Từ "không chiến"
trở thành bạn bè
Trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, những phi đội bay MiG-21 bất kể ngày đêm thuộc lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần làm thất bại chiến dịch quân sự mang tên Linebacker II của quân đội Mỹ.
Những người lính bảo vệ bầu trời miền bắc năm nào giờ đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng 50 năm qua, những ký ức của 12 ngày đêm rực lửa trên bầu trời Hà Nội vẫn vẹn nguyên như thủa nào. Và có lẽ không nơi đâu trên trái đất này, những người từng ở hai đầu chiến tuyến lại có thể trở thành bạn bè, cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh như câu chuyện của những cựu phi công Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tầm nhìn xa chiến lược
Ngay sau khi miền bắc được giải phóng, từ năm 1956, Nhà nước đã cử các học viên đi Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa để học lái máy bay từ vận tải tới chiến đấu.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam kể lại: Bước sang năm 1965 tình hình rất căng, biết là Mỹ sẽ đánh phá lớn miền bắc, Nhà nước ta đã đề nghị các nước bạn giúp đỡ. Cao điểm là vào năm 1965, 250 học viên được tuyển chọn để đi học máy bay chiến đấu tại Liên Xô, Trung Quốc. Từ 250 học viên này sau khi tốt nghiệp được hơn 100 phi công về nước năm 1968, 1969.
Lứa học viên đào tạo phi công tiêm kích năm ấy khi sang Liên Xô trình độ đa dạng (từ học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, sinh viên đại học tới bộ đội đang công tác), tuổi tác đa dạng (người ít tuổi nhất mới 15 tuổi và nhiều tuổi nhất gần 30 tuổi). Được học tiếng Nga 3 tháng nên nhiều người chưa viết được tiếng Nga nhưng đã phải học về lý thuyết kỹ thuật, hệ thống vô tuyến, thiết bị dẫn đường hoàn toàn bằng tiếng Nga. Rất khó nhưng tất cả đều cố gắng học ngày học đêm.
“Khi đó, chiến tranh ác liệt, nhu cầu có phi công để chiến đấu là rất lớn. Do đó, Việt Nam đã yêu cầu Liên Xô đào tạo nhanh nhất có thể. Chỉ sau 2 năm 9 tháng, tất cả đã tốt nghiệp chương trình đào tại MiG-21 rồi trở về nước. Vội vàng tới mức khi về Việt Nam được 8 ngày là tôi bay chuyến đầu tiên và 20 ngày sau vác mũ đi trực chiến cùng các anh trong đơn vị”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát hồi tưởng.
Giai đoạn những năm 1968-1969, do nhu cầu phát triển lực lượng và yêu cầu nhiệm vụ, Quân chủng Phòng không - Không quân đã quyết định thành lập Đại đội 5, trực thuộc Trung đoàn Không quân 921 (sau này đổi thành Phi đội 5) với sứ mệnh… chuyên đánh máy bay đêm. Cũng trong khoảng thời gian này, những phi công ưu tú nhất được đào tạo cả trong và ngoài nước ngay lập tức được đưa trực tiếp vào quân số Phi đội này.
Đại tá không quân Hoàng Biểu mặc dù đã 80 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn và mạnh khỏe. Ông đặc biệt mặn chuyện khi được chúng tôi hỏi về những ngày phi đội bay đêm đặc biệt mà ông đã có vinh dự phục vụ hơn 50 năm về trước.
Trầm ngâm nhớ lại, ông kể: So với bay ngày, việc bay đêm khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh việc triển khai các đài, trạm, lực lượng phục vụ như ban ngày, các chiến sĩ còn phải triển khai thêm hệ thống đèn ban đêm. Đội bay đêm cũng không thể nhìn thấy nhau bằng mắt thường mà phải giữ khoảng cách hàng trăm, hàng nghìn mét để bảo đảm an toàn.
Bước sang thập kỷ 70, một số phi công của Phi đội 5 nhận nhiệm vụ cơ động vào khu 4, ém quân ở sân bay dã chiến Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Đồng Hới (Quảng Bình) để tham gia chiến đấu bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược 559, song song với việc tìm cách đánh B-52 bắt đầu xuất hiện trên vùng trời Bình Trị Thiên. Sau nhiều ngày nghiên cứu, bộ đội không quân ta đã tìm ra cách đánh và xây dựng phương án, tổ chức luyện tập.
“Ngày ấy, nhiệm vụ của Đại đội 5 là huấn luyện bay đêm để tham gia trực chiến đánh đêm về sau này. Theo phương án được xây dựng, phi công bay đánh đêm được tổ chức tập luyện từng giai đoạn theo các tình huống một cách chi tiết, tỉ mỉ và chính xác. Từ việc phát hiện B-52 thế nào, có cần mở ra-đa hay không, mở ở cự ly bao nhiêu, bay tránh lực lượng tiêm kích yểm hộ ra làm sao, tiếp cận thế nào và phóng tên lửa ở cự ly nào thì hiệu quả nhất, phóng mấy quả, thoát ly ra khỏi trận địa về hạ cánh thế nào. Tất cả các vấn đề nêu ra đều được chuẩn bị kỹ cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật đánh B-52”, Đại tá Hoàng Biểu hồi tưởng.
Cuối năm 1972, tiên đoán khả năng Mỹ sẽ huy động B-52 đánh phá miền bắc, Quân chủng Phòng không-Không quân đã khẩn trương tổ chức huấn luyện bay đêm bổ sung cho Phi đội 5. Gần chục phi công bay giỏi, kỹ thuật tốt, bản lĩnh vững vàng được lựa chọn để tập luyện cất cánh với tên lửa bổ trợ, bay chặn kích B-52 bằng ra-đa kết hợp bằng mắt.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, 4 năm từ 1968-1972 là thời kỳ “vàng” của lứa phi công năm ấy để được huấn luyện, nắm vững tất cả các kỹ thuật xử lý, tích góp kinh nghiệm không chiến. Nên khi bước vào mỗi trận đánh, các phi công ưu tú của ta hoàn toàn làm chủ được cả về sức khỏe, tâm lý và kỹ thuật, giành chiến thắng bất ngờ khiến đối phương vẫn đeo đẳng câu hỏi vì sao bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội cho đến tận những năm hòa bình sau này.
“Từ những năm ấy và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn tâm niệm là kinh nghiệm chuẩn bị cho chiến tranh của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta khi đó rất sâu sát. Bây giờ cũng vậy, trong thời bình nếu không có chiến lược từ rất sớm thì khi gặp khó khăn sẽ không trở tay kịp”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nói.
12 ngày đêm của máu, nước mắt và chiến công
Mặc dù 50 năm đã trôi qua, nhưng Trung tướng Nguyễn Đức Soát vẫn không thể quên 12 ngày đêm cuối năm 1972 với chiến công trả bằng rất nhiều máu và nước mắt của đồng đội.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972, Trung tướng Nguyễn Đức Soát khi đó đang là Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn không quân chiến đấu 927. Quân số Đại đội bao gồm 4 phi công bay đêm và 10 người bay ban ngày. Với Trung tướng Soát, trận đánh hôm 22/12/1972 là trận đánh không thể nào quên khi đó là trận đầu tiên ông chỉ huy trận đánh ban ngày- một trận rất ác liệt.
“Để loại không quân, đặc biệt ‘mối đe dọa’ mang tên MiG ra khỏi vòng chiến đấu, Mỹ đánh phá tất cả các sân bay của chúng ta khoảng 1 tiếng trước khi B-52 bay vào. Tôi nhớ tại sân bay Đa Phúc (nay là Nội Bài), đường băng chi chít hố bom. Hơn 100 quân, dân địa phương lập tức được huy động để sửa chữa, san lấp”, Trung tướng Soát nhớ lại.
Đến ngày 21/12 đã chữa xong đường lăn nhưng chưa chữa xong đường băng. Đường lăn chỉ rộng 16m, 2 bên đầy hố bom. Khi máy bay cất cánh, chỉ cần trệch ra khỏi đường lăn ấy là gặp hố bom, tai nạn ngay.
“Với tư cách là Đại đội trưởng, tôi là người đầu tiên cất cánh chiến đấu để bảo vệ trận địa tên lửa. Sáng hôm sau, tôi chỉ huy 1 tốp 2 chiếc đánh trận đầu tiên trong ban ngày, đối đầu với 12 chiếc F4 của không lực Mỹ có ý định tấn công trận địa tên lửa của ta. Hôm ấy trời có mây cao, chúng tôi lên đến độ cao 10km đầu tiên phát hiện có 2 chiếc, rồi tìm thấy 4 chiếc, rồi 2 chiếc, rồi 4 chiếc nữa. Tôi quyết định lao vào tấn công”, vị tướng già hồi tưởng.
Lúc này, phi công trên chiếc MiG-21 còn lại vẫn chưa nhìn thấy địch. Từ khoang lái chiếc “én bạc” của mình, Đại đội trưởng Soát nói gấp gáp trong bộ đàm: “Bên phải, bên phải! Tôi đang vòng phía nó. Anh cố gắn bám sát theo”.
"Én bạc" MiG-21 của phi công Soát vòng được 2 vòng, khi sắp tiếp cận được F4 của Mỹ thì ông thấy 2 trái tên lửa vùn vụt lao ngược về phía mình. Người đồng đội trên chiếc MiG-21 bám sát theo ông đã trúng đạn. Những tín hiệu liên lạc bị cắt đứt.
Lòng đau như cắt, nhưng Nguyễn Đức Soát không quên nhiệm vụ. Ông bẻ cần lái, vòng tiếp để chuẩn bị bắn. Lúc này, chiếc “én bạc” do ông điều khiển rung lắc dữ đội khi 2 quả tên lửa lướt qua bụng máy bay.
“Cả người tôi bị hất tung lên. May mắn tôi bắt được cần lái, kéo gấp thì thấy máy bay vẫn điều khiển được và thoát ly, quyết định không đánh nữa, vì nếu cố sẽ gặp tên lửa của địch,” ông nhớ lại.
Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Kể về trận đánh hôm đó, Trung tướng Nguyễn Đức Soát vẫn không giấu nổi sự tiếc nuối dù đã 50 năm trôi qua. “Trận này tôi rất tiếc vì đúng ngày thành lập quân đội, là người chỉ huy, quyết tâm làm sao dẫn đơn vị đi đánh trận đầu tiên nhưng không bắn được, mà lại để địch bắn rơi phi công số 2 của mình. Tôi vô cùng bứt rứt. Chiều về anh em trong đội động viên, không bắn hạ được máy bay địch, nhưng quan trọng nhất là đã cản phá được nó, không để nó đánh được trận địa tên lửa của ta, để tên lửa của mình có điều kiện tiếp tục chiến đấu”, ông bùi ngùi nhớ lại.
Nhờ có sự kết hợp bọc lót nhuần nhuyễn giữa không quân và bộ đội tên lửa mà suốt 12 ngày đêm năm 1972, không có đợt nào không quân Mỹ đánh trúng được trận địa tên lửa của bộ đội Việt Nam. Đây chính là yếu tố rất quan trọng, là sự kết hợp linh hoạt giữa không quân và phòng không, tên lửa.
Ngừng một lát, nhắc lại tên những người đồng đội đã hy sinh trong 12 ngày đêm 50 năm về trước, Trung tướng Soát không kìm nén được sự xúc động: “Khi bàn về cách đánh B-52, chúng tôi đều khẳng định phải kiên quyết bắn rơi. Nếu 2 quả tên lửa trên MiG-21 không bắn được thì vẫn còn quả tên lửa thứ 3 là chiếc máy bay và một trái tim cháy bỏng căm thù của phi công ta”.
Trong 12 ngày đêm Đại đội 3 đã bắn rơi được 5 máy bay Mỹ, trong đó có 2F4, 1 máy bay trinh sát không người lái, 1 trinh sát R5C của hải quân Mỹ và 1 B-52.
“Nhưng đại đội chúng tôi đã mất đi 2 phi công và 1 phi công bị Mỹ bắn rơi và nhảy dù được”, giọng Trung tướng Soát chùng xuống khi kể về những chiến công.
Ký ức 50 năm qua bỗng chốc dội về. Bi tráng nhất là trường hợp của phi công Vũ Xuân Thiều đêm 28/12. Cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa), phi công Vũ Xuân Thiều gặp địch ở Sơn La. Sau khi bắn xong 2 quả đạn, với trái tim “bùng cháy căm thù”, anh đã lao thẳng MiG-21 vào B-52 rồi anh dũng hy sinh.
Cũng trong ngày 28/12 ấy, phi công Hùng của Đại đội 3 đã bắn rơi được 2 máy bay Mỹ nhưng anh cũng bị bắn rơi.
“Những tổn thất trong chiến tranh và nhất là khi chiến tranh gần kết thúc, ngày thắng lợi đến gần luôn luôn là cái gì đấy gây cho mình cảm giác vừa đau thương vừa tiếc nuối. Nhưng cũng rất là tự hào vì chiến công của người lính trẻ”, Trung tướng Soát rưng rưng nơi khóe mắt khi nhắc tới sự hy sinh của người đồng đội, người bạn thân thiết của ông – phi công Vũ Xuân Thiều đã hòa vào “đại dương thứ 5” trong đêm 28/12/1972.
Tình bạn của những cựu thù trên bầu trời
Hàng chục năm qua đi, từ cuộc không chiến nảy lửa năm nào trên bầu trời Hà Nội, những người lính ở hai đầu chiến tuyến đã bắt đầu xích lại gần nhau hơn. Và đến lúc này, Trung tướng Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang với chiến công 6 lần bắn rơi máy bay Mỹ cùng với 1 số người Mỹ đã trở thành cầu nối cho những người từng là cựu thù trên bầu trời Việt Nam có dịp gặp nhau để hóa giải mối thù năm xưa và trở thành những người bạn.
Cho đến nay đã có 4 cuộc gặp các cựu phi công Việt Nam và Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Lần đầu tiên vào tháng 4/2016 tại Hà Nội, lần thứ hai diễn ra vào tháng 9/2017 tại thành phố San Diego, bang California, Mỹ. Lần thứ 3 là tháng 10/2018 tại Hà Nội và gần đây nhất, từ ngày 27-30/10/2022, Trung tướng Nguyễn Đức Soát và cựu phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã có cuộc gặp gỡ các cựu phi công Át (ACE) tại Mỹ. [Phi công ACE là những phi công bắn được từ 5 máy bay của đối phương trở lên].
Nhưng Trung tướng Soát nói, để có được cuộc gặp đầu tiên phải mất gần 5 năm từ lúc ý định xuất hiện.
“Đầu tháng 10/2011, cựu Đại úy Mỹ Richard Berry gửi thư cho Tùy viên quân sự Mỹ tại Việt Nam đề nghị gặp tôi. Richard là bạn của phi công lái chiếc F4 đã bị tôi bắn hạ năm xưa. 2 tháng sau đó, chúng tôi đã gặp mặt nhau trong một nhà hàng ven hồ Tây và nói toàn về… máy bay và cuộc chiến đó.”
Thái độ thiện chí và cởi mở của ông Richard Berry trong buổi gặp gỡ tối 26/12/2011 cùng với thông tin về việc phi công Jack R.Trimble năm 2012 sang Việt Nam để gặp Thiếu tướng phi công Trần Việt chỉ để chuyển lời cảm ơn của mẹ ông tới phi công Trần Việt rằng: "Tuy hạ máy bay nhưng không bắn chết con bà trong trận đánh ngày 27/12/1972", đã thôi thúc Trung tướng Nguyễn Đức Soát lên kế hoạch tổ chức để các cựu phi công hai nước gặp nhau.
Sau 5 năm trao đổi thư từ, ông cùng cựu phi công Nguyễn Sỹ Hưng, với sự tham gia tích cực từ Đại tá Charlie Tutt - cựu phi công lái F-4J của Thủy quân lục chiến Mỹ từng đóng quân tại căn cứ Chu Lai, Quảng Nam (1967-1968) đã tổ chức được cuộc gặp mặt đầu tiên vào ngày 13/4/2016 tại Hà Nội. Cuộc gặp có sự tham dự của 12 phi công Việt Nam, 11 phi công Mỹ.
Trong cuộc gặp gỡ, có nhiều cựu phi công Mỹ xin lên sân bay Kép nơi diễn ra nhiều trận không chiến, họ đến tượng đài không quân có bia khắc các liệt sĩ phi công của mình. Họ xem, thắp hương, đặt vòng hoa, giơ tay chào như các quân nhân chào nhau. Có phi công đã tìm, đến thăm lại gia đình mà ông ta đã bắn rơi cả phi công ở sân bay Kép. Đến thăm gia đình đó, ông nói thực sự rất buồn vì phi công đã hy sinh và ông ta xin nhận làm con của gia đình.
Cũng trong cuộc đầu tiên gặp đó, một vị Chuẩn đô đốc Mỹ trước khi sang Việt Nam đã gửi cho tướng Soát bức thư với nội dung: “Tôi đề nghị ông đừng bắt tôi gặp ông quản giáo ở Nhà tù Hỏa Lò”.
Trung tướng Soát đã nhắn lại: "Ông cứ yên tâm mà sang đi". Sau khi gặp lại những cựu phi công của Việt Nam, tới thăm lại Nhà tù Hỏa Lò, ông Chuẩn đô đốc ấy đã rất xúc động, tặng lại Nhà tù Hỏa Lò chiếc huy hiệu phi công của Hải quân Mỹ -chiếc huy hiệu chỉ cấp cho mỗi người một lần duy nhất trong đời.
Sau khi về nước, người cựu phi công Mỹ này có 1 câu phát biểu rất hay, đó là: “Nhà tù nhỏ nhất nằm ở giữa 2 tai của bạn. Nếu bạn không đi đến để nghe, không đến để chứng kiến, suốt đời bạn bị giam hãm, bị tù vì những ý nghĩ cũ của mình về đất nước, về con người Việt Nam. Hãy đến Việt Nam để biết cuộc sống, con người ở đấy họ tốt như thế nào”.
Cựu phi công Mỹ Randy Cunningham bên mộ liệt sĩ không quân Trà Văn Kiếm, người đã bị ông Cunningham bắn rơi trong trận không chiến năm 1972. (Ảnh: Tư liệu)
Cựu phi công Mỹ Randy Cunningham bên mộ liệt sĩ không quân Trà Văn Kiếm, người đã bị ông Cunningham bắn rơi trong trận không chiến năm 1972. (Ảnh: Tư liệu)
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu phi công Nguyễn Văn Bảy (A) gặp lại cựu phi công Mỹ đã từng bị ông bắn rơi máy bay. (Ảnh: Tư liệu)
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu phi công Nguyễn Văn Bảy (A) gặp lại cựu phi công Mỹ đã từng bị ông bắn rơi máy bay. (Ảnh: Tư liệu)
Cuộc hội ngộ giữa các cựu phi công Việt Nam và Hoa Kỳ (Ảnh: Tư liệu)
Cuộc hội ngộ giữa các cựu phi công Việt Nam và Hoa Kỳ (Ảnh: Tư liệu)
Trong cuộc gặp lần thứ 2 giữa các cựu phi công Việt Nam và Mỹ hồi cuối tháng 9/2017 trên tàu sân bay Midway tại căn cứ Hải quân Mỹ ở thành phố San Diego, California, Mỹ, Trung tướng Soát đã gặp lại cựu phi công Mỹ John P.Cerak, người bị ông bắn rơi trong trận không chiến ngày 27/6/1972.
Sau khi kể lại lần bị Trung tướng Soát hạ gục năm đó, đại úy John P. Cerak bằng giọng hóm hỉnh đã nói: “Tướng Soát đã làm mất một ngày du lịch thú vị của tôi. Tôi bị thương nhẹ và vào Hỏa Lò, 4 ngày sau được báo là có khách đến thăm, ông Soát tự giới thiệu ông là Trung úy. Hôm nay được gặp lại ông ở đây tôi rất cảm động, rất vui, muốn làm bạn của ông”.
“Từ đó chúng tôi giữ quan hệ, viết thư qua lại cho nhau, tôi gửi sách cho ông ấy, ông ấy gửi sách cho tôi. Gần đây ông ấy báo cháu ngoại ông ấy đang làm một đề tài nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, xin sang Việt Nam gặp tôi để lấy tư liệu”, Trung tướng Soát kể.
Cuộc hội ngộ giữa những cựu phi công Việt Nam và Mỹ cũng đã viết nên một câu chuyện tình bạn đẹp giữa những người đã từng ở hai bên chiến tuyến.
10 giờ sáng một ngày cuối năm 2022, cựu phi công Vũ Đình Rạng bật messenger, lần tìm tên David Robert Volker trong danh sách bạn bè Facebook của mình. David chính là viên phi công Mỹ có mặt trên chiếc B-52 bị ông Rạng tiếp cận tại không phận Nghệ An năm 1971. Sau rất nhiều năm, David trở lại Việt Nam trong hành trình “Từ không chiến thành bạn bè”. Hai người lính, ở hai đầu chiến tuyến đã gặp nhau, kết bạn với nhau và vẫn gửi cho nhau những lời chúc vội vàng xuyên qua hai đầu trái đất.
Sau chừng vài chục giây, bên kia Volker nhấc máy. Mặc dù đã nửa đêm tại Mỹ, nhưng người cựu phi công B-52 vẫn hồ hởi khi thấy “người bạn Việt Nam” gọi tới. Ông trở dậy, bật đèn và cùng ông Rạng hỏi han nhau về kế hoạch tổ chức Noel, kế hoạch đón năm mới cũng như gửi lời chúc tốt lành nhất cho nhau. Ông Rạng còn đặc biệt mời David R. Volker sang thăm Việt Nam trong dịp gần nhất.
Sau hơn 50 năm, đau thương và mất mát dường như đã trở thành sợi dây vô hình để kết nối những con người đã từng ở hai đầu chiến tuyến tìm lại sự hàn gắn. Những cựu phi công Việt Nam và Mỹ đã cùng nhau gác lại, hướng đến tương lai bằng tình bạn lạ kỳ dù ngôn ngữ khác nhau và cách biệt về địa lý.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ: “Những cuộc gặp, sự kết nối giữa chúng tôi không chỉ giúp thỏa mãn tò mò của mỗi bên về ý định chiến thuật, diễn biến những trận đánh trong quá khứ. Hơn thế nữa, chúng tôi đều có ước muốn xây dựng mối quan hệ giữa hai nước ngày càng tốt hơn, giúp nhân dân hai nước và những người xung quanh mình hiểu được rằng hai nước rất cần hòa bình và phát triển”.
“…Tổ quốc ơi! Người gian lao hơn mọi điều tôi biết. Người sâu xa hơn mọi điều tôi đã nghĩ. Đứng ở trên đồi cao này, một lần nữa tôi đã hiểu thêm rằng cuộc đời tôi đã được hiến trọn cho đất nước!”
Đó là những dòng nhật ký viết vào ngày 9/8/1972 của chàng phi công Nguyễn Đức Soát, khi ấy mới 26 tuổi. Hơn 50 năm sau ngày viết ra những dòng nhật ký đầy tâm trạng đó, Trung tướng Nguyễn Đức Soát rưng rưng hồi lại cảm xúc còn nguyên vẹn.
Ông kể, khi đứng ở trên đồi cao, nhìn về phía sân bay, ông mới nghĩ cái gì là sức mạnh thực ra trong con người mình để mình có thể chiến đấu, không sợ hy sinh và ngay cả bạn bè mình cũng thế.
“Tôi nhận ra điều không hề văn chương chữ nghĩa, đó chính là Tổ quốc. Tổ quốc những năm chiến tranh ấy nó không còn chỉ là đồng ruộng, là núi sông, là bầu trời, là biển cả nữa. Tổ quốc lúc này là nhân dân, là 1 dân tộc. Nhìn lại lịch sử thì kiên cường, trong gian khó như thế vẫn giữ niềm tin chiến thắng lớn lao. Tổ quốc vẫn gian lao vất vả. Sâu xa hơn là tình người trong chiến tranh đùm bọc nhau, sẵn sàng hy sinh. Hậu phương thì lo tiền tuyến, chính những cái đó làm cho mình cảm thấy yêu đất nước rất nhiều”, Trung tướng Soát bồi hồi nhớ lại.
Trong cuốn nhật ký đầu tiên được ông viết sau khi được sang Liên Xô đào tạo 8 tháng, trang mở đầu nắn nót viết hai chữ “Đời bay”. Đó chính là ước mơ của cả cuộc đời ông là làm sao cả đời được bay, được chiến đấu để bảo vệ bầu trời mà ông yêu thương hết thảy.
Và đó có lẽ cũng chính là ước mơ của một thế hệ phi công tiêm kích Việt Nam anh hùng…
Ngày xuất bản: 30/12/2022
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - HỒNG VÂN
Nội dung: NGUYỄN TRANG - SƠN BÁCH
Trình bày: ĐĂNG PHI, HẢI BÌNH
Ảnh: NGUYỄN TRANG, SƠN BÁCH, Nhân vật cung cấp, TTXVN