VÀ ĐÓ LÀ HẠNH PHÚC!

Nguyễn Sĩ Đại

Hạnh phúc phải chăng là được cống hiến và ghi nhận; là luôn ở trạng huống sẵn sàng chia sẻ vì người khác, và có thể hy sinh vì những điều thiêng liêng! Ảnh: Đăng Khoa.

Hạnh phúc phải chăng là được cống hiến và ghi nhận; là luôn ở trạng huống sẵn sàng chia sẻ vì người khác, và có thể hy sinh vì những điều thiêng liêng! Ảnh: Đăng Khoa.

Hạnh phúc là mục tiêu của văn hóa hay chỉ có văn hóa mới đem lại hạnh phúc thật sự cho con người. Đó là một chân lý.

Văn hóa là khái niệm khá trừu tượng. Hạnh phúc còn là thứ trừu tượng hơn.

Hạnh phúc không phải là một trạng thái cảm xúc về sự thỏa mãn nhất thời, không chỉ là ở cấp độ hài lòng. Hạnh phúc phải chăng là có điều kiện vật chất được bảo đảm một cách tương đối; có môi trường tự nhiên và xã hội trong lành; là sự ham sống, sống một cách hưng phấn đối với hiện tại và có niềm tin, tình yêu thương đối với con người; có niềm tin về một tương lai tốt đẹp; là được cống hiến và ghi nhận; là luôn ở trạng huống sẵn sàng chia sẻ vì người khác, và có thể hy sinh vì những điều thiêng liêng.

Từ thực tế và trong cái nhìn hướng vọng tới những mục tiêu cao hơn, chúng ta chưa thật sự thấy hạnh phúc trọn vẹn khi đất nước còn mang nhiều nỗi đau.

Những đảng viên trẻ vừa được kết nạp sau những ngày cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Cường

Những đảng viên trẻ vừa được kết nạp sau những ngày cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Cường

Đó là nỗi đau chiến tranh chưa nguôi.

Đó là nỗi đau thiên nhiên bị tàn phá nặng nề. Đại ngàn Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc...; những cánh đồng ba miền thẳng cánh cò bay, những dòng sông trong mát đã bị thu hẹp, hủy hoại gần đến kiệt cùng. Đến cả không khí trong lành cũng hiếm. Ô nhiễm đang làm cho bệnh tật ngày càng nhiều, bệnh nào cũng mạnh, cũng “trẻ hóa”...

Đó là nỗi đau con người bị tha hóa. Từ người nông dân chất phác ngàn đời trồng rau cũng “luống ăn, luống bán”, luống sạch để ăn, luống độc để bán.

Ở một đất nước có truyền thống hiếu nghĩa, đặt hiếu kính cha mẹ lên vị trí hàng đầu trong thang giá trị đạo đức; ở đất nước tôn sư trọng đạo coi thầy như cha nhưng chuyện con bất hiếu với cha mẹ, trò đánh thầy vẫn có lúc xảy ra. Thầy cũng không như trước...

Bạo lực phát tác, tín nghĩa suy giảm, đến nỗi người sợ người, không dám tin vào con người!

Nhiều nơi, tôn giáo không phải để an ủi con người mà để làm “dịch vụ”, để chiếm đất và thu hút nguồn tiền.

Nỗi đau từ sự thiếu năng lực, tha hóa phẩm chất của không ít cán bộ lãnh đạo là một nỗi đau lớn. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm cật lực mà không hết việc. Dân gian nói: “Sờ vào đâu cũng có thể bắt được”.

Tôi cho rằng, chúng ta đã sai khi buông lỏng, xem nhẹ văn hóa; đã để di hại ít nhất trong vài, ba thế hệ.

Thời buổi kinh tế thị trường đã khiến nhiều người lầm tưởng đồng tiền là thống soái, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.

Câu chuyện một cán bộ cấp cao, có rất nhiều tiền, vào tù mới thấy mình đã quá sai, mới xin lỗi Đảng và nhân dân; mới mơ ước được làm người bình thường đã chứng minh hùng hồn và cảnh tỉnh rằng, đồng tiền đã không mua được hạnh phúc, không mạnh hơn công lý, không xóa được lương tri con người. Từ thời cổ đại, Heraclit đã nói một cách hình ảnh: "Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc”.

Biểu diễn Quan họ Bắc Ninh tại Hội Lim. Ảnh: Đăng Khoa

Biểu diễn Quan họ Bắc Ninh tại Hội Lim. Ảnh: Đăng Khoa

Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học không chỉ là chiến lược của Đảng, Nhà nước, mà còn là nguyện vọng tha thiết của các nhà văn hóa, của toàn thể nhân dân ta. Khi ý Đảng, lòng dân hòa quyện; khi ước vọng đã biến thành quyết tâm chính trị, không việc gì không thành công.

Trên đất nước ta hiện nay có rất nhiều viện, nhưng chưa hề có viện nghiên cứu về hạnh phúc con người. Nếu có một viện như vậy, và viện này đưa ra được những khảo sát, những kết luận khoa học có giá trị, chắc hẳn sẽ là một kênh thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, cho mỗi người. Dù vậy, qua thực tiễn, ta có thể thấy rõ những nhiệm vụ cấp thiết của công tác văn hóa.

Trình diễn trống hội trong Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu. Ảnh: Đăng Khoa

Trình diễn trống hội trong Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu. Ảnh: Đăng Khoa

Trước hết là coi trọng đội ngũ trí thức, coi trọng hơn nữa đội ngũ trí thức chân thành, trung kiên, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; động viên họ sáng tạo nên những tác phẩm, những sản phẩm tinh thần bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu thương con người, có khát vọng vươn tới những điều cao cả, có khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, trong giai đoạn này cần đề cao lối sống lành mạnh, vị tha; có dũng khí và hành động anh hùng để đương đầu và chiến thắng cái xấu, cái ác từ ngay trong bản thân và ngoài xã hội.

Hội nghị văn hóa lần này, do đó, mở ra hy vọng, mở ra những cơ hội lớn để các nhà văn hóa được có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho hạnh phúc con người. Vì chỉ văn hóa mới làm cho con người biết kiềm chế tham vọng, kiềm chế cái xấu; hướng về cái tốt đẹp, biết cảm nhận và hưởng thụ hạnh phúc dù có khó khăn, vì cuộc sống không bao giờ hết khó khăn… Chỉ có văn hóa mới làm cho con người biết yêu cuộc sống và sống có ý nghĩa, trở thành CON NGƯỜI viết hoa như M. Gorki nói. Và đó là hạnh phúc...

Ngày xuất bản: 22/11/2021
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, LƯU HƯƠNG GIANG, KHÚC HỒNG THIỆN, MINH PHÚ, TRUNG HIẾU
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG