Ươm hy vọng
từ những hạt mầm

“Mỗi biến chuyển tích cực dù nhỏ nhất so với chính các con cũng trở thành những hạt mầm hy vọng giúp mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho những cá nhân tâm huyết đang hết lòng chung tay đồng hành, trên hành trình kiếm tìm một ngày mai tươi sáng hơn cho trẻ tự kỷ”.

Đó là tâm sự chung của những thầy cô, những bác sĩ cùng chuyên gia đang ngày đêm yêu thương và nhẫn nại, dũng cảm và bao dung sát cánh cùng những đứa trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ADS) mà tôi đã gặp trong quá trình thực hiện bài viết này.

Hai mô hình, một điểm chung

Hai địa điểm mà tôi chọn tác nghiệp có nhiều khác biệt. Nếu Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An là một đơn vị có bề dày lịch sử hình thành và phát triển tới gần nửa thế kỷ thì Trung tâm Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ do chị Phan Thị Lan Hương sáng lập chỉ mới hoạt động bài bản khi bóng ma đại dịch Covid-19 vừa tạm lắng cuối năm 2021. Nếu Thụy An sở hữu cơ sở vật chất lý tưởng rộng tới 37.400m2, với hệ thống cây xanh đa dạng và hạ tầng khang trang cùng khu vui chơi giải trí rộng tới hơn 5.000m2 thì Trung tâm Hướng nghiệp chỉ gói gọn trong ba tầng của căn nhà đi thuê, với tổng diện tích sử dụng 180m2.

Nếu Thụy An là cơ sở nhà nước duy nhất ở phía bắc triển khai hiệu quả mô hình phục hồi chức năng khép kín (y học – giáo dục đặc biệt – hướng nghiệp dạy nghề) với một đội ngũ chuyên môn hùng hậu phục vụ đối tượng người khuyết tật (trong đó có trẻ tự kỷ) thì Trung tâm Hướng nghiệp chỉ có thể đảm đương khâu dạy nghề cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, 5 cô giáo, đa số là trẻ xoay vần với số học viên gấp 5 lần. Và cuối cùng, nếu phần lớn học viên tự kỷ của Thụy An đều ở thể nặng, quy tụ từ nhiều tỉnh thành thì đơn vị dạy nghề của chị Hương chỉ có thể tiếp nhận các con ở thể nhẹ, nhà không quá xa để có thể tới lớp đều đặn.

Thế nhưng, những trái tim nhân hậu thuộc cả hai đơn vị đều có chung nỗi âu lo khi đối mặt với câu hỏi: Tương lai của những đứa trẻ tự kỷ hôm nay sẽ ra sao khi bước vào tuổi trưởng thành? Những đứa trẻ không thể theo học giáo dục hòa nhập tại các cấp học phổ thông, phải sống lệ thuộc và trở thành một gánh nặng của một người thân nào đó sau khi bố mẹ qua đời sẽ ra sao? Nếu mức độ bệnh ở thể nhẹ, có thể học nghề thì không biết chọn công việc gì, học ở đâu, sau khi tốt nghiệp thì liệu có nơi nào đồng ý tuyển dụng? Tất cả các thầy cô giáo đều nỗ lực hết sức để mang lại những tia hy vọng ban đầu cho mỗi học viên, dù hành trình thắp sáng tương lai cho các con vẫn còn đối mặt muôn vàn thử thách.

Xem chanh, muối và đường có vị khác nhau ra sao (giờ học tại Trung tâm Thụy An).

Xem chanh, muối và đường có vị khác nhau ra sao (giờ học tại Trung tâm Thụy An).

Hạnh phúc với từng tiến bộ nhỏ nhất của các con

Là địa chỉ can thiệp, phục hồi chức năng quy mô Nhà nước lớn nhất miền bắc, hiện trung tâm Thụy An có quá nhiều đối tượng khuyết tật thuộc diện chính sách. Trong 220 trẻ em (trên tổng số 260 đang được chăm sóc tại đây), Trung tâm chỉ có thể đón 50-60 trẻ tự kỷ. Nhưng Thụy An cũng là đơn vị phía bắc duy nhất có riêng một khoa chuyên môn can thiệp cho đối tượng trẻ em mắc chứng này.
Được thành lập năm 2016, 12 thầy cô giáo được đào tạo bài bản từ bậc cao đẳng tới thạc sĩ thuộc đầy đủ các chuyên ngành đang hằng ngày can thiệp, điều trị, chăm sóc cả hai đối tượng bán trú (35-40 trẻ) và nội trú (15 trẻ). Vất vả, áp lực là điều đương nhiên, bởi mỗi giáo viên phải đảm nhiệm trung bình tới chục trẻ, phần lớn to cao và có thể bất ngờ đấm đạp, cắn cấu, đuổi đánh các cô bất cứ lúc nào.

Thạc sĩ Hồ Hải Hậu, Trưởng khoa Can thiệp trẻ em tự kỷ chia sẻ những tâm sự nhói lòng, “các con tới đây đa phần là trẻ tự kỷ lớn, mức độ nặng, chủ yếu thuộc diện con em các gia đình chính sách nên ít có điều kiện can thiệp sớm, nếu có thì lại không mấy hiệu quả. Phần lớn bố mẹ cho con tham gia giáo dục hòa nhập hoặc ghi tên can thiệp tại các trung tâm tư nhân, khi trẻ lớn, mức độ nặng, chi phí vượt quá khả năng, cơ sở tư nhân từ chối mới đành đến với Thụy An. Bởi đã qua giai đoạn vàng, hiệu quả can thiệp, phục hồi rất chậm”. Chính vì vậy, “khoa này sở hữu những cán bộ trình độ chuyên môn cao nhất Trung tâm đảm nhiệm việc giáo dục cho những học viên có trình độ thấp nhất”, chị Hậu nói .

Hiện khoa duy trì 5 lớp (Can thiệp sớm, Tiền tiểu học, Tiểu học, Kỹ năng sống 1&2). Trẻ được can thiệp, phục hồi chức năng, giáo dục tại 1 phòng khám tâm lý, 5 phòng học nhóm, 7 phòng can thiệp cá nhân và 2 phòng tâm vận động lần lượt cho hai đối tượng tự kỷ nhỏ và tự kỷ lớn. Hằng tháng, mỗi học viên sẽ được thiết kế một chương trình kèm bản đánh giá chi tiết quá trình can thiệp cá nhân.
Bởi không thể sàng lọc “đầu vào” nên cái đích mà tập thể thầy cô trong khoa đặt ra khá khiêm tốn. Những trẻ nhẹ hơn sẽ được làm quen với nấu cơm, rửa bát, quét nhà… để giảm bớt gánh nặng cho người thân. Với những trẻ 15-16 tuổi trông lộc ngộc nhưng vệ sinh cá nhân còn chưa rành, các cô kiên nhẫn chỉ dạy những kỹ năng tự phục vụ, làm được một số hoạt động đơn giản, cải thiện hành vi với mong muốn khi trở về hòa nhập mà không cần người chăm sóc toàn diện. Những học sinh sau khi rời Trung tâm có thể làm nghề rửa xe đơn giản như Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 2001 cũng rất hiếm, vì đòi hỏi phải luôn có người giám sát liên tục, mức thu nhập cũng ít ỏi..

Mảng hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ tự kỷ thể nặng của Thụy An hiện gặp nhiều khó khăn, bởi tuy Trung tâm đã xây dựng và vận hành trơn tru 8 lớp học nghề truyền thống (may, đan, handmade, làm hoa, làm hương thơm, tranh đá quý, tranh bút lửa và dệt Saori) cho hơn 90 học viên khuyết tật, loại hình duy nhất mà trẻ tự kỷ lớn thể nặng có thể tham gia hiện nay là đan lát và làm đồ handmade để cho ra những sản phẩm làn cói, kết hoa, bờm tóc.

Mong muốn lớn nhất mà Quyền Giám đốc Trung tâm Nguyễn Ngọc Tân gửi gắm chính là “mô hình giáo dục đặc biệt, can thiệp trẻ tự kỷ của Thụy An sẽ giúp các con có kiến thức văn hóa, có kỹ năng sống để tự tin hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng của bản thân, tạo sinh kế lâu dài”. Nhưng trong khi chưa thể nhận vào những trẻ tự kỷ thể nhẹ, những em bé có thể can thiệp sớm để mang lại những kết quả khả quan hơn, chị Hậu cùng tập thể giáo viên vẫn kiên trì kiếm tìm niềm hạnh phúc trong từng tiến bộ dù nhỏ nhất, dù rất chậm của mỗi học viên. Với hy vọng “trời mỗi ngày mỗi sáng”!

Học viên Trung tâm Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ thực hành đồ họa ứng dụng trên túi vải.

Học viên Trung tâm Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ thực hành đồ họa ứng dụng trên túi vải.

“Con khác biệt nhưng con đặc biệt”

Tôi trò chuyện với Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quyền trẻ em (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ) Phan Thị Lan Hương trong không gian ấm cúng của căn bếp nhỏ, nơi ba mặt tường được phủ kín những bức tranh rực rỡ, những chiếc túi cỏ bàng trang trí sống động, những cuốn sổ khâu tay tỉ mỉ, những chiếc ví len móc tay dễ thương. Tất cả đều là sản phẩm ra đời từ đôi bàn tay cần mẫn của những học viên tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.

Những đứa trẻ ríu rít vây quanh, “cơm mẹ Hương ngon lắm”, “con sẽ học ở đây tới lúc nghỉ hưu”. Một vài cô bé đang cẩn trọng đưa từng nét cọ trên toan, đôi ba cậu bé đang chơi đùa cùng cây kim móc, hai anh chị lớn hơn đang hoàn thiện những nét cuối cùng của chú ếch xanh trên túi vải hay cô mèo trắng trên túi cói. Thành phẩm rất đẹp, trang trí dễ thương, lại có tính ứng dụng cao nên tốc độ sản xuất không kịp số lượng đơn đặt hàng. “Nhìn sản phẩm, ai cũng trầm trồ, nhiều người còn nghi ngờ liệu có bàn tay hỗ trợ của các cô giáo? Nhưng mấy ai biết được phía sau chiếc túi, cuốn sổ đáng yêu này là kha khá những chiếc bị lỗi, bị hỏng. Thu nhập của các con được tính theo thành phẩm, hỏng thì không bị trừ nhưng cũng khỏi có lương” – chị Hương chia sẻ.

Một trung tâm dạy nghề cho trẻ tự kỷ nhưng khá yên bình và kỷ luật, phòng ốc sạch sẽ, gọn gàng. Những đứa trẻ lướt qua không mấy ồn ào, ít gây náo động. Nếu không có chiếc tủ lạnh bị dán băng keo nhằng nhịt hay tay vịn và bậc cầu thang lên xuống sứt sẹo, nếu không bắt gặp cô giáo trẻ tới lớp muộn vì phải làm lại chiếc kính bị học trò bẻ gãy, tôi sẽ nghĩ nơi đây chẳng có ai khác biệt. Nhưng chị Hương bảo, rất khó tưởng tượng các con ra sao trong những ngày đầu đến lớp. Trầm cảm, rối nhiễu tâm lý, nói tục chửi bậy, không kiểm soát được hành vi khi bước vào lứa tuổi tiền dậy thì, mai một cảm xúc sau nhiều năm bị bạo hành…
Tới Trung tâm, tất cả đều được tiếp cận thông qua cánh cửa hội họa - liệu pháp trị liệu tâm lý hữu hiệu lúc ban đầu. Vẽ giúp các con giải tỏa tâm lý, thế giới sắc màu – hình khối – bố cục giúp phát triển tư duy. Có năng khiếu thì học hội họa ứng dụng, không có thì làm quen cùng móc túi, khâu sổ, làm thiệp, thêu tranh, pha chế … Tới Trung tâm, trẻ được dạy kỹ năng sống (chú trọng tới các kỹ năng bảo vệ và tự chăm sóc bản thân, sức khỏe sinh sản, giao tiếp), được đi ngoại khóa, tham gia các câu lạc bộ, được phát triển bản thân qua các buổi học phát triển tư duy sáng tạo.

Quan niệm về hướng nghiệp của Trung tâm cũng có sự khác biệt, “dạy nghề là giúp các bạn có thể tự kiếm sống bằng chính nghề ấy, sau khi học xong. Nếu chỉ có thể đảm trách một khâu nào đó trong chuỗi vận hành, chuỗi đứt gãy là thành công cốc”. Hiện tại, sau rất nhiều nỗ lực của cô và trò, dự án hướng nghiệp đầu tiên đã thành công. Trung tâm đã có 5 bạn thành nghề, làm việc tại đây với mức lương xê dịch từ 800 nghìn đến hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Một bạn chọn về quê và đã có thể kiếm sống bằng những sản phẩm handmade đáng yêu của chính mình, như mong muốn lớn nhất của “mẹ Hương”, “tạo cho trẻ tự kỷ cơ hội sống độc lập, ý nghĩa và trọn vẹn cùng cuộc đời”.

Tôi nhớ mãi cảm giác xúc động, khi ngắm 30 tác phẩm ra đời từ chính dự án này trong triển lãm “Khác biệt và Đặc biệt” khai mạc vào tháng 10/2019. Màu sắc rực rỡ, ánh nhìn trong veo, những bức tranh như thông điệp rất đỗi nhân văn của trẻ tự kỷ gửi tới cộng đồng – rằng “con khác biệt nhưng con đặc biệt”.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Thanh Chương-Huyền Nga-Đào Thị Bích Thủy-Thiên Thanh
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trung tâm Thụy An, TT Sáng kiến và Sức khỏe Dân số, nguồn internet