
Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/1954) - đỉnh cao thắng lợi của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược, Trung ương Đảng và Chính phủ đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong.
Xây dựng, phát triển lực lượng chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ
*****
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta ngày càng giành được những thắng lợi quan trọng. Nhận rõ yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến cũng như khả năng, sức mạnh to lớn của tuổi trẻ Việt Nam, ngày l5/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, tập hợp những thanh niên tình nguyện được giáo dục và tổ chức chặt chẽ, thực sự là đội quân chủ lực để có thể mở hàng trăm km đường, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, đạn dược, trong bất kỳ mọi tình huống để cho bộ đội có đủ điều kiện đẩy mạnh tác chiến theo hướng mở các chiến dịch lớn, dài ngày...
Chỉ hơn hai năm, từ 225 đội viên ban đầu đến đầu năm 1953 lực lượng của đội đã lên đến hàng nghìn, có mặt từ chiến khu Việt Bắc, đến vùng tự do Liên khu 4 và miền Tây Nam Bộ, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc… Thanh niên xung phong cùng với bộ đội và dân công làm tốt công tác phá, gỡ bom mìn, cáng, tải thương binh, giữ vững mạch máu giao thông ở các chiến khu. Lực lượng Thanh niên xung phong đã đáp ứng được mong mỏi của Người: “Kháng chiến ngày càng tiến tới, công việc nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội thanh niên xung phong để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”.

Trên cơ sở thành công của những năm đầu được thành lập, bước vào năm 1953, để tăng cường lực lượng thanh niên xung phong cho kháng chiến, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Người trực tiếp tổ chức và lãnh đạo một đội thanh niên xung phong kiểu mẫu. Ngày 26/3/1953, Đại đội 261 thanh niên xung phong được thành lập, gồm những đồng chí có độ tuổi từ 18 đến 25 có sức khỏe, thành phần lý lịch tốt, tự nguyện phục vụ kháng chiến lâu dài. Đến tháng 7/1953, quân số của đội phát triển lên 850 người. Đội có nhiệm vụ bảo đảm giao thông, xây dựng kho tàng ở chiến khu Việt Bắc.
Tiếp đó, ngày 17/7/1953, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc thành lập thêm 3 phân đội thanh niên mang tên: Quang Trung, Huỳnh Thúc Kháng và Lý Thường Kiệt làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên Đường số 3 và một bộ phận phục vụ Cục Quân khí (Tổng cục Cung cấp).
Cùng thời gian này, Bộ Giao thông Công chính thành lập Đội chủ lực giao thông có nhiệm vụ chủ yếu làm đường và sửa chữa cầu phà ở các tỉnh miền bắc được biên chế thành 19 đại đội với quân số 3.131 đội viên.
Bước vào Thu-Đông 1953, quân Pháp bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường, kế hoạch tập trung quân của Nava đứng trước nguy cơ bị phá sản. Để cứu vãn tình thế, Nava tập trung lực lượng xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm để thu hút, tiêu diệt bộ đội chủ lực Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị họp, bàn mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị họp, bàn mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn
Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.
Điện Biên Phủ là lòng chảo rộng lớn nhất ở Tây Bắc, đường tới đây rất khó khăn phải qua nhiều đèo cao, vực sâu, không thuận tiện cho việc cơ động lực lượng và bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần, kỹ thuật. Đây là nơi Nava tập trung nhiều lực lượng tinh nhuệ nhất. Địch quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng ở Đông Dương. Đến đầu tháng 3/1954, Nava cho quân chiếm đóng ở Điện Biên Phủ lên tới 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới với tổng quân số 16.200 quân. Điện Biên Phủ trở thành địa điểm trung tâm của kế hoạch Nava, nó vừa đóng chốt, kiểm soát cả một vùng rừng núi Tây Bắc, vừa án ngữ, uy hiếp chiến khu Việt Bắc của ta và cả Thượng Lào.
Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiến tuyến, tất cả để chiến thắng”, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định động viên toàn dân, từ vùng tự do Liên Khu 3, 4, Liên khu Việt Bắc và Tây Bắc… dồn sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Không khí chuẩn bị cho chiến dịch rất khẩn trương, đặc biệt trong thanh niên. Các phong trào tòng quân giết giặc, phong trào tham gia lực lượng thanh niên xung phong, đi dân công hỏa tuyến xuất hiện ngày một nhiều và lan rộng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN
Riêng lực lượng thanh niên xung phong, đến cuối năm 1953 có 3 tổ chức bảo đảm giao thông cho chiến dịch Điện Biên Phủ: Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, Đội thanh niên xung phong kiểu mẫu và Đội chủ lực giao thông. Để quản lý và phát huy tốt hơn nữa vai trò của các đội thanh niên xung phong, tháng 12/1953, hai đội Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, Đội thanh niên xung phong kiểu mẫu được sáp nhập lại với tên gọi Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương dưới sự lãnh đạo của Hội đồng cung cấp. Ngoài ra, ở một số địa phương của Liên khu 3, 4 và Liên khu 5 cũng tổ chức những đội thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu, ghìm chân địch, hạn chế sự tập trung chi viện, hỗ trợ của địch cho Điện Biên Phủ.
Đến tháng 1/1954, quân số của Đoàn thanh niên xung phong phát triển lên gần 1 vạn đội viên, biên chế thành 8 đội: 34, 36, 38, 40, 42, 44, 46, 48 được chia thành 50 đại đội. Địa bàn công tác của Đoàn trải khắp từ Việt Bắc, Tây Bắc và Liên khu 4. Nhiệm vụ trọng tâm của Thanh niên xung phong là tập trung sửa chữa, mở rộng và làm mới các tuyến đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ.
Như vậy, trước khi tiếng súng của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, lực lượng thanh niên xung phong đã được xây dựng củng cố tương đối hoàn chỉnh. Với ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng phục vụ chiến đấu, lực lượng thanh niên xung đã trở thành nguồn bổ sung lực lượng cho bộ đội chủ lực, đồng thời là lực lượng phối hợp với các lực lượng đảm nhận vận chuyển, làm đường trên các hướng tiến công quan trọng dẫn vào Điện Biên Phủ.
Lực lượng thanh niên xung đã trở thành nguồn bổ sung lực lượng cho bộ đội chủ lực, đồng thời là lực lượng phối hợp với các lực lượng đảm nhận vận chuyển, làm đường trên các hướng tiến công quan trọng dẫn vào Điện Biên Phủ.

Đại đội thanh niên xung phong 20/12 miền nam lấy thân mình làm trụ cầu để đồng đội tải thương binh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Đại đội thanh niên xung phong 20/12 miền nam lấy thân mình làm trụ cầu để đồng đội tải thương binh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Phát huy vai trò của thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ
*****
Trên mặt trận bảo đảm giao thông
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để đáp ứng nhu cầu vật chất lớn phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ta phải mở nhiều tuyến đường nhằm phá thế độc đạo và chống lại việc đánh phá của địch. Theo đó, các Đội thanh niên xung phong 34 và 36 phối hợp cùng lực lượng công binh, dân công có nhiệm vụ giữ vững mạch máu giao thông trên các tuyến đường dẫn vào Điện Biên Phủ. Đội 34 được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tuyến đường dài hơn 200km từ Suối Rút (Hòa Bình) đến cây số 31 Tuần Giáo đi Điện Biên.
Bước vào chiến dịch, Đội 34 được lệnh bổ sung 1.000 đội viên cho bộ đội. Trong quá trình phục vụ chiến dịch, quân số của Đội không ngừng được tăng cường phát triển lên đến 3.000 đội viên, biên chế thành 11 đại đội. Do địa bàn hoạt động rộng, nên Đội 34 phải phân tán từng bộ phận nhỏ cách nhau hàng chục kilômét. Trong đó, hai Đại đội 293 và 294 được tăng cường cho Công trường 412 phụ trách đèo Pha Đin dài gần 30km có nhiệm vụ chống lầy, chống bom; các đại đội 292, 196, 197, 302… làm nhiệm vụ chống bom, chống lầy bảo đảm giao thông ở Công trường 411 trên Đường 41; Đại đội 300 đảm bảo giao thông ở Công trường 14 đoạn Ngã ba Cò Nòi; Đại đội 301 phân tán lực lượng cách nhau gần 100km để phục vụ cho Công trường 4 và Công trường 411 từ bờ sông Mã (giáp Lào) đến bờ sông Đà; Đại đội 299 chống bom, chống lầy, bảo đảm giao thông ở km số 31 đoạn Tuần Giáo đi Điện Biên. Ở T40 có 1 tiểu đội của Đại đội 295, 1 tiểu đội của Đại đội 192 làm nhiệm vụ đảm nhiệm bốc vác, giữ trật tự, bảo vệ, gác barie.
Càng gần mặt trận, địch càng đánh phá ác liệt, nhằm ngăn chặn đường tiếp tế của ta, Nava đã lệnh cho không quân: “...cố gắng tối đa các hỏa lực hỗ trợ sẽ hoạt động độc lập và tập trung vào việc đánh phá giao thông vận tải, đặc biệt là các ô tô vận tải và các đường giao thông của Việt Minh hướng lên Tây Bắc”. Do đó, chúng đánh vào những nơi xung yếu như đầu mối giao thông, cả trên bộ và trên sông, trọng điểm đánh phá ác liệt nhất tại một số đèo Pha Đin, Lũng Lô, Cò Nòi, bến phà Tạ Khoa, cầu Tà Vài...

Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần giáo và Điện Biên Phủ. Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn
Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần giáo và Điện Biên Phủ. Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn
Tại ngã ba Cò Nòi là điểm gặp nhau của Đường 13 (từ Việt Bắc sang) và Đường 41 (từ Liên khu III, Liên khu IV lên). Đây là đoạn đường xung yếu nhất trong tuyến đường của chiến dịch, nên suốt ngày đêm địch đã tập trung máy bay đánh phá dữ dội trọng điểm này. Mỗi ngày, trung bình quân Pháp ném xuống đây 69 tấn bom, trong đó chủ yếu là bom nổ chậm với nhiều loại kíp hẹn giờ khác nhau, gây khó khăn cho ta trong việc phá nổ. Khắc phục khó khăn, vượt qua những tổn thất hy sinh cán bộ, đội viên các Đại đội thanh niên xung phong 300, 301, 303, 305 và 403… kiên cường bám trụ ngày đêm làm đường, sửa đường, phá bom bảo đảm thông đường, thông xe ra tiền tuyến.
Đèo Pha Đin là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Đèo dài 28km (nếu tính từ chân dốc phía Thuận Châu đến chân dốc phía Tuần Giáo là 32km), có độ cao 1.600m so mực nước biển, rừng cây rậm rạp, nhiều đoạn cua gấp khúc, dốc đứng, vực sâu. Đây là tuyến đường huyết mạch để lên Điện Biên Phủ. Tại đây, lực lượng thanh niên xung phong được bố trí đến 9 đại đội. Trên đỉnh đèo là Đại đội 264, đầu dốc phía Thuận Châu là các đại đội: 292, 293, 294, 295 thuộc Đội 34, phía Tuần Giáo là các đại đội: 403, 405, 408, 409 thuộc Đội 40. Dù bị địch đánh phá ác liệt, đội hình phân tán nhưng với quyết tâm “Thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông luôn được giữ vững”, các đại đội thanh niên xung đã anh dũng vượt qua bom đạn, lao động hết mình, đảm bảo cho các lực lượng và phương tiện cơ động theo kế hoạch.
Hoàn thành nhiệm vụ tải đạn, tải thương
Ngoài nhiệm vụ trụ vững trên mặt đường, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường ra mặt trận, lực lượng thanh niên xung còn đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược và chăm sóc thương binh. Chiến dịch diễn ra rất khẩn trương, căng thẳng, công việc vận chuyển phải chạy đua với thời gian, tranh chấp với địch từng phút, từng giây.
Do đó, các đơn vị thanh niên xung phong làm nhiệm vụ vận chuyển không ngừng phấn đấu để tăng năng suất bốc vác, tăng cân, tăng chuyến, giải phóng nhanh phương tiện và mặt đường. Tiêu biểu là các đại đội 295, 297 (Đội 34) và các đại đội 408, 410 (Đội 36) làm nhiệm vụ trên Đường 41 chiến lược đã giảm thời gian bốc xếp hàng trên 1 xe ô tô từ 25 phút xuống còn 6 đến 7 phút. Các đại đội khác ở những binh trạm Tuyên Quang, Phú Thọ cũng giải phóng được 40 - 50 xe, đột xuất giải phóng tới 80 xe trong một đêm. Các đơn vị ở tuyến trước cùng các đơn vị ở tuyến sau đều thi đua làm việc với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: TTXVN
Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh nhiệm vụ tải đạn, thanh niên xung phong còn được phân công nhiệm vụ chăm sóc thương binh, vận chuyển thương binh về tuyến sau. Các đội viên làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh đều được lựa chọn từ những người khoẻ mạnh, có tinh thần dũng cảm, yêu thương đồng đội, được huấn luyện cách cáng thương, cách chăm sóc thương binh, huấn luyện chiến đấu bảo vệ thương binh, trang bị các loại cáng.
Nhiều tấm gương chăm sóc, bảo vệ thương binh rất cảm động: có đồng chí đã hy sinh để bảo vệ thương binh, có đồng chí lấy thân mình che chắn cho thương binh lúc bom đạn nổ, có đồng chí cởi áo đắp cho thương binh khỏi mưa nguồn, gió rét. Thực hiện khẩu hiệu “chuyển hết, chuyển nhanh, chuyển an toàn”, “không để thương binh đau, thương binh đói khát, thương binh bị thương lần hai”, hàng ngàn thương binh được cứu chữa, vận chuyển về tuyến sau an toàn.
Thu dọn chiến trường
Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống 16.000 quân địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.
Trong không khí vui mừng phấn khởi, các đơn vị bộ đội, dân công lần lượt hành quân về xuôi thì các đơn vị thanh niên xung phong tiếp tục nhận nhiệm vụ ở lại cùng một số đơn vị hậu cần của quân đội thu dọn chiến trường. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chỉ huy Mặt trận trong một ngày đêm phải đưa toàn bộ chiến lợi phẩm ra khỏi lòng chảo Mường Thanh để tránh thiệt hại do không quân địch đánh phá.
Với tinh thần khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn, thanh niên xung phong cùng với các đơn vị quân đội đã thu hồi, phân loại xong toàn bộ hàng ngàn tấn chiến lợi phẩm. Không quản ngại khó nhọc, trên các ngả đường vào Điện Biên Phủ, dân công, bộ đội và chủ lực là thanh niên xung phong với ô-tô, xe đạp thồ nối đuôi nhau chuyển chiến lợi phẩm ra ngoài. Suốt ngày đêm, những người bốc vác, vận chuyển không ngừng tay. Làm việc không kịp ăn cơm, họ vừa vác đạn vừa nhai bánh. Không đầy 24 giờ, phần lớn chiến lợi phẩm đã được chuyển ra hết.

Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy. Ảnh: svhttdl.dienbien.gov.vn
Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy. Ảnh: svhttdl.dienbien.gov.vn
Kế thừa và phát huy vai trò của thanh niên xung phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
*****
Chiến thắng Điện Biên Phủ, đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đã giành thắng lợi, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam. Miền bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với cả nước, thanh niên xung phong tiếp tục là lực lượng đi đầu thực hiện phong trào thi đua khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiếp bước cha anh, hàng chục vạn thanh niên đã gia nhập lực lượng thanh niên xung phong với phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” lên đường ra trận với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Dưới mưa bom, bão đạn, lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam cùng với các lực lượng đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc về tinh thần anh dũng kiên cường bám trụ chiến đấu trên các mặt trận bảo đảm giao thông, phục vụ chiến đấu. Đó là các địa danh nổi tiếng như: Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hàm Rồng, Đường 20 Quyết thắng… khắc ghi những chiến công hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của dân tộc.

Khi đất nước được hòa bình, thống nhất, Thanh niên xung phong tiếp tục lại có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lao động quên mình để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Tri ân những chiến công và gương hy sinh của lực lượng Thanh niên xung phong đã không tiếc tuổi xuân hiến dâng cho độc lập tự do của Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa VII) đã tặng bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên xung phong - Chiến đấu dũng cảm - Lao động sáng tạo - Lập công xuất sắc”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, đại bộ phận thanh niên trong đó có lực lượng thanh niên xung phong luôn có khát vọng, ý chí vươn lên, có tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, vì cộng đồng và lợi ích quốc gia luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, xung kích hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao.
Thực hiện đường lối đổi mới, cùng với tuổi trẻ cả nước, lực lượng thanh niên xung phong thực hiện phong trào thi đua phong trào “Thanh niên tình nguyện”, luôn xung kích, đi đầu trong lập nghiệp và giữ nước với những công trình có hiệu quả. Đối với Đoàn viên, thanh niên khối nông thôn và đô thị đẩy mạnh thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ xung kích xây dựng văn minh đô thị”, đi đầu trong phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi; xung kích tham gia hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đoàn viên, thanh niên công nhân, viên chức và khối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xung kích trong việc cải cách hành chính; thực hiện phong trào “Ba trách nhiệm”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.
Là một bộ phận của thanh niên Việt Nam nên tuổi trẻ trong lực lượng vũ trang có các phong trào: “Thanh niên quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”,… đã thu hút 100% thanh niên hăng hái học tập, sáng tạo trong làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu,... xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Bên cạnh đó, hằng năm, thanh niên tình nguyện đăng ký khám tuyển, lên đường nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu, phát huy vai trò của tuổi trẻ tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Nhờ sử dụng công cụ cải tiến, thường xuyên tổ chức dây chuyền sản xuất, Tổ 9, Đội 609, Chi đội 6 thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước Nghệ An luôn đạt năng suất cao, vượt mức sản xuất bình thường từ 5 đến 20%. (Ảnh: TTXVN)
Nhờ sử dụng công cụ cải tiến, thường xuyên tổ chức dây chuyền sản xuất, Tổ 9, Đội 609, Chi đội 6 thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước Nghệ An luôn đạt năng suất cao, vượt mức sản xuất bình thường từ 5 đến 20%. (Ảnh: TTXVN)
Hình ảnh lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, không ngại khó khăn, gian khổ, xung kích, sáng tạo, tình nguyện tỏa về các địa bàn khó khăn đã chứng minh vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng. Đó thực sự là trường học thực tiễn sinh động để tuổi trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành và mang lại kiến thức, vốn sống, kỹ năng thực hành xã hội phong phú cho đoàn viên, thanh niên. Qua thực tiễn hoạt động, lực lượng nòng cốt chính trị của phong trào thanh niên được tăng cường; mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên phát triển rộng rãi, khẳng định vị trí vai trò của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ “Đâu cần thanh niên có; Việc gì khó có thanh niên” lực lượng thanh niên tiếp tục xung phong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, Đề án xây dựng làng Thanh niên lập nghiệp đã xây dựng được nhiều làng Thanh niên xung phong tại các khu vực biên giới và xã đặc biệt khó khăn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa các “điểm trắng” về dân cư nơi biên giới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương, tạo tuyến phòng thủ vững chắc nơi biên giới của Tổ quốc, khẳng định hướng đi đúng đắn của mô hình phát triển kinh tế-xã hội do Đoàn thanh niên đảm nhận.
Đề án xây dựng cầu nông thôn do Đoàn phát động đã xóa được hàng nghìn cầu tạm ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc… góp phần rút ngắn đoạn đường đến trường, đảm bảo an toàn cho hàng chục ngàn lượt học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn. Đề án xây dựng Đảo thanh niên tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Cồn Cỏ (Quảng Trị). Mặc dù trong điều kiện rất khó khăn, Thanh niên xung phong phối hợp các lực lượng đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, cảnh quan đẹp, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống của quân và dân không ngừng được nâng cao, quốc phòng-an ninh được bảo đảm . Cùng với đó, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thanh niên xung phong còn tham gia xây dựng cột cờ chủ quyền tại các đảo thanh niên, đảo tiền tiêu của Tổ quốc và tổ chức thí điểm Đội tàu thanh niên liên kết khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa.
Cùng với tuổi trẻ cả nước, vai trò xung kích của thanh niên quân đội ngày càng được phát huy, với các phong trào: “Tuổi trẻ Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới” và “Ngôi nhà 100 đồng”… Đây là phong trào thi đua yêu nước, có sức hấp dẫn thanh niên, là cơ hội để thanh niên quân đội cống hiến hướng vào việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là góp phần cải tạo, xây mới hệ thống giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi vì cộng đồng. Đó là điều kiện thuận lợi để Thanh niên Quân đội thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, khẳng định vai trò của tuổi trẻ Quân đội trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ, nhất là ở địa bàn chiến lược.
Những chiến công to lớn của lực lượng thanh niên xung trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là biểu tượng sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam. Lực lượng thanh niên xung phong đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những cống hiến, hy sinh và lòng quả cảm của các thế hệ thanh niên xung phong đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thanh niên xung phong làm một hình thức mới tiêu biểu nhằm tập hợp thanh niên đóng góp công sức, trí tuệ vào cuộc kháng chiến. Những chiến công to lớn của lực lượng thanh niên xung trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là biểu tượng sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam. Lực lượng thanh niên xung phong đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Sự ra đời và phát huy vai trò to lớn của thanh niên xung phong chính là một sáng tạo của cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, xung kích, sáng tạo, tình nguyện là phẩm chất tốt đẹp của Thanh niên Việt Nam và là điểm tựa vững chắc cho tuổi trẻ hôm nay phát huy truyền thống cha anh, cùng toàn Đảng, toàn dân tộc quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nội dung: Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hùng; Đại úy, Thạc sĩ Trần Quốc Dũng
Bài viết tại Hội thảo "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954-7/5/2019)"
Trình bày: Ngô Hương