Phó cục trưởng Cục chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Phú Tiến:

Vẫn dùng hồ sơ giấy thì không thể sinh ra dữ liệu

“Khi người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước thật sự làm việc trên môi trường mạng thì mới có dữ liệu, mới chia sẻ được dữ liệu và chuyển đổi số mới thành công”..., ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (ảnh trên) nhấn mạnh khi trò chuyện cùng Nhân Dân hằng tháng:

2023 được chọn là năm “Dữ liệu số Việt Nam, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, tức là tầm quan trọng của dữ liệu đã ngày càng được định lượng rõ ràng, quan trọng hơn, thưa ông?

Cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số năm nay của bộ, ngành địa phương xoay quanh dữ liệu. Xoay quanh dữ liệu là cốt lõi của chuyển đổi số. Chuyển đổi số có hai vế: chuyển đổi và số. Chuyển đổi về phát triển kinh tế xã hội, và bản chất là dựa trên số, dựa trên công nghệ số. Dữ liệu chính là tài nguyên, là cơ sở hay tiền đề để thực hiện chuyển đổi số. Khi đến một mức độ nào đấy, bình thường mình chỉ ứng dụng ở mức độ sơ khai thì chưa thấy tầm quan trọng, còn khi đi vào thực chất, khi thực hiện những bài toán lớn bắt buộc phải dựa trên dữ liệu. Thấy được tầm quan trọng này, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu và Thủ tướng đã chọn năm nay, 2023 là Năm Dữ liệu số.

Theo báo cáo của Tổ công tác thực hiện Đề án 06 vẫn còn hiện tượng cát cứ, chưa chia sẻ kết nối dữ liệu vào cơ sở dữ liệu chung. Theo ông tồn tại tình trạng này là do đâu?

Kết nối chia sẻ dữ liệu còn hạn chế có thể do nhiều nguyên nhân. Trên góc nhìn của Bộ có mấy nội dung chính như sau: Muốn có nguồn dữ liệu, chia sẻ dữ liệu với nhau thì phải trên môi trường kỹ thuật. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an đề xuất các văn bản hướng dẫn, thí dụ như Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 về việc hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06, nhằm hướng dẫn những thông tin cốt yếu cần thiết, những tính năng kỹ thuật yêu cầu bảo đảm an toàn an ninh mạng, để có thể xây dựng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy trước hết môi trường kỹ thuật phải đảm bảo cho việc kết nối chia sẻ dữ liệu. Môi trường kỹ thuật đảm bảo rồi thì phải có dữ liệu để chia sẻ. Có dữ liệu đã, sau đó mới có mong muốn chia sẻ dữ liệu được. Tiếp nữa là muốn chia sẻ dữ liệu thì phải có hạ tầng kỹ thuật. Nhiều nơi hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo về cả đường truyền, tốc độ, về an toàn an ninh mạng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng phải đánh giá, về chức năng tính năng kỹ thuật có đảm bảo không mới cho kết nối vào. Vì thế, hạ tầng kỹ thuật cũng là yếu tố gây ra trở ngại khi chia sẻ dữ liệu. Cấp dữ liệu ra mà không an toàn thì bên cấp cũng lo không muốn cấp, ngược lại nhận dữ liệu từ một chỗ không an toàn bên nhận cũng chưa dám nhận. Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kiểm tra, đánh giá và thấy nhiều nơi, đặc biệt một số địa phương, bộ, ngành vẫn chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật...

Dữ liệu là tài nguyên, nên có thể còn liên quan tới các lợi ích cục bộ?

Đúng là cũng có thực tế cả đôi bên đều chưa mong muốn chia sẻ kết nối dữ liệu, nhưng là do một số bộ, ngành địa phương việc phát triển dữ liệu khá manh mún, bị phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau. Để tập hợp thành một đầu mối, làm sạch dữ liệu, làm dữ liệu nó sống và cung cấp cho một nơi khác như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chẳng hạn, cũng còn khó khăn. Vậy nên thực chất việc cung cấp dữ liệu ra bên ngoài còn hạn chế vì chưa có nhiều dữ liệu, chưa tập trung dữ liệu, dữ liệu chưa sạch, muốn cung cấp dữ liệu đi mà chưa chính xác cũng nguy hiểm. Ngược lại khi đã đúng đủ sạch sống theo quy định rồi thì đối tượng nhận dữ liệu có an toàn hay không, có được nhận theo đúng quy định pháp luật hay không, quy phạm pháp luật đã có chưa, tôi cung cấp dữ liệu cho anh theo căn cứ nào, anh sử dụng dữ liệu theo mục đích gì; chứ không chỉ đơn giản cơ quan A, cơ quan B cứ có công văn yêu cầu là sẽ cung cấp dữ liệu được. Cung cấp dữ liệu dân cư cho địa phương A, B để sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thì dữ liệu đó phải phục vụ cho người dân chứ không dành cho mục đích khác được.

Vấn đề nữa là chưa có môi trường pháp lý đầy đủ để cung cấp dữ liệu ra bên ngoài, thời gian tới phải xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý. Tâm lý sợ ảnh hưởng tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình khi cung cấp dữ liệu ra bên ngoài cũng còn tồn tại. Cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước thì cũng phải đúng chức năng, nhiệm vụ. Nhiều cơ quan cung cấp dữ liệu cho cơ quan khác là quan hệ hai chiều, chẳng hạn các địa phương cung cấp dữ liệu cho bộ, ngành, thì bộ, ngành cũng nên chia sẻ dữ liệu cho các địa phương để hai bên tạo ra giá trị dữ liệu. Một số dịch vụ công yêu cầu địa phương cung cấp dữ liệu lên các bộ, ngành, ngược lại địa phương có khi không được sử dụng chính dữ liệu họ cung cấp lên, do đó các địa phương cũng không muốn cung cấp nữa. Thí dụ dân của một địa phương cung cấp dữ liệu lên cơ sở dữ liệu của một bộ thông qua các cổng dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên nhiều UBND cấp tỉnh đề nghị các bộ, ngành chia sẻ thông tin người dân của họ sử dụng dịch vụ công kia, thì các bộ, ngành còn khó khăn khi cung cấp về cho địa phương chính dữ liệu mà địa phương đưa lên.

Hơn nữa môi trường pháp lý chưa song song, chưa đồng bộ nên cả người dân và cán bộ có khi vẫn cần bản giấy, bản đóng dấu bản có chữ ký tươi cho yên tâm, hơn là thực hiện trực tuyến. 2023 là Năm Dữ liệu số bắt buộc phải tạo ra dữ liệu, chia sẻ dữ liệu thì chuyển đổi số mới thực hiện được, chứ không chúng ta sẽ loay hoay và chưa có đột phá trong chuyển đổi số.

Tức là cả người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước đều phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số?

Đúng vậy. Người dân, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp thực sự hoạt động trên môi trường mạng thì mới sinh ra dữ liệu, nếu chúng ta vẫn dùng văn bản giấy sau đó lại scan hồ sơ đưa lên mạng thì về bản chất chỉ là tin học hóa những quy trình, những cái cũ từ trước đến nay. Như vậy việc sinh ra dữ liệu là khó. Giả sử nộp hồ sơ trên mạng chỉ cần một thành phần là CCCD gắn chip điện tử, toàn bộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có, toàn bộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã có, các cơ quan nhà nước sẽ kết nối về dịch vụ mà người dân đang làm thay vì phải trưng ra hay nộp rất nhiều giấy tờ liên quan, thì dữ liệu đã sẵn đấy rồi. Bản thân người dân nộp hồ sơ rất đơn giản nhờ có dữ liệu và khi người dân nhập dữ liệu là lại sinh ra dữ liệu. Nếu không hồ sơ cứ làm giấy rồi scan rồi nộp, vẫn theo quy trình cũ chỉ thay bản giấy là bản scan, bản chụp, thì những dữ liệu đấy rất tốn bộ nhớ và rất ít khi sử dụng lại được. Chúng có phải dữ liệu trên hệ thống đâu, lần sau nộp hồ sơ lại phải thực hiện công đoạn scan lại. Khi người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thực sự làm trên môi trường mạng thì mới tạo ra dữ liệu, sinh ra dữ liệu và mới có chuyển đổi số dựa trên dữ liệu được. Chưa có dữ liệu thì mới chỉ là tin học hóa những gì đang có mà còn gây khó khăn hơn nhiều.

Công an Q.3, TP.HCM làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho công dân. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Công an Q.3, TP.HCM làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho công dân. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mối lo của người dân về vấn đề an toàn, lộ lọt thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến có hợp lý không, thưa ông?

Phải thấy cả thế giới cũng như Việt Nam không thể tuyệt đối tránh được việc này. Khi chuyển lên môi trường mạng, việc lộ lọt sẽ nhiều hơn. Giao dịch trên mạng, mua bán trên mạng, khai báo thông tin cá nhân, những hoạt động đó tính lộ lọt cũng cao. Khảo sát của chúng tôi cho thấy yếu tố hàng đầu khi chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số khiến mọi người chưa an tâm chính là an toàn. Giảm rủi ro, tăng mức độ an toàn phải đi đôi với nâng cao ý thức của người sử dụng, lên mạng không phải cứ có vấn đề gì là đưa hết thông tin cá nhân lên. Người sử dụng phải có ý thức bảo vệ chính mình trên môi trường mạng. Cung cấp thông tin đúng mực, chừng mực, đúng pháp luật lên môi trường mạng chính là bảo vệ dữ liệu cho mình. Sử dụng trang thiết bị, điện thoại, máy tính phù hợp cũng giảm thiểu rủi ro, thí dụ máy tính có virus, điện thoại có những phầm mềm chạy ẩn cũng lấy thông tin. Giao tiếp trên mạng cẩn thận, thiết bị sử dụng đáp ứng yêu cầu là biện pháp tự bảo vệ của người dân. Chúng ta đã có Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, chuẩn bị ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đó là môi trường pháp lý giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân được bảo vệ trên môi trường mạng. Thời gian tới cũng sẽ phải có những biện pháp tiếp theo nữa. Mỗi bộ, ngành cũng cần có quy định, quy chế từ nhân viên của mình cho đến việc cung cấp dịch vụ công, các hoạt động đến trang thiết bị đảm bảo an toàn. Khi đi khảo sát nâng cao ý thức tự bảo vệ của cả cán bộ, công chức lẫn người dân, thì thấy có khi chính chúng ta làm lộ thông tin của chúng ta.

Nhiều người còn phàn nàn việc sử dụng, thao tác trên các Cổng dịch vụ công trực tuyến hiện chưa thuận lợi, dễ dàng thưa ông?

Khi khảo sát ý kiến về Cổng Dịch vụ công Quốc gia hay Cổng dịch vụ công các bộ, ngành, chúng tôi thấy còn nhiều bất cập. Trước hết là không phải người sử dụng nào cũng biết dịch vụ nằm ở đâu để mà tìm, tìm được rồi giao diện để nhập thông tin cũng còn quá phức tạp và không tùy biến. Quan trọng nhất khi chúng tôi đi khảo sát vẫn là dữ liệu thiếu kết nối chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước. Người dân có khi vừa phải nhập quá nhiều dữ liệu, vừa phải scan hồ sơ để đưa lên. Như thế, thà làm giấy còn nhanh hơn trực tuyến vì trực tuyến mà không kết nối chia sẻ để giảm thành phần hồ sơ thì vẫn thế. Đã vậy còn phải chụp hồ sơ, mà chụp cũng không đơn giản, những bản khổ nhỏ không sao chứ những bản kích thước lớn như bên xây dựng khổ A3, A2 thậm chí A0 thì không biết người ta scan kiểu gì. Giao diện phức tạp rồi nhưng quan trọng nhất là thành phần hồ sơ chưa tinh giản được. Hay nhiều khi người dân thanh toán thành công, tiền trong tài khoản đã trừ mà phía cán bộ xử lý hồ sơ thấy tiền chưa về tài khoản cơ quan nhà nước, không biết xử lý kiểu gì. Chấp nhận kết thúc dịch vụ và cung cấp cho người dân giấy xác thực, cung cấp đầu ra cho người dân thì cũng lúng túng vì có khi vài ngày thậm chí nửa tháng dữ liệu mới báo về là tài khoản của cơ quan nhà nước đã nhận được tiền trên môi trường mạng. Vậy nên lại phải tìm nguyên nhân từ cơ quan thanh toán, phần mềm ứng dụng để khắc phục, giúp người sử dụng đỡ chán nản...

Trân trọng cảm ơn ông!

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Khánh Lam-Thanh Huyền-Xuân Thu-Danny Ngô-Mi Sol
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Xuân Thu, Nguyễn Hường, Ngọc Thạch, nguồn internet