ỨNG PHÓ KHẨN CẤP VỚI SIÊU BIẾN THỂ OMICRON

Biến thể mới Omicron vừa được phát hiện ở miền nam châu Phi đang phủ bóng đen lên bức tranh dịch bệnh, nhất là sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/11 đánh giá, biến thể này có khả năng lan ra toàn thế giới, gây ra mối đe dọa toàn cầu ở mức “rất cao” và có thể khiến một số khu vực phải chịu hậu quả nghiêm trọng.

Việt Nam cũng đã có những đánh giá và bước đi ban đầu nhằm bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới gây ra, từ đó chủ động các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp.

Cảnh giác trước nguy cơ "rất cao" của biến thể Omicron


Chỉ 1 ngày sau khi Nam Phi báo cáo những ca đầu tiên trên thế giới nhiễm biến thể Omicron, WHO ngày 26/11 đã xếp biến thể mới của virus SARS-CoV-2 này vào nhóm “biến thể đáng lo ngại”. Cùng với đánh giá mới nhất về nguy cơ bùng phát toàn cầu “rất cao” mà biến thể này có thể mang lại, WHO đang tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học trên toàn thế giới để nghiên cứu kỹ hơn về cách thức biến thể này tác động đến tình hình đại dịch Covid-19.          

Hình ảnh các đột biến quan trọng trong gai của biến thể Omicron (nhìn từ trên xuống). (Nguồn: New York Times)

Hình ảnh các đột biến quan trọng trong gai của biến thể Omicron (nhìn từ trên xuống). (Nguồn: New York Times)

Tuy nhiên, trong khi các kết quả nghiên cứu dự kiến chỉ có sau những ngày tới, thậm chí vài tuần, một thực tế là Omicron đã lan ra khắp thế giới, với thêm nhiều quốc gia ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên mỗi ngày, làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát mới trên phạm vi toàn cầu, cũng như khả năng phục hồi của thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã hoành hành gần 2 năm qua.

Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi vào ngày 25/11. Kể từ đó, biến thể này tiếp tục lan đến một loạt nước và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Đại Dương, châu Mỹ và châu Âu. Sau khi xuất hiện tại Nam Phi và Botswana, cũng như tại Australia, Bỉ, Anh, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Israel, Italia, Hà Lan và Hồng Kông (Trung Quốc), Omicron tiếp tục được phát hiện ở Áo, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển, 4 quốc gia mới nhất ghi nhận biến thể này hôm thứ hai.

Trong đó, riêng Bồ Đào Nha ghi nhận 13 ca nhiễm, và tất cả đều liên quan đến các cầu thủ và thành viên câu lạc bộ bóng đá Belenenses SAD ở thủ đô Lisbon. Tuần trước, 1 cầu thủ của đội bóng này đã trở về từ Nam Phi. Điều đáng lo ngại là ngày 28/11 vừa qua, Belenenses đã gặp câu lạc bộ Benfica trong khuôn khổ giải Primeira Liga.

Nước láng giềng Tây Ban Nha cùng ngày cũng công bố ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là 1 nam giới 51 tuổi vừa trở về từ Nam Phi hôm chủ nhật, sau khi quá cảnh ở Amsterdam (Hà Lan). Bệnh nhân hiện đang trong tình trạng ổn định với các triệu chứng bệnh nhẹ.

Ở Thụy Điển, Cơ quan Y tế công cộng nước này ngày 29/11 cho biết, ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở quốc gia Bắc Âu này vừa được phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc cách đây hơn 1 tuần, cũng là 1 người từng đến Nam Phi.

Cùng ngày, giới chức y tế tỉnh Tyrol (Áo) xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở nước này. Trong khi đó, Ireland ngày 29/11 thông báo đang xét nghiệm hơn 10 ca nghi nhiễm Omicron, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế đến 7 nước khu vực nam châu Phi có nguy cơ cao. Thụy Sĩ cũng thông báo phát hiện 1 ca nghi nhiễm Omicron liên quan tới 1 người trở về từ Nam Phi khoảng 1 tuần trước.

Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 với biến thể mới Omicron tại Anh đã tăng lên 11 người, trong đó có 6 trường hợp mới được phát hiện hôm thứ hai tại Scotland và 2 ca tại London. Điều đáng lo ngại là trong số các ca nhiễm ở Scotland, một số ca không có lịch sử đi lại tới miền nam châu Phi, làm dấy lên lo ngại rằng có khả năng Omicron đã tồn tại trong cộng đồng.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron

Sau khi phát hiện ra biến thể Omicron, các nhà khoa học Nam Phi đã đưa ra cảnh báo về số lượng đột biến cao bất thường của biến thể này. Bắt nguồn từ việc số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao đột biến ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất nước, các chuyên gia Nam Phi đã tập trung vào giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm từ những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, và kết quả là Nam Phi trở thành nước đầu tiên trên thế giới xác định được biến thể mới B.1.1.529, sau đó được WHO đặt tên là Omicron.

Kể từ đó, thêm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã ghi nhận các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm biến chủng mới. Trong văn bản tư vấn kỹ thuật gửi tới 194 nước thành viên ngày 29/11, WHO đánh giá Omicron có số lượng gai đột biến nhiều chưa từng thấy, trong đó có những đột biến được cho là có thể tác động tới xu hướng đại dịch.

Do đó, WHO đánh giá biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ toàn cầu ở mức "rất cao", và có thể để lại những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh.

Tổ chức này cho biết các kết quả nghiên cứu sâu hơn về biến thể này sẽ được công bố trong vài tuần tới. Trong thông báo mới, WHO cũng lưu ý rằng thế giới có thể sẽ ghi nhận thêm các ca mắc Covid-19 ở những người đã tiêm phòng hoặc đã mắc bệnh nhưng ở tỷ lệ thấp và có thể dự báo được.

Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể Omicron. Tổ chức này kêu gọi các quốc gia tăng cường các nỗ lực giám sát và giải trình tự gen để hiểu rõ hơn về các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron một lần nữa nhắc nhở thế giới luôn cần cảnh giác cao độ trước đại dịch Covid-19. (Video: Reuters)

Sự xuất hiện của biến thể Omicron một lần nữa nhắc nhở thế giới luôn cần cảnh giác cao độ trước đại dịch Covid-19. (Video: Reuters)

Chạy đua với biến thể mới


Sau khi Nam Phi xác nhận phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vào ngày 25/11, nhiều quốc gia trên thế giới đã khẩn trương triển khai các biện pháp khác nhau để ngăn chặn biến thể nguy hiểm này lây lan. Cách ứng phó phổ biến nhất là siết chặt, thậm chí đóng cửa biên giới và liên lạc với giới chức Nam Phi để hiểu rõ về biến thể Omicron. Theo thống kê của CNN, tính đến ngày 29/11, ít nhất 44 quốc gia đã áp đặt hạn chế đi lại đối với một số quốc gia châu Phi.

MỸ

Mở đầu bài phát biểu về biến thể Omicron ngày 29/11, Tổng thống Joe Biden đã ghi nhận cộng đồng khoa học tại Nam phi đã minh bạch trong việc nhanh chóng chia sẻ thông tin về biến thể mới với các quốc gia khác trên thế giới.

Người đứng đầu Nhà trắng cho rằng "gần như chắc chắn" biến thể Omicron sẽ xuất hiện tại nước Mỹ vào một thời điểm nào đó. Ông khẳng định cách tốt nhất để chống lại biến thể mới này là vaccine. Nếu vaccine ngừa Covid-19 cần được cập nhật để hiệu quả trong việc phòng chống Omicron, nước Mỹ sẽ hành động nhanh chóng. Các biện pháp hẹn chế đi lại sẽ giúp Mỹ có thêm thời gian để chuẩn bị ứng phó biến thể mới và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Sau khi họp với các cố vấn cuối tuần trước, Tổng thống Biden quyết định hạn chế hoạt động đi lại từ 8 nước châu Phi. Công dân Mỹ cũng như người thường trú hợp pháp không phải thực hiện biện pháp này, nhưng phải xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi tới Mỹ.

ANH

Bộ trưởng Y tế Sajid Javid thông báo, từ ngày 26/11, Anh sẽ đưa 6 quốc gia châu Phi (gồm: Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Namibia) vào "danh sách đỏ" về hoạt động đi lại. Công dân Anh, Ireland và người thường trú trở về Anh từ những nước này sẽ phải cách ly tại khách sạn trong 10 ngày dù đã tiêm ngừa Covid-19 hay chưa. Công dân nước ngoài đã đến thăm một trong các địa điểm này sẽ không được nhập cảnh vào Anh.

Cuối tuần qua, Anh tiếp tục thông báo tất cả những người nhập cảnh sẽ phải cách ly cho đến khi họ nhận được kết quả xét nghiệm PCR được thực hiện trong ngày thứ hai tại Anh. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính phải cách ly trong 10 ngày.

Khu vực làm thủ tục cách ly và xét nghiệm Covid-19 trong một sân bay tại Amsterdam, Hà Lan, ngày 27/11. (Ảnh: Reuters)

Khu vực làm thủ tục cách ly và xét nghiệm Covid-19 trong một sân bay tại Amsterdam, Hà Lan, ngày 27/11. (Ảnh: Reuters)

PHÁP

Pháp đã tạm ngừng tất cả chuyến bay cất cánh từ Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini.

ĐỨC

Tương tự, Đức đã cấm mọi chuyến bay đến từ một số quốc gia châu Phi, gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Zambia và Zimbabwe.

HY LẠP

Hy Lạp sẽ chỉ cho phép các hoạt động đi lại thiết yếu từ Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Mozambique, Eswatini, Zambia và Malawi. Du khách phải có giấy phép đặc biệt của Đại sứ quán hoặc phái bộ của Hy Lạp để được tới nước này. Khi tới nơi, du khách sẽ được xét nghiệm và cách ly 10 ngày tại khách sạn. Sau đó, họ sẽ được làm lại xét nghiệm.

ISRAEL

Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới sau khi có thông tin về biến thể mới. Công dân Israel vẫn có thể trở về nước nhưng phải cách ly dù đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19.
Morocco

Morocco đã tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế đến nước này trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ 0 giờ ngày 30/11.

NHẬT BẢN

Triển khai một trong những biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất tương tự cách làm của Israel và Morocco, Nhật Bản sẽ đóng cửa biên giới đối với những lượt nhập cảnh mới là người nước ngoài. Thủ tướng Kishida Fumio cam kết sẽ hành động nhanh chóng để "tránh kịch bản xấu nhất".

Bảng theo dõi chuyến bay tại sân bay Haneda, Nhật Bản, ngày 29/11. (Ảnh: Reuters)

Bảng theo dõi chuyến bay tại sân bay Haneda, Nhật Bản, ngày 29/11. (Ảnh: Reuters)

Biện pháp này sẽ có hiệu lực tại Nhật Bản từ ngày 30/11 và kéo dài khoảng 1 tháng đối với hành khách đến từ 14 quốc gia và khu vực. Theo quy định mới, hành khách đã tới Angola trong thời gian gần đây sẽ phải dành 10 ngày đầu trong thời gian cách ly tại cơ sở do chính quyền chỉ định. Hành khách đến từ Anh, Israel, Italia và Hà Lan sẽ có 6 ngày ở trong cơ sở cách ly do chính quyền chỉ định.

Trong khi đó, người đến từ Australia, Áo, Bỉ, tỉnh Ontario (Canada), Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Pháp, Đức và Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ trải qua 3 ngày cách ly tại cơ sở tương tự.

Công dân Nhật Bản trở về nước từ một số quốc gia nhất định sẽ phải cách ly tại cơ sở do chính quyền chỉ định.

Ông Fumio khẳng định đóng cửa biên giới là "biện pháp tạm thời cho đến khi thông tin về biến thể Omicron trở nên rõ ràng". Ông cho rằng khi ứng phó với rủi ro chưa từng biết đến, cách tốt nhất là thực mọi biện pháp phòng ngừa.

ẤN ĐỘ

Theo hướng dẫn do Bộ Y tế Ấn Độ công bố, từ ngày 1/12, tất cả hành khách quốc tế phải điền vào tờ khai y tế trên cổng thông tin trực tuyến của chính phủ, trong đó cung cấp lịch trình đi lại trong vòng 14 ngày qua và kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Những hành khách đến từ các quốc gia được cho là "có nguy cơ" như Nam Phi, Botswana và Zimbabwe,... sẽ cần làm thêm xét nghiệm và được nhà chức trách giám sát.

Du khách được xét nghiệm Covid-19 bên ngoài sân bay quốc tế Sydney, Australia, ngày 29/11. (Ảnh: Reuters)

Du khách được xét nghiệm Covid-19 bên ngoài sân bay quốc tế Sydney, Australia, ngày 29/11. (Ảnh: Reuters)

AUSTRALIA

Australia sẽ hoãn kế hoạch mở cửa trở lại biên giới cho sinh viên, lao động có tay nghề, du khách đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc (dự kiến bắt đầu từ ngày 1/12), thêm hai tuần. Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh hiện còn “khá sớm” để áp đặt lại quy định cách ly bắt buộc tại khách sạn trong hai tuần đối với người nước ngoài, đồng thời khuyến cáo người dân bình tĩnh. Australia muốn tận dụng khoảng thời gian trì hoãn này (đến ngày 15/12) để tìm hiểu biến thể Omicron có thật sự nguy hiểm hơn Delta hay không.

Vaccine có đủ hiệu quả để ngăn ngừa biến thể Omicron?


Trong những ngày vừa qua, biến chủng Omicron đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới bởi mối nguy cơ tiềm tàng mà nó có thể gây ra đối với cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở các quốc gia hiện nay.

Trước những lo ngại về sự bùng phát một làn sóng dịch mới trên phạm vi toàn cầu, nhiều nước đã áp đặt các lệnh hạn chế nhập cảnh, đặc biệt đối với các chuyến bay từ miền nam châu Phi. Trong khi đó, các nhà khoa học đang chạy đua để thu thập thêm thông tin về biến thể Omicron, bao gồm các đặc tính của nó, và quan trọng nhất là đánh giá hiệu quả của các loại vaccine hiện có trong việc chống lại biến chủng mới này.

Sân bay quốc tế Cape Town ở Cape Town, Nam Phi. (Ảnh: EPA)

Sân bay quốc tế Cape Town ở Cape Town, Nam Phi. (Ảnh: EPA)

Những phát hiện ban đầu cho thấy một bức tranh không toàn cảnh. Trả lời các cuộc phỏng vấn, một số chuyên gia nhận định biến chủng Omicron có thể dễ lây truyền hơn và có khả năng tránh né tốt hơn các phản ứng miễn dịch của cơ thể được kích hoạt do tiêm vaccine hay do nhiễm bệnh tự nhiên so với các biến chủng trước đó.

Các loại vaccine hiện nay vẫn có thể tiếp tục giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19, mặc dù việc tiêm liều tăng cường có thể sẽ trở nên cần thiết để bảo vệ mọi người. Các nhà sản xuất vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cải tiến vaccine của họ trong trường hợp cần thiết để đối phó với biến thể Omicron.

“Chúng ta thực sự cần phải cảnh giác với biến thể mới này và chuẩn bị cho nó”, Tiến sĩ Jesse Bloom, một nhà sinh học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), nhấn mạnh. “Có thể trong vài tuần nữa, chúng tôi sẽ hiểu rõ hơn về mức độ lan truyền của biến chủng này, cũng như mức độ cần thiết của việc thúc đẩy điều chỉnh vaccine”.


Trong khi các nhà khoa học bắt đầu xem xét kỹ lưỡng biến thể mới, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp đặt các biện pháp hạn chế đến và đi từ các nước ở miền nam châu Phi, nơi mà biến thể Omicron lần đầu được phát hiện. Bất chấp những động thái thận trọng này, biến chủng Omicron đã lan ra một số quốc gia châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Italia, cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ khác là Australia, Israel và Hồng Kông (Trung Quốc).

Ngày 28/11, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo Omicron chiếm phần lớn trong số 2.300 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận hàng ngày ở tỉnh Gauteng. Trên phạm vi toàn quốc, các trường hợp mắc mới đã tăng hơn gấp ba lần trong tuần qua và tỷ lệ xét nghiệm dương tính tăng từ 2% lên 9%.

Nhân viên y tế của một đơn vị về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi, quốc gia ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Getty)

Nhân viên y tế của một đơn vị về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi, quốc gia ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Getty)

Theo Tiến sĩ Tulio de Oliveira thuộc Trường Y Nelson Mandela ở Durban (Nam Phi), các nhà khoa học đã phản ứng với biến thể Omicron nhanh hơn với bất kỳ biến thể nào khác. Chỉ trong vòng 36 giờ kể từ khi Nam Phi phát thông báo về biến thể mới, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu bệnh phẩm từ 100 bệnh nhân, đối chiếu dữ liệu và cảnh báo cho thế giới.

Thậm chí, chỉ trong vòng 1 giờ sau thông báo, các nhà khoa học ở Nam Phi cũng gấp rút thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 hiện có với biến thể Omicron. Cho tới thời điểm hiện tại, hàng chục đội ngũ các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới - bao gồm cả các nhà nghiên cứu của Pfizer-BioNTech và Moderna - đã tham gia vào cuộc đua.

Kết quả sẽ có sớm nhất sau 2 tuần, nhưng những đột biến trên chủng Omicron cho thấy vaccine có thể sẽ kém hiệu quả hơn ở một mức độ nào đó so với bất kỳ biến chủng nào trước đây.

“Dựa trên dữ liệu phân tích các biến chủng và đột biến trước đó, chúng tôi tin rằng những đột biến mới (ở Omicron) sẽ gây ra sự sụt giảm đáng kể các kháng thể trung hòa”, tiến sĩ Bloom nói, đề cập đến khả năng cơ thể con người tấn công virus xâm nhập.

Tiến sĩ Richard Lessells, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal ở Durban, cho biết các bác sĩ Nam Phi ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ tái nhiễm ở những người đã từng mắc Covid-19. Điều này cho thấy biến thể Omicron có thể vượt qua hàng rào miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, giúp virus có thể xâm nhập dễ dàng hơn vào tế bào cơ thể người hoặc né tránh được các phản ứng miễn dịch.

Nhiều đột biến đã được nhìn thấy trước đây. Một số được cho là đã hỗ trợ khả năng né tránh vaccine của chủng Beta, trong khi một số khác rất có thể làm tăng khả năng lây lan của Delta.

Tuy nhiên, Omicron cũng có 26 đột biến protein gai riêng biệt, so với 10 ở chủng Delta và 6 ở chủng Beta.

“Có nhiều đột biến mà chúng tôi chưa bao giờ nghiên cứu, nhưng chỉ cần nhìn vào vị trí trên gai, có thể thấy rằng chúng nằm ở những vùng mà chúng tôi biết là có ưu thế tạo miễn dịch cho virus”, Tiến sĩ Penny Moore, một nhà virus học tại Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm Nam Phi, nói.

Nhóm của Tiến sĩ Moore có lẽ là đội ngũ tiến xa nhất trong việc thử nghiệm hiệu quả của các loại vaccine hiện nay trước biến chủng Omicron. Bà Moore cùng đồng nghiệp đang chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm máu từ những người đã tiêm chủng đầy đủ để thử nghiệm vaccine chống lại một phiên bản tổng hợp của biến thể mới này.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: New York Times)

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: New York Times)

Để mô phỏng một cách chân thực hơn những gì mọi người có thể phải đối mặt, một nhóm nhà nghiên cứu khác dẫn đầu bởi Tiến sĩ Alex Sigal, chuyên gia về virus tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi, đang phát triển biến thể Omicron sống, sau đó sẽ đem thử nghiệm trên máu của người đã được tiêm chủng đầy đủ và người từng mắc Covid-19.

Nếu các loại vaccine cho thấy hiệu quả kém hơn trước biến chủng Omicron so với các biến chủng khác, chúng có thể sẽ cần phải điều chỉnh để nâng cao hiệu quả.

Để có được bức tranh đầy đủ về hiệu quả của vaccine chống lại biến thể Omicron, các nhà khoa học không chỉ xem xét mức độ kháng thể mà còn phải cân nhắc khả năng tế bào miễn dịch có thể nhận ra và tiêu diệt tế bào bị nhiễm bệnh. Tế bào miễn dịch, được gọi là tế bào T, có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và nguy cơ tử vong.

Một số đột biến của Omicron xảy ra ở các bộ phận của virus mà tế bào T nhắm đến, điều này có nghĩa là biến chủng mới có thể sẽ trở nên khó nhận biết hơn đối với tế bào T.


Nhằm chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, các công ty dược phẩm Moderna, Pfizer-BioNTech và Johnson & Johnson cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 của họ với phiên bản nhân tạo của biến thể Omicron.

Theo đó, vaccine của Moderna và Pfizer-BioNTech được sản xuất theo công nghệ mRNA cho phép nhanh chóng cập nhật phiên bản mới. “Pfizer-BioNTech có thể điều chỉnh vaccine hiện nay trong vòng 6 tuần và xuất xưởng các lô đầu tiên trong vòng 100 ngày trong trường hợp Omicron được xác định là biến thể lẩn tránh có khả năng né tránh hệ miễn dịch”, phát ngôn viên của Pfizer Jerica Pitts cho hay.

Công nghệ mRNA cho phép các nhà khoa học của Pfizer-BioNTech và Moderna  có thể phát triển được loại vaccine “thế hệ mới” dựa trên các loại vaccine có sẵn chỉ trong thời gian ngắn. (Ảnh: Reuters)

Công nghệ mRNA cho phép các nhà khoa học của Pfizer-BioNTech và Moderna  có thể phát triển được loại vaccine “thế hệ mới” dựa trên các loại vaccine có sẵn chỉ trong thời gian ngắn. (Ảnh: Reuters)

Tiến sĩ Stephen Hoge, Chủ tịch của Moderna, chia sẻ hãng này đã bắt tay ngay vào nghiên cứu Omicron ngay sau khi thông báo về biến chủng này được phía Nam Phi đưa ra. Theo ông, đây là tốc độ phản ứng nhanh nhất của công ty với một biến thể virus từ trước đến nay.

Ông Hoge nhấn mạnh Moderna có thể điều chỉnh vaccine hiện tại của mình trong khoảng 2 tháng và đưa ra kết quả lâm sàng trong khoảng 3 tháng nếu cần.

Cả 2 nhà sản xuất vaccine cũng có kế hoạch kiểm tra xem liệu các mũi tiêm tăng cường có hỗ trợ hệ thống miễn dịch đủ để chống lại biến chủng mới hay không. Mũi tiêm thứ 3 của Pfizer-BioNTech và Moderna đã được chứng minh là giúp tăng đáng kể mức độ kháng thể trong cơ thể người.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Michel Nussenzweig, nhà miễn dịch học tại Đại học Rockefeller ở New York, cho rằng các kháng thể đó có thể không đủ để vô hiệu hóa hoàn toàn biến thể Omicron.

Những người hồi phục sau khi mắc Covid-19 và sau đó tiêm vaccine có xu hướng tạo ra nhiều loại kháng thể hơn. Đồng thời, những kháng thể này có khả năng nhận dạng nhiều phiên bản của virus hơn so với những người chỉ tiêm vaccine.

“Rõ ràng là khả năng miễn dịch lai ở những người vừa bị nhiễm bệnh vừa được tiêm chủng vượt trội hơn. Điều đó rất có khả năng giải quyết được vấn đề Omicron”, ông Nussenzweig nói thêm.

Một cơ sở nghiên cứu và phát triển của Pfizer ở Chesterfield, Missouri, Mỹ. (Ảnh: New York Times)

Một cơ sở nghiên cứu và phát triển của Pfizer ở Chesterfield, Missouri, Mỹ. (Ảnh: New York Times)

Tiến sĩ Nussenzweig và các đồng nghiệp đang chuẩn bị thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của vaccine mRNA trước biến chủng Omicron, cũng như các loại vaccine khác do Johnson & Johnson và AstraZeneca sản xuất, với hy vọng sẽ có kết quả trong vòng 1 tháng.

Sẽ là một kỳ tích nếu như có thể tạo ra vaccine đặc hiệu nhằm vào biến thể Omicron trong vài tuần tới. Nhưng triển vọng sản xuất và phân phối chúng cũng đặt ra những câu hỏi khó khăn.

Theo Tiến sĩ Tulio de Oliveira, các nhà sản xuất vaccine nên dành ưu tiên cho các quốc gia châu Phi cần chúng nhất và ít có khả năng chi trả nhất.

“Ít nhất Nam Phi có thể tự xoay sở để mua được vaccine. Nhưng các nước nghèo hơn như Sudan, Mozambique, Eswatini và Lesotho sẽ cần các lựa chọn chi phí thấp”, ông Oliveira cho hay.

Hiện Pfizer vẫn chưa phản hồi câu hỏi về bán vaccine với giá rẻ cho các quốc gia châu Phi. Trong khi đó, Moderna cho biết công ty đã có thỏa thuận với Liên minh châu Phi (AU) để cung cấp 110 triệu liều với giá 7 USD/liều.

Cán bộ của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Tổng hợp Oxford tại Việt Nam, đơn vị hợp tác chiến lược của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đang vận hành máy giải trình tự Miseq.

Cán bộ của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Tổng hợp Oxford tại Việt Nam, đơn vị hợp tác chiến lược của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đang vận hành máy giải trình tự Miseq.

Biện pháp ứng phó của Việt Nam


Trước nguy cơ biến chủng Omicron có thể xâm nhập bất kỳ lúc nào, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra một loạt biện pháp chủ động phòng, chống biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Một là, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.

Hai là, Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Ba là, Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Ngày 29/11, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, WHO đưa biến chủng Omicron vào biến thể đáng quan ngại cùng với những biến thể Alpha, Beta và Delta vì dự đoán nó nguy hiểm do đột biến trên protein gai quá nhiều, gấp đôi so với biến thể Delta. 

“Những đặc điểm của biến chủng Omicron nêu trên dự báo biến chủng này lây lan nhanh hơn nhiều lần biến thể Delta”, ông Phu cho hay.

Theo ông Phu, biến thể mới nếu vô hiệu hóa các vaccine phòng Covid-19 hiện nay và mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ vô hiệu hóa vaccine còn tiếp tục nghiên cứu.

Ông Phu cũng cho biết, hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể mới Omicron gây ra với con người. Nhưng, nguy cơ lây lan nhanh, vaccine không còn tác dụng sẽ có nhiều người nhiễm thì có thể sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế. 

Trước lo ngại của người dân trong nước về biến chủng mới Omicron có tốc lây lan nhanh gấp nhiều lần, ông Phu cho rằng cách phòng bệnh tốt nhất là dừng các chuyến bay tới các nước châu Phi đang có dịch; tăng cường kiểm soát dịch bệnh biên giới, cửa khẩu. 

Trong đó, Việt Nam cũng cần lưu ý có những người ở châu Phi nhưng đi qua nước thứ hai rồi mới về Việt Nam.

"Để phát hiện sớm nhất nguy cơ biến chủng mới có thể xâm nhập bất kỳ lúc nào, cơ quan chuyên môn cần phải tăng cường xét nghiệm các trường hợp đi từ nước ngoài về, đồng thời làm các xét nghiệm trong nước, lấy mẫu, điều tra dịch tễ, giải trình tự gene. Chúng ta phải luôn nâng cao cảnh giác, không phải lệnh giãn cách diện rộng như trước đây nhưng càng hạn chế tụ tập đông người càng tốt. Thực hiện tốt thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, ông Phu nói.

Cùng quan điểm này, TS Phạm Quang Thái cho biết, đối với Việt Nam, từ kinh nghiệm chiến đấu với chủng Delta trong thời gian qua cho thấy, việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn. Do đó, trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa tại Việt Nam cần phải tăng cường thêm một bậc.

TS Thái khuyến cáo, ngành y tế cần bám sát thông tin lưu hành của biến chủng và khuyến nghị tăng cường rà soát nhập cảnh với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới. Ngành an ninh cần kiện toàn sớm hệ thống kiểm soát định danh để trong thời gian ngắn nhất xác định được các tiếp xúc nguy cơ nếu xác định được trường hợp đầu tiên.

Theo GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trước đây, thông qua giải trình tự gene, viện cũng đã giúp đánh giá được các biến thể của SARS-CoV-2 gây dịch tại Việt Nam như: chủng SARS-CoV-2 ghi nhận lần đầu tại Vũ Hán, sau đó tại Anh, Nam Phi và biến chủng Delta trong làn sóng dịch thứ tư.

Ngay khi nhận được thông tin về biến chủng mới có nguy cơ lây nhiễm hơn so với biến chủng Delta, viện đã tăng cường hơn nữa không tác giải trình tự gene các trường hợp dương tính trở về từ nước ngoài. 

Theo GS Đức Anh, biến chủng Omicron vẫn còn rất mới với thế giới, vì thế, viện tiếp tục bám sát các thông tin cảnh báo để báo cáo Bộ Y tế có hướng triển khai giám sát kịp thời. 

Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầy thách thức đối phó với biến chủng Delta khi dịch có dấu hiệu căng thẳng trở lại vào cuối tháng 11. Số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, tỷ lệ tử vong chưa hạ nhiệt, nhiều tỉnh, thành phố phải mở lại bệnh viện dã chiến. Khi chúng ta chuyển chống dịch sang trạng thái thích ứng, linh hoạt với tình hình mới, chỉ có nâng cao một bước các biện pháp đối phó, tuân thủ 5K, thúc đẩy nhanh hơn nữa công tác bao phủ vaccine, chúng ta mới tạo ra những lớp phòng thủ kiên cố trước nguy cơ xâm nhập bất kỳ lúc nào của các biến thể.


Ngày 29/11, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.


Ngày xuất bản: 30/11/2021
Chỉ đạo thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung: HỒNG VÂN - HOÀNG HÀ - THIÊN LAM - TRUNG HƯNG - VĂN TOẢN
Trình bày: HOÀNG HÀ - BÔNG MAI - PHAN ANH
Ảnh và dữ liệu: Reuters, New York Times, CNN, EPA, Getty, WHO, TTXVN, Quang Thái.