VÀI Ý KIẾN VỀ TÌNH HÌNH NÔNG THÔN Ở MỘT SỐ TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Tôi mới nắm được một số tình hình ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tôi xin có một số ý kiến đề xuất để các cơ quan có thẩm quyền tìm cách giải quyết nếu thấy là đúng. Nếu thấy những điều tôi nêu ra không đúng, xin các đồng chí lượng tình bỏ qua cho.
Cán bộ khoa học nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long vừa ít, vừa ít chịu khó đi vào các vùng sâu, vùng xa để giúp nông dân. Đây là những điều rất bức xúc tôi nắm được qua theo dõi tình hình thực tế ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long.
Nghe nói, vì nhiều lý do, một số ngày càng đông hộ nông dân thì hoặc không còn đất canh tác, hoặc còn rất ít. Ruộng đất do một ít trung nông làm ăn khá giả, bỏ tiền ra mua một cách chính đáng và đã mướn số nông dân không còn đất phải đi làm thuê. Do đó sự phân hóa giàu-nghèo, sự phân hóa giai cấp (địa chủ nhỏ và bần cố nông) đã bắt đầu hình thành trở lại ở không ít vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long: Một số nông dân khác trong những ngày nông nhàn, hoặc do thiếu đất đã mò ra tỉnh thành lao động kiếm sống.
Nguyên nhân dẫn đến tình hình trên có nhiều. Chỉ xin kể ra đây những gì tôi nắm được.
Ở những vùng độc canh cây lúa, đến thời vụ nhà nông phải bán gấp một số lúa để có tiền mua sắm các thứ cần thiết làm ăn vụ sau và mua một số hàng công nghiệp tiêu dùng. Ở nhiều nơi thương nghiệp quốc doanh do nhiều lý do hoặc không mua, hoặc mua rất ít. Tư thương đứng ra mua, ép giá, nên nông dân đành phải bán cho họ, mặc dầu nhiều khi bán lỗ. Còn một điều đáng chú ý nữa là Nhà nước thu thuế không phải bằng lúa mà bằng tiền; do đó nông dân lại phải bán lúa giá thấp cho tư thương lấy tiền đóng thuế. Có nhiều hộ nông dân, trước vụ mùa, vì cần tiền tiêu dùng, phải bán lúa non với giá rẻ mạt, nên đã nghèo lại càng nghèo thêm!
Cũng có gia đình nông dân làm ăn khá, để dành được vài trăm giạ lúa và mua sắm được một ít đồ dùng cho gia đình như tủ thờ, tivi, tủ lạnh. Nhưng trong gia đình có người đau yếu nặng phải đưa lên tỉnh hay thành phố điều trị, không những phải bán lúa dự trữ, các vật dụng gia đình và cầm cố cả ruộng đất để lo cho người thân với tinh thần "còn nước còn tát". Người bệnh không may qua đời hoặc được cứu chữa nhưng tiền bạc và đất đai không còn, phải sống trong cảnh nghèo túng.
Hiện nay, ở nông thôn không có gì giải trí, nên sanh ra nạn cờ bạc, rượu chè, chơi số đề... Ngay cả một số khá đông phụ nữ cũng nhậu rượu chẳng khác gì đàn ông!
Vấn đề y tế, giáo dục rất tồi tệ. Nạn trẻ con thất học, bỏ học, nạn người lớn mù chữ ngày càng đông! Các tệ nạn xã hội khác đang lan tràn.
Ở nhiều nơi xuất hiện các tổ vần đổi công, các đội hợp tác tự nguyện, các hợp tác xã kiểu mới, phong trào giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo... nhưng còn yếu, chưa rộng rãi. Nhiều cấp ủy tỉnh, huyện đã có những chủ trương đúng để giải quyết các vấn đề trên. Song do nhiều lý do nên cái tốt chưa đẩy lui được cái không tốt.
Nhiều nơi ngân hàng nông nghiệp đã cho nông dân vay tiền lãi suất thấp với chính sách tín chấp. Nhưng nhiều hộ nông dân vay tiền về rồi không biết cách làm ăn tốt đâm lỗ vốn không tiền trả lại ngân hàng. Nghe nói có nhiều hộ nông dân vay tiền về rồi ăn xài chớ không phải dùng làm vốn để sản xuất. Vai trò lãnh đạo, điều khiển của các hợp tác xã đối với vấn đề này phần nhiều rất yếu, bất cập.
Tôi nghe nói ở nhiều địa phương trước kia đất đai bị chua phèn mặn, nay do cải tạo tốt nên nước đã trong ngọt, rất tốt cho canh tác. Nhưng có nhiều nơi đất lại bỏ hoang, thậm chí nông dân không có kiến thức khoa học để trồng được các thứ cây ít phải chăm bón, nhưng nếu chú ý gieo trồng sẽ đem lại lợi nhuận cao. Cán bộ khoa học nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long vừa ít, vừa ít chịu khó đi vào các vùng sâu, vùng xa để giúp nông dân. Đây là những điều rất bức xúc tôi nắm được qua theo dõi tình hình thực tế ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long.
Tôi được biết trong cuộc họp của các ứng cử viên trong dịp chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa X, nhiều cử tri cũng đặt vấn đề như thế. Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành, các Bộ và các ban Trung ương đi sâu nắm thêm tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân thực trạng nói trên sớm đề ra những biện pháp để giải quyết.
Tôi cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội đắc cử khóa X này, trong các cuộc họp Quốc hội nêu ra bàn bạc và đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực phải làm ngay, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Nguồn: Sách "Nguyễn Văn Linh tuyển tập", tập II, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: TTXVN