Ứng phó biến đổi khí hậu cần cách tiếp cận toàn cầu
Trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Anh từ 31/10 đến 12/11, chuyên đề “Những bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu” đưa ra cái nhìn toàn cảnh về những nỗ lực của thế giới kiềm chế khí hậu nóng lên, vì sức khỏe của bà mẹ Trái đất, vì tương lai của sự sống trên toàn hành tinh.
Một châu Âu dẫn đầu
Châu Âu là một trong những nhóm quốc gia có nhiều cam kết trong các vấn đề khí hậu nhất và đã đạt được những bước tiến dài trong thực hiện các cam kết.
Năm 2017, Liên minh châu Âu (EU) đã giảm gần 22% lượng khí thải so với năm 1990, đạt mục tiêu giảm phát thải năm 2020 trước thời hạn 3 năm.
Theo số liệu năm 2019 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, EU tạo ra 9% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (29%) và Hoa Kỳ (14%). Theo ước tính của Cơ quan Môi trường châu Âu, châu Âu đã giảm được 24% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong giai đoạn 1990-2019.
Trong năm 2020, EU đã tự đặt ra mục tiêu giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (so với mức của năm 1990), tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 20% tổng mức tiêu thụ năng lượng, và và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thêm 20%.
Trong khuôn khổ “Thỏa thuận xanh” của Ủy ban châu Âu, EU đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tham vọng giảm phát thải khí nhà kính xuống 55% so với mức năm 1990 được đưa ra trong các văn bản pháp lý của các quốc gia thành viên và Nghị viện Châu Âu trong các vấn đề khí hậu, vừa được thông qua vào cuối tháng 6/2021.
Để đạt được mục tiêu cuối cùng này, vào ngày 14/7/2021, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất kế hoạch “Fit for 55”, tạm dịch là “Thích ứng với khí hậu” gồm 12 dự thảo văn bản luật nhằm chuyển đổi nền kinh tế châu Âu từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang một thế giới không phát thải ròng, mức ô nhiễm thấp và phương tiện giao thông chạy bằng pin.
Trọng tâm của kế hoạch này là điều chỉnh các đạo luật và những mục tiêu hiện hành của EU để có thể giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990.
Theo đó, EU sẽ nâng chi phí phát thải carbon đối với hệ thống đốt nóng trong các hộ gia đình, công sở, phương tiện tham gia giao thông, các nhà sản xuất, đánh thuế carbon đối với ngành hàng không, nhiên liệu vận tải tàu thuyền, đánh thuế đối với các nhà nhập khẩu đối với các sản phẩm gây hại cho môi trường như xi-măng, thép và nhôm.
Một trong những động thái quyết liệt nhất trong bản kế hoạch chính là cấm bán ô tô mới chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2035. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nhằm điều chỉnh Cơ chế giao dịch khí thải (ETS) còn nhiều kẽ hở của EU – thị trường khí thải carbon lớn nhất thế giới.
Ngay sau khi EU công bố kế hoạch này, giới chuyên gia nhận định, đây là một bản kế hoạch đầy tham vọng và sẽ đưa Liên minh châu Âu trở thành hình mẫu trong hoạt động chống biến đổi khí hậu trên thế giới.
Được đánh giá là kế hoạch đầy tham vọng bởi thứ nhất, mục tiêu mà kế hoạch đề ra bao quát nhiều đối tượng được điều chỉnh từ hộ gia đình, công sở, các nhà sản xuất đến các nhà nhập khẩu… Thứ hai, mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí hậu được nâng lên chỉ trong một thời gian ngắn. Từ năm 1990 đến năm 2019, EU đề ra mục tiêu cắt giảm 24% lượng phát thải. Trong khi đó, từ nay đến năm 2030, tức là trong vòng 9 năm mục tiêu đã được nâng lên 31%, giảm đi hơn 1 nửa so với trước.
Châu Âu giờ đã trở thành lục địa đầu tiên công bố một bản kiến trúc toàn diện nhằm đạt được những mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của chúng ta. Chúng ta đã có mục tiêu và giờ chúng ta công bố lộ trình để đạt được mục tiêu đó. Bản kế hoạch nhằm kết hợp sự giảm phát thải đi kèm các biện pháp bảo tồn thiên nhiên, cũng như đặt việc làm và sự cân bằng xã hội trở thành trọng tâm của quá trình chuyển đổi đó.
Mới đây, ngày 6/10, EU đã nhất trí ủng hộ việc đặt ra các mục tiêu khí hậu theo chu kỳ 5 năm một lần tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Các bộ trưởng môi trường EU nhất trí ủng hộ quan điểm các nước cần đặt ra mục tiêu khí hậu 5 năm một lần. Trong một tuyên bố, các bộ trưởng nêu rõ EU sẽ ủng hộ đặt ra mục tiêu khí hậu 5 năm một lần với điều kiện tất cả các bên đều phải thực hiện điều này và các mục tiêu phải nhất quán với luật khí hậu của EU.
Hiện EU đang xem xét các tiêu chuẩn ràng buộc để hạn chế phát thải khí metan, chất gây ra sự nóng lên toàn cầu lớn thứ 2, chỉ sau CO2.
Ngày 14/10, EC đã công bố Chiến lược giảm phát thải khí Metan của EU.
Được công bố ngày 14/10, Chiến lược metan của EU cho thấy một cam kết rõ ràng hơn so với các dự thảo trước đó bởi các dự thảo không đề cập rõ nét giới hạn metan đối với khí tiêu thụ ở châu Âu.
EC sẽ xem xét các mục tiêu, tiêu chuẩn giảm phát thải khí metan hoặc các sáng kiến khác đối với năng lượng hóa thạch được tiêu thụ và nhập khẩu ở EU trong trường hợp không có các cam kết quan trọng từ các đối tác quốc tế
Việc hạn chế khí metan là “chìa khóa” cho các mục tiêu về biến đổi khí hậu của EU vào năm 2030 và mục tiêu trung hòa khí hậu của EU vào năm 2050, cũng như đóng góp cho tham vọng không còn ô nhiễm của EC.
Chiến lược này vạch ra các biện pháp nhằm cắt giảm phát thải khí metan tại châu Âu và toàn cầu. Chiến lược cũng công bố các hành động lập pháp và phi lập pháp trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và chất thải, vốn chiếm khoảng 95% nguồn thải khí metan cùng với các hoạt động của con người toàn cầu. EC sẽ làm việc cùng với các đối tác toàn cầu của EU và các ngành công nghiệp để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí metan trong chuỗi cung ứng.
Một trong những ưu tiên của chiến lược là cải thiện việc đo lường và báo cáo về phát thải khí metan. Mức độ giám sát hiện khác nhau giữa các ngành và các Quốc gia Thành viên và trên toàn cộng đồng quốc tế. Ngoài các biện pháp cấp EU nhằm tăng cường các tiêu chuẩn đo lường, xác minh và báo cáo, Ủy ban sẽ hỗ trợ việc thành lập một đài quan sát phát thải khí metan quốc tế với sự hợp tác của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Liên minh Khí hậu và Không khí sạch và Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Chương trình vệ tinh Copernicus của EU cũng sẽ cải thiện khả năng giám sát, giúp phát hiện các siêu phát thải toàn cầu và xác định các vụ rò rỉ khí metan lớn.
Để giảm phát thải khí metan trong lĩnh vực năng lượng, EC sẽ đề xuất nghĩa vụ cải thiện việc phát hiện và sửa chữa các rò rỉ trong cơ sở hạ tầng khí và sẽ cân nhắc luật cấm các hành vi đốt và thông gió thường xuyên. Ủy ban sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại với các đối tác quốc tế của mình và tìm hiểu các tiêu chuẩn, mục tiêu hoặc khuyến khích có thể có đối với năng lượng nhập khẩu vào EU, và các công cụ để thực thi chúng.
Châu Âu là điểm sáng khi trở thành khu vực duy nhất có lượng khí thải metan giảm trong hai thập kỷ qua.
Chính sách tốt và quản lý sát sao đã giúp châu Âu giảm lượng khí thải từ các bãi chôn lấp, phân bón và các nguồn khác. Người dân cũng ăn ít thịt bò, tăng cường ăn thịt gia cầm và cá.
Mây tụ lại nhưng không thể tạo ra mưa, các vết nứt xuất hiện ở Graaff-Reinet (Nam Phi). Ảnh chụp ngày 14/11/2019/REUTERS.
Mây tụ lại nhưng không thể tạo ra mưa, các vết nứt xuất hiện ở Graaff-Reinet (Nam Phi). Ảnh chụp ngày 14/11/2019/REUTERS.
Một người đàn ông ở Las Vegas giữ mát cơ thể bằng một chai nước đông đá để trên đầu khi nhiệt kế không chính thức ghi là 130 độ F (54,4 độ C). Ảnh: REUTERS.
Một người đàn ông ở Las Vegas giữ mát cơ thể bằng một chai nước đông đá để trên đầu khi nhiệt kế không chính thức ghi là 130 độ F (54,4 độ C). Ảnh: REUTERS.
Bắc Kinh (Trung Quốc) trong những ngày ô nhiễm không khí nặng nề. Ảnh chụp ngày 13/2/2021 - REUTERS.
Bắc Kinh (Trung Quốc) trong những ngày ô nhiễm không khí nặng nề. Ảnh chụp ngày 13/2/2021 - REUTERS.
Ủy ban sẽ cải thiện báo cáo về phát thải từ nông nghiệp thông qua việc thu thập dữ liệu tốt hơn và thúc đẩy các cơ hội giảm phát thải với sự hỗ trợ từ Chính sách nông nghiệp chung. Trọng tâm chính sẽ là chia sẻ thực tiễn tốt nhất về các công nghệ giảm khí metan đổi mới, chế độ ăn cho vật nuôi và quản lý chăn nuôi, đồng thời có cả nghiên cứu có mục tiêu về công nghệ, các giải pháp dựa trên thiên nhiên và sự thay đổi chế độ ăn uống.
Các dòng chất thải và chất thải hữu cơ không thể tái chế của con người và nông nghiệp có thể được sử dụng để sản xuất khí sinh học, vật liệu sinh học và hóa chất sinh học. Điều này có thể tạo ra các nguồn thu bổ sung ở các khu vực nông thôn và đồng thời tránh phát thải khí metan. Do đó, việc thu gom các chất thải này sẽ được khuyến khích hơn nữa.
Trong lĩnh vực chất thải, Ủy ban sẽ xem xét hành động mạnh mẽ hơn để cải thiện việc quản lý khí bãi rác, khai thác tiềm năng sử dụng năng lượng đồng thời giảm phát thải, và sẽ xem xét luật liên quan về chôn lấp vào năm 2024. Giảm thiểu việc xử lý chất thải phân hủy sinh học trong các bãi chôn lấp là rất quan trọng để tránh sự hình thành khí metan. Ủy ban cũng sẽ xem xét đề xuất nghiên cứu sâu hơn về chất thải đối với công nghệ biomethane.
Đánh giá tác động cho Kế hoạch mục tiêu khí hậu năm 2030 của EU đã kết luận rằng, việc nâng cao mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống ít nhất 55% vào năm 2030 sẽ đòi hỏi một nỗ lực tăng tốc để giải quyết phát thải khí metan. Dù EU chỉ sản xuất 5% lượng khí thải metan toàn cầu, khối sẽ khuyến khích hành động quốc tế với tư cách là nhà nhập khẩu năng lượng toàn cầu lớn nhất và là người tham gia (cam kết cắt giảm khí thải) mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và chất thải.
Hành động tập thể là điều cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. EU kiên quyết ủng hộ tham vọng khí hậu cả trong các diễn đàn quốc tế và trong khuôn khổ quan hệ song phương, cũng như hành động của các nước thứ ba.
Ngày 28/10, Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen thông báo, cho đến nay đã có 60 quốc gia đã tham gia cam kết do Liên minh Châu Âu và Mỹ dẫn đầu nhằm cắt giảm lượng khí thải metan. Dự kiến, tại Hội nghị thượng đỉnh COP 26, sẽ thêm nhiều quốc gia cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Hiện, EU là "nhà tài trợ" hàng đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các quỹ hỗ trợ các dự án và hành động liên quan đến khí hậu ở các nước đang phát triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sinh thái của họ và chống lại các hậu quả của biến đổi khí hậu.
Song hành với các công cụ luật, EU cũng tăng cường gói tài chính cho các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuôn khổ tài chính nhiều năm (MFF) giai đoạn 2021-2027 và gói tài chính “Next Generation EU” (tạm dịch: Thế hệ tương lai của EU) hợp lại sẽ có ít nhất 30% tổng chi tiêu dự kiến sẽ được chi cho các dự án liên quan đến khí hậu.
Về ngân sách lâu dài của EU, Ủy ban đã đề xuất rằng ít nhất 25% chi tiêu của EU sẽ được dành cho hành động chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2021-2027. Cam kết này sẽ tăng cường hơn nữa hành động chính chống biến đổi khí hậu, nhấn mạnh Thỏa thuận Xanh châu Âu, thể hiện tham vọng dài hạn của EU trong việc đạt được trung hòa phát thải khí nhà kính vào năm 2050.
Tháng 5/2020, EC đã công bố một đề xuất sửa đổi cho ngân sách dài hạn trong giai đoạn 2021-2027 của EU để hỗ trợ phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid và chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ tiếp theo.
Như đã nêu trong thông báo ngày 27/5, khuôn khổ tài chính cho giai đoạn 2021-2027 do Ủy ban đề xuất vào năm 2018 vẫn là điểm tham khảo trọng tâm. Một mục tiêu chi tiêu đầy tham vọng cho hành động khí hậu là tất cả những gì cần thiết hơn cho một gói khôi phục cân bằng và vẫn được áp dụng trong đề xuất sửa đổi cho ngân sách dài hạn 2021-2027.
Dựa trên đề xuất của Ủy ban, thỏa thuận chính trị của Hội đồng châu Âu đặc biệt từ ngày 17 đến 21/7/2020 đặt ra mục tiêu ngân sách cho cho ứng phó với khí hậu tổng thể là 30% tổng số tiền chi tiêu từ ngân sách EU giai đoạn 2021-2027 và giai đoạn Thế hệ tương lai của EU, công cụ chính để triển khai gói khôi phục kinh tế hậu Covid.
Đông Nam Á: Chủ động thích ứng
Đông Nam Á là khu vực trọng điểm của hành động khí hậu. Tỷ lệ phát thải của khu vực chiếm khoảng 3% so với toàn cầu, nhưng có thể đạt 5% vào năm 2030. Mặc dù tỷ lệ phát thải carbon nhỏ, khu vực này là khu vực bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Các quốc gia trong khu vực như Myanmar, Philippines, Việt Nam và Thái Lan - là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về số người chết do thảm họa khí hậu trong hai thập kỷ qua. Một số khu vực của Đông Nam Á, đặc biệt là các khu vực đô thị nằm dọc theo các bờ biển đã hứng chịu tình trạng nước biển dâng. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã liệt kê 19 thành phố Đông Nam Á trong số 25 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng, trong đó có tới 7 thành phố ở Philippines. Các nghiên cứu cũng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế của khu vực là rất lớn. ADB dự đoán rằng Đông Nam Á sẽ giảm 11% tổng GDP vào năm 2100.
Biến đổi khí hậu đang tác động tới lĩnh vực nông nghiệp, nhân tố kinh tế chủ đạo của Đông Nam Á. Vựa lúa ở đồng bằng sông Mekong được dự báo sẽ giảm từ 6-12% và sản lượng vụ mùa sẽ giảm từ 3-26% trong năm 2050. Tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, biến đổi khí hậu có thể khiến sản lượng lúa gạo giảm tới 50%.
Biến đổi khí hậu được xếp hạng trong số các mối quan tâm an ninh hàng đầu ở Đông Nam Á theo Khảo sát tình trạng Đông Nam Á 2020 do Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Viện ISEAS-Yusof Ishak) thực hiện. 66,8% trong số 1.308 chuyên gia Đông Nam Á được khảo sát bày tỏ lo ngại về tác động của khí hậu, tăng từ 52,6% vào năm 2019.
Trong Cuộc khảo sát năm 2021, quan điểm về các mối đe dọa khí hậu đã tăng lên đáng kể. 52,7% chuyên gia được hỏi nói rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa ngay lập tức đối với hạnh phúc của đất nước họ và con số tương tự nói rằng các chính phủ đã không quan tâm đúng mức đến vấn đề này. 53,7% người Đông Nam Á coi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa nghiêm trọng và tức thời đối với hạnh phúc của đất nước họ”, tăng nhẹ so với mức 52,7% năm 2020.
Ngày càng gia tăng bằng chứng về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ tổ chức năm 2020, cựu Phó Tổng thống Indonesia thừa nhận rằng các vụ cháy rừng ở các phần trên đảo Sumatra và Kalimantan ngày càng tồi tệ. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, ngày càng có thêm nhiều bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và biến đổi khí hậu. ASEAN sẽ chứng kiến nhiều vụ cháy rừng nặng nề hơn và vấn đề khói mù xuyên biên giới đang ảnh hưởng tới khu vực như vấn đề nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Đây là thí dụ cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi hành động vượt khỏi biên giới chủ quyền.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu toàn cầu có thể tác động tới các dòng chảy đại dương và ảnh hưởng tới sự phân bố rác thải đại dương. Sự phân hủy các mảnh nhựa trong đại dương cũng làm gia tăng tốc độ giải phóng phát thải khí nhà kính.
4 quốc gia Đông Nam Á trong số các nước ô nhiễm đại dương nặng nề nhất thế giới gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. ASEAN gần đây đã tăng cường cam kết để chống lại nạn rác thải đại dương trong khu vực. Khung hành động ASEAN về Rác thải đại dương có thể tìm ra cách thức khoa học khí hậu hỗ trợ các nỗ lực giảm rác thải đại dương vốn đang gây hại tới hệ sinh thái và y tế cộng đồng.
Thêm vào đó, mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, sức khỏe của hành tinh, con người và động vật ngày càng trở nên rõ ràng. Mặc dù những điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 chưa có kết luận cuối cùng, nhưng có bằng chứng về giả thiết là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Môi trường sống hoang dã tự nhiên bị suy giảm mạnh, quản lý sai cách đa dạng sinh học, sự gia tăng tiếp xúc giữa thế giới hoang dã và gia súc và các mô hình đi lại toàn cầu có thể đóng góp vào sự hình thành của virus SARS-CoV-2.
Nhận thức được nguy cơ của biến đổi khí hậu tới sự phát triển của Cộng đồng, ASEAN từ lâu đã thiết lập các khuôn khổ và chương trình hành động chống biến đổi khí hậu. Hiện, cả 10 quốc gia thành viên ASEAN đều tham gia Công ước khung về Biến đổi khí hậu của LHQ (UNFCCC) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tính đến tháng 3/2021, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Campuchia đã xây dựng mục tiêu "Đóng góp do quốc gia tự quyết định" (NDC). Các quốc gia thành viên ASEAN còn lại dự kiến sẽ trình mức "Đóng góp do quốc gia tự quyết" tại Hội nghị COP26. Các quốc gia thành viên ASEAN ngày càng gia tăng nhận thức về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này phản ánh trong các nỗ lực của các quốc gia trong việc đẩy nhanh mức giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu và thích ứng khí hậu theo Thỏa thuận Paris.
ASEAN ngày càng chủ động hơn trong việc xây dựng các sáng kiến phòng chống biến đổi khí hậu trong nội khối như chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nông nghiệp và an ninh lương thực, bảo vệ rừng và sử dụng đất, quản lý rủi ro thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, và nhiều lĩnh vực khác…
Từ năm 2007 cho đến nay, ASEAN đã ra các tuyên bố và nghị định liên quan đến tầm quan trọng đặc biệt của biến đổi khí hậu.
Năm 2009, nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi Khí hậu (AWGCC) được thành lập để nghiên cứu các vấn đề khí hậu, đưa ra các khuyến nghị chính sách và điều phối các vị trí giữa các quốc gia thành viên. Nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi Khí hậu, hiện do Campuchia chủ trì (2019-2022), họp hàng năm để báo cáo về tiến độ của kế hoạch hành động của nhóm, bao gồm các dự án về tăng cường mối liên kết giữa khoa học và hoạch định chính sách, nghiên cứu phạm vi về thiết lập giám sát, xác minh và báo cáo cấp cơ sở/công ty (MRV) hệ thống phát thải khí nhà kính, phát triển năng lực để thiết lập Hệ thống minh bạch nâng cao (ETS), nghiên cứu đánh giá nhu cầu tài chính khí hậu, nâng cao năng lực của các nhóm đàm phán về biến đổi khí hậu ASEAN.
Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) 2016-2025 đưa các vấn đề môi trường vào bốn lĩnh vực chính, đó là đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên; thành phố bền vững về môi trường; khí hậu bền vững; tiêu dùng và sản xuất bền vững. 4 lĩnh vực này được chuyển thành 7 ưu tiên chiến lược mà các nhóm công tác liên quan đã được thành lập để nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị và điều phối các vị trí.
Chi tiết của Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đặc biệt kêu gọi nâng cao năng lực của các tổ chức ngành và các chính phủ ASEAN để cải thiện đo lường khí nhà kính, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu và thúc đẩy việc thực hiện khuôn khổ toàn cầu về biến đổi khí hậu, đặc biệt là UNFCCC.
Nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi Khí hậu được giao nhiệm vụ đạt được các mục tiêu đó và tập trung vào ba ưu tiên: (1) tăng cường hợp tác khu vực về biến đổi khí hậu thông qua Kế hoạch hành động của ASEAN; (2) thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan ban ngành của ASEAN; và (3) nêu rõ các mối quan tâm và ưu tiên của ASEAN tại các diễn đàn quốc tế.
Với nhận thức ngày càng cao của khu vực về tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, ít nhất 13 chương trình trong các cơ quan ban ngành của ASEAN đã thừa nhận các mối đe dọa về khí hậu.
ASEAN đã đưa ra một mục tiêu rõ ràng hơn trong văn bản hướng dẫn gần đây nhất. Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) 2016-2025 đề ra mục tiêu 23% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp vào năm 2021. ASEAN cũng cam kết giảm 20% cường độ sử dụng năng lượng vào năm 2020 và 30% vào năm 2025 dựa trên mức năm 2005.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN đang tăng cường thúc đẩy sự hợp tác trong việc bảo vệ nông nghiệp, lâm nghiệp và an ninh lương thực. Nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ làm giảm đáng kể năng suất và giá trị dinh dưỡng của cây trồng, đặc biệt là lúa gạo, cây trồng chủ lực của Đông Nam Á. Điều này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khu vực và giá cả thị trường, do đó phá vỡ sự ổn định kinh tế.
Khuôn khổ Đa ngành ASEAN về Biến đổi Khí hậu: Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp hướng tới An ninh Lương thực (AFCC) được xây dựng theo mục tiêu của Hội nghị Quan chức Cấp cao ASEAN về Nông nghiệp và Lâm nghiệp (SOM AMAF) năm 2009 nhằm cung cấp cơ chế phối hợp hành động và hợp tác để giải quyết các thách thức đối với an ninh lương thực.
Trong lĩnh vực y tế, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) đã thừa nhận thách thức của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng. Do là khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, ASEAN có thể thấy nhiều trường hợp mắc các bệnh do khí hậu gây ra hơn như sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh đường hô hấp.
Trong lĩnh vực tài chính, các khoản đầu tư bền vững cũng đang được cải thiện. Chẳng hạn, các cộng đồng doanh nghiệp ASEAN đã và đang tiến hành các cuộc đối thoại để giúp khu vực tư nhân tăng cường các cơ chế về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Theo cơ chế như vậy, các cân nhắc về khí hậu ngày càng được coi trọng trong các quyết định kinh doanh và đầu tư. Các sáng kiến khác như tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh ASEAN đã được Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) thúc đẩy dưới sự bảo trợ của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong khu vực và đáp ứng sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các khoản đầu tư xanh.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COP 26, ngày 7/10, ASEAN đã công bố Báo cáo Tình hình Biến đổi Khí hậu đầu tiên của khu vực. Báo cáo cung cấp một cái nhìn tổng thể về tình trạng biến đổi khí hậu trong khu vực ASEAN và vạch ra các cơ hội hợp tác và phối hợp hướng tới các mục tiêu khí hậu năm 2050.
Báo cáo này đại diện cho một cột mốc quan trọng đối với ASEAN, thể hiện cam kết tập thể đổi mới, táo bạo hơn đối với chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu.
Báo cáo được thiết kế để thông báo và hướng dẫn toàn khu vực và các nước thành viên ASEAN hướng tới các mục tiêu đầy tham vọng về biến đổi khí hậu, thông qua một khuôn khổ về tính minh bạch và hành động chuyển đổi nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu..
Trong quá trình xây dựng báo cáo, đại dịch Covid-19 xảy ra khiến các chuyên gia ASEAN nhanh chóng bổ sung về tiến trình phục hồi xanh và khả năng phục hồi cho Khung phục hồi toàn diện ASEAN như là một phần của ứng phó của ASEAN sau đại dịch.
Điều này tái khẳng định cam kết của khu vực trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19 và thúc đẩy việc thực hiện các ưu tiên của khu vực và địa phương hướng tới một tương lai bền vững và linh hoạt hơn.
Cùng với việc ra mắt Báo cáo Tình trạng ASEAN về Biến đổi Khí hậu, ASEAN cũng khởi động việc xây dựng Báo cáo Tình trạng Môi trường ASEAN lần thứ 6, sau khi Báo cáo cuối cùng được công bố vào năm 2017 như một phần của Lễ kỷ niệm Vàng ASEAN.
Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, không một quốc gia hay một tổ chức nào có thể hành động riêng lẻ, ASEAN những năm qua không ngừng gia tăng hợp tác với các quốc gia đối tác và các tổ chức quốc tế. Các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu với các quốc gia đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia,… thông qua các cơ chế hợp tác những năm qua đã mang lại nhiều kết quả khả quan.
Người dân xếp hàng dọc theo Central Park West với bảng hiệu "Không có hành tinh thứ hai nào" trong cuộc tuần hành Ngày Trái đất tháng 3. Ảnh: REUTERS.
Người dân xếp hàng dọc theo Central Park West với bảng hiệu "Không có hành tinh thứ hai nào" trong cuộc tuần hành Ngày Trái đất tháng 3. Ảnh: REUTERS.
Ngày xuất bản: 30/10/2021
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: NGUYỄN TRANG, MINH DUY, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Nguồn dữ liệu: europa.eu, asean.org, Reuters, ISEAS, UNFCC
Ảnh: Reuters, ec.europa.eu, Minh Duy...