Huyện Bình Lục (Hà Nam) là vùng đất cổ, cái “rốn nước” của Châu thổ Bắc Bộ. Từ xa xưa, khi nhắc tới Bình Lục, người ta vẫn thường nhớ đến một vùng chiêm trũng, đã đóng đinh với cảnh: “chiêm khê, mùa thối”, “sáu tháng đi chân, sáu tháng đi tay”, “sống ngâm da, chết ngâm xương”... Cuộc sống cơ cực của vùng đất này đã in đậm trong những câu ca dao mà người Bình Lục ai cũng nhớ "Bình Lục đồng trắng nước trong. Thóc gạo thì ít, rong rêu thì nhiều", hay "Đưa mẹ mới tối hôm qua, Sáng nay chỉ thấy nước xa, nước gần".
VẺ ĐẸP ĐỒNG CHIÊM
Đặc trưng riêng có của Đồng Chiêm Bình Lục ít có vùng đất nào phải gánh chịu, đó chính là sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai mưa nắng Đồng Chiêm “Chiêm khê – Mùa thối".
Chính sự khắc nghiệt ấy đã tạo nên sự thông minh, sáng tạo, tài năng của người Bình Lục trong lao động sản xuất, trong chống hạn và chống lụt.
Từ đó đã hun đúc, hình thành nên nếp sống, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán có những nét chung của Đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời lại có những nét riêng của Đồng Chiêm trũng Bình Lục, lắng đọng những tinh hoa văn hóa, cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể đa dạng, độc đáo và mang đậm bản sắc riêng.
Đó là cặp biểu tượng văn hóa Núi Quế- Sông Ninh; Bảo vật quốc gia mang tên một địa danh của Bình Lục “Trống đồng Ngọc Lũ”.
Từ trong cái khó, cái nghèo, người dân Bình Lục đã bồi đắp lên truyền thống hiếu học và khoa bảng, là địa phương dẫn đầu tỉnh Hà Nam về người đỗ đạt thời phong kiến(31 người). Là quê hương của Tam nguyên Yên Đổ - Thi bá nổi tiếng Nguyễn Khuyến.
Bình lục là quê hương của “người công giáo Cộng sản" Trần Tử Bình - người lãnh đạo làm nên một “Phú Riềng Đỏ" năm 1930, là 1 trong 11 vị Tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được Bác Hồ phong tướng. Quê hương của cây đại thụ của ngành tình báo Việt Nam – Mười Hương ( Trần Ngọc Ban).
Quê hương Bình Lục còn được biết đến với Cây đa đình Triều Hội, “Tiếng trống Bồ Đề" năm 1930, mở đầu cuộc biểu tình tuần hành của nông dân Hà Nam “Tranh đấu bài phong. Biểu tình phản đế” dưới sự lãnh đạo của Đảng, gây tiếng vang trong nước và quốc tế, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, thiết lập bộ máy chính quyền nhân dân.
Tụ cư trên vùng đất là cái "rốn nước của châu thổ sông Hồng, trải qua hàng nghìn năm thường xuyên phải vật lộn khi thì lũ lụt, mưa bão nước ngập trắng trời, khi thì hạn hán đồng ruộng nứt nẻ... để cải tạo vùng đồng trũng, tù đọng nước làm nông nghiệp, người Bình Lục đã xây nên truyền thống lao động cần cù, bền bỉ, thông minh sáng tạo rất đỗi tự hào.
Đó là truyền thống đắp đê ngăn lũ lụt trên các con sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, sông Ninh, đào sông Biên Hòa, sông Sắt và hàng trăm kênh, mương, cống, trạm bơm tưới, tiêu nội đồng để thau chua, rửa mặn, biến thủy tai thành thủy lợi.
Sự kiện Bác Hồ về thăm công trường đắp đập trên sông Sắt, dâng nước vào đồng chống hạn ở Cát Tường, thuộc xã An Hòa(nay là thôn Cao Cát – Thị trấn Bình Mỹ) ngày 14/1/1958 có ý nghĩa rất lớn.
Bác đến tận nơi, khen ngợi, động viên tinh thần cán bộ, nhân dân lao động trên công trường.
Các cháu phải làm tốt, thanh niên có sức khỏe phải đi đầu trong lao động, đoàn viên và đảng viên phải thực sự là nòng cốt trong sản xuất và lãnh đạo quần chúng.
Bác căn dặn đoàn viên, thanh niên.
Trước khi về, Bác căn dặn:
Tỉnh giao đắp đập trong 7 ngày, các cô, các chú phải cố gắng rút ngắn thời gian sớm có nước cày, cấy.
Thực hiện lời hứa với Bác, với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, quân và dân huyện Bình Lục đã hoàn thành việc đắp đập Cát Tường trong thời gian chưa đến 5 ngày. Con đập hoàn thành dài 120m, bề mặt rộng hơn 2m, chắn ngang sông Sắt đưa nước vào đồng, cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn.
Kỷ niệm sự kiện ngày Bác Hồ về động viên nhân dân chống hạn, nhân dân địa phương đã trồng cây đa ngay tại nơi Bác đứng nói chuyện cùng cán bộ và nhân dân đang đắp đập và được gọi với cái tên mộc mạc, bình dị: “Cây đa Bác Hồ".
Nhằm tìm hiểu và quảng bá sâu rộng hơn nữa kho tàng di sản văn hóa truyền thống và hiện đại của xứ đồng chiêm Bình Lục, làm rõ hơn ý nghĩa của đồng chiêm, vì sao lại gọi là đồng chiêm, văn hóa Đồng Chiêm là gì? Và văn hóa đồng chiêm Bình Lục có khác gì với đồng chiêm ở những nơi khác… Hội thảo khoa học "Văn hóa đồng chiêm Bình Lục-truyền thống và hiện đại" lần đầu tiên đã được huyện Bình Lục tổ chức.
Trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng trong thế giới kỷ nguyên số, thực hiện Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Lục lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang nỗ lực triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa đồng chiêm Bình Lục truyền thống và hiện đại" có ý nghĩa rất lớn.
Kết quả của Hội thảo giúp Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Bình Lục triển khai mạnh mẽ hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa đồng chiêm Bình Lục trong phát triển kinh tế-xã hội.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA
ĐỒNG CHIÊM
Để xây dựng Bình Lục trở thành “Điểm đến hấp dẫn” thu hút các nhà đầu tư, lực lượng lao động, du khách trong và ngoài nước…, huyện Bình Lục đã và đang tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Lục lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu xác định: “Tiếp tục phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế tham gia phát triển văn hoá, thể thao. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch... "
Xác định rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của các di sản văn hóa đối với xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, cũng như phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cấp ủy, chính quyền huyện Bình Lục luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo tiền đề và động lực mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Công tác nghiên cứu, sưu tầm về lịch sử, văn hóa địa phương luôn được huyện quan tâm chỉ đạo. Năm 2019, huyện Bình Lục đã triển khai nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn ra mắt cuốn sách "Địa chí huyện Bình Lục", xuất bản vào dịp Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII nhiệm kỳ 2020-2025.
Năm 2021, huyện đã khởi công xây dựng Nhà hội trường đa năng và phòng truyền thống huyện Bình Lục; ban hành Đề án Phát huy giá trị văn hóa đồng chiêm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021–2025; tổ chức Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) huyện Bình Lục, với mục đích giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người Bình Lục trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, đồng thời để xây dựng và hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu cho huyện Bình Lục.
Huyện phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong công tác kiểm kê, khảo sát khảo cổ học tại các di tích, dấu tích trên địa bàn để nghiên cứu, nhận diện, đánh giá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời gian tới.
Công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích, di sản văn hóa được thực hiện đúng quy định và nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, toàn huyện có 20/37 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo đạt tỷ lệ 65%, với tổng kinh phí khoảng 65 tỷ đồng (nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng, xã hội hóa 25 tỷ đồng).
Năm 2018, vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Nam, Nhà nước đã trao Bằng công nhận Khu lưu niệm Cát Tường là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về tầm quan trọng của văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, huyện thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của các cấp bộ Đảng về văn hóa; Thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Trân trọng giữ gìn và không ngừng bổ sung những thành tựu mới kết tinh từ cuộc sống hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các vùng miền trong nước và thế giới để làm phong phú kho tàng di sản Văn hóa Đồng Chiêm đã và đang tuôn chảy trong mạch Đất và Người Bình Lục hôm nay.
Tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của vùng quê Núi Quế-Sông Ninh, xây dựng quê hương Bình Lục an bình, điểm đến du lịch của du khách và điểm đến đầu tư, an toàn hiệu quả.
Tiếp tục huy động các nguồn lực để củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới bền vững, tập trung xây dựng Bình Lục trở thành huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối nhiệm kỳ.
Item 1 of 4
Trồng dưa lưới trong nhà kính tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Trồng dưa lưới trong nhà kính tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Mô hình trồng hoa cúc Kim Cương.
Mô hình trồng hoa cúc Kim Cương.
Sản xuất rượu vọc.
Sản xuất rượu vọc.
Sản xuất sừng đô hai.
Sản xuất sừng đô hai.
Ngày xuất bản
13/8/2022
Nội dung:
Xuân Huy - Đào Phương
Trình bày mỹ thuật:
Ngọc Diệp