UNCLOS 1982
Kiến tạo tự do biển cả
Theo tiến trình phát triển của xã hội loài người, các vấn đề về biển cũng như đại dương đối diện nhiều thách thức mới. Trong bối cảnh đó, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) –được coi là “Hiến pháp của biển và đại dương”, đã tròn 40 năm hiện hữu - lại càng trở nên quan trọng.
Trong vai trò là văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, UNCLOS 1982 không chỉ nhằm giải quyết tranh chấp, mà còn kiến tạo cơ chế hợp tác công bằng và hòa bình trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, vì sự phát triển bền vững.
Dấu mốc quan trọng trên con đường đúng đắn
Hải Đường
Từ khi ra đời đến nay, bốn thập niên qua, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã và đang là công cụ hữu hiệu, nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền lợi chính đáng của các quốc gia. Nó là cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc đấu tranh và hợp tác, dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là tự do biển cả và chủ quyền các quốc gia trên biển.
Không phải bây giờ mà tự xa xưa, cha ông ta đã dặn: Muốn làm giàu nhanh thì nhìn ra biển; muốn làm giàu chậm thì nhìn vào lòng đất; muốn làm giàu trước mắt thì nhìn vào mặt đất. Điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn có tính phổ biến toàn thế giới. Biển mang lại lợi ích to lớn như vậy, cho nên các nước may mắn giáp đại dương đều có một mong muốn: Khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của mình trên các vùng biển.
Quy chế pháp lý đơn giản nhất cho các vùng biển được khởi thảo vào đầu thế kỷ 17. Hugo Grotius- luật gia người Hà Lan- tác giả cuốn “Mare Liberum”, năm 1609 đã nói tới khái niệm “tự do biển cả”. Ông cho rằng: Biển và đại dương không thể bị chiếm hữu, mà phải được mở tự do để tàu thuyền của tất cả các nước có thể qua lại. Grotius phản đối việc Bồ Đào Nha ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài đi lại ở Ấn Độ Dương, phản đối sự thống trị trên mặt biển của một số cường quốc lúc bấy giờ. Cho đến năm 1635, John Selden, một luật gia người Anh, đưa ra quan điểm khác. Theo ông, việc chiếm hữu một vùng biển là điều bình thường, đã có từ lâu đối với các vùng biển bao quanh nước Anh.
Hai luật gia đưa ra hai quan điểm khác nhau, tưởng chừng đối lập, song lại có hạt nhân hợp lý. Phạm vi của quyền “tự do biển cả” được Hugo Grotius đưa ra là áp dụng với vùng biển quốc tế, đó là vùng biển không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Còn John Selden lại đề cập đến chủ quyền quốc gia đối với những vùng biển gần bờ. Quan điểm của hai ông từ đó đã trở thành nền tảng của nguyên tắc “tự do biển cả” và nguyên tắc “chủ quyền quốc gia trên biển”. Hai nguyên tắc cơ bản đó được công nhận và tồn tại mãi tới hôm nay.
PGS,TS Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Biển Đông, Học viện Ngoại giao:
Bên cạnh việc phân bổ hài hoà, hợp lý và công bằng quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia trên biển, UNCLOS năm 1982 còn thành công trong việc cung cấp cơ chế để các quốc gia giải quyết các bất đồng trong việc giải thích và thực hiện Công ước một cách hoà bình. Công ước thành lập ba cơ quan giải quyết tranh chấp mới là Toà án Luật Biển quốc tế (ITLOS), Trọng tài theo Phụ lục VII và Trọng tài theo Phụ lục VIII, đồng thời, sắp đặt các biện pháp giải quyết tranh chấp từ trao đổi quan điểm, hoà giải đến giải quyết bằng toà án và trọng tài theo một cơ chế linh hoạt, nhằm cung cấp cho các bên có nhiều lựa chọn về cách thức và biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hoà bình và phù hợp nhất.
UNCLOS 1982 cũng hướng tới việc quản trị biển và đại dương một cách bền vững, thông qua việc dành riêng ba phần với 86 điều khoản quy định về bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và chuyển giao kỹ thuật. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, ngoài việc quy định nghĩa vụ chung áp dụng với các quốc gia, UNCLOS có các quy định cụ thể về hợp tác ở cấp độ khu vực và quốc tế, trợ giúp kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển, đánh giá tác động của các nguồn ô nhiễm môi trường biển, xác định cụ thể nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, từ đó xác định trách nhiệm với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, UNCLOS nhấn mạnh tới sự bảo đảm hài hoà giữa một bên là quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, và một bên là lợi ích của cộng đồng. Theo đó, Công ước quy định các quốc gia và tổ chức quốc tế hợp tác trong việc phổ biến các thông tin và kiến thức là kết quả của công tác nghiên cứu khoa học biển, đặc biệt việc tăng cuờng xây dựng năng lực cho các quốc gia đang phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển.
Trong lĩnh vực chuyển giao kỹ thuật, Công ước xác định nguyên tắc các quốc gia hợp tác trực tiếp, hoặc thông qua các tổ chức quốc tế nhằm tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và chuyển giao khoa học và kỹ thuật biển theo các thể thức và điều kiện công bằng và hợp lý, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhu cầu được hưởng hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia đang phát triển, quốc gia không có biển hay bất lợi về mặt địa lý.
Để hướng tới các mục tiêu bảo tồn các nguồn gen biển quý nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững trong tương lai, hiện nay, các nước thành viên của Công ước đang tham gia quá trình đàm phán, ký kết một hiệp định về đa dạng sinh học tại vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Đồng thời, sự phát triển của khoa học công nghệ và các vấn đề mới nảy sinh như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của dịch bệnh… sẽ tiếp tục được các nước thành viên thảo luận để bổ sung cho các quy định của Công ước.
Tháng 12 này, thế giới kỷ niệm 40 năm mở ký Công ước Luật Biển. Công ước được ký tại Montego Bay (Jamaica) ngày 10/12/1982, là kết quả sau chín năm đàm phán và đã giải quyết được về cơ bản những vấn đề còn bỏ ngỏ trong các hội nghị Luật Biển trước đây. Nó là văn bản luật cơ bản nhất thay thế cho các quy phạm của Luật Biển tồn tại dưới dạng tập quán quốc tế.
Riêng với nước ta, đây còn là dịp kỷ niệm 10 năm ban hành Luật Biển Việt Nam, Bộ luật được xây dựng trên cơ sở các quy định của UNCLOS và pháp luật quốc tế. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, cũng như trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biển đảo nói riêng.
UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đến thời điểm này, đã có 168 thành viên (gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và thể chế) tham gia Công ước. Mỹ không tham gia, vì cho rằng Công ước không có lợi cho kinh tế và an ninh của nước này. Công ước Luật Biển là một hệ thống các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới, chiếm 70% diện tích bề mặt Trái đất; thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Giữa các quốc gia nếu xảy ra tranh chấp thì có thể viện dẫn để giải quyết trên cơ sở pháp lý.
Bốn thập niên qua, vị trí của UNCLOS 1982 ngày càng trở nên quan trọng. Trong thời kỳ mở cửa, giao lưu, hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng, biển và đại dương ngày càng đóng vai trò vô cùng to lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại và mỗi quốc gia.
Khoảng cuối thế kỷ 20, các chuyên gia xác định vùng biển giáp ranh giữa Guyana và Suriname là nơi giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là trữ lượng dầu khí dồi dào. Ước tính vùng biển này có trữ lượng dầu mỏ tương đương 3,2 tỷ thùng, con số rất lớn với một quốc gia có dân số chưa tới 800.000 người. Với việc nằm ở ngoài khơi, mỏ dầu trên được cả Guyana và Suriname tuyên bố chủ quyền.
Trong bối cảnh Guyana và Suriname không thể đạt được đồng thuận về việc phân chia biên giới trên biển, họ đã đưa vụ việc này lên tòa án quốc tế. UNCLOS được xác định làm cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp bởi cả hai quốc gia đã ký và thông qua Công ước này. Vụ kiện kéo dài trong nhiều năm với phần thắng thuộc về Guyana.
Không thể phủ nhận vai trò của UNCLOS trong giúp giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Guyana và Suriname một cách minh bạch nhất, công bằng nhất thông qua tòa án quốc tế. Nếu đôi bên không thể đàm phán thành công, Guyana và Suriname hoàn toàn có khả năng rơi vào thế đối đầu, thậm chí dẫn tới chiến tranh.
Việc không thiên vị quốc gia nào giữa Guyana và Suriname càng cho thấy tính khách quan của những vụ kiện tranh chấp trên cơ sở UNCLOS, tạo tiền đề giải quyết khiếu nại từ các nước khác trên cơ sở đàm phán hòa bình, tôn trọng quyền lợi của nhau.
Đào Hoàng Hải Sơn
Là một quốc gia tham gia UNCLOS 1982, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp. Khi đề cập đến các tranh chấp khu vực Biển Đông trên các diễn đàn quốc tế, chúng ta kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”. Đây là một nguyên tắc bất di bất dịch để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Chúng ta cũng đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, trong đó có Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Chúng ta tuyên bố dứt khoát rằng, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong Tuyên bố Phnom Penh kỷ niệm 20 năm ký kết DOC ngày 11/11/2022, các bên đều khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC một cách tổng thể; cam kết tiếp tục tăng cường nỗ lực và nâng cao thiện chí, duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Thực tế đó cho thấy chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Nói như một nhà nghiên cứu, thời buổi này không thể chấp nhận lối tư duy “tổng bằng 0”. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ lý thuyết trò chơi (game theory), nhằm nói về tình huống trong đó lợi ích của quốc gia này sẽ là mất mát của quốc gia khác.
Biển Đông có rất nhiều tài nguyên và có vị trí quan trọng với tư cách là tuyến đường giao thông huyết mạch trên biển của thế giới. Trong nhiều năm qua, khu vực này luôn là điểm nóng, tiềm ẩn nhiều bất trắc, những tranh chấp phức tạp vẫn xảy ra. Kỷ niệm 40 năm ra đời UNCLOS 1982 là dịp chúng ta tiếp tục đề nghị các quốc gia liên quan tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, cùng xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, mang lại thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực.
Vận dụng UNCLOS 1982 để đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, chúng ta kiên trì, kiên quyết bảo vệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sử dụng có hiệu quả các phương thức, biện pháp hòa bình để ngăn ngừa, hóa giải và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.
Đấy cũng là truyền thống giữ nước của cha ông ta, đúng như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1231-1300) đã viết: “Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động”.
Và không chỉ vậy, vận dụng đúng đắn, linh hoạt UNCLOS 1982 cũng còn là nền tảng để Việt Nam cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới hướng đến những cơ chế hợp tác, phát triển, cùng có lợi…, đồng thời “kề vai góp sức” trong nhiệm vụ chung cực kỳ nặng nề: Bảo vệ môi trường biển, bảo vệ “mái nhà chung” Trái đất, bảo vệ nhân loại trước những hệ lụy vô cùng khốc hại của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chủ động trên mặt trận an ninh-quốc phòng, ngoại giao, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh cũng là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, phù hợp các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp lợi ích của hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên toàn thế giới. Đó là xu thế thời đại và là con đường đúng đắn nhất.
UNCLOS tạo cơ sở để chúng ta vững tin phát triển
Chuyên gia uy tín về biển và đại dương, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi nhận định: Ở thời điểm ra đời, UNCLOS là một “hiện tượng trong đời sống pháp luật của nhân loại”. UNCLOS đã trao cho Việt Nam quyền tự chủ, trên cơ sở đó chủ động lập kế hoạch khai thác tài nguyên biển, cân bằng được quyền và lợi ích quốc gia.
Xin ông cho biết, sau 40 năm mở ký, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã phát huy tác dụng như thế nào?
- UNCLOS, thường được biết đến như là “Hiến pháp về biển và đại dương”, lần đầu tiên phân bổ rõ ràng các không gian đại dương trên Trái đất, với tất cả các tài nguyên sinh vật và không sinh vật, tất cả tiện ích trên biển trên cơ sở công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia nhỏ, các quốc gia đang phát triển.
Nhờ thiết lập được cơ chế hữu hiệu về giải quyết các tranh chấp biển, UNCLOS đã giúp giải quyết được khoảng gần một phần hai trong tổng số 500 vùng biển chồng lấn. Với 168 thành viên, chưa kể nhiều quốc đảo và vùng lãnh thổ không là thành viên chính thức cam kết tuân thủ (ngay cả Mỹ tuy không tham gia nhưng trong các tuyên bố của mình vẫn lấy UNCLOS làm trục cơ sở), UNCLOS không giải quyết chi tiết mọi vấn đề biển, nhưng là căn cứ để thống nhất xử lý các vấn đề biển đã, đang và sẽ nảy sinh.
Ngoài nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, các chi đội kiểm ngư Việt Nam cũng tổ chức tuyên truyền, vận động tàu cá của ngư dân ta thực hiện đánh bắt hải sản theo đúng quy định. Đồng thời ngăn chặn, xua đuổi những tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển ta, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ môi trường hòa bình ổn định trên biển. Trong đó, tuyên truyền người dân thực hiện đúng quy định pháp luật, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Luật Biển Việt Nam luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Vân Mai
Không chỉ tích cực tham gia quá trình đàm phán xây dựng UNCLOS, Việt Nam còn là một trong 62 nước đầu tiên ký và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn UNCLOS.
Có một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là với UNCLOS, Việt Nam không chỉ theo đuổi quyền lịch sử, mà còn theo đuổi cả quyền pháp lý; phù hợp với đặc trưng, thế và lực của Việt Nam. Là thành viên chính thức của UNCLOS, chúng ta được hưởng đầy đủ các quyền trong vùng biển từ 200 hải lý trở vào, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với việc đó thì ta cũng được hưởng quy định, quy chế về quyền khai thác tài nguyên.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận là UNCLOS cũng còn những hạn chế nhất định, có thể nói một cách đơn giản là vẫn còn để lại những “khoảng trống” về không gian đại dương theo cách tiếp cận mới. Chẳng hạn, đối với không gian đáy đại dương thì UNCLOS mới điều chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản; còn những hành vi khác, như tàu lặn ngầm, khảo sát ngầm, du lịch ngầm… vẫn bỏ ngỏ.
Tôi cũng đã tham gia ý kiến gần chục năm nay với hy vọng là trong thời gian tới Công ước này được điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm công bằng hơn về quyền sử dụng các nguồn tài nguyên biển cho những quốc gia, kể cả có biển hoặc không có biển; tất nhiên đi kèm với nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
- Trước khi có UNCLOS, Việt Nam đã có những tuyên bố về chủ quyền biển cũng như đã có những định hướng khai thác tài nguyên biển, thưa ông?
- Tất nhiên là thế. Năm 1982, UNCLOS mới mở ký, nhưng trước đó khá lâu, Việt Nam đã ra tuyên bố về các vùng biển, mặc dù đến năm 1982, với UNCLOS, chúng ta mới tuyên bố được đường cơ sở, được quốc tế công nhận rộng rãi. Do đã có giai đoạn thực hiện quản lý biển khá dài, nên khi nội luật hoá UNCLOS thành Luật Biển 2012, chúng ta đã có cơ sở thực tiễn để cân nhắc, thiết kế một đạo luật hài hoà lợi ích của mình với các nước khác trong khu vực.
- UNCLOS đã tạo nền tảng pháp lý cho kinh tế biển của Việt Nam phát triển cụ thể như thế nào?
- UNCLOS tạo cơ sở để chúng ta vững tin phát triển lĩnh vực dầu khí như một ngành kinh tế tiên phong, và đến nay vẫn là một ngành then chốt trong sáu lĩnh vực kinh tế biển cơ bản của đất nước. Có những thời điểm dầu khí là ngành kinh tế đóng góp lớn nhất vào GDP.
Tương tự với đánh bắt hải sản. Còn nhiều vấn đề với ngành này, nhưng chúng ta cũng đã phát triển được nghề cá thương mại, đánh bắt với quy mô lớn, bài bản, song song với nghề cá truyền thống vốn đã tồn tại lâu nay. Một số lĩnh vực khác phát triển sau nhưng cũng rất hứa hẹn như hàng hải; du lịch biển; tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, năng lượng tái tạo… Tóm lại, UNCLOS trao cho ta quyền pháp lý đi kèm với quyền được khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế biển.
Trên cơ sở UNCLOS, một dấu mốc không thể không nhắc đến là Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Có thể nói đây là lần đầu Trung ương ban hành một chiến lược riêng, thể hiện ý chí biển cả của dân tộc, hoà nhập với xu hướng thế giới nhìn nhận thế kỷ 21 là “thế kỷ của đại dương”. Tiếp đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành ngày 22/10/2018 đã định hướng tầm nhìn chiến lược biển, lấy trục phát triển bền vững là chính.
- Biển Đông được coi là một trong những khu vực biển năng động nhất trên thế giới. Để hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, vươn lên trở thành cường quốc biển, theo ông, đâu là những yếu tố then chốt trong điều kiện “thế và lực của Việt Nam”, như ông đã vừa đề cập đến?
- Chú trọng phát triển cả ba khu vực kinh tế có liên quan đến biển: kinh tế ven biển, kinh tế dựa vào biển và kinh tế thuần biển theo tinh thần phát triển bền vững. Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã chỉ ra thêm một số lĩnh vực có tiềm năng, như năng lượng biển tái tạo, đồng thời để ngỏ “các ngành kinh tế biển mới” để các địa phương tùy tình hình cụ thể mà phát huy tinh thần năng động, sáng tạo.
Cụ thể, đến năm 2030, du lịch biển vẫn là lĩnh vực mũi nhọn, vừa dựa trên thế mạnh sẵn có của một quốc gia biển, vừa là phù hợp với bối cảnh Biển Đông. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế xa bờ, gắn liền với bảo vệ chủ quyền dân sự, trong đó có năng lượng tái tạo: năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Việt Nam cũng sở hữu băng cháy, tuy không phải là năng lượng tái tạo, nhưng cũng là một tài nguyên tiềm tàng, có thể tính toán khai thác một cách có trách nhiệm.
Tôi nói “có trách nhiệm”, vì phải có công nghệ và hạ tầng thích hợp để khai thác, bảo quản không làm phóng thích vào khí quyển các loại khí nhà kính trong quá trình khai thác, vận chuyển và đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, qua nghiên cứu về các đô thị biển gần đây, tôi cho rằng, việc quy hoạch phát triển hợp lý các đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị trên biển có khả năng tạo ra những động lực phát triển, có sức lan toả mạnh mẽ.
Nhưng dù làm gì đi nữa, thì khoa học công nghệ tiên tiến vẫn là yếu tố tiên quyết. Không thể đem thuyền thúng đi “chinh phục” đại dương được.
- Vâng, chuỗi đô thị ven biển của 28 tỉnh, thành phố thì tương đối dễ hình dung, ông có thể nói rõ hơn về đô thị đảo và đô thị trên biển?
- Hiện ta đã có Phú Quốc là một mô hình đô thị đảo, sắp tới có thể phát triển ở một số đảo lớn khác, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng. Đô thị trên biển là viễn cảnh xa hơn, nhưng nhiều quốc gia cũng đã làm rồi, như Các Tiểu vương quốc Arab, Nhật Bản… Cá nhân tôi cho rằng cũng rất nên quan tâm đến mô hình đô thị ngầm dưới lòng biển. Nhiều nước trong khu vực cũng đã làm các “thuỷ cung” như những thử nghiệm ban đầu.
Có khả thi với Việt Nam hiện nay không, vì sẽ cần đến những khoản chi phí khổng lồ và công nghệ rất hiện đại, thưa ông?
Đừng chỉ nghĩ tiền túi. Trong một “thế giới phẳng”, có chính sách mở, có dự án thuyết phục, đủ sức hấp dẫn là sẽ có tiền. Khoa học công nghệ cũng thế. Có chính sách khôn ngoan thì chúng ta sẽ làm được.
- Xin cảm ơn ông !
CẨM HÀ (thực hiện)
Trong một “thế giới phẳng”, có chính sách mở, có dự án thuyết phục, đủ sức hấp dẫn là sẽ có tiền. Ảnh: Thành Đạt
Trong một “thế giới phẳng”, có chính sách mở, có dự án thuyết phục, đủ sức hấp dẫn là sẽ có tiền. Ảnh: Thành Đạt
Ngày xuất bản: 5/12/2022
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, LƯU HƯƠNG GIANG, VÕ HOÀNG
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG