
ĐÀO TRUNG THÀNH
Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII)
AI đang định hình lại không gian nhận thức, nhưng đường lối chính trị vẫn phải do con người xác lập.
Ngày 3/2/2025, đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hai cơ quan then chốt của hệ thống chính trị – Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Trung ương – chính thức hợp nhất thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Đây là bước đi cụ thể trong lộ trình thực hiện chủ trương lớn được nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc hợp nhất ấy, nếu chỉ nhìn trên bình diện tổ chức, là một sự kiện hành chính có tính tất yếu. Nhưng đặt trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), thì đây chính là một dấu mốc chiến lược, mở ra cơ hội tái định hình toàn bộ công tác tư tưởng, dựa trên nền tảng công nghệ và phương pháp luận mới.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà AI không còn là viễn cảnh tương lai, mà đã hiện diện sâu sắc trong đời sống hằng ngày. Chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng, một tốc độ lan truyền chưa từng có tiền lệ trong lịch sử công nghệ. Tính đến quý đầu năm 2025, hơn một nửa người trưởng thành tại Hoa Kỳ đã từng sử dụng công cụ AI tạo sinh, trong khi các nền tảng như GPT-4, Claude, hay Gemini ngày càng được tích hợp vào quy trình làm việc của hàng triệu tổ chức trên toàn thế giới.
Từ việc tạo nội dung văn bản đến sinh ảnh, từ phân tích dữ liệu xã hội đến huấn luyện chatbot, từ tổ chức chiến dịch truyền thông đến tối ưu hóa thông điệp theo từng nhóm dân cư, AI đang định hình lại toàn bộ hệ sinh thái truyền thông và vận động công chúng.
Một báo cáo từ McKinsey vào năm 2023 cho thấy, các ứng dụng AI tạo sinh có thể đóng góp tới 4.000 tỷ USD mỗi năm cho kinh tế toàn cầu. Trong đó, những lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là marketing, truyền thông chính sách, ngân hàng, công nghệ và cả công tác quản trị xã hội.
Nếu AI đã, đang và sẽ tác động sâu đến cách con người tiếp nhận thông tin, hình thành nhận thức, phản ứng với các vấn đề xã hội, thì rõ ràng, công tác tư tưởng và vận động nhân dân không thể đứng ngoài. Điều đáng lo ngại là, nếu không chuẩn bị kịp thời, chúng ta không chỉ bị chậm chân, mà còn có thể bị động trước làn sóng "tư tưởng ngầm", đến từ chính những mô hình AI nước ngoài được đào tạo trên kho dữ liệu thiên lệch về mặt văn hóa, giá trị, và bối cảnh chính trị.
Vì vậy, sự ra đời của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cần được nhìn nhận không chỉ là sự tái cấu trúc về mặt tổ chức, mà còn là lời mời gọi đến một tầm nhìn mới. Đó là tầm nhìn về việc xây dựng một nền tảng tư tưởng số hiện đại, trong đó AI không chỉ đóng vai trò là công cụ phụ trợ, mà trở thành thành tố cấu trúc trong việc thiết kế, triển khai và đo lường hiệu quả của các chiến dịch tư tưởng và dân vận.
Tư tưởng, trong thời đại mới, không thể chỉ truyền đạt bằng lời nói, văn bản, hay phát biểu định hướng. Tư tưởng cần được số hóa, cá nhân hóa và kiểm chứng bằng dữ liệu, để có thể dẫn dắt được nhận thức trong một xã hội đang ngày càng phân mảnh về thông tin và cảm xúc.
Câu hỏi đặt ra không còn là “liệu có nên dùng AI trong công tác tư tưởng”, mà là “nên dùng AI như thế nào để giữ được bản sắc tư tưởng dân tộc, trong khi vẫn nâng cao hiệu quả quản trị xã hội?”.
Bởi vì AI sẽ không thay thế cán bộ tuyên giáo và dân vận. Nhưng cán bộ không biết ứng dụng AI thì sẽ bị chính công nghệ và dư luận kỹ thuật số vượt qua.
Nếu công nghệ từng được xem là công cụ phục vụ cho công tác tư tưởng, thì nay, trí tuệ nhân tạo tạo sinh đang bước vào vai trò trung tâm trong việc thiết kế lại toàn bộ chuỗi giá trị tư tưởng và dân vận – từ khâu sản xuất nội dung, phân phối, đo lường phản ứng cho đến điều chỉnh chiến lược.
Một là, AI giúp tăng tốc độ sản xuất và phân phối nội dung, nhờ khả năng sinh văn bản, thiết kế đồ họa, tạo video hoặc giọng đọc một cách tự động, chính xác và nhất quán. Với những mô hình lớn đã được huấn luyện bài bản, cán bộ tuyên giáo có thể tạo ra một bản thảo bài viết, một bản tin thời sự hay một slide tuyên truyền chỉ trong vài phút, thay vì hàng giờ như trước. Quan trọng hơn, hệ thống còn cho phép kiểm tra độ chính xác thông tin, đề xuất chỉnh sửa theo phong cách phù hợp với từng nhóm công chúng. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn tăng khả năng thử nghiệm nhiều kịch bản truyền thông khác nhau, từ đó chọn ra phiên bản hiệu quả nhất.
Hai là, AI giúp nâng cấp năng lực phân tích dư luận mạng xã hội, thông qua việc tổng hợp, phân loại và phân tích dữ liệu từ các nền tảng số. Hệ thống có thể theo dõi những chủ đề nổi bật, phát hiện những khu vực đang có xung đột quan điểm hoặc dấu hiệu bất ổn, từ đó giúp cán bộ đề xuất phản ứng chính sách kịp thời, hoặc định hướng thông điệp phù hợp. Giống như việc bác sĩ có thêm thiết bị chụp cộng hưởng từ (MRI) để nhìn thấy cấu trúc bên trong cơ thể, AI mang lại cho người làm công tác tư tưởng một “lát cắt” sâu hơn vào tâm lý xã hội, những điều mà quan sát thông thường khó nhận biết.
Ba là, AI mở rộng khả năng tùy biến thông điệp tư tưởng theo vùng miền, nhóm tuổi, ngành nghề hoặc đặc thù cộng đồng. Thay vì chỉ tạo ra một thông điệp chung lan tỏa toàn quốc, cán bộ dân vận hoàn toàn có thể sử dụng AI để sinh ra nhiều phiên bản phù hợp với văn hóa địa phương, ngôn ngữ sử dụng và cảm thức cộng đồng. Các công cụ như chatbot, hệ thống gợi ý nội dung (content recommendation engine), hay bảng hỏi tự động đều có thể được lập trình theo cách riêng để tiếp cận từng nhóm cụ thể. Điều này giúp thông điệp tư tưởng không còn xa lạ hay khuôn sáo, mà trở nên gần gũi và mang tính cá nhân hóa cao.
Bốn là, AI tạo ra cơ hội đo lường hiệu quả tuyên truyền một cách định lượng và liên tục, thay vì chỉ dựa vào báo cáo tổng kết hoặc phản ánh định tính như trước. Với khả năng phân tích thời gian thực, hệ thống có thể xác định nội dung nào đang gây chú ý, vùng nào đang có tỷ lệ tương tác thấp, hoặc nhóm đối tượng nào phản ứng tích cực với loại hình truyền thông nào. Từ đó, công tác tư tưởng có thể được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, chính xác và dựa trên bằng chứng.
Năm là, AI không chỉ là công cụ thêm vào cho hệ thống hiện hữu, mà đang từng bước trở thành “hệ điều hành mới” của công tác tư tưởng và dân vận. Cũng như việc chuyển từ soạn thảo tay sang xử lý văn bản trên máy tính, từ thư tay sang thư điện tử, công tác truyền thông tư tưởng đang bước vào giai đoạn số hóa nền tảng. Nếu không chủ động xây dựng hệ sinh thái tư tưởng số, chúng ta sẽ để mất “không gian nhận thức số” vào tay các nền tảng quốc tế – nơi mà giá trị, quan điểm, và thông tin không phải lúc nào cũng tương thích với định hướng của Đảng và Nhà nước.
Cơ hội là có thật. Nhưng điều kiện tiên quyết để tận dụng được nó, là phải xem AI như một phần không thể thiếu trong chiến lược hiện đại hóa công tác tuyên giáo và dân vận, chứ không chỉ là một tiện ích hỗ trợ kỹ thuật.
Nếu như AI mở ra cơ hội nâng tầm công tác tuyên giáo và dân vận, thì đồng thời, nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ – đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các nền tảng AI hiện nay đều do các tập đoàn công nghệ nước ngoài phát triển và kiểm soát.
Một là, nguy cơ mất kiểm soát tư tưởng nếu phụ thuộc vào các nền tảng như OpenAI, Google, Meta, hay Anthropic. Các hệ thống AI này không chỉ xử lý dữ liệu trên máy chủ đặt tại nước ngoài, mà còn được huấn luyện dựa trên kho tri thức và hệ thống giá trị mang đậm dấu ấn văn hóa phương Tây. Khi nội dung tuyên truyền được sinh ra bởi một hệ thống không hiểu hoặc không chia sẻ định hướng chính trị của Việt Nam, thì rủi ro sai lệch về tư tưởng là điều không thể xem nhẹ.
Hai là, các mô hình AI nước ngoài mang theo thiên kiến văn hóa và chính trị tiềm ẩn, xuất phát từ chính cách chúng được huấn luyện. Dù AI có vẻ trung lập về kỹ thuật, nhưng dữ liệu mà nó học từ không hề trung lập. Chúng phản ánh những ưu tiên, góc nhìn, và cả định kiến của xã hội phương Tây – nơi mà khái niệm “tự do ngôn luận tuyệt đối”, “quyền cá nhân vô hạn”, hay “chủ nghĩa hậu hiện đại” thường được đặt cao hơn trách nhiệm xã hội, kỷ luật tập thể, và truyền thống đạo lý dân tộc. Nếu không cẩn trọng, những nội dung sinh ra bởi các mô hình này có thể làm xói mòn các nguyên tắc tư tưởng cốt lõi mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dày công vun đắp.
Ba là, nguy cơ rò rỉ dữ liệu chiến lược và bị thao túng từ bên ngoài. Khi sử dụng AI thương mại nước ngoài để xử lý văn bản nội bộ, sinh nội dung tuyên truyền, hay phân tích dư luận xã hội, chúng ta đồng thời gửi đi những tín hiệu vô hình về chiến lược truyền thông, định hướng tư tưởng, và cả điểm yếu trong hệ thống chính trị. Đây là rủi ro an ninh cấp cao – bởi dữ liệu không còn là tài nguyên vô hại, mà là vũ khí mềm trong cạnh tranh địa chính trị tư tưởng.
Quan trọng nhất, AI có thể sinh nội dung, nhưng không thể sinh ra đường lối chính trị. Một văn bản do AI viết ra có thể mạch lạc, hấp dẫn, thậm chí cảm động. Nhưng nếu không có sự kiểm duyệt của con người, văn bản ấy vẫn có thể lệch hướng, xuyên tạc tinh thần, hoặc vô tình gieo rắc nhầm lẫn tư tưởng. Chính vì vậy, công tác tư tưởng trong thời đại AI cần một cơ chế kiểm soát 3 lớp:
• Trước hết là kiểm tra mức độ tuân thủ đường lối, quan điểm chính trị của Đảng. Đây là tầng cốt lõi, quyết định tính chính danh của nội dung.
• Thứ hai là xác minh độ chính xác của thông tin, tránh lan truyền các dữ kiện sai lệch, bóp méo hoặc không kiểm chứng được.
• Thứ ba là đánh giá tác động cảm xúc–xã hội mà nội dung đó có thể gây ra trong cộng đồng. Một bài viết tưởng như đúng về mặt tư tưởng, nhưng nếu gây hoang mang, chia rẽ hoặc kích thích sự thù ghét, thì vẫn là thất bại về mặt dân vận.
Nếu không thiết lập được bộ lọc 3 lớp này, AI sẽ trở thành con dao hai lưỡi, tạo ra nhiều nội dung hơn nhưng lại gây hại nhiều hơn trong công cuộc xây dựng đồng thuận xã hội.
Nhận diện cơ hội là bước đầu, nhưng hành động mới là yếu tố quyết định liệu hệ thống tuyên giáo–dân vận của chúng ta có kịp thích nghi và phát triển trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Để AI trở thành một phần tích hợp trong chiến lược tư tưởng quốc gia, cần một lộ trình 3 giai đoạn: khởi động nhanh, xây dựng nền tảng, và định hình chiến lược dài hạn.



Giai đoạn ngắn hạn: Kích hoạt hệ sinh thái tư tưởng số
Một là, cần thành lập tổ công tác chuyên trách về AI trong công tác tuyên giáo–dân vận, gồm các cán bộ nòng cốt từ hệ thống Tuyên giáo, chuyên gia công nghệ, truyền thông và cả các nhà hoạch định chính sách. Tổ công tác này có nhiệm vụ rà soát hiện trạng, đề xuất thí điểm, tổ chức đào tạo, và xây dựng bộ quy trình ứng dụng AI phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Hai là, cần ban hành ngay hướng dẫn tạm thời về quy trình kiểm duyệt nội dung do AI tạo ra, với nguyên tắc rõ ràng: tách biệt vai trò của người sinh nội dung, người kiểm duyệt, và người công bố; đồng thời giữ vai trò quyết định ở cấp con người, không giao phó toàn phần cho máy.
Ba là, cần tổ chức các khóa tập huấn cơ bản về AI cho cán bộ cấp cơ sở, từ nhận thức công nghệ đến kỹ năng sử dụng công cụ, nhằm đảm bảo mọi cán bộ tư tưởng đều có khả năng làm việc hiệu quả với AI, thay vì đứng ngoài làn sóng đổi mới.
Giai đoạn trung hạn: Xây dựng hạ tầng tư tưởng số có chủ quyền
Một là, cần nghiên cứu và phát triển một mô hình AI nội bộ (Private LLM) được huấn luyện riêng bằng kho dữ liệu tư tưởng chính thống của Việt Nam, bao gồm văn kiện Đảng, phát biểu của lãnh đạo, báo chí cách mạng, và các nội dung đã được kiểm định tư tưởng. Mô hình này không chỉ bảo đảm tính bảo mật, mà còn giúp truyền tải đúng tinh thần và bản sắc tư tưởng Việt Nam.
Hai là, cần xây dựng một kho dữ liệu số chuyên biệt về tư tưởng, văn hóa, và lịch sử chính trị, phục vụ cả cho việc huấn luyện AI, sản xuất nội dung, và giáo dục cán bộ. Đây sẽ là “thư viện số tư tưởng” – một cơ sở hạ tầng chiến lược cần đầu tư bài bản và lâu dài.
Giai đoạn dài hạn: Định hình chiến lược quốc gia về tư tưởng trong thời đại AI
Một là, cần ban hành Kế hoạch quốc gia về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác tư tưởng và dân vận, xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình, ngân sách và bộ tiêu chí đánh giá. Việc này không chỉ là nhiệm vụ của ngành tuyên giáo, mà cần sự phối hợp từ Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức chính trị–xã hội và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ.
Hai là, cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử AI trong lĩnh vực chính trị, truyền thông và tư tưởng, nhằm bảo đảm rằng mọi ứng dụng AI trong công tác tư tưởng đều tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, pháp lý và giá trị cốt lõi của xã hội Việt Nam.
Chúng ta không thể chờ đợi. Vì AI đang tiến rất nhanh, và khoảng cách giữa “nắm bắt” và “bị dẫn dắt” có thể chỉ là vài năm, thậm chí vài tháng. Chủ động triển khai chiến lược không chỉ giúp hệ thống tư tưởng bắt kịp công nghệ, mà còn giữ vững vị thế lãnh đạo tư tưởng trong không gian số, nơi mà ý tưởng, cảm xúc, và niềm tin đang được tái định hình mỗi ngày bởi thuật toán.
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử loài người, nơi mà thông tin được tạo ra bởi máy, dư luận hình thành từ thuật toán, và niềm tin có thể bị thao túng bởi dữ liệu. Trong bối cảnh đó, công tác tuyên giáo và dân vận không thể giữ nguyên cách làm cũ.
Tư tưởng là thứ định hình xã hội từ bên trong. Nhưng nếu phương tiện để truyền tải tư tưởng đã thay đổi, nếu hành vi tiếp nhận thông tin của người dân đã biến chuyển từng ngày dưới tác động của AI, thì hệ thống tư tưởng cũng phải tự làm mới mình, bằng một chiến lược chuyển đổi toàn diện, đồng bộ và có tầm nhìn.
Đây không phải là lựa chọn, mà là điều kiện tồn tại. Vì:
AI không thay thế cán bộ tuyên giáo – nhưng cán bộ không dùng AI sẽ bị thay thế.
Không phải vì họ thiếu năng lực, mà vì thế giới quanh họ đã đổi thay quá nhanh.
Do đó, điều chúng ta cần lúc này là tư duy mở để tiếp cận cái mới, chiến lược đồng bộ để tổ chức hành động, và hành động khẩn trương để không lỡ nhịp chuyển mình toàn cầu. Mỗi ngày chậm lại là một bước lùi về khả năng định hướng nhận thức, quản trị xã hội, và duy trì đồng thuận chính trị trong không gian số.
Trong quá trình đó, các chuyên gia tư vấn, những người hiểu công nghệ, nhưng đồng thời cũng thấm sâu nền tảng tư tưởng chính trị – sẽ đóng vai trò quan trọng. Họ chính là cầu nối giữa hai thế giới, giữa lý tưởng và kỹ thuật, giữa mục tiêu quốc gia và năng lực công nghệ. Không chỉ để giải thích AI là gì, mà để giúp hệ thống chính trị ứng xử với AI một cách thông minh, bản lĩnh và có chủ quyền.
Tương lai của công tác tuyên giáo và dân vận không nằm ở việc chọn công cụ nào, mà nằm ở chỗ ai đủ tư duy chiến lược để dẫn dắt cả hệ thống vượt qua thời đại thay đổi này mà vẫn giữ vững bản sắc tư tưởng của dân tộc.
Và cuộc chuyển mình ấy, bắt đầu từ hôm nay và không thể bị trì hoãn thêm nữa.
Tài liệu tham khảo
1. UBS. (2023, February 1). ChatGPT sets record for fastest-growing user base – analyst note. Reuters. https://www.reuters.com/technology/chatgpt-sets-record-fastest-growing-user-base-analyst-note-2023-02-01/
2. Pew Research Center. (2025, April 3). How the U.S. public and AI experts view artificial intelligence. https://www.pewresearch.org/internet/2025/04/03/how-the-us-public-and-ai-experts-view-artificial-intelligence/
3. McKinsey Global Institute. (2023, June 14). The economic potential of generative AI: The next productivity frontier. McKinsey & Company. https://www.mckinsey.com/capabilities/mckinsey-digital/our-insights/the-economic-potential-of-generative-ai-the-next-productivity-frontier/
4. Stanford Institute for Human-Centered Artificial Intelligence. (2023). The AI Index Report 2023. https://hai.stanford.edu/ai-index/2023-ai-index-report
5. European Commission. (2023). European approach to artificial intelligence. https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/european-approach-artificial-intelligence/
6. Đào Trung Thành (2025). Tuyên giáo và dân vận thông minh: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và bài toán hiện đại hóa tư tưởng. Hội nghị thông tin chuyên đề “Chuyển đổi số từ góc nhìn của Nghị quyết số 57-NQ/TW và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác tuyên giáo và dân vận”.