Vài nét về lịch sử hình thành các dân tộc nước ta
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Theo Tổng cục Thống kê, năm 1979, nước ta có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm số đông, vào khoảng 85,4% dân số Việt Nam. 53 dân tộc còn lại được gọi là thiểu số, chiếm khoảng 14,6% dân số cả nước (14.119.256 người)[1]. Cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của cả dân tộc. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, lịch sử hình thành, phát triển các dân tộc gắn với lịch sử hình thành, phát triển đất nước Việt Nam. Nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển các dân tộc không thể tách rời lịch sử hình thành, phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó bao gồm cả dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số.
Các kết quả nghiên cứu khoa học liên ngành cho thấy từ thời sơ sử, Việt Nam là nơi tụ cư của nhiều thành phần cư dân, thuộc các bộ lạc khác nhau. Các cư dân đó là chủ nhân của văn minh nông nghiệp (kinh tế sản xuất, trồng trọt chăn nuôi, đánh cá, làm thủ công…), thoát dần cuộc sống săn bắt, hái lượm (kinh tế chiếm đoạt…) tiến tới cuộc sống định cư. Kết quả khảo cổ học cho thấy, ở các khu vực khác nhau trên đất nước ta xuất hiện các nền văn hóa tiền sử, phản ánh tính đa dạng, thống nhất của các nhóm cư dân buổi đầu của lịch sử dân tộc. Trên cơ sở đấu tranh, thích ứng với tự nhiên và chống kẻ thù xâm lược từ bên ngoài để sinh tồn, những cư dân khác nhau về nguồn gốc, tiếng nói, tập quán và văn hóa -tiền thân của nhiều thành phần dân tộc hiện nay (trong đó có dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số) đã ý thức quần tụ nhau lại, cố kết trong một cộng đồng dân tộc quốc gia.
Từ xa xưa, các dòng người từ nhiều hướng: từ phía bắc xuống, từ phía nam lên, từ phía tây sang (và có thể từ phía đông qua đường biển) đã di cư đến, quần tụ và định cư thành tổ tiên của nhiều dân tộc hiện nay. Trong số 54 dân tộc, có những dân tộc vốn sinh ra và phát triển trên mảnh đất Việt Nam ngay từ thuở ban đầu, có những dân tộc từ nơi khác đến. Những đợt di cư nói trên kéo dài mãi cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thậm chí có bộ phận dân cư còn chuyển đến nước ta sau năm 1945. Ðây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự phân bố dân cư vừa mang tính phân tán, vừa mang tính xen kẽ rất đặc trưng và đa dạng ở Việt Nam[1].
Do những hạn chế về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển các dân tộc Việt Nam thời xa xưa (trong đó có các dân tộc thiểu số) không được ghi chép lại trên hệ thống văn bản mà chủ yếu là qua các truyền thuyết. Căn cứ trên các tư liệu văn học dân gian, đồng thời dựa trên các cứ liệu khảo cổ học về sau này, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, từ thời thượng cổ, Việt Nam đã là nơi tụ cư của nhiều thành phần cư dân thuộc các bộ lạc, bộ tộc khác nhau.