
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thành công trong công tác bảo đảm hậu cần góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Trong đó vận tải thô sơ đã trở thành nét độc đáo, sáng tạo của quân và dân ta khi tiến hành trận quyết chiến, chiến lược này.
Trước những đòn tiến công chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, nỗ lực giành lại quyền chủ động trên chiến trường của Nava bị phá sản. Để cứu vãn tình thế, viên tướng này đã tập trung quân xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, hòng thực hiện mưu đồ “thu hút để nghiền nát quân đội Việt Minh”. Với toan tính của nhà cầm quân thực dân, Nava cho rằng Việt Minh sẽ không thể giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ, một nơi quá xa hậu phương, rất khó bảo đảm hậu cần trong điều kiện thiếu phương tiện vận chuyển lại bị không quân Pháp ngăn chặn, đánh phá; trong khi phía Pháp đầy đủ thế mạnh về hỏa lực và không quân, giữ thế áp đảo tại một căn cứ quân sự có vị trí phòng ngự lợi hại.
Để bảo đảm hậu cần cho Điện Biên Phủ, về phía Pháp có các phi đội máy bay vận tải, tiến hành cầu hàng không, liên tục cơ động từ Gia Lâm, Cát Bi. Trong khi đó, Việt Nam phải thực hiện trên đường số 41 từ Hòa Bình qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo lên Lai Châu, đi qua những vùng địa hình hiểm trở núi cao, suối sâu, lòng đường hẹp, cầu yếu, phần lớn một bên núi cao, một bên vực và suối sâu. Từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ không có đường ô-tô, chỉ có đường dùng cho ngựa thồ và Đường số 13 từ Yên Bái lên gặp đường 41 ở Cò Nòi, cũng là những cung đường hẹp, qua nhiều đèo dốc, sông suối.
Với quyết tâm của bộ đội công binh cùng hàng vạn dân công, thanh niên xung phong không quản ngày đêm lao động khẩn trương trong hơn ba tháng, ta đã hoàn thiện việc tu sửa và mở mới các đường số 41, số 13 từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, với tổng cộng chiều dài hơn 300 km.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo nhanh chóng cải tạo các tuyến đường ra mặt trận. Với quyết tâm của bộ đội công binh cùng hàng vạn dân công, thanh niên xung phong không quản ngày đêm lao động khẩn trương trong hơn ba tháng chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch (từ tháng 12/1953 đến đầu tháng 3/1954), ta đã hoàn thiện việc tu sửa và mở mới các đường số 41, số 13 từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, với tổng cộng chiều dài hơn 300 km.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua phương án mở chiến dịch Điện Biên Phủ, để bảo đảm cho chiến dịch, ngành hậu cần tổ chức hai tuyến vận tải lên Điện Biên Phủ. Tuyến chính, vận chuyển vũ khí, xăng dầu và một số hàng cần thiết từ các kho ở Việt Bắc, vận tải gạo, thực phẩm từ các kho ở Nghĩa Lộ, Yên Bái lên Điện Biên Phủ. Phương tiện vận tải chủ yếu ở tuyến này là ô-tô, gần hỏa tuyến sử dụng dân công gánh bộ và xe đạp thồ; Tuyến Mường Lân-Nà Sang, sử dụng dân công vận tải bằng phương tiện thô sơ, chuyển lương thực huy động tại chỗ phục vụ bộ đội chiến đấu ở phía nam Điện Biên Phủ và chuyển thương binh về Tuần Giáo.

(Ảnh: TTXVN)
(Ảnh: TTXVN)
Ngày 25/1/1954, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, do thực tế chiến trường thay đổi, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đòi hỏi số lượng cung cấp hậu cần lớn gấp nhiều lần. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, ngoài vận tải bằng cơ giới Cục vận tải cung cấp ngựa kéo pháo cho các đơn vị pháo binh, thành lập Đại đội 953 vận tải bằng ngựa thồ ở những quãng đường hẹp, vực cao, suối sâu. Từ ngày 7/2/1954, ngành hậu cần bước vào đợt hoạt động mới nhằm bảo đảm cung cấp vũ khí, đạn dược, quân nhu cho đánh dài ngày.
Vận tải là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hậu cần chiến dịch, với sự tham gia đông đảo của các lực lượng, trong đó dân công đóng vai trò chính và đã phát huy mọi sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. Trên các tuyến vận tải bộ từ Việt Bắc sang, từ Liên khu 3, Liên khu 4 lên Điện Biên Phủ, cùng với ô-tô là hàng chục vạn dân công với phương tiện thô sơ, vượt qua đèo cao, suối sâu, qua mưa bom bão đạn, qua ghềnh thác dữ để chuyển hàng ra chiến trường.
Vận tải là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hậu cần chiến dịch, với sự tham gia đông đảo của các lực lượng, trong đó dân công đóng vai trò chính và đã phát huy mọi sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo báo cáo của Hội đồng cung cấp mặt trận để bảo đảm vận chuyển hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ các tỉnh Tây Bắc đã huy động 31.818 lượt dân công, 914 ngựa thồ; các tỉnh Việt Bắc 36.519 lượt dân công, 8.065 xe đạp thồ; Liên khu 3: 6.400 lượt dân công; 1.712 xe đạp thồ; Liên khu 4: 186.714 lượt dân công, 12.000 xe đạp thồ, mỗi xe thồ từ 100 đến 200kg. Riêng tỉnh Thanh Hóa đã huy động 102.254 dân công dài hạn và 76.670 dân công ngắn hạn, với tổng số 1.061.593 lượt người với 27 triệu 227 ngày công, cùng với 11.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền ván và thuyền nan, 42 ngựa thồ[1].
Những đoàn thuyền của dân công Thanh Hóa đã vượt hàng trăm thác ghềnh hiểm trở, vượt qua bom đạn ngược dòng sông Mã để chuyển hàng lên Tây Bắc. Các xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ đồng bằng xứ Thanh lên miền Tây theo đường Suối Rút, Mộc Châu sang Cò Nòi đến Sơn La, qua hơn 500 km đường rừng, trèo đèo, lội suối để đưa hàng tới đích. Sự nỗ lực của quân và dân Thanh Hóa đã góp phần xứng đáng, hoàn thành sứ mệnh lịch sử hậu phương lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Thanh Hóa đã cung cấp hơn 4.360 tấn gạo (chiếm 30% số gạo cả nước phục vụ cho chiến dịch và vượt mức Trung ương giao 9 tấn)[2].

Dùng mảng vượt sông đưa hàng lên Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ)
Dùng mảng vượt sông đưa hàng lên Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ)
Bên cạnh các tuyến vận tải đường bộ, các tuyến vận tải thô sơ bằng đường thủy cũng được khai thác triệt để. Dân công các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ đã sử dụng 11.800 thuyền các loại, ngược sông Mã, sông Đà, sông Lô, sông Chảy, sông Thao, đưa hàng ra tiền tuyến. Đội vận tải 26B do đồng chí Trần Chu Lĩnh làm đội trưởng, với 7 ca nô, 12 thuyền gỗ trọng tải 3,5 tấn đến 12 tấn, đội 26B đã vận tải được 29.263 tấn[3] về Điện Biên Phủ. Do sông Nậm Na hẹp, nhiều thác dữ, bè mảng thường bị vỡ, gạo bị ướt, nhiều người bị thương. Bộ chỉ huy mặt trận sử dụng lực lượng công binh phá các thác nguy hiểm, nghiên cứu cách đóng bè mảng thật chắc chắn, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tập luyện cho dân công cách điều khiển mảng bè qua các con thác dữ.
Được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, các đơn vị vận tải khai thác gần 700.000 cây nứa, đóng thành 11.600 bè mảng, vượt lên thác dữ, lực lượng vận tải bằng bè mảng trên dòng sông Nậm Na đã chuyển đến mặt trận trên 2.000 tấn gạo, bảo đảm một phần quan trọng lương thực cho các đơn vị chiến đấu ở phía Bắc và phía Tây Điện Biên Phủ. Đặc biệt, Trung đoàn pháo binh 45 (Tất Thắng) đã sử dụng bè mảng xuôi Sông Hồng đưa 20 khẩu pháo 105mm từ Lào Cai về bến Âu Lâu (Yên Bái) an toàn.
Vượt qua gian lao vất vả do địa hình, thời tiết, để hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng tham gia vận chuyển hàng lên mặt trận bằng phương tiện thô sơ đã phát huy cao độ tính sáng tạo. Để thồ được một khối lượng lớn hàng hóa từ một chiếc xe đạp được tạo thêm một đoạn tre dài khoảng 1m được buộc vào tay lái, một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50cm buộc vào trục yên để cầm, vừa giữ thăng bằng xe, vừa đẩy xe đi, để tăng độ cứng của khung xe dân công đã hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ, dùng vải quần áo cũ, xăm cũ để gia cố tăng độ bền của xăm lốp. Dân công sử dụng xe đạp thồ được tổ chức thành từng đoàn theo địa phương.
Vượt qua gian lao vất vả do địa hình, thời tiết, để hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng tham gia vận chuyển hàng lên mặt trận bằng phương tiện thô sơ đã phát huy cao độ tính sáng tạo.
Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có khoảng 30 đến 40 người và xe, dưới trung đội chia thành các tiểu đội có 15 người thành các đội tam tam, cứ ba người một, khi xuống dốc thì hai người kéo, một người cầm tay lái, khi lên dốc một người đi trước buộc dây vào cổ xe để kéo lên, một người ở phía sau cầm phóc ba ga đẩy và trong đội hình xe đạp thồ mỗi đoàn xe có một xe chuyên chở đồ nghề, phụ tùng thay thế, bếp than để sửa chữa và vá chín. Dọc đường “xưởng sửa chữa lưu động” sẵn sàng thay lốp, lên vành, hàn khung để bảo đảm toàn đội hành quân chi viện cho chiến dịch. Những chiếc xe đạp thồ đã vượt qua những khúc đường, đèo dốc phức tạp, vận chuyển tiếp tế hậu cần cho chiến dịch đúng thời gian quy định.
"Người Pháp không thể ngờ rằng Quân đội Việt Minh có thể chiến thắng nhờ những phương tiện đơn giản nhất".
Tiến sĩ sử học John Rrados
Đại học George Washington, (Mỹ)


Cùng với đó, lực lượng dân công đã phát huy cao độ, nỗ lực hết mình để đưa được nhiều hàng lên mặt trận. Tiêu biểu trong đội quân xe đạp thồ nổi lên tấm gương Ma Văn Thắng (tỉnh Phú Thọ) chở được 352kg, Cao Văn Tỵ (Đoàn xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa) đã nâng mức thồ từ 160kg lên195 kg, rồi hơn 300kg và thường xuyên đạt 320kg một chuyến; anh Đới Sỹ Trầu (Quảng Xương) liên tục gánh 60kg hàng, dẫn đầu về gánh bộ...; lực lượng dân công khiêng vác là Đại đội 15 dân công tỉnh Vĩnh Phú luôn luôn dẫn đầu ở những nơi khó khăn ác liệt nhất, trong 5 chuyến vận chuyển đột xuất đã mang 6.113kg hàng tới đích an toàn. Nguyễn Văn Thành vác được 100kg, Hoàng Văn Duy đạt 97kg, Hà Thị Ngải, dân tộc Mường (tỉnh Hòa Bình) gánh hàng liên tục 15 ngày đêm không nghỉ…
Trong vận tải phục vụ chiến dịch, cụ Trần Văn Thiện, người xã Vũ Đạo, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ cùng con gái và con dâu đi phục vụ chiến dịch. Cụ nói với mọi người: “Gánh thuê là nghề của tôi, cả cuộc đời tôi đi gánh thuê cho địa chủ, nay nhờ Chính phủ và Hồ Chủ tịch, nhờ bộ đội diệt giặc, tôi đã có ruộng, có cơm ăn, có áo mặc. Tôi xin được đi gánh gạo cho bộ đội, ta như rết nhiều chân, càng thêm người, càng mạnh”[4]. Dòng người nối dài như bất tận trên đường hướng đến chiến trường Điện Biên Phủ, quá trình vận chuyển họ động viên nhau bằng những câu hò của quê hương như những làn sóng trải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên để tiếp thêm sức mạnh và tình đoàn kết, điển hình là dân công tỉnh Vĩnh Phú họ xuất khẩu những câu hò, câu vè, vừa đi vừa hát, vừa hò đẩy thêm tinh thần quyết tâm chiến thắng. Dù trên đường vận chuyển có nhiều gian khổ nhưng họ vẫn lạc quan yêu đời, chính điều này làm cho cả thế giới kinh ngạc có cách nhìn nhận và khẳng định một dân tộc có tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó như vậy thì không thể thất bại trước sức mạnh của kẻ xâm lược nào.
Dù trên đường vận chuyển có nhiều gian khổ nhưng họ vẫn lạc quan yêu đời, chính điều này làm cho cả thế giới kinh ngạc
Tiến sĩ sử học John Rrados Đại học George Washington, (Mỹ), nhận xét: Điều ấn tượng nhất về chiến thắng Điện Biên Phủ cũng giống như quan điểm của phía Việt Nam chính là mức độ tham gia của toàn dân, là huy động người dân Việt Nam tham gia vào chiến dịch đó phải nói là nỗ lực thành công tuyệt vời khi có hàng nghìn người cùng hỗ trợ Quân đội của Tướng Giáp, khi đó đang nằm rất xa khu vực đồng bằng. Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng chưa bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy…
Người Pháp không thể ngờ rằng Quân đội Việt Minh có thể chiến thắng nhờ những phương tiện đơn giản nhất. Chiếc xe đạp do người dân đóng góp từ mọi miền của đất nước đã trở thành một trong những phương tiện yếu tố quyết định của con đường vận chuyển lương thực và vũ khí. Nhà báo Pháp Giuyn Roa cho rằng: “Không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300kg hàng và được đẩy bằng sức người-những con người ăn chưa no và ngủ nằm ngay dưới đất trải tấm nylon. Tướng Nava thất bại, không phải bởi các phương tiện mà bởi trí thông minh và lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương”[5].
Vận tải thô sơ
(Nguồn ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)

Đoàn ngựa thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dân công hỏa tuyến dùng xe trâu vận chuyển vũ khí ra mặt trận.

Hiện vật "Xe đạp thồ" của ông Ma Văn Thắng hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Xe quệt vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hiện vật "Xe cút kít" tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Hòng ngăn chặn dòng thác người và các phương tiện vật chất đang chuyển từ hậu phương ồ ạt đổ ra chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương tăng cường tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt tất cả các tuyến đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ.

Trên các đoạn đường trọng điểm như Tuần Giáo-Điện Biên Phủ, Lai Châu-Sơn La, Cò Nòi-Yên Bái, không quân địch liên tục đánh phá 24/24 giờ. Riêng ngã ba Cò Nòi trọng điểm ác liệt thường xuyên chịu tới 69 tấn bom đạn trong một ngày. Trong cuốn “Trận chiến Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”-Jules Roy nói: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng chưa bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy…”.[6]
Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và do địch ngăn chặn, nhưng từng đoàn xe đạp thồ, ngựa thồ, từng đoàn thuyền lớn nhỏ của ta vẫn dũng cảm vượt bom đạn tiến về Điện Biên Phủ. Hàng chục vạn chị em dân công, thanh niên xung phong không quản hy sinh, ngày đêm băng rừng, lội suối lấy sức mình vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Phát huy sức mạnh của vận tải thô sơ cùng với vận tải của xe cơ giới đến đầu tháng 3/1954, trên 95% nhu cầu vật chất theo kế hoạch tác chiến đã được đưa đến khu vực tập kết của chiến dịch.
Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và do địch ngăn chặn, nhưng từng đoàn xe đạp thồ, ngựa thồ, từng đoàn thuyền lớn nhỏ của ta vẫn dũng cảm vượt bom đạn tiến về Điện Biên Phủ.
Theo các con đường Khâu Hu, Bản Tấu cho Đại đoàn 308 ở phía Tây, đường 43 vào Nà Lợi cho Đại đoàn 312 ở phía tây Bắc, theo các con đường kéo pháo cung cấp cho Đại đoàn 316 và các đơn vị khác ở phía Đông… lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược đã được đưa đến các kho hậu cần đại đoàn và trung đoàn, tạo điều kiện cho các đơn vị chiến đấu nổ súng theo đúng kế hoạch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch.
Ngày 13/3/1954, ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị vận tải trên tuyến hậu cần hỏa tuyến chuyển gạo, vũ khí tới các kho của các đại đoàn, dân công chuyển từ kho đại đoàn đến các trung đoàn, bảo đảm cho các đơn vị có hai ngày gạo dự trữ. Tuyến vận tải từ trung đoàn đến các tiểu đoàn, đại đội nằm trong tầm bắn của pháo binh địch, nhiều đoạn đi dưới giao thông hào, chiến sĩ vận tải và dân công mang theo gạo, đạn trên vai đi theo bộ đội. Ở chiến hào, gạo đạn dự trữ được để trong công sự đào sẵn, trong quá trình chiến đấu và sau trận chiến đấu kết thúc dân công vận tải chuyển sang làm nhiệm vụ tải thương, cứu chữa thương binh và theo các đường vận tải đến các mặt trận, các đội tải thương chuyển thương binh về đội điều trị trung đoàn, đại đoàn, sau đó thương binh được đưa về bệnh viện phía sau.
Bước vào đợt chiến đấu thứ hai chiến dịch với quyết tâm cao độ, phấn đấu liên tục và bền bỉ, đoàn xe thồ, lực lượng dân công hỏa tuyến vận tải đã vượt lên bom đạn địch, khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, vận tải thô sơ với hiệu suất và khối lượng ngày càng cao. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1954, khối lượng hàng vận tải trên mặt trận theo kế hoạch tác chiến đợt 2 đã vượt chỉ tiêu 8%; đồng thời, bảo đảm đủ và vượt chỉ tiêu 3% nhu cầu vật chất của bộ đội trong đợt tác chiến thứ ba. Hàng từ hậu phương chuyển lên nhiều, khẩu phần ăn của bộ đội được cải thiện hơn trước.
17 giờ ngày 7/5/1954, quân và dân ta giành thắng lợi hoàn toàn, đập tan tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố nhất của thực dân Pháp, nỗ lực chiến tranh cuối cùng của Pháp được Mỹ giúp sức đã bị sụp đổ. Thắng lợi đó là kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Việt Nam đã phát huy cao độ sức mạnh vật chất, tinh thần, vượt qua khó khăn gian khổ, phát huy tính sáng tạo để góp sức làm nên chiến thắng; trong đó vận tải thô sơ là một trong những minh chứng sức mạnh đó, tạo nên nét độc đáo của trận quyết chiến, chiến lược và để lại những kinh nghiệm quý được phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) và tiếp tục được kế thừa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nội dung: Thượng tá, ThS Nguyễn Văn Điền
Trung tá, ThS Hồ Nhật Vũ
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, TTXVN
(Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954 - 07/5/2019))