PGS. TS. Vũ Quang Hiển
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt của chính quyền cách mạng và nhân dân Việt Nam sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết là tiếp quản Thủ đô. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, Ủy ban Quân Chính Hà Nội được thành lập, một hình thức đặc biệt của chính quyền nhà nước địa phương, với một kế hoạch chặt chẽ, thống nhất, nêu cao tinh thần phụ trách của mỗi cá nhân, thực hiện nhiệm vụ tiếp quản, đảm bảo trật tự trị an, quản lý và điều hành hiệu quả mọi hoạt động của một thành phố mới giải phóng, duy trì và ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, để lại những kinh nghiệm quý về xây dựng một bộ máy chính quyền địa phương của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

1. Ủy ban Quân Chính Hà Nội được thành lập và sự chuẩn bị cho việc tiếp quản thành phố

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương được ký kết (21/7/1954). Thực hiện điều khoản về tập kết, chuyển quân, quân Pháp phải rút khỏi miền bắc Việt Nam theo khu vực và thời gian quy định trong thời hạn 300 ngày. Theo đó, Pháp sẽ rút khỏi Hà Nội sau 80 ngày.

Để thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cử một số cán bộ Trung ương trực tiếp lãnh đạo; thành lập Đảng ủy tiếp quản thành phố; bổ sung cán bộ cho Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội, do Trần Quốc Hoàn làm Bí thư[1]. Ngày 11/9/1954, Thành ủy ra nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Quân chính.

Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. (Clip: Biên niên sử truyền hình Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh)

Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. (Clip: Biên niên sử truyền hình Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh)

Trong hai ngày 11 và 12/9/1954, Hội đồng Chính phủ họp về việc thực hiện đình chiến, tiếp quản Thủ đô, quyết định thành lập Ủy ban Quân chính Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch[2]. Hội đồng Chính phủ quyết nghị: Giao cho Ủy ban Quân chính thảo một kế hoạch đại cương việc tiếp quản Hà Nội; các Bộ cùng Ủy ban Quân chính xét lại kế hoạch tiếp quản, đặc biệt chú ý về tổ chức bộ máy và cán bộ phụ trách; các Ban Nội chính, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội duyệt lại chính sách của mỗi ngành; bên cạnh Ủy ban Quân Chính phải thành lập ngay Ủy ban Hành chính Hà Nội, trong đó có thành phần tư sản, nhân sĩ dân chủ.

Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ, “Trong thời kỳ tiếp quản, Ủy ban Quân chính Hà Nội là cơ quan lãnh đạo tối cao trong Hà Nội, thống nhất tập trung mọi quyền lãnh đạo đối với các ngành hoạt động”[3].

Ủy ban Quân chính Hà Nội có trách nhiệm tổ chức thực thi 8 chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với các thành phố mới giải phóng: 1- Bảo hộ tính mệnh, tài sản của toàn thể nhân dân trong thành phố; 2- Bảo hộ công thương nghiệp; 3- Tiếp thu và quản lý các xí nghiệp, công sở của chính quyền Pháp và Bảo Đại; 4- Bảo hộ các trường học, nhà thương, cơ quan văn hóa, giáo dục...; 5- Những viên chức trong các cơ quan chính quyền Pháp và Bảo Đại đều được tuyển dụng theo tài năng; 6- Những sĩ quan, binh lính trong quân đội Pháp và Bảo Đại còn ở lại trong vùng mới giải phóng, sau khi đến ghi tên đều có thể được giúp đỡ hoặc được tuyển dụng tùy theo năng lực; 7- Bảo hộ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều; 8- Thực hiện tự do dân chủ, bảo hộ tự do tín ngưỡng của nhân dân[4].

Công tác chuẩn bị tiếp quản được tiến hành chu đáo và hết sức khẩn trương. Tại Hà Nội, Đội Hành chính vào nội thành trước, tiếp xúc với các cơ quan chính quyền đối phương từ ngày 3 đến ngày 9/10/1954, nhằm ngăn chặn sự phá hoại, phổ biến chính sách tiếp quản và tìm hiểu tình hình thực tế, tạo cơ sở thuận tiện cho việc tiếp quản.

Sáng 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội. Trong ảnh: Quân Pháp rút đến đâu, Trung đoàn Thủ đô từ ô Cầu Giấy tiến vào tiếp quản đến đó. Ảnh: TTXVN

Sáng 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội. Trong ảnh: Quân Pháp rút đến đâu, Trung đoàn Thủ đô từ ô Cầu Giấy tiến vào tiếp quản đến đó. Ảnh: TTXVN

Ngày 7/10/1954, Ủy ban Quân chính ra Thông báo về kế hoạch, nguyên tắc và tiêu chuẩn cung cấp lương thực, thực phẩm khi vào tiếp quản Thành phố, tích cực làm việc với các địa phương xung quanh về việc cung cấp lương thực cho Hà Nội[5].

Ngày 9/10/1954, Chủ tịch Ủy ban Quân chính ra Quyết định số 01/QĐ về tổ chức bộ máy tiếp quản, xác định nguyên tắc chung là:

- Bộ máy tiếp quản của Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội được tổ chức trên cơ sở bảo đảm việc tiếp thu và quản lý tất cả các cơ quan cao cấp của chính quyền Pháp và Bảo Đại.

- Lãnh đạo việc tiếp quản các ngành: mỗi ngành do một ban phụ trách. Việc phối hợp điều hòa tiếp quản của các ngành trong một khối do các ban Nội chính, Kinh tế Tài chính, Xí nghiệp công ích, Tuyên Văn Xã phụ trách.

Trong thời gian tiếp quản, bộ máy Ủy ban Quân chính gồm các bộ phận: Bộ tư lệnh Khu Hà Nội, các ban và các sở, văn phòng ủy ban”[6].

Từ sáng 9/10/1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó. Đúng 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, người lính Pháp cuối cùng rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Trong ảnh: Những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. Ảnh: TTXVN

Từ sáng 9/10/1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó. Đúng 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, người lính Pháp cuối cùng rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Trong ảnh: Những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. Ảnh: TTXVN

Cũng trong ngày 9/10/1954, Chủ tịch Ủy ban Quân chính ban hành một số quyết định về tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân phụ trách văn phòng và các bộ phận trực thuộc Ủy ban Quân chính nhằm thực hiện nhiệm vụ tiếp quản[7].

Chuẩn bị chu đáo là điều kiện để tiếp quản thành công, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và năng lực tổ chức của Ủy ban Quân chính trước nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.

Bộ đội ta qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội trước sự chứng kiến của đoàn Ủy ban quốc tế thi hành Hiệp định Geneva và quan sát viên quốc tế chiều 9/10/1954. Ảnh: TTXVN

Bộ đội ta qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội trước sự chứng kiến của đoàn Ủy ban quốc tế thi hành Hiệp định Geneva và quan sát viên quốc tế chiều 9/10/1954. Ảnh: TTXVN

Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Chiều 9/10/1954, một đơn vị bộ đội ta hùng dũng tiến qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội, cùng lúc quân Pháp rút khỏi Hà Nội qua cây cầu này phía chiều bên kia. Ảnh: TTXVN

Chiều 9/10/1954, một đơn vị bộ đội ta hùng dũng tiến qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội, cùng lúc quân Pháp rút khỏi Hà Nội qua cây cầu này phía chiều bên kia. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh TTXVN

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh TTXVN

2. Tiếp thu, quản lý và điều hành mọi hoạt động của thành phố, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân

Ngày 10/10/1954, đại quân Việt Nam, đi đầu là Trung đoàn Thủ Đô với lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tiến vào Thành phố. Lời thề năm xưa của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, khi chấp hành lệnh rút khỏi Hà Nội trở về hậu phương để chuẩn bị kháng chiến lâu dài: “Ta thề Thủ Đô chiến thắng quân thù”, đã trở thành sự thật. Mọi đường phố Hà Nội tràn ngập cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng. Người khẳng định: "Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung"[8].

Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngay khi vào Thành phố, Ủy ban Quân chính tổ chức tiếp thu hầu hết cơ quan chính quyền của Pháp và Bảo Đại, lưu dụng gần 70% công nhân viên chức; thành lập chính quyền ở các khu phố trên cơ sở giải tán bộ máy chính quyền đối phương; thành lập các tổ công tác để chỉ đạo mọi việc ở các khu phố. Mọi tài sản của các cơ quan đều được bảo quản nguyên vẹn.

Ủy ban Quân chính đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ cấp thiết: đấu tranh chống đối phương di chuyển máy móc, hồ sơ tài liệu lưu trữ, phá hoại di tích lịch sử, văn hóa; chống cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; tổ chức đón tiếp bộ đội, cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra miền bắc...

Để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển công thương nghiệp, bảo đảm lưu thông hàng hóa, ngay trong ngày đầu tiếp quản, Ủy ban Quân chính công bố quy định chế độ thuế tạm thời, bỏ các thuế đảm phụ quốc phòng đánh vào đầu người, thuế an ninh, thuế hàng rong, thuế thẻ căn cước Hoa kiều. Những thứ thuế khác thì tạm thời thu theo chế độ cũ. Sở Thuế thu thuế hàng sản xuất trong nước, Sở Thuế xuất nhập khẩu thu thuế hàng nước ngoài. Những thứ thuế trước kia thu bằng tiền Đông Dương, nay thu bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Thuế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thu của nhân dân để phục vụ nhân dân, hoàn toàn không giống thuế của chính quyền cũ[9]. Để ổn định tiền tệ, ngày 11/10/1954, Ủy ban Quân chính ra quyết định về tỷ giá hối đoái giữa tiền Đông Dương, tiền liên bang và tiền Việt Nam[10]. Những hành vi buôn bán tiền chợ đen, lũng đoạn thị trường đều bị nghiêm trị. Việc làm cho người lao động cũng được Ủy ban Quân chính quan tâm giải quyết từng bước, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn.

Các đơn vị bộ binh của Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Gai vào Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị bộ binh của Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Gai vào Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Để ghi nhận và khích lệ những người có công trong việc tiếp thu thành phố, ngày 29/10/1954, Phó Chủ tịch Trần Danh Tuyên gửi Thông tri số 281/VPQC đề nghị các ông phụ trách tiếp quản các ngành “điều tra kỹ càng và làm danh sách nhân viên, công nhân và nhân dân” đã có thành tích bảo vệ, cất dấu máy móc, dụng cụ, sơ, tài liệu, gửi lên Ủy ban Quân chính để xét và đề nghị khen thưởng. Ủy ban Quân chính còn đề nghị Chính phủ khen thưởng những người có công trong việc bảo vệ cán bộ trong thời kỳ kháng chiến[11].

Ngay trong những ngày đầu tiếp quản, Ủy ban Quân chính đã ra sức khắc phục khó khăn, khẩn trương giải quyết mọi mặt đời sống xã hội, quan tâm cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện đảm bảo hoạt động bình thường của thành phố, thể hiện tính ưu việt của một chính quyền cách mạng.

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Các nữ chiến sĩ quân y vẫy chào nhân dân trong ngày về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Các nữ chiến sĩ quân y vẫy chào nhân dân trong ngày về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào khu vực Cửa Nam, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào khu vực Cửa Nam, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), sáng 10/10/1954 trong tiếng reo vui của hàng vạn người dân Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), sáng 10/10/1954 trong tiếng reo vui của hàng vạn người dân Thủ đô. Ảnh: TTXVN

3. Thiết lập và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và một số hoạt động đối ngoại

Bảo đảm an ninh, trật tự là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong thời gian đầu tiếp quản Thủ đô. Theo Báo tổng hợp của Sở Công an, Ban Quân báo, ở Hà Nội lúc đó có 4 tổ chức đảng phái chính trị phản động: Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt quốc dân Đảng, Phục quốc Đảng, một đảng mới xuất hiện chưa có tên (lấy tờ “Việt chiến” làm cơ quan ngôn luận) và một số đảng phái hoạt động lẻ tẻ, yếu ớt, với nhiều mưu đồ chống phá cách mạng[12].

Ngày 19/10/1954, Ủy ban Quân chính ra Thông cáo về bảo đảm trị an, Bản thông cáo nêu rõ: 1- Đề phòng hành động xâm phạm phá hoại tài sản, tính mệnh của nhân dân như: ám hại, cướp của, phá hoại...; 2- Những hành động phá hoại tài sản chung của thành phố đều bị nghiêm trị; 3- Thực hiện chế độ thưởng phạt đối với những ai khai báo hoặc cất giữ những thông tin về kho tàng bí mật, vũ khí đạn dược, tài liệu của quân đội Pháp và Bảo Đại trong thành phố[13].

Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Thông cáo của Ủy ban quân chính về việc quân đội Pháp, Bảo Đại phải tuân theo kỷ luật, trị an thành phố quy định: 1- Những sĩ quan binh lính trong quân đội Pháp và Bảo Đại còn lại trong thành phố phải đến khai báo và nộp vũ khí (nếu có) cho Ủy ban Quân chính Thành phố. Những ai thành thực sẽ được giúp đỡ, cho về quê làm ăn hoặc công tác với Chính phủ, bằng không sẽ bị nghiêm trị; 2- Trong nhân dân, ai thấy những kẻ côn đồ, gián điệp có âm mưu phá hoại, cướp của giết người phải báo ngay cho Ủy ban Quân chính, Sở Công an, các quận, các đồn công an gần nhất; 3- Trong nhân dân, ai biết nơi chôn giấu vũ khí, điện đài, hồ sơ tài liệu của quân đội Pháp và Bảo Đại phải nhanh chóng khai báo, đem nộp cho Ủy ban Quân chính; 4- Nếu ai có vũ khí riêng phải đến trình báo với cơ quan công an gần nhất; 5- Không cá nhân, đoàn thể nào có quyền dùng và giữ đài phát tin ngoại trừ Ủy ban Quân chính; 6- Nghiêm cấm mọi hành vi phá hoại, trộm cắp tài sản công cộng của Thành phố như: công xưởng, kho tàng, trường học, bệnh viện...[14]

Nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng được Ủy ban Quân chính hết sức quan tâm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo thực hiện một cách chi tiết[15]. Ngày 21/10/1954 Chủ tịch Ủy ban Quân chính ra Chỉ thị số 219 VF/QC, nhắc nhở tăng cường cảnh giác, xem xét chu đáo giấy tờ trước khi cho người vào vị trí của cơ quan, đơn vị[16].

Gương mặt rạng rỡ của các chiến sĩ Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Gương mặt rạng rỡ của các chiến sĩ Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Dưới sự quản lý, điều hành của Ủy ban Quân chính, trật tự trị an trong Thành phố nhanh chóng ổn định, bảo vệ được tài sản của nhân dân và tài sản công cộng; tổ chức chu đáo việc ghi tên của cảnh binh, sĩ quan, binh lính trong quân đội Pháp và Bảo Đại; duy trì mọi sinh hoạt bình thường của Thành phố, đặc biệt là không để gián đoạn hoạt động của những xí nghiệp lợi ích công cộng (điện, nước, bưu điện, thu gom rác thải, hỏa xa, xe điện...); bảo đảm cung cấp những nhu yếu phẩm (gạo, củi, thực phẩm...). Tuy nhiên, hoạt động của một số công xưởng chưa phục hồi, nhiều công xưởng lớn thiếu nguyên liệu, các công thương gia chưa kinh doanh hay kinh doanh cầm chừng vì tiền tệ chưa ổn định, thiếu nguồn hàng.

Cùng với những hoạt động đối nội, Ủy ban Quân chính còn tiến hành một số hoạt động đối ngoại: Chủ tịch Ủy ban Quân chính gặp Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Maurice Durant (3/11/1954), thực hiện chủ trương duy trì quan hệ kinh tế và văn hóa với Pháp sau chiến tranh. Cùng dự cuộc gặp có ông Nguyễn Cơ Thạch. Giám đốc M. Durant nói về tình hình hoạt động của trường Viễn Đông Bác Cổ, các vấn đề ký kết văn hóa, kinh tế và thái độ của Pháp kiều về kinh tế. Ông nói nhiều về việc Mỹ ngăn cản điều đình ký kết. Theo ông, nếu Truman lên cầm quyền thì Mỹ có thể thay đổi chính sách. Ông nói về thái độ của Pháp kiều và đề nghị được treo cờ Pháp và Việt Nam nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội; xin miễn hoặc giảm thuế cho nhà trường; xin được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh; mời Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Giáo dục xem triển lãm nghệ thuật Trung Quốc và Việt Nam[17]. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quân chính tiếp Lãnh sự Anh H. Baker tại Hà Nội đến chào xã giao[18].

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Chiều ngày 4/11/1954, Chủ tịch Ủy ban Quân chính tiếp Đại sứ Canada. Đại sứ nhận xét việc tiếp quản Hà Nội rất trật tự, gọn gàng; hỏi các việc tiếp tế xăng dầu và than của Việt Nam, khả năng đổi tiền Việt Nam lấy tiền Đông Dương; tình hình người ở nam ra bắc và từ bắc vào nam; việc thu dụng những cựu sĩ quan và binh sĩ Pháp và Bảo Đại và viên chức ở Hải Phòng lên[19].

Ngày 4/11/1954, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội. Ủy ban Quân chính vẫn được duy trì song song với Ủy ban Hành chính và cùng làm việc trong một trụ sở, nhưng có sự phân công nhiệm vụ giữa hai ủy ban. Ủy ban Quân chính có nhiệm vụ tổ chức bảo vệ thành phố; trấn áp các lực lượng phản cách mạng, chống lại chính quyền nhân dân, phá hoại kinh tế, phá hoại hiệp định đình chiến có tính chất quan trọng như có tổ chức quy mô, có vũ trang; xử lý những việc về chính trị, kinh tế quan trọng đối với ngoại kiều[20].

Chủ tịch Ủy ban Quân chính - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc diễn văn tại Nhà Hát lớn Hà Nội, tháng 10/1954. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Quân chính - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc diễn văn tại Nhà Hát lớn Hà Nội, tháng 10/1954. Ảnh: TTXVN

Giữ vững trật tự trị an là một thành công lớn của chính quyền và nhân dân Thủ đô sau ngày giải phóng, gắn liền với vai trò tổ chức, điều hành của Ủy ban Quân chính, tạo điều kiện thuận lợi để tái thiết thành phố sau chiến tranh, đẩy mạnh khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố nhận hoa chúc mừng từ các nữ sinh trường Trưng Vương bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố nhận hoa chúc mừng từ các nữ sinh trường Trưng Vương bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

4. Xây dựng bộ máy chính quyền địa phương vững mạnh là nhân tố cực kỳ quan trọng để hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô

Thực tiễn lịch sử hoạt động của Ủy ban Quân chính Hà Nội, một hình thức chính quyền nhà nước mang tính chất quá độ trong thời gian đầu giải phóng Thủ đô[21] để lại kinh nghiệm về tổ chức và điều hành của bộ máy chính quyền địa phương có biên chế phù hợp, hiệu quả.

Khác với các tỉnh ở miền Bắc, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đều có ủy ban kháng chiến-hành chính các cấp (từ khu xuống đến tỉnh, huyện, xã), thành phố Hà Nội không có bộ máy này, nên khi giải phóng Thủ đô phải thành lập một cơ cấu chính quyền quá độ, tức Ủy ban quân chính, rồi chuyển dần sang xây dựng hệ thống ủy ban hành chính. Ủy ban Quân chính Hà Nội, mang tính chất quân sự là một cơ chế chính quyền đặc thù của Thủ đô nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời gian đầu tiếp quản. Đó là một sáng tạo của Đảng và Chính phủ về tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước địa phương trong điều kiện từ chiến tranh, chuyển sang hòa bình.

Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. (Clip: Biên niên sử truyền hình Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh)

Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. (Clip: Biên niên sử truyền hình Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh)

Ủy ban Quân chính Hà Nội với một Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch, 4 ủy viên, cùng bộ phận văn phòng, nhưng đầy tinh thần trách nhiệm, đã nỗ lực tổ chức thực thi những nhiệm vụ cụ thể do yêu cầu của công việc. Mỗi việc chuyên môn có một sở phụ trách, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, nhưng vẫn hoàn thành một khối lượng công việc lớn, từ điều hành tiếp nhận sự bàn giao các cơ sở kinh tế, văn hóa của chính quyền Pháp và Bảo Đại, đến duy trì và ổn định mọi hoạt động trong thành phố; từ xác định những chủ trương, biện pháp cụ thể, đến tổ chức thực thi, kiểm tra, đôn đốc. Với tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện triệt để, đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Mặc dù mới tiếp quản một thành phố sau chiến tranh với bộn bề công việc, nhưng chỉ trong khoảng 20 ngày tiếp quản Thủ đô, Ủy ban Quân chính đã nhanh chóng ổn định mọi mặt hoạt động của thành phố; quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống; thực hiện đầy đủ cả hai chức năng: dân chủ với quần chúng và chuyên chính với kẻ thù.

Điều rất đáng chú ý là công tác khen thưởng của Ủy ban trong những ngày tiếp quản không nhằm vào cán bộ phụ trách, mà hết sức chú trọng đến các nhân viên và mọi tầng lớp nhân dân. Tất cả công việc đều vì dân; động viên, kính trọng, giúp đỡ, bảo vệ nhân dân, kể cả những người đã từng làm việc dưới chính quyền của đối phương, tạo ra sự hòa hợp xã hội; đó là cơ sở sức mạnh của chính quyền nhân dân.

Thực tế trên đây khẳng định rằng, một chính quyền vững mạnh không phải ở số lượng đông, mà là ở chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có tâm và có tầm, được phân công nhiệm vụ rõ ràng, có tinh thần trách nhiệm trước công việc được Chính phủ và nhân dân ủy thác.

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Ủy ban Quân chính Hà Nội là một bộ máy chính quyền của hành động, tất cả vì lợi ích của nhân dân, đưa Thủ đô bước vào thời kỳ phát triển mới. Bằng tinh thần trách nhiệm với Thủ đô và đất nước, Ủy ban Quân chính đã thực hiện đúng lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần"[22].

Ngày xuất bản: 23/9/2024
Nguồn: Hội thảo 60 năm giải phóng Thủ đô
Trình bày: NGÔ HƯƠNG