
Giải phóng quân, bước đầu của quân đội quốc gia, đã thành lập trong tình thế nào, nhân thời cơ nào, sau những cuộc chuẩn bị như thế nào và giữa cao trào đấu tranh như thế nào?
Bấy giờ là vào cuối năm 1944, tức là năm thứ 3 của cuộc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Khẩu hiệu vũ trang khởi nghĩa lần đầu tiên được nêu lên do đoàn thể Việt Nam Độc lập Đồng minh, ngay trong cuộc hội nghị thành lập tháng 5/1941. Cuộc đại chiến thứ hai vừa bùng nổ, nhận định rằng: thời kỳ chiến tranh cũng là thời kỳ cách mạng, lúc đầu chủ nghĩa đế quốc xâu xé nhau chính là lúc các dân tộc yếu hèn có cơ hội để vùng dậy. Việt Nam Độc lập Đồng minh lên tiếng kêu gọi nhân dân Trung-Nam-Bắc chuẩn bị sẵn sàng để nổi dậy giành độc lập cho Tổ quốc.
Khẩu hiệu vũ trang khởi nghĩa tung ra, có người lấy làm hoài nghi và tự hỏi: với trình độ giác ngộ chưa được cao của dân ta, với tình trạng tổ chức chưa được phổ biến như bây giờ, chúng ta làm thế nào mà đánh đổ chủ nghĩa đế quốc được?
Những người đó đã không hiểu rằng: sức mạnh của một dân tộc là vô cùng tận, trong một hoàn cảnh nhất định có thể là tiềm tàng, lặng lẽ, nhưng đến hoàn cảnh biến chuyển thì bỗng nhiên có thể cuồn cuộn như nước thủy triều không kẻ địch nào ngăn cản được.
Sức mạnh của một dân tộc là vô cùng tận, trong một hoàn cảnh nhất định có thể là tiềm tàng, lặng lẽ, nhưng đến hoàn cảnh biến chuyển thì bỗng nhiên có thể cuồn cuộn như nước thủy triều không kẻ địch nào ngăn cản được.
Có người thực tế hơn, khi nghe đến vũ trang khởi nghĩa thì nghĩ ngay đến kỹ thuật quân sự, đến tinh thần thượng võ của dân tộc, đến những vũ khí đạn được chúng ta có thể có được. Căn cứ vào tình trạng bấy giờ, họ tự hỏi: cán bộ quân sự không có, truyền thống thượng võ cơ đồ đã tàn, một tấc gang, một viên đạn cũng khó lòng mà kiếm được, như vậy thì làm thế nào mà đánh đổ chủ nghĩa đế quốc được?
Những người ấy đã không hiểu rằng lực lượng chính trị là nguồn gốc tất cả, là cơ sở của lực lượng quân sự. Một khi một dân tộc đã biết đoàn kết đứng lên, đã thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ thì tự khắc, trong điều kiện biến chuyển, dân tộc ấy sẽ giải quyết được vấn đề vũ trang và có thể dùng vũ trang mà tiêu diệt quân địch.
Đấu tranh với bao nhiêu tư tưởng hoài nghi, trông về tương lai xa xăm nhưng rực rỡ với một lòng tin tưởng không hề lay chuyển, Việt Nam Độc lập Đồng minh kiên tâm tiến tới trong việc chuẩn bị khởi nghĩa.
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được tổ chức tại rừng Sam Cao nằm ở khu vực nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Báo QĐND)
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được tổ chức tại rừng Sam Cao nằm ở khu vực nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Báo QĐND)
Muốn chuẩn bị khởi nghĩa, công tác căn bản là tuyên truyền dân chúng, tổ chức quần chúng, gây dựng cơ sở chính trị rộng rãi. Nhưng chỉ tuyên truyền tổ chức không, chỉ đứng trong vòng hoạt động chính trị thì cố nhiên không thể nào đi đến vũ trang khởi nghĩa được, cho nên, ở tất cả những nơi quần chúng đã tổ chức thành hội cứu quốc, Việt Nam Độc lập Đồng minh ra chỉ thị chọn các phần tử kiên quyết để tổ chức ra đội tự vệ.
Đội tự vệ gồm những thanh niên hăng hái, tình nguyện xung phong giết giặc khi có lệnh của đoàn thể; theo điều lệ, mọi người phải tự sắm lấy một thứ vũ khí, như giáo, mác, gậy gộc, súng kíp và nếu có thể thì tìm cách mua súng trường.
Đội tự vệ thành lập là một việc. Nhưng luyện tập các đội tự vệ lại là một việc khác. Một trong những nhược điểm lớn của phong trào cách mạng xứ ta là thiếu cán bộ quân sự. Cán bộ quân sự đã thiếu thì việc luyện tập quân sự làm thế nào mà giải quyết được. Đoàn thể Việt Minh một mặt kêu gọi sự tận tâm của một số học sinh quân ở Trung Quốc về, mặt khác nhờ đến các anh em cựu binh sĩ có tinh thần giác ngộ.
Một trong những nhược điểm lớn của phong trào cách mạng xứ ta là thiếu cán bộ quân sự.
Tôi còn nhớ, ở Việt Bắc bấy giờ, sau một cuộc thất bại tạm thời ở Bắc Sơn, Đình Cả người phái viên phụ trách dạy tự vệ đầu tiên trong tỉnh Cao bằng là một đồng chí trước kia làm đội viên trong quân đội Trung Quốc. Mãi về sau anh em du học sinh mới lần lượt về nước, giúp sức vào việc huấn luyện quân sự.
Vấn đề vũ khí là một vấn đề không kém khó khăn. Súng kíp, súng hỏa mai ở miền thượng du và trung du thì có rất nhiều, nhưng có phải ở trong tay những phần tử giác ngộ cả đâu.
Và chăng, gây cho được lòng tin tưởng ở vũ khí thô sơ để chống lại vũ khí tối tân của địch thật là một việc không dễ. Cầm súng kíp để bắn thú rừng có thể rất thạo, nhưng dùng súng kíp mà bắn vào quân đội của đế quốc thì không phải giản đơn như vậy. Còn lựu đạn và súng trường thì thế nào? Bấy giờ, một người dân Việt Nam nếu không phải là lính của Pháp thì may mắn lắm mới có dịp cầm đến và ngắm nghĩa một khẩu súng trường, còn nói gì đến việc mua sắm. Lựu đạn thì chúng tôi đã để tâm nghiên cứu, cũng có nơi đã từng lập những xưởng nhỏ để chế tạo. Nhưng cán bộ kỹ thuật thiếu hẳn, máy móc, nguyên liệu hiếm hoi, điều kiện làm việc nơi rừng xanh, núi đỏ rất là eo hẹp, mãi đến đầu năm 1944, chúng tôi mới họp mặt để thử quả lựu đạn và quả địa lôi đầu tiên, sản xuất trong lò máy bí mật: cuộc thí nghiệm ấy là một cuộc thất bại.
Cho nên, toàn bộ vũ khí ở Việt Bắc, chẳng qua cũng chỉ nhằm vào súng kíp, súng hỏa mai, vài chục quả lựu đạn mua của bộ đội Trung Quốc ở biên giới, hoặc vài khẩu súng trường và súng ngắn do người Thổ ở biên giới chế tạo.
Nhưng mặc dù khó khăn, thiếu thốn, trong khi đế quốc lăm le khủng bố, cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vẫn tiến hành rầm rộ.
Các chiến sĩ tự vệ chiến đấu ở Hà Nội đào hầm hào, xây công sự sẵn sàng chiến đấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Quốc phòng)
Các chiến sĩ tự vệ chiến đấu ở Hà Nội đào hầm hào, xây công sự sẵn sàng chiến đấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Quốc phòng)
Khắp miền Việt Bắc, nhất là các tỉnh Cao-Bắc-Lạng, các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu, có cả chị em phụ nữ tham gia, luyện tập không ngớt, cứ mỗi khóa từ 10 đến 15 ngày. Sang năm 1943, các đội viên tự vệ chiến đấu hăng hái can đảm nhất được chọn vào lớp huấn luyện quân sự. Vào cuối năm ấy, đã có những cuộc duyệt binh tự vệ chiến đấu trong các châu, những cuộc tập trận giả có hàng trăm đội viên tham gia. Nhưng, lớp cán bộ mở đến kỳ thứ 2 thì gặp khủng bố ghê gớm, không tiếp tục được; ban liên tỉnh đành giao việc huấn luyện cán bộ lại cho các địa phương tự phụ trách.
Năm 1943 là năm bắt đầu khủng bố trắng. Sang năm 1944, tình hình trở nên nghiêm trọng. Bọn phát xít Pháp, làm tay sai cho Nhật, quyết diệt cho tan cơ sở kháng Nhật khắp nước. Riêng miền Cao-Bắc-Lạng được chúng đặc biệt chú ý; từ trước, ba tỉnh ấy vẫn là một trung tâm của phong trào cứu quốc. Vả lại, chúng cũng lo chuẩn bị một hậu phương tương đối an toàn để khi biến có thể lui quân, đợi thời. Biết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng đã bị chúng bắn, biết bao nhiêu gia đình đã bị chúng giết sạch, biết bao nhiêu nhà cửa, làng mạc đã bị chúng thiêu hủy ra tro. Sự dã man của đế quốc chỉ có thể so sánh với lòng tham tàn vô đạo của chúng.
Trước chính sách khủng bố tàn khốc của giặc, cơ sở dân chúng lúc đầu có nơi bị tan rã gần hết, đã từng có địa phương quần chúng có tổ chức trên ba vạn người, sút dần xuống mãi chỉ còn 20, 30 đội viên trung thành. Sau khi đã tập trung các làng lại, đã biến các làng đông đúc thành trại tập trung, có rào lũy kiên cố, có lính canh gác nghiêm ngặt, thôn nào có người phụ trách điểm mục và kiểm soát người lạ mặt trong thôn ấy, bọn đế quốc liền tiến tới một bước nữa, chúng ra lệnh giới nghiêm, dùng quân luật hạn chế người đi kẻ lại rồi lập đồn trại bao vây các núi rừng để sục sạo vào từng chân đèo, ngọn núi.
Các phần tử cách mạng bị truy nã phải đi bí mật càng ngày càng đông. Các tổ bí mật lần lượt thành lập khắp các địa phương, tiểu tổ nào cũng có cơ quan, có kho lương thực của tiểu tổ ấy, có giao thông liên lạc bí mật với nhau. Theo lệnh của cấp trên, để đối phó với sự vũ trang khủng bố của giặc Pháp, các tiểu tổ bí mật dần dần thực hiện du kích hóa và quân sự hóa. Đó là mầm mống của các đội vũ trang sau này.
Nghị quyết “Vũ trang hành động” là một bước tiến trên đường vũ trang khởi nghĩa, nhưng cũng là một nghị quyết đã phạm vào một sai lầm lớn.
Song, trừ những trường hợp khẩn thiết, cần phải tự vệ, mệnh lệnh cấp trên vẫn còn cấm tuyệt việc dùng vũ khí mà đối phó lại địch. Tiếng súng cách mạng vẫn chưa được nổ. Mãi đến tháng Giêng năm 1944, xét rằng điều kiện vũ trang đấu tranh đã chín dần, ban cố vấn của liên tỉnh Cao-Bắc-Lạng mới ra nghị quyết về vũ trang hành động. Nghị quyết “Vũ trang hành động” là một bước tiến trên đường vũ trang khởi nghĩa, nhưng cũng là một nghị quyết đã phạm vào một sai lầm lớn.
Nghị quyết cho phép các tổng chọn lọc những phần tử dũng cảm nhất, trong các đội tự vệ chiến đấu mà tổ chức thành đội vũ trang chuyên môn hàng tổng, từ 7 đến 12 người. Các đội vũ trang chuyên môn có nhiệm vụ hành động trong địa phương diệt trừ bọn Việt gian đầu sỏ, tiêu diệt các toán lính lẻ tẻ của địch, thực hiện chủ trương “làm chủ rừng núi”.
Nhưng nghị quyết đã đặt một điều kiện không thích hợp, chỉ được vũ trang hành động trong các địa phương ta không có cơ sở quần chúng, vì muốn tránh cho các tổ chức quần chúng của ta khỏi sự khủng bố của đế quốc.
Nghị quyết ra từ tháng Giêng mà mãi đến tháng Tám không có hiệu lực gì cả, ngoài mấy vụ trừ gian không quan trọng. Ấy là vì lực lượng vũ trang còn quá phân tán; các đội vũ trang chuyên môn không đủ cán bộ và vũ khí mà hành động cho có kết quả. Ấy lại là vì các đội ấy chỉ được phép hành động ở những nơi không có dân chúng ủng hộ, do đó tình báo thiếu hẳn, địa hình không rõ, đi lại và tiếp tế khó khăn, không thể tìm ra cơ hội để hành động và thường thường chưa hành động đã tiết lộ bí mật. Kinh nghiệm sự sai lầm này là một bài học về sau cho phong trào Cao-Bắc-Lạng và cả cho chúng ta ngày nay.
Sang tháng sau, tình thế biến chuyển chóng. Cuộc khủng bố trắng tàn khốc đến cực điểm; các tổ chức vũ trang không hành động tích cực hơn thì khó lòng duy trì được phong trào. Ngày ngày nghe tiếng súng của giặc, dân chúng nóng lòng mong đợi tiếng súng của cách mạng. Đồng thời các cuộc chiến thắng của quân đội Đồng minh ở Thái Bình Dương cũng như ở Tây Âu làm cho phong trào dân chủ ngày càng bồng bột. Kịp đến khi quân đội Đồng minh mở mặt trận thứ 2 ở Tây Âu, chính phủ Pê-tanh sụp đổ thì ai nấy đều thấy cơ hội hành động đã đến, cuộc Nhật diệt Pháp, dự đoán từ lâu, không thể nào tránh khỏi trên đất Đông Dương.
Hội nghị cán bộ tháng bảy của liên tỉnh Cao-Bắc-Lạng, sau khi phân tích và nhận định tình thế, đồng thanh biểu quyết hạ lệnh khởi nghĩa, hạn sau hai tháng tích cực chuẩn bị thì sẽ phát động chiến tranh du kích khắp liên tỉnh.
Ngày ngày nghe tiếng súng của giặc, dân chúng nóng lòng mong đợi tiếng súng của cách mạng.
Việc tích cực chuẩn bị tiến hành hết sức sôi nổi. Các đội trưởng du kích và các chính trị viên đều được huấn luyện lại kỹ càng; ngoài một số tại ngũ trong các đội du kích, lại huấn luyện thêm một số trừ bị để phòng việc bổ sung sau này. Các cán bộ thanh niên nam nữ, các bậc phụ lão ở lại hậu phương hoặc có thể cử vào các Ủy ban nhân dân, hoặc lo việc cổ động dân chúng tham gia kháng chiến cũng đều được huấn luyện chu đáo. Trong khi ấy, các cấp phụ trách được lệnh định phương trình vườn không nhà trống cho tất cả các địa phương và cả kế hoạch lãnh đạo, nếu quân địch lần đến.
Nuốt nhịn cảm hơn đã bấy lâu nay, chỉ đợi ngày phá tan xiềng xích, dân chúng Cao-Bắc-Lạng được tin ngày khởi nghĩa sắp tới đâu đấy khôn xiết vui mừng. Có nơi các bậc phụ lão quyết nghị cho toàn thể thanh niên nam nữ xung phong tòng quân, khi có lệnh của đoàn thể. Người già sẽ tình nguyện nỗ lực tăng gia sản xuất và lo việc kháng chiến ở hậu phương. Dân chúng reo mừng, cán bộ lại càng phấn khởi. Phần lớn đều có ý nghĩa bao nhiêu năm lăn lộn trong hoàn cảnh bí mật, chỉ đợi ngày vũ trang đứng dậy diệt quân giặc nước, chỉ mong được giết một vài tên giặc, được nổ mấy phát súng đầu tiên, được phất ngọn cờ khởi nghĩa trên rừng núi Cao-Bắc- Lạng, thì hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng không hề ngần ngại.
Cách mạng quả là ngày tết của kẻ bị áp bức.
Với lệnh khởi nghĩa, ai nấy đều quên hết khó nhọc gian nguy. Trong chốn rừng núi âm u, một ánh hào quang lặng lẽ lan tràn như ánh mặt trời sắp mọc. Rồi đây, phá tan tất cả mây mù, ánh sáng của độc lập sẽ đem hạnh phúc lại cho nhân dân và đất nước.
Đợi chờ, hồi hộp, vui sướng!
Nhưng trong đám cán bộ phụ trách, chưa một ai nhận thấy điều sai lầm trong nghị quyết khởi nghĩa.
Về chính trị, nghị quyết ấy vẫn còn quá sớm và có tính chất manh động, nhất là vì các địa phương trong nước lúc bấy giờ chưa sẵn sàng đề hưởng ứng. Quân khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng đơn độc dấy lên rất có thể bị quân địch tập trung lực lượng mà diệt tan.
Về quân sự, nghị quyết khởi nghĩa lại không theo đúng nguyên tắc tập trung lực lượng. Cán bộ, vũ khí đều phân tán ngang nhau giữa các đội du kích địa phương. Thiếu hẳn một lực lượng chủ yếu tập trung cán bộ giỏi, vũ khí khá, mà tạo thành. Cho nên, vào tháng 10/1944 Hồ Chủ tịch đi xa vừa về nước thì Chủ tịch lập tức ra lệnh đình chỉ việc phát động khởi nghĩa.
Nhận được lệnh mới, chưa hiểu rõ lý do, các cán bộ lấy làm buồn bã, bực bội vô cùng. Các tia hào quang mới hé mở, cơ đồ như đã sớm tắt.
Nhưng Chủ tịch chủ trương đình chỉ việc phát động khởi nghĩa là để trao cho cán bộ một chỉ thị vũ trang đấu tranh chính xác hơn, có bảo đảm đưa đến thắng lợi.
Nhân đó, đội quân Giải phóng đã ra đời.
Hồ Chủ tịch nhận định rằng: bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa đến.
Cho nên, nếu chúng ta chỉ hoạt động trong vòng chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng nếu phát động khởi nghĩa ngay thì sẽ bị quân địch làm nguy khốn.
Cuộc đấu tranh đã phải từ hình thức thuần túy chính trị tiến lên hình thức quân sự nhưng bây giờ chính trị còn trọng hơn quân sự, cần phải tìm một hình thức thích hợp mới có thể đi tới thành công.
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Chủ tịch bèn ra chỉ thị thành lập đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân, tức là đội Quân giải phóng đầu tiên vậy.
Nhưng vì chính trị trọng hơn quân sự, các cuộc hành động quân sự trong thời kỳ bấy giờ, mục đích chính không phải là tác chiến diệt địch mà lại để gây ảnh hưởng chính trị rộng rãi, và nhờ đó phát triển và củng cố cơ sở quân chủng; những cuộc hành động có lợi về quân sự, có thể đoạt được vũ khí, nhưng không lợi về chính trị, không lấy được lòng dân thì cần phải tránh. Để nêu rõ chủ trương ấy, đội quân mới lấy tên là đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân.
"1- Tên: Đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một đội tuyên truyền".
Vì muốn hành động có kết quả thì, về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng cho nên theo chỉ thị mới, đoàn thể sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao-Bắc- Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
Vì cuộc kháng chiến của chúng ta là kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập nên đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương, cần phải giữ cơ sở của đội vũ trang địa phương, cổ vũ nhân dân tham gia kháng chiến, sẵn sàng ủng hộ đội quân chủ lực, khi đội quân chủ lực kéo đến thì các đội địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện.
Đội quân chủ lực, trái lại, có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành lên mãi.
“2-Đối với các đội vũ trang địa phương: Thu các cán bộ địa phương vào đào luyện, tung cán bộ đã đào luyện ra các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc tinh thần, phối hợp tác chiến”.
“Về chiến thuật: Thì đội Tuyên truyền hành động theo chiến thuật du kích”.
“3-Chiến thuật: Vận động lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô hình”.
Tích cực, nhanh chóng, bí mật, chỉ một câu vắn tắt ấy đã đưa lại cái tinh thần căn bản của lối đánh du kích, Hồ Chủ tịch hết sức chú trọng đến điều kiện bí mật. Cần phải bí mật, bí mật hoàn toàn, bí mật hơn nữa, giấu hẳn lực lượng của ta, ta ở Đông địch tưởng ở Tây, ta mạnh địch tưởng yếu, ta sắp hành động địch không ngờ gì sất. Lúc đầu, khi chúng tôi quyết định thu thập một số quân trang của lính đế quốc để cải dạng cho bộ đội, Chủ tịch căn dặn: Chỉ nên để hóa trang khi cần, lúc thường tuyệt đối không được phô trương, hình thức, làm quân địch chú ý, dân chúng dễ lộ bí mật. Sau khi chúng tôi đi công tác, Chủ tịch lại hai lần viết thư nhắc lại: Cần phải bí mật.
Về kỹ thuật phát động, Hồ Chủ tịch chú trọng hai điểm: Một là cuộc chiến đấu đầu tiên phải là một cuộc thắng lợi. Chủ tịch cho cuộc chiến đấu ấy có tác dụng rất lớn lao và, trong một phần lớn, sẽ quyết định tương lai của đội. Hai là các cuộc hành động phải nhằm thời gian, nhằm địa điểm, tổ chức gọn gàng chu đáo, xuất sắc, làm sao cho vang dội đến khắp trong nước và vang dội cả ra nước ngoài. Sau mỗi một thắng lợi, phải triệt để lợi dụng để mở rộng tuyên truyền. Có thế, đội Giải phóng quân mới đạt được mục đích tuyên truyền của nó, mới kêu gọi toàn dân đoàn kết, vũ trang đứng dậy, mới làm cho nước ngoài chú ý đến cuộc chiến đấu chống phát-xít của dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Nói đến phương thức lãnh đạo, Chủ tịch chú trọng đến phương châm hành động bao nhiêu, nào vạch rõ, giải thích, nào viết thư nhắn nhủ, thì về kế hoạch cụ thể và chi tiết, Chủ tịch lại để rộng quyền quyết định cho cán bộ bấy nhiêu. Chủ tịch ra chỉ thị: Việc liên lạc với cơ quan lãnh đạo bao giờ cũng phải giữ vững, lúc hoạt động gần cần phải liên lạc mật thiết, lúc hoạt động xa cần phải liên lạc mật thiết hơn nữa, bất cứ trong trường hợp nào cũng không được để mất liên lạc.
Chủ tịch hết sức tin tưởng ở tiền đồ của cuộc vũ trang đấu tranh và đã truyền sự tin tưởng ấy cho toàn thể cán bộ: “Đầu đi, đuôi lọt. Nó (tức là đội tuyên truyền) là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô, nó còn nhỏ nhưng tiền đồ rất là viễn đại. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc trong khắp đất Việt”.
Đoàn thể quyết định ủy thác cho tôi và một số cán bộ phụ trách lập ra đội tuyên truyền.
Trước khi quyết định, Chủ tịch nói:
- Có thể tìm được một căn cứ, tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ, quân địch không thể làm thế nào tiêu diệt ta được hay không?”.
Tôi trả lời:
- “Có thể. Nhất định quân địch không thể tiêu diệt ta được”.
Thế là chúng tôi nhận lấy trách nhiệm của đoàn thể giao cho được quyền điều động tất cả là 34 đội viên và cán bộ trong các đội vũ trang địa phương, hai khẩu súng thấp, 17 khẩu súng trường, vừa giáp năm, vừa giáp ba, vừa khai hậu, và súng Trung Quốc chế tạo, 14 khẩu súng kíp. Một sự may mắn lạ thường là hai hôm trước đoàn thể vừa nhận được một khẩu súng tiểu liên thanh kiểu Mỹ hãng “Submachine Gun” và 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, một hộp bom chậm nổ của ông bà Tống Minh Phương và anh chị em Việt kiều ở Côn Minh gửi tặng, lại được thêm một số tiền là 500 đồng để chi phí và quân nhu.
Bấy giờ vào đầu tháng Chạp. Tôi từ giã Chủ tịch lên đường công tác, một công tác mới hẳn, với mệnh lệnh phải hành động trong vòng một tháng...
Chúng tôi quyết định thành lập đội Tuyên truyền, chậm nhất là vào hạ tuần tháng Chạp.
Công việc chuẩn bị tiến hành cấp tốc, nhộn nhịp. Cả đội viên và cán bộ lần lượt từ các châu kéo đến nơi tập hợp. Ba bốn trạm đón tiếp đã tổ chức sẵn sàng, trên mấy đỉnh núi miền giáp giới Cao Bằng, Bắc Kạn. Dân chúng địa phương nhiệt liệt giúp đỡ về lương thực, tiếp tế.
Ngày 22/12, vào khoảng 5 giờ chiều, lễ thành lập đội Tuyên truyền cử hành rất long trọng trong khu rừng hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Phải chăng là một điềm tốt, đội quân đầu tiên của chúng ta đã ra đời dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc.
Trong khu rừng đại ngàn, dưới bóng mấy hàng cổ thụ lúc khí trời nơi đỉnh cao đã lạnh buốt, trung đội Giải phóng quân lần đầu tiên tập hợp dưới ngọn cờ hồng sao năm cánh.
Trước mặt toàn thể đội viên, trước mặt đại biểu ban liên tỉnh Cao-Bắc-Lạng và các anh chị em Thổ và Mán trong hai tỉnh đến tham dự rất đông, tôi trân trọng thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập đội Tuyên truyền và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc Việt Nam.
(Trích Đội quân giải phóng của Võ Nguyên Giáp 1946)
Ngày xuất bản: 12/2024
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN