Văn hóa các dân tộc
a. Văn hóa là tinh hoa của mỗi dân tộc
Khái niệm văn hóa có rất nhiều định nghĩa, sau Thế chiến thứ hai - một thời kỳ ồn ào, xáo động của các nhà văn hóa học, nhiều người đã nhận ra rằng cách tiếp cận hệ thống về văn hóa có nhiều ưu điểm hơn cả. Văn hóa là cả một hệ thống tổng thể quy định con đường sống của một dân tộc. Hệ thống này bao gồm toàn bộ những gì thuộc về tư duy, triết học, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật văn học...; những gì thuộc về cơ tầng của xã hội như hôn nhân, gia đình, thân tộc, thích tộc, vai trò của cá nhân trong cộng đồng...; những gì thuộc về môi trường sinh thái, tài nguyên tái tạo và không tái tạo bảo đảm cho cuộc sống của một dân tộc.
Tiểu hệ thống thứ nhất trước đây vẫn quen được gọi là văn hóa vật chất, nhưng nội hàm chưa đủ nên có nhà nghiên cứu lại thay bằng thuật ngữ văn hóa bảo đảm đời sống ăn, ở, mặc, trang sức, đi lại... Có người còn nêu thêm về vấn đề chất lượng thể hiện qua tuổi thọ, sức khỏe dồi dào, dinh dưỡng đầy đủ.
Tiểu hệ thống thứ hai quen được gọi là văn hóa tinh thần, nhưng trong thời đại khoa học, kỹ thuật ngày nay, để có tri thức, sự hiểu biết thì cần phải được giáo dục, đào tạo và có các phương tiện thiết bị công nghệ, thông tin hiện đại.
Tiểu hệ thống thứ ba thường được xét dưới dạng cấu trúc hoàn chỉnh. Bên cạnh đó còn có cả vấn đề chức năng, vì không có chức năng thì cấu trúc không thể vận hành. Thân tộc, bản thân những quan hệ này là một hệ thống, khi đưa vào xử lý những vấn đề tổng thể nó sẽ trở thành những tiểu hệ hay chi nhánh, tùy góc độ phân tích, lý giải. Cấu trúc chùa chiền dù có bị phá hủy do nhiều nguyên nhân khách quan hay chủ quan, nhưng một khi những chức năng vận hành của chúng còn tồn tại thì nhân dân vẫn cứ xây lại.
Sự phát triển của kinh tế-xã hội đi liền với nạn ô nhiễm, hủy diệt môi trường được nhận thức như một hành động phi đạo đức, vô văn hóa. Sự hài hòa cân bằng với môi trường sinh thái vốn là một trong những đặc điểm của các nền văn hóa phương Đông. Cách tiếp cận này được cả thế giới công nhận.
Cho đến nay, vẫn còn một số người ngộ nhận cho rằng văn hóa các dân tộc ở một số vùng là văn hóa nguyên thủy. Trong một thời gian dài, với cách tiếp cận theo lối sơ đồ hóa cứng nhắc, không ít người thường lấy các chỉ số phát triển của xã hội để đo trình độ phát triển của văn hóa. Xã hội loài người trên con đường tiến hóa, phát triển thường đi thấp đến cao. Đánh giá văn hóa theo các tiêu chí xã hội mới đúng, nhưng chưa đủ, do đó vẫn có nhiều trường hợp phạm phải sai lầm.
Nếu văn hóa là tinh hoa của mỗi dân tộc thì không thể lấy trình độ phát triển xã hội cao hay thấp mà định chuẩn. Người Kinh (Việt) và một số dân tộc theo phụ hệ nên khi dùng thuật ngữ "cưới chồng" là có hàm ý mỉa mai, châm biếm. Tình trạng này cũng tương tự như đối với một số dân tộc theo mẫu hệ như Ê đê, Chăm..., sử dụng thuật ngữ "lấy vợ". Ta không thể so sánh cung cách này lạc hậu hơn cung cách kia và ngược lại.
Một vị thuốc gia truyền của dân tộc là sự kết tinh bao đời của dân tộc đó, cần phải được sưu tầm, phổ biến vì nó là tài sản chung của nhân loại. Truyện Kiều là một sản phẩm của xã hội phong kiến, nhưng không phải vì thế mà nó không có chỗ đứng cao trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến. Dân tộc này thích dùng sữa và những chế phẩm từ sữa, dân tộc khác lại không ưa sữa, nhưng không thể căn cứ vào sự khác nhau đó mà đánh giá mức độ tiến bộ của mỗi dân tộc. Tinh hoa văn hóa là sự kết tinh qua một quá trình thử nghiệm khốc liệt. Chúng có cuộc sống độc lập, nhiều khi tồn tại bên ngoài hình thái kinh tế-xã hội đương đại.
Lưu ý đến yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa từng vùng là nhằm bảo vệ và phát triển tinh hoa văn hóa của các dân tộc. Việc phát triển phải dựa trên sự bảo vệ các cấu trúc, chức năng và tính đa dạng của những tiểu hệ thống trong tổng thể hệ thống kinh tế, văn hóa, xã hội. Phát hiện, sưu tầm, nghiên cứu, tổng kết tinh hoa văn hóa ở các dân tộc chính là khích lệ nhân dân các dân tộc vững tin vào sự đóng góp cho kho tàng chung của văn hóa Việt Nam.
Đã đến lúc chúng ta phải xác định tác động hai chiều, đưa khoa học công nghệ và ánh sáng văn hóa xã hội đến cơ sở, từ cái chung đến cái riêng và ngược lại từ cái riêng đến cái chung để biến văn hóa thành một động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng dân tộc.
b. Quan hệ ba chiều giữa kinh tế-văn hóa dân tộc với lịch đại và đồng đại
Kinh tế-xã hội và văn hóa dân tộc nằm trong tổng thể của nền kinh tế-xã hội, văn hóa Việt Nam, có liên quan mật thiết đến cái chung của kinh tế-xã hội và văn hóa thế giới. Về mặt lịch đại nó là quá trình tích hợp, kết tinh mang tính kế thừa của truyền thống lịch sử. Trên các trống đồng Đông Sơn có đúc những hoa văn trang trí hình thuyền.
Ngày nay ở nhiều dân tộc vẫn còn những hội đua thuyền trên ao đầm, trên sông, ven biển hoặc cách điệu hóa ở các vùng Tây Nam bộ. Các dân tộc trong khi trở về nguồn đều soi lòng vào quá khứ để tìm hiểu nguồn gốc, từ đó tạo dựng niềm tin vững chắc vào tương lai.
Do có những điều kiện hình thành, phát triển khác nhau cho nên tính lịch sử cũng có những tác động không giống nhau lên tâm lý mỗi dân tộc. Cấu trúc các trung tâm văn hóa, tín ngưỡng ở mỗi dân tộc có những khác biệt, thí dụ có dân tộc lấy nhà rông, lại có dân tộc lấy đình, lấy chùa... làm trung tâm văn hóa. Trong phát triển kinh tế, xã hội, thời gian xã hội ở mỗi dân tộc cũng khác nhau. Có dân tộc tính theo mùa rẫy, cha truyền con nối theo lối đơn tuyến, có dân tộc tính theo chu kỳ nông lịch hằng năm; có dân tộc theo những chu kỳ phức hợp vừa dựa vào dương lịch lại vừa dựa vào chu kỳ của nông lịch trong khi xử lý những sự kiện trong cuộc sống riêng tư. Ngoài ra, quan hệ xã hội, thân tộc cũng chỉ ra sự khác biệt về thời gian xã hội giữa các dân tộc.
Trong mối tương quan đồng đại, có người theo thuyết địa - văn hóa phân các vùng văn hóa theo bảng vàng kinh tế. Tính độc lập của văn hóa đã cho thấy thông qua quan điểm phân vùng dựa vào đặc điểm kinh tế là không chính xác.
Vùng miền núi và trung du Bắc bộ là vùng kinh tế I, nhưng về mặt văn hóa lại là ba vùng: Tây Bắc, Việt Bắc và trung tâm.
Vùng Bắc Trung Bộ là vùng kinh tế III nhưng về mặt văn hóa lại là hai vùng: Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Giữa hai vùng này, tỉnh Hà Tĩnh không có dân tộc thiểu số cư trú.
Vùng đồng bằng duyên hải miền trung là vùng kinh tế IV, nhưng về mặt văn hóa lại là hai vùng: Trung Trung bộ và kinh tế, văn hóa dân tộc Chăm.
Vùng Tây Nguyên là vùng kinh tế V, nhưng có thể phân ba vùng, vì xen giữa hai khối cư dân có gốc nguồn Nam Á là khối cư dân có gốc nguồn Nam Đảo nằm ở trung tâm. Còn vùng văn hóa Khmer thật ra bao gồm cả hai vùng kinh tế VI và VII.
Trong phạm vi của mỗi vùng kinh tế văn hóa đã nêu, trong mối tương quan đồng đại cũng bao gồm nhiều nền kinh tế văn hóa của các tộc người, không hề có tính chất đơn thuần. Vùng Việt Bắc, ngoài văn hóa Việt còn có văn hóa Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay, Lô Lô... Vùng văn hóa Khmer ngoài người Khmer, còn có văn hóa Việt, STiêng, Chăm, Hoa… Sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa giữa các dân tộc tạo nên bộ mặt đặc trưng cho từng vùng kinh tế-xã hội.
Nhìn rộng ra khu vực lịch sử-dân tộc Đông Nam Á trong mối quan hệ với các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan, Mianma và với các dân tộc ở khu vực miền nam Trung Quốc, cho thấy biên giới quốc gia không trùng với biên giới dân tộc. Hiện tượng nhiều dân tộc cư trú ở nhiều vùng thuộc các quốc gia khác nhau không phải là hiếm. Người Khmer ở Việt Nam là dân tộc thiểu số, nhưng ở Campuchia lại là dân tộc đa số, người Thái ở Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự nếu so với Thái Lan và Lào.
Với sự thông thoáng của các mối giao lưu quốc tế hiện nay, một hiện tượng mới đã nảy sinh làm phong phú thêm nhận thức lý luận. Đó là trường hợp người Việt không biết tiếng Việt, người Mông chỉ biết tiếng Anh, người Thái chỉ biết tiếng Pháp...
Trước đây thường có quan niệm rằng, dân tộc nào không nói được tiếng mẹ đẻ coi như đã đánh mất bản sắc văn hóa của mình. Thực tế cho thấy, bộ phận những dân tộc tha hương này để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, khi ở xa nơi quê cha đất tổ, họ đã lưu giữ lại nhiều phong tục, tập quán cổ truyền, trân trọng truyền thống xa xưa, bảo vệ những tín ngưỡng lâu đời. Trong sự hòa đồng chung, họ vẫn giữ lấy cái riêng, cái ta, cái mình…, để tạo nên sự gắn bó dân tộc. Vai trò của văn hóa như là một động lực trong sự phát triển kinh tế-xã hội, là một điều cần được nghiên cứu, đúc kết.
*
Các dân tộc ở nước ta cư trú trên địa bàn rộng lớn, bao gồm đồng bằng, ven biển, miền núi, biên giới, hải đảo, trong đó vùng các dân tộc thiểu số đã chiếm ¾ diện tích cả nước. Ngoài một số ít các dân tộc thiểu số phân bố ở miền trung du, đồng bằng, ven biển và đô thị lớn, các dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh ở 54 tỉnh, thành phố, 503 huyện, 5.468 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới (tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia).
Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền trung. Đây là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản giá trị, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, diện tích rừng 14.415.381ha, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia, vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.
Khu vực miền núi, nơi cư trú các dân tộc thiểu số có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Từ xưa đến nay vùng miền núi, biên giới, hải đảo luôn được xác định là phên dậu quốc gia. Địa thế xung yếu, hiểm trở cùng lòng yêu quê hương đất nước của đồng bào các dân tộc thiểu số đã xác lập vị thế vùng miền núi, dân tộc trở thành nơi tụ nghĩa đấu tranh, giải phóng, là chỗ dựa vững chắc trong lúc vận nước gian nan.
Rừng núi đã từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Trong giai đoạn hiện nay, các vùng biên giới là thành lũy vững chắc của Tổ quốc, là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, chống âm mưu xâm nhập, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Từ khi giành được độc lập dân tộc (1945) và thống nhất đất nước (1975) đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự ưu tiên, hỗ trợ to lớn cho các dân tộc trong cả nước, nhất là các nhóm dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các dân tộc có dân số ít... để thực hiện xuyên suốt, nhất quán nguyên tắc: “Các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Các dân tộc nước ta từ miền xuôi đến vùng núi cùng chung sức một lòng đoàn kết xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Những thành quả đó cần tiếp tục phát huy, nghiên cứu các chính sách đối với các vùng dân tộc sao cho ngày càng phù hợp, hiệu quả hơn, giải quyết kịp thời những khó khăn trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc trong thời đại công nghiệp, công nghệ đang phát triển như vũ bão trên toàn thế giới.