Tuyên giáo và báo chí - Lĩnh vực Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm đặc biệt
Là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, nhiều năm làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, và đã có nhiều đóng góp trên lĩnh vực tuyên giáo và báo chí.
NGƯỜI ĐỊNH HƯỚNG BÁO CHÍ SẮC SẢO
Năm 1967, sau khi tốt nghiệp đại học, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được phân công về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Sau bài báo đầu tiên “Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu” đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1968, đồng chí tiếp tục tìm tòi viết thêm được khá nhiều bài báo mang tính chất nghiên cứu nên được chuyển về làm công tác biên tập của Ban Xây dựng Đảng.
Năm 1971, đồng chí được cơ quan phái đi thực tế 1 năm ở xã Phú Lâm, huyện Thanh Oai (Hà Nội) và “3 cùng” với dân, tích lũy được rất nhiều chất liệu quý báu cả về lý luận lẫn thực tiễn, phục vụ đắc lực cho hoạt động báo chí và các lĩnh vực công tác sau này. Cũng từ đây, đồng chí đúc kết với các đồng nghiệp trẻ: “Thực tế của người làm báo rất quan trọng”.
Tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 9/8/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận; đồng thời là công cụ tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…”. Đây có thể coi là một chỉ đạo rất sâu sắc của người đứng đầu Đảng ta đối với công tác báo chí.
Dù giữ nhiều cương vị, trọng trách của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ tác phong của một nhà báo, nhất là thường xuyên đi cơ sở, nắm chắc thực tế, lắng nghe ý kiến của người dân… Đồng chí cũng tự coi mình là Nhà báo, thấu hiểu và sẻ chia sâu sắc với những người làm báo. Chính vì vậy, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí luôn quan tâm tạo thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp trước các sự kiện quan trọng của đất nước. Ngoài những chuyến thăm và làm việc với một số cơ quan báo chí chủ lực, đồng chí vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn cho nhiều báo, trực tiếp viết nhiều bài báo, trong đó có những bài rất quan trọng, mang ý nghĩa định hướng sâu sắc cho toàn xã hội.
Bài viết gần đây nhất là “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2024), đã nêu bật quá trình Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khẳng định vai trò của Đảng trong lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; đồng thời gợi mở việc phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước, hướng đến xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng; đúc kết một số bài học quan trọng về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm cho mỗi đảng viên trong thời gian tới.
Đồng chí nhấn mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân theo đúng tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, trên dưới đồng lòng, “Dọc ngang thông suốt”.
Với Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, chỉ đạo rất đặc biệt. Ngày 14/10/2015, tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; giữ vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân thành phố…”; tiếp sau đó là chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách… tạo không gian rộng mở cho Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển.
NGƯỜI CÁN BỘ TUYÊN GIÁO BẢN LĨNH, NHÀ LÝ LUẬN XUẤT SẮC
Từ thực tiễn lãnh đạo, qua các công trình nghiên cứu sâu sắc về nhiều lĩnh vực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một người cán bộ tuyên giáo bản lĩnh, nhà lý luận xuất sắc. Bên cạnh thời gian khá dài công tác tại Tạp chí Cộng sản ở nhiều vai trò (1967 - 1996), đồng chí cũng đã trực tiếp lãnh đạo công tác tuyên giáo tại Thành ủy Hà Nội (1996 - 1998) và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1998 - 2000), đồng thời tham gia lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương (1998 - 2006).
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 7/2/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ phải xây dựng đội ngũ cán bộ, những người làm công tác tuyên giáo, không chỉ là những đồng chí trực tiếp làm ở ngành tuyên giáo mà nói rộng ra là cả những người làm công tác báo chí, văn học nghệ thuật, giáo dục, khoa học, là vấn đề rất quan trọng. Đội ngũ đó đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị, sự kiên định, vững vàng, trung thành tuyệt đối, có dũng khí đấu tranh và có trình độ chuyên môn giỏi. Tính chất và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác tuyên giáo, trong khi tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, đòi hỏi phải nói được, viết được, thuyết phục được. Điều quan trọng là về mặt phẩm chất tuyệt đối không để bị cám dỗ bởi tiền bạc hay vật chất, không để sa vào cạm bẫy của các thế lực xấu, thế lực thù địch. Những người đi giáo dục cũng phải được giáo dục, những người làm công tác tư tưởng cũng phải được bồi dưỡng về mặt tư tưởng…
Ngày 1/8/2018, tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục có những yêu cầu đối với cán bộ làm công tác tuyên giáo. Đó là “có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, trí tuệ, tâm huyết với công việc, có dũng khí đấu tranh, có trình độ chuyên môn và phải có phương thức hoạt động khoa học, phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan khác. Cán bộ tuyên giáo phải nói được, làm được, không bị cám dỗ, không bị mua chuộc bởi các thế lực thù địch, kẻ xấu…”.
Qua thực tiễn lãnh đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ tầm vóc của một nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta. Các phát biểu của đồng chí tại các kỳ đại hội Đảng, các hội nghị Trung ương, các hội nghị tổng kết ngành xây dựng Đảng, các hội nghị của Quốc hội, Chính phủ… luôn mang hàm lượng lý luận rất cao. Đặc biệt, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày rất cụ thể và thuyết phục, rút ra những bài học kinh nghiệm qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới…
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có nhiều tác phẩm quan trọng khác như “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam - toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"”, “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…
Một trong những bài phát biểu quan trọng được dư luận đánh giá cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu Ban Văn kiện Đại hội XIV, có ý nghĩa định hướng rất sâu sắc không chỉ cho quá trình chuẩn bị Đại hội lần thứ XIV của Đảng mà còn có giá trị lâu dài sau này. Trong bài phát biểu đó, đồng chí nhấn mạnh: “Coi trọng tổng kết thực tiễn và nắm chắc lý luận khoa học; kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách để phát hiện, tìm tòi những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đang xuất hiện có sức sống từ trong thực tiễn, từ những nhân tố mới của thực tiễn, những mâu thuẫn chín muồi trong thực tiễn. Chú ý làm rõ những chủ trương, chính sách nào đã được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp và cái gì cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển”.
Có thể thấy, các phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mang tầm lý luận và có giá trị định hướng sâu sắc. Điều đó càng khẳng định tầm vóc của đồng chí Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhà nước ta, trong đó có lĩnh vực báo chí và tuyên giáo./.
PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ - Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Bài đăng trên Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 22/7/2024
Trình bày: Phi Nguyen
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương