VAI TRÒ VÀ ĐÓNG GÓP CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Cùng sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng. Đội ngũ trí thức có những đóng góp quan trọng góp phần phát triển đất nước, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài.
Vị trí, vai trò và đóng góp của trí thức trong lịch sử cách mạng Việt Nam
Trong truyền thống văn hóa và ý thức xã hội, trí thức thường được đặt ở vị trí hàng đầu (“nhất sĩ, nhì nông”).
Năm 1484, Thân Nhân Trung viết trên bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các minh quân không đời nào không coi trọng việc giáo dục nhân tài, tuyển chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia”.
Lê Quý Đôn cũng đã nhấn mạnh: “Phi trí tắc vong” - không có trí thức, chắc chắn sẽ mất nước.
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, trước sự đô hộ hà khắc của thực dân Pháp, đội ngũ trí thức Việt Nam có sự phân hóa thành hai bộ phận: Một bộ phận đi theo xu hướng của cách mạng vô sản và một bộ phận đi theo lập trường của giai cấp tư sản. Bộ phận thanh niên trí thức được vô sản hóa đã đi theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, học tập, lĩnh hội và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Nhận thức được vai trò to lớn của tầng lớp trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế"[1]; Cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức" [2].
Người đã chỉ ra một vấn đề mang tính cốt yếu, xuyên suốt về vai trò của trí thức trong việc xây dựng lực lượng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đó là: “Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần. Bởi vì xã hội tương lai là một xã hội không có phân biệt giữa trí óc và chân tay"[3].
Trong những năm 1930-1931, dưới sự kêu gọi của Đảng, trí thức đã đứng về phía cách mạng, hăng hái tham gia các cao trào đấu tranh chống thực dân xâm lược, là một bộ phận trong lực lượng quần chúng cách mạng.
Bước sang những năm 1936-1939, đông đảo trí thức tham gia phong trào quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh và trở thành một bộ phận trong Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Qua thực tiễn phong trào cách mạng những năm đầu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được phổ biến rộng rãi và ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của tầng lớp trí thức Việt Nam.
Trong quá trình vận động tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, dưới ngọn cờ dẫn đường của Đảng và Mặt trận Việt Minh, trí thức tham gia đấu tranh trên khắp các mặt trận, nhất là mặt trận văn hóa.
Năm 1943, Đảng đưa ra Đề cương về văn hóa Việt Nam, nêu rõ đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Đề cương đã trở thành “kim chỉ nam” định hướng cho trí thức trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Với sự tuyên truyền và tổ chức của Đảng, dưới sự tập hợp của Hội Văn hóa cứu quốc (thành lập năm 1943) và theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đông đảo thanh niên, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ đã bước vào hàng ngũ cách mạng, tham gia các phong trào do Việt Minh tổ chức, góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi giành được độc lập dân tộc, việc xây dựng đội ngũ trí thức cách mạng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm.
Trí thức Việt Nam chủ yếu là những người thuộc tầng lớp trí thức phong kiến, trí thức tân học, được đào tạo dưới chế độ cũ, đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp và giáo dục thành đội ngũ trí thức kháng chiến. Dù đội ngũ trí thức lúc bấy giờ còn nhỏ bé, nhưng đã góp phần to lớn trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc” [4].
Trí thức là đội ngũ quan trọng tạo thành lực lượng chính trị rộng lớn, là nòng cốt trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng.
Đại hội II của Đảng (tháng 2/1951) khẳng định, Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của công nhân, nông dân và lao động trí óc; cùng với công-nông, trí thức là một bộ phận hợp thành động lực của cách mạng, là nền tảng của chính thể dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Hưởng ứng sự vận động của Đảng, nhiều nhân sĩ, trí thức từng tham gia chính quyền cũ, trí thức ở nước ngoài trở về nước đã lên chiến khu, chấp nhận hy sinh, gian khổ, tận tâm cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến” [5]. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trí thức góp phần đưa văn hóa trở thành một mặt trận đấu tranh. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân, chiến sĩ trên các mặt trận, đóng góp trí tuệ và sức lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức (năm 1957) nêu rõ quan điểm: “Trí thức là một vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được” [6].
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh giải phóng miền nam, trí thức miền bắc hòa mình cùng các giai tầng xã hội khác thực hiện đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa; từng bước cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.
Ở miền nam, đại đa số trí thức vẫn giữ vững tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, tham gia các đoàn thể dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam đấu tranh chống chính sách cai trị phản động của đế quốc Mỹ và tay sai, bảo vệ lợi ích của quốc gia-dân tộc, bảo vệ hòa bình, công lý [7]...
TRÍ THỨC là đội ngũ quan trọng tạo thành lực lượng chính trị rộng lớn, là NÒNG CỐT trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng.
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, đội ngũ trí thức và các hội trí thức Việt Nam không ngừng phát triển về tổ chức, đoàn kết, tập hợp rộng rãi trí thức tham gia.
Hòa cùng các phong trào thi đua yêu nước của công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lực lượng công nhân thời đại 4.0 được trang bị kiến thức để bắt kịp xu thế lao động phát triển của thời đại. (Trong ảnh: Công nhân nhà máy đóng tàu Hồng Hà lắp đặt thiết bị thông tin trên tàu thủy.) - Ảnh: Đăng Khoa
Công nhân làm việc trong xưởng cơ khí. Ảnh: Đăng Khoa
Những người công nhân và kỹ sư trên công trường xây dựng công trình giao thông kết nối vùng Bắc Trung bộ. Ảnh: Đăng Khoa
Vị trí, vai trò và đóng góp của trí thức trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh đất nước thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng với nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức càng thể hiện mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.
Trên lĩnh vực chính trị: Đội ngũ trí thức nước ta là lực lượng tiên phong trong việc nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn để cung cấp những luận cứ khoa học khách quan, đề xuất hệ thống lý luận khoa học sát thực, tham mưu định hướng chiến lược cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định con đường phát triển đất nước ở tầm vĩ mô cũng như ở từng lĩnh vực cụ thể; đồng thời, trực tiếp tham gia phản biện, đóng góp ý kiến về từng chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển đất nước.
Những ý kiến tham vấn, phản biện, đóng góp của đội ngũ trí thức luôn có giá trị rất lớn, sức thuyết phục cao, thiết thực, khả thi, tin cậy. Đội ngũ trí thức còn tích cực tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và quản trị của Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức nước ta hiện nay là thành trì vững chắc, là lực lượng chủ yếu, là chiến sĩ tiên phong trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trên lĩnh vực kinh tế: Đội ngũ trí thức là bộ phận cơ bản của nguồn nhân lực chất lượng cao, là lực lượng sản xuất trực tiếp quyết định khả năng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng và phát triển kinh tế, là nhân tố nòng cốt quyết định trình độ, tốc độ phát triển và nội lực của nền kinh tế đất nước hiện nay.
Đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, chuyển giao công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của các ngành kinh tế, giúp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên lĩnh vực văn hóa: Đội ngũ trí thức là lực lượng có vai trò chủ đạo trong việc sáng tạo ra các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, góp phần làm cho nền văn hóa nước nhà ngày càng hiện đại, phong phú và tiến bộ, cũng như quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và tiếp thu, truyền bá những tinh hoa văn hóa nhân loại vào Việt Nam.
Họ cũng là lực lượng xã hội thực hiện việc thẩm định, nhận diện, định hướng, tiếp nhận những giá trị văn hóa mới tích cực, tiến bộ, phù hợp và gạt bỏ những yếu tố phản văn hóa, “lai căng”, ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức, lối sống của con người Việt Nam và sự phát triển của đất nước.
Thông qua hoạt động lao động trí óc, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay từng bước đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa, để văn hóa không chỉ phát huy giá trị tinh thần, mà còn trở thành một nguồn lực trong phát triển kinh tế của đất nước.
Trong lĩnh vực xã hội: Trí thức là lực lượng cơ bản trong thực hiện giáo dục-đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, không chỉ là giáo dục trình độ chuyên môn, kiến thức, mà còn đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, không chỉ đào tạo trong nước, mà còn đào tạo ở nước ngoài. Điều này làm cho lực lượng lao động Việt Nam ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Hơn thế nữa, trí thức nước ta có vai trò to lớn trong việc nâng cao dân trí, định hướng giá trị, giải đáp nhiều vấn đề của xã hội đang đặt ra một cách khoa học, đúng đắn, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của xã hội, từ kinh tế đến tư tưởng, từ đối nội đến đối ngoại, an ninh, quốc phòng...
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 184.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 53.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 59.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 200.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 72.
[6] “Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức”, Báo Nhân Dân, ngày 29-8-1957.
[7] Xem: Nguyễn Thắng Lợi: Trí thức và công tác trí thức của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr. 31 - 43.
Tổ chức thực hiện: PHƯƠNG QUYÊN
Trình bày: PHÙNG TRANG
Ảnh: Đăng Khoa, Báo Nhân Dân, Thành Đạt,
Nam Nguyễn, Ngọc Khánh, Trần Hải