Ngay sau ngày thống nhất đất nước, nhiều học giả nghiên cứu không gian văn hóa Việt Nam đã đặc biệt lưu tâm đến việc phân vùng văn hóa cho đất nước Việt Nam thống nhất. Sự phân vùng văn hóa đã bảo đảm được tính thống nhất trong cái chung về bản sắc của không gian văn hóa quốc gia, song lại giữ nguyên được tính đa dạng và độc đáo của từng vùng miền văn hóa tạo thành một dòng chảy liên tục, xuyên thời gian.

DÒNG CHẢY ĐẶC BIỆT

Khi định vị không gian và loại hình văn hóa của Việt Nam, GS, VS, TSKH Trần Ngọc Thêm đã xác định hoàn cảnh địa lý, khí hậu Việt Nam có ba đặc điểm cơ bản: (1) Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa với lượng mưa trung bình hằng năm vào loại cao nhất thế giới. (2) Việt Nam là một vùng sông nước - và đây là hằng số địa lý quan trọng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. (3) Việt Nam nằm ở giao điểm của các luồng văn hóa, văn minh.

Do vị trí đặc thù ấy, Việt Nam đã là nơi hội tụ đủ mọi đặc trưng của văn hóa khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, nhiều nhà Đông Nam Á học đã ví Việt Nam như một Đông Nam Á thu nhỏ. Do vậy, sự thống nhất cùng một cội nguồn Đông Nam Á đã tạo ra bản sắc chung của văn hóa Việt Nam, còn tính đa dạng của điều kiện tự nhiên và của 54 tộc người cùng sống trên dải đất Việt Nam - lại làm nên những đặc trưng bản sắc riêng của từng vùng văn hóa trong không gian văn hóa Việt Nam.

Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và biến Việt Nam thành thuộc địa, người Pháp cai trị đã hiểu rất rõ sự thống nhất trong đa dạng này của không gian văn hóa Việt Nam, của sự trải dài như hình chữ S của địa - văn hóa Việt Nam, nên đã ráo riết và triệt để tiến hành công cuộc phân vùng văn hóa Việt Nam. Với mục đích chính trị “chia để trị”, chính quyền thực dân đã chia không gian văn hóa Việt Nam thành ba kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, với sự riêng rẽ, độc lập của mỗi kỳ, trong quản lý hành chính.

Sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, năm 1954, hòa bình lập lại ở miền bắc Việt Nam. Không gian văn hóa Việt Nam đã tạm bị chia tách thành hai miền, cho đến ngày 30/4/1975.

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, nhiều học giả nghiên cứu không gian văn hóa Việt Nam đã đặc biệt lưu tâm đến việc phân vùng văn hóa cho đất nước Việt Nam thống nhất. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều cách chia vùng văn hóa rất khác nhau: Ngô Đức Thịnh (1993) chia thành bảy vùng. Huỳnh Khái Vinh (1995) chia thành tám vùng. Đinh Gia Khánh (1995) chia thành chín vùng. Trần Quốc Vượng (1997) chia thành sáu vùng. Trong đó, cách chia sáu vùng văn hóa của Trần Quốc Vượng: Tây Bắc, Việt Bắc, Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên được coi là khách quan và hợp lý hơn cả và được sử dụng thống nhất trong giáo trình “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” cho bậc đại học ở Việt Nam và trong đời sống thực tế của sự phát triển xã hội Việt Nam hiện đại…

Cho đến khi Trần Ngọc Thêm, tác giả sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (tái bản có bổ sung và sửa chữa lần thứ nhất, năm 2021) đã đưa ra một cách chia rất mới, với hệ thống ba miền tám vùng văn hóa Việt Nam. Tác giả Trần Ngọc Thêm cho rằng: Đây mới là cách làm khoa học và hợp lý hơn cả. Theo đó, bản thân (miền) Bắc Bộ đã có ba vùng văn hóa: Tây Bắc, Việt Bắc, Bắc Bộ. Riêng Trung Bộ cũng có ba vùng văn hóa: Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Và Nam Bộ có hai vùng: Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Cách chia này của Trần Ngọc Thêm, thực tế, vẫn dựa trên cơ sở văn hóa theo cách chia ba vùng văn hóa lớn từ thời thuộc địa của Pháp.

Như thế, sau ngày 30/4/1975 lịch sử, cách phân vùng văn hóa của các nhà nghiên cứu Việt Nam đã được sử dụng và vận hành trong đời sống văn hóa của xã hội Việt Nam hiện đại.

Như ta đã thấy và đã nghiệm sinh, sự phân vùng văn hóa đã bảo đảm được tính thống nhất trong cái chung về bản sắc của không gian văn hóa quốc gia, song lại giữ nguyên được tính đa dạng và độc đáo của từng vùng miền văn hóa tạo thành một dòng chảy liên tục, xuyên thời gian. Cho đến nay, nếu tính từ ngày 30/4/1975, dòng chảy này đã có số tuổi là nửa thế kỷ, với nhiều thăng trầm, trong chiều hướng chung là tích cực và đi lên.

Các nghệ sĩ và du khách tham gia nhảy sạp tại Lễ hội Ẩm thực và Không gian văn hóa Tây Bắc. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Các nghệ sĩ và du khách tham gia nhảy sạp tại Lễ hội Ẩm thực và Không gian văn hóa Tây Bắc. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

NGUỒN ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ CHO SỰ PHÁT TRIỂN

Đối với không gian văn hóa Việt Nam thì các vùng văn hóa là những bộ phận khác nhau của sự thống nhất về không gian và toàn vẹn lãnh thổ. Cũng từ đấy, chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc là chính sách xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôn trọng việc phát huy và bảo tồn văn hóa dân tộc của từng vùng miền.

Nhờ có những chính sách được triển khai nhất quán trên cả nước, đã gìn giữ, bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, nhiều giá trị sau này đã được UNESCO công nhận và tôn vinh.

Tính đặc sắc của các di sản văn hóa đặt trong bối cảnh địa văn hóa cũng là yếu tố đã được UNESCO chú ý. Ví như Đờn ca tài tử Nam Bộ là đặc sản nghệ thuật của vùng văn hóa Tây Nam Bộ - đã có số tuổi hàng trăm năm hình thành và phát triển thành loại hình sân khấu cải lương Nam Bộ.

Nghệ thuật chèo sân đình lại có gốc gác từ hàng nghìn năm của riêng vùng văn hóa Bắc Bộ. Nghệ thuật tuồng đã được Việt hóa căn bản từ ảnh hưởng của nghệ thuật tuồng Trung Hoa, và đâm trổ ba cành nhánh xanh tươi: tuồng bắc-tuồng trung-tuồng nam, với màu sắc riêng biệt của nghệ thuật vùng miền.

Từ hàng nghìn năm, ở vùng văn hóa cổ Kinh Bắc, quan họ Bắc Ninh đã thành tài sản văn hóa phi vật thể của nghệ thuật dân gian Việt cổ xứ Kinh Bắc, với lễ hội hát quan họ thường niên vào mùa xuân - mùa lễ hội lớn nhất của văn hóa nông nghiệp cổ truyền Việt Nam.

Đặc biệt độc đáo là sự kiện văn hóa nghệ thuật mới nhất của xứ Kinh Bắc - MV Bắc Bling của nghệ sĩ trẻ Hòa Minzy, chính thức chạm mốc 107 triệu view chỉ sau 30 ngày ra mắt, đã thật sự gây một cơn chấn động trên thị trường âm nhạc Việt và âm nhạc giải trí toàn cầu.

Bắc Bling là một hiện tượng nghệ thuật bất ngờ tỏa sáng về cả giá trị văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần của một vùng văn hóa cổ truyền Việt Nam, được sáng tác và thể hiện bởi một chủ thể nghệ sĩ rất trẻ trung, hiện đại: Hòa Minzy, một ca sĩ hết lòng yêu quê hương Kinh Bắc, với những giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo, đã được chan hòa, quyến quyện với tình yêu thiết tha những giá trị văn hóa phương Tây của âm nhạc hiện đại - của một cá nhân nghệ sĩ trẻ.

Sự hiện diện rực rỡ bất ngờ của MV Bắc Bling đã chứng tỏ rằng đặc sản nghệ thuật của một vùng văn hóa Việt Nam hoàn toàn có thể kết hợp một cách hài hòa với đặc sản văn hóa âm nhạc phương Tây hiện đại, để cấu trúc nên một tác phẩm đương đại, vừa mang tính toàn cầu rộng lớn, trong chiều sâu thẳm của văn hóa truyền thống, và trong tính toàn cầu của văn hóa hiện đại, làm nức lòng khán giả yêu âm nhạc trong và ngoài nước.

Điều đó còn chứng tỏ rằng, đây là một dòng chảy văn hóa nghệ thuật đặc biệt, không đứt đoạn, xuyên qua thời gian và không gian văn hóa Việt Nam, và dòng chảy này ngày càng được thông suốt và lên hương, hàm chứa cả hương xưa truyền thống lẫn hương sắc hôm nay của thế giới hiện đại toàn cầu. Và mặc nhiên, dòng chảy này đã trở thành một nguồn động lực văn hóa mạnh mẽ cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật Việt hiện đại.

Giữ vững và tiếp nối liên tục bản sắc dân tộc trong văn hóa vùng miền, lan tỏa tinh thần ấy vào môi cảnh chung của vă hóa Việt Nam hiện đại và văn hóa toàn cầu, nhằm chống lại sự hòa tan trong hòa nhập, phải chăng là bài học lớn nhất về lý luận văn hóa và thực tiễn văn hóa, từ vấn đề thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, sau sự kiện lịch sử: Ngày 30/4/1975

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử của người dân Nam Bộ. Ảnh: TRẦN THỦ AN

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử của người dân Nam Bộ. Ảnh: TRẦN THỦ AN

Nội dụng: Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: Trần Thủ An, TTXVN