán bộ chỉ đạo, tổ chức cơ sở quần chúng và lực lượng tự vệ chưa được củng cố, quân địch đã thực hiện được kế hoạch phá hoại, điển hình là Đài phát thanh Việt tấn xã mất hết máy móc, linh kiện, hồ sơ; Nhà máy in quốc gia bị địch lấy đi gần như toàn bộ máy móc và nguyên vật liệu. Ở các vùng ngoại thành, nhân dân được vận động tập trung bảo vệ mùa màng, thôn xóm, bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình. Một số nơi như Mễ Trì, Nhật Tân, Quảng An... đã huy động đông đảo quần chúng giải vây thanh niên bị địch vây bắt. Từ cuối tháng 9 năm 1954, địch phải bỏ nhiều đồn bốt như Đồng Trì, Khương Thượng, Nhân Chính, Cầu Mới, Nhổn... tự vệ đã thu được nhiều vũ khí, đạn dược.

Trong hơn hai tháng đấu tranh quyết liệt với địch, các tổ chức cơ sở đã lãnh đạo tự vệ, công nhân, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân cả nội thành và ngoại thành làm thất bại nhiều âm mưu của địch. Điển hình, tự vệ, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ đã buộc địch phải đảm bảo 4 nghìn tấn than dự trữ cho đến ngày tiếp quản. Nhà máy nước giữ được máy móc, thiết bị, đảm bảo cung cấp nước bình thường cho thành phố... Đó là một thắng lợi quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại âm mưu “phá nát thành phố” của thực dân Pháp.

Công nhân Nhà máy điện Yên Phụ ký đơn đấu tranh đòi không được mang máy móc vào miền Nam và có đủ 4.000 tấn than dự trữ . (Ảnh tư liệu)

Công nhân Nhà máy điện Yên Phụ ký đơn đấu tranh đòi không được mang máy móc vào miền Nam và có đủ 4.000 tấn than dự trữ . (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đấu tranh với các âm mưu phá hoại máy móc và chống địch dụ dỗ, cưỡng bức đồng bào di cư vào miền Nam, công tác địch vận cũng được triển khai mạnh mẽ. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này đã tập trung thực hiện tốt bốn chính sách lớn của Chính phủ với ngụy quân, ngụy quyền; từng bước tiếp cận và sử dụng nhiều hình thức, nội dung để tuyên truyền, vận động, kêu gọi binh lính bỏ hàng ngũ trở về với gia đình, quê hương làm ăn, sinh sống.

Theo thỏa thuận, 8 giờ sáng ngày 6 tháng 10 năm 1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi quận lỵ Văn Điển, quân ta tiếp quản và giải phóng quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội. Cùng ngày, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông; ở phía Bắc, quân Pháp rút đến cách Tả Ngạn sông Đuống 4km. Trong khi đó, tại thị xã Sơn Tây, hơn 200 cán bộ được tổ chức thành 37 đội công tác tỏa về các thôn, xóm tuyên truyền vận động nhân dân vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch; trấn áp bắt giải đi cải huấn được 57 tên phản động, mở lớp học chính sách cho 17 linh mục và hàng nghìn binh sĩ ngụy ra trình diện; vận động 5.000 trong số gần 1 vạn người135 bị địch dụ dỗ di cư vào miền Nam trở về quê cũ làm ăn sinh sống.

Sau khi đấu tranh với địch bảo vệ giữ gìn thành phố an toàn, quân Pháp đã rút khỏi Hà Nội. Sáng ngày 10 tháng 10 năm 1954, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... từ năm cửa ô, với quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ” lấp lánh trên ngực, lưỡi lê sáng lóa đứng trên các xe ô tô sơn màu xanh rêu, cánh cửa in phù hiệu cờ đỏ sao vàng hùng dũng tiến vào Thủ đô Hà Nội trong niềm vui, phấn khởi chào đón của nhân dân thành phố.

Như vậy, Từ Hội nghị Geneva đến tiếp quản, giải phóng Thủ đô là một hành trình nhiều cam go, thử thách, đòi hỏi quân và dân ta vừa phải đấu tranh ngoại giao vừa tiến hành đấu tranh quân sự. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình: Bảo vệ Thủ đô vững chắc, an toàn. Việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội thành công là nguồn động viên, cổ vũ nhân dân cả nước đẩy mạnh phong trào đấu tranh, buộc đối phương phải chấp hành những nội dung đã được ký kết tại Hội nghị Geneva.

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. (Ảnh: TTXVN)

Ngày xuất bản: 17/10/2024
Ảnh: Tư liệu TTXVN, Bảo tàng lịch sử quốc gia, Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, Báo Nhân Dân