Văn hóa, con người Lào có nét nổi bật gì?

Nghi lễ Tắc Bạt tại Lào. (Ảnh: Xuân Sơn)

Nghi lễ Tắc Bạt tại Lào. (Ảnh: Xuân Sơn)

Nền văn hóa Lào được hình thành từ lâu đời, không ngừng phát triển theo thời gian và rất phong phú, đa dạng. Tuy có những nét chung của văn hóa Đông Nam Á, song văn hóa Lào có rất nhiều nét riêng, đó là bản sắc văn hóa của các dân tộc Lào.

Lào là xứ sở của lễ hội. Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng chia làm hai phần, phần lễ và phần hội. Mỗi năm Lào có 4 tết là Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán, Tết Bunpimay và Tết H'mong.

Ngoài ra còn các lễ hội: Bun PhaVet (Phật hóa thân) vào tháng 1; Bun VisakhaPuya (Phật Đản) vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao PhanSa (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10.

Lào là nước có tỷ lệ chùa so với dân số cao nhất thế giới, với 1.400 ngôi chùa, nổi tiếng như Pha That Luang, Wat Si Muang, Wat Sisaket... Chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó người dân Lào, cũng là nơi gắn kết các bộ tộc Lào. Lễ hội gắn với chùa chiền, là nơi để mọi người gặp gỡ, vui chơi và múa hát, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ cũng thể hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người Lào.

Chăm pa, hay còn gọi là hoa đại, là một loài hoa biểu tượng của đất nước và con người Lào. Hương sắc của hoa chăm pa phản ánh rõ tính cách, tâm hồn của dân tộc Lào, với những con người có một vẻ đẹp giản dị, chan hoà và chất phác, thật thà. Người dân Lào thường trồng hoa chăm pa để tô điểm cho vẻ đẹp thanh bình êm ả của đất nước và sống động hơn trong không khí lễ hội.