Không hẹn mà gặp, tình cờ qua Tân Kỳ nơi cột mốc Km0 của đường mòn Hồ Chí Minh đúng dịp Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường, dự buổi liên hoan văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An, chúng tôi bất ngờ được thưởng thức những tiết mục cồng chiêng của đồng bào Thổ. Theo chân đội cồng chiêng độc đáo này, chúng tôi về Giai Xuân, lại bất ngờ hơn khi được biết, có cả một câu lạc bộ đủ mọi lứa tuổi đang bền bỉ lưu truyền, lan tỏa những giá trị của văn hóa truyền thống.

Tiếng cồng chiêng lôi cuốn lòng người

Đối với đồng bào dân tộc Thổ, tiếng cồng, chiêng gắn bó với họ trong suốt cả cuộc đời, từ khi mới sinh ra cho tới lúc chết đi, trở về với tổ tiên. Từ khi còn nhỏ xíu, đã được cha mẹ bồng đi xem hát múa cồng chiêng. Khi lớn dần thì tiếng cồng chiêng cũng ngấm vào máu thịt, rồi biết đánh cồng chiêng thành thạo, biết hát, biết nhảy các điệu dân gian. Rồi lúc trưởng thành, nhờ các lễ hội cồng chiêng, các buổi hát đối để giao duyên, tìm kiếm bạn đời. Đến khi qua đời, cũng được tiếng cồng chiêng đưa tiễn.

Tuy nhiên, do những năm chiến tranh ly tán và nhiều điều kiện khác, văn hóa cồng chiêng của đồng bào Thổ ở Tân Kỳ cũng bị một thời gian dài mai một. Không có điều kiện để sinh hoạt, những bộ cồng chiêng vì vậy cũng bị bán đi, có khi trở thành “đồng nát”, có khi bị ‘biến tấu” thành những dụng cụ sinh hoạt khác. Mãi cho đến những năm 1990s, bà con nhớ tiếng cồng, tiếng chiêng, đã dần dà tụ họp nhau lại, đi gom nhặt từng chiếc cồng, chiếc chiêng, chỉnh âm chỉnh tiếng, cùng đánh cùng chơi, và múa hát. Dần dần, hình thành nên một câu lạc bộ cồng chiêng ở xã Giai Xuân.

Theo bà Trương Thị Thống, một thành viên câu lạc bộ Cồng chiêng xóm Long Thọ, xã Giai Xuân, cho biết: “Như dịp Tết ấy, mọi người còn đi đánh cồng chiêng, hát hò từ 30 Tết đến rằm tháng Giêng luôn. Cứ xóm này nghe xóm kia có cồng chiêng là rủ nhau cả đoàn sang chơi. Đánh cồng chiêng, hát hò đối đáp thâu đêm, đến sáng luôn. Mọi người đối đáp giỏi lắm. Nhiều người không biết chữ nhưng hát đối đáp rất hay”.

Bà con đồng bào dân tộc Thổ xã Giai Xuân biểu diễn tại lễ bế mạc các hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nghệ An. Ảnh: NAM ĐÔNG

Bà con đồng bào dân tộc Thổ xã Giai Xuân biểu diễn tại lễ bế mạc các hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nghệ An. Ảnh: NAM ĐÔNG

Câu lạc bộ Cồng chiêng của xã Giai Xuân được thành lập năm 2022. Nhưng từ trước đó rất lâu, mọi người vẫn thường hay tụ tập ở nhà bà Thống để chơi cồng chiêng, hát múa và đan võng gai. Mãi sau này thì mới tách ra thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và Tổ hợp tác đan võng gai riêng biệt.

Tại câu lạc bộ, các ông, các bà, các cô cùng dạy nhau đánh cồng chiêng, chia sẻ các điệu cồng chiêng của ông bà, cha mẹ mà mỗi người còn nhớ. Ở xã mọi người thường dạy nhau đánh cồng chiêng theo kiểu truyền miệng, theo trí nhớ, theo sự quan sát tự học hỏi.

Tay vuốt ve những chiếc cồng đen bóng, bà Thống giải thích cho chúng tôi: “Mình thấy người ta đánh rồi mình học theo thôi. Nghe tiếng mà học đánh. Bộ cồng có bốn cái thì có bốn âm tiết khác nhau và mình phải phân biệt được từng âm tiết. Nếu đánh sai thì nó lại chuyển thành làn điệu khác mất. Thí dụ, mình đánh “bôông bìì, bôông bìì...” hay “bôông bì, bôông bôông bì...”.

Nhiều người đối đáp giỏi lắm. Chữ thì không biết nhưng hát đối đáp thì biết. Rất nhiều đôi nhờ hát đối đáp mà yêu nhau, nên vợ nên chồng.
Bà Trương Thị Thống

Chị Tám kể: “Ngày xưa người Thổ làm gì có đài đóm, âm nhạc như bây giờ đâu. Các lễ hội chỉ có cồng chiêng thôi. Cồng chiêng xong là rủ nhau hát đối, hát giao duyên đến khuya, thâu đêm suốt sáng luôn. Trai gái nếu hợp và thích nhau thì sẽ hát đối giao duyên mãi, đến gần sáng là kết đôi lại để yêu nhau”.

Bà Võ Thị Nga chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Bà Võ Thị Nga chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Như để minh họa, bà Võ Thị Nga đang ngồi gần đó xán lại chỗ chúng tôi đang nói chuyện và rất tự nhiên, bà cất giọng hát:

-  Anh anh ơi, quê anh anh ở nơi đâu? Mà anh thả lưới buông câu chốn này.

- Em ơi, quê quán anh ở Giai Xuân. Xa xôi chi ở đó, mà lạ lắm chi đâu.

- Ước chi cho em (thành) vợ mà anh (thành) chồng. Cho em bồng con phượng, cho anh bồng con loan.

Theo bà Nga, đó là lời hát đối đáp giao duyên trong buổi sinh hoạt cồng chiêng của đồng bào. Giữa các lời hát, tiếng cồng chiêng lại ngân vang. Cứ hết một câu lại đánh một cấp, rồi lại đến lượt người hát. Vừa kể, gương mặt bà Nga như sáng ngời lên những nét đẹp của thời son trẻ…

Những giá trị độc đáo trước nguy cơ mai một

Một bộ cồng chiêng của người Thổ bao gồm bốn chiếc cồng, một cái trống và một kèn. Bốn chiếc cồng được treo trên một giá đỡ, lần lượt từ phải sang trái theo kích thước từ to đến nhỏ. Chiếc to nhất được gọi là cồng Cái (cồng mẹ hoặc cồng Một). Tiếp đó đến cồng con (cồng Hai), cồng chị (cồng Ba), và cuối cùng là cồng em (cồng Bốn).

Các bài nhạc cồng chiêng mà người Thổ được truyền lại từ thời ông bà, tổ tiên. Tùy theo tính chất của mỗi loại sự kiện thì người ta lại có một kiểu đánh cồng riêng. Có kiểu thì trầm lắng, lại có những kiểu thì rộn ràng, vui tươi. Thí dụ như cồng Tư thì đánh chầm chậm, nhẹ nhàng, nhanh hơn thì có cồng Ba, cồng Xẩm. Còn cồng Một chỉ dùng cho các đám tang hoặc chiêu hồn. Cồng chiêng đánh đệm cho hát đối (hát giao duyên) thì sẽ được đánh kiểu hơi trầm. Còn khi đánh cho mọi người nhảy múa thì phải nhịp điệu sẽ nhộn nhịp hơn. Cách đánh cồng của người Thổ cũng khác với người Thái. Người Thái đánh cồng nhanh và nhộn hơn, cồng của người Thổ thì chậm và da diết hơn.

Đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An hiện có khoảng hơn 70 nghìn người, phần lớn sinh sống ở khu vực miền núi Tây Bắc của tỉnh, tập trung chủ yếu tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ và thị xã Thái Hòa. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay đồng bào người Thổ ở Nghệ An vẫn duy trì được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc như trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ. Trong đó, nghệ thuật cồng chiêng đóng một vai trò quan trọng và thiêng liêng trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ.

Và đi cùng với cồng chiêng, thì không thể thiếu được những lời hát Dạ ời (hát đối). Đây là dạng ca hát ngẫu hứng đầy tính sáng tạo, là những màn đối đáp giữa một người nam và một người nữ hoặc giữa một bên nam và một bên nữ. Người tham gia không cần hát những bài có lời sẵn mà sẽ ứng tác theo hoàn cảnh để nghĩ ra các câu hát đối đáp nhau. Trai gái người Thổ trước đây cũng thường dùng cách này để giao duyên, kết nối tìm bạn đời.

Một bộ cồng chiêng của người Thổ bao gồm bốn chiếc cồng, một cái trống và một kèn. Chiếc cồng to nhất được gọi là cồng Cái (cồng mẹ hoặc cồng Một). Tiếp đó đến cồng con (cồng Hai), cồng chị (cồng Ba), và cuối cùng là cồng em (cồng Bốn).

Một bộ cồng chiêng của người Thổ bao gồm bốn chiếc cồng, một cái trống và một kèn. Chiếc cồng to nhất được gọi là cồng Cái (cồng mẹ hoặc cồng Một). Tiếp đó đến cồng con (cồng Hai), cồng chị (cồng Ba), và cuối cùng là cồng em (cồng Bốn).

Yêu cồng chiêng là thế, nhưng đã có những khoảng thời gian dài, bà con người Thổ không được đánh cồng chiêng, tụ tập vui chơi hát múa. Đó là hồi những năm 80, 90 của thế kỷ trước, do nhiều lý do khách quan, phong trào đánh cồng, chiêng ở Giai Xuân đã bị gián đoạn. Mãi đến sau này, khi làng được thành lập và đổi tên thành Long Thọ thì nghệ thuật cồng chiêng, hát múa mới quay trở lại.

Nhưng thật đáng buồn, trong suốt những năm tháng đó, do cồng chiêng không được sử dụng, lại gặp nhiều khó khăn về cuộc sống, hầu như các nhà trong xóm đều đã bán hết các bộ cồng chiêng, trong đó có những bộ rất cổ. Và thế là đến khi tìm cách khôi phục nghệ thuật cồng chiêng, chính quyền xã và từng xóm lại phải kêu gọi xã hội hóa, vận động dân đóng góp mua lại các bộ cồng chiêng mới.

Không chỉ có vậy, việc tìm kiếm, khôi phục các bài cồng chiêng cổ cũng là một công việc khó khăn. Từ xưa tới nay, các bài cồng, chiêng cổ thường chỉ được lưu truyền thông qua việc dạy truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do thời gian gián đoạn quá lâu, các vị cao niên trong xã lần lượt qua đời, mang theo các làn điệu, bài hát cồng chiêng cổ về bên kia thế giới, không kịp truyền lại cho con cháu. Những người biết đánh cồng, chiêng thế hệ trung niên thì dù yêu thích cồng chiêng không được nhắc nhớ nên quên khá nhiều. Bởi vậy, nếu không có sự quyết tâm của chính quyền xã và sự đồng lòng của bà con thì những giá trị của cồng chiêng kể như đứt đoạn.

Nỗ lực phục hồi và duy trì cồng chiêng qua các thế hệ

Ông Vũ Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Giai Xuân nói thông thạo tiếng Thổ, biết chơi cồng chiêng và mê hát Dạ ời. Nếu mới gặp thì ít người biết, vị cán bộ này là người Kinh và quê ở vùng xuôi lên Tân Kỳ công tác. Khi nói về cồng chiêng, ông Sơn say sưa kể về những màn hát đối đáp thâu đêm trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của bản làng.

Ông nói: “Đàn ông đàn bà ở đây ai cũng biết đánh cồng chiêng. Cứ nghe và xem người khác chơi lâu lâu là học theo được. Tôi không phải sinh ra ở đây, nhưng do tuổi trẻ ham vui, có lúc ngồi hát đối đáp đến 2 giờ sáng. Vì thế, đánh cồng, đánh chiêng hát đối, hát ghẹo tôi đều làm được, mỗi tội không hay thôi”.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Giai Xuân chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Giai Xuân chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Ông Sơn cho biết, xã Giai Xuân có tổng dân số hơn 9.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Thổ chiếm tới gần 70%. Từ nhiều năm nay, ngoài việc chú trọng phát triển đời sống kinh tế, các cán bộ xã luôn đau đáu tìm cách để khôi phục cồng chiêng và các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ.

Ông tâm sự, mặc dù chính quyền xã đã nỗ lực duy trì và phát triển các đội, câu lạc bộ nghề, nghệ thuật truyền thống, nhưng do ảnh hưởng từ bên ngoài, nhiều phong tục tập quán ở các xóm, làng đang dần bị mai một, nhiều giá trị văn hóa, văn nghệ dần bị lãng quên theo thời gian. Mặt khác, không gian dành cho văn hóa người Thổ đã bị thu hẹp, các nghi lễ truyền thống không còn được duy trì thường xuyên. Bởi vậy, ngoài các bà, các cô đứng tuổi, giới trẻ hiện không còn hứng thú nhiều với các điệu cồng chiêng, múa hát dân tộc nữa.

Điều này cũng được các thành viên trong câu lạc bộ cồng chiêng chia sẻ. Theo bà Tám, mặc dù các bà đã cố gắng lôi kéo thêm lớp trẻ tham gia câu lạc bộ để dạy đánh cồng chiêng, hát đối, nhưng do bị ảnh hưởng nhiều bởi các loại âm nhạc hiện đại, lại bận học nên không có nhiều cháu thích.

Biểu diễn văn nghệ tại Đại hội Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Thổ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Trung tâm Văn hóa huyện Tân Kỳ

Biểu diễn văn nghệ tại Đại hội Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Thổ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Trung tâm Văn hóa huyện Tân Kỳ

Theo lời kể của ông Sơn, từ khi ông còn làm Phó Chủ tịch, chính quyền xã đã đưa ra đề án xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, trong đó là có việc khôi phục cồng chiêng. Đến năm 2020, xã tiếp tục ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy một số bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Thổ trên địa bàn xã Giai Xuân, giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, chính quyền xã đặt mục tiêu, đến năm 2025, mỗi xóm phải có một bộ cồng chiêng, trống, kèn của xóm; sưu tầm, lưu giữ, phát huy và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ: hát dạ ời; hát tập tính, tập tang; đu du điềng điềng, ru con... thành lập một câu lạc bộ văn nghệ để tập luyện và duy trì các làn điệu văn hóa dân tộc Thổ. Hằng năm xã đều đưa ra kế hoạch triển khai cụ thể.

Mục tiêu đặt ra là như vậy nhưng khi đưa vào triển khai trong thực tế lại gặp phải vô vàn khó khăn. Do đứt đoạn một thời gian khá dài, các bộ cồng chiêng vốn có trong các gia đình hầu như không còn. Cả xã khi đó chỉ còn duy nhất một gia đình vẫn còn giữ được bộ cồng chiêng cổ. Việc tìm kiếm mua lại các bộ cồng chiêng cũ cũng không phải dễ bởi bà con bán đã lâu, lại toàn bán cân theo dạng “đồng nát”, bây giờ làm sao kiếm lại được.

Chính quyền xã đã phải tìm cách thuyết phục, vận động bà con đóng góp, đồng thời huy động nguồn vốn xã hội hóa để mua cồng, chiêng mới. Thế nhưng, chất lượng âm thanh của các bộ chiêng, cồng mới không được hay và chuẩn như chiêng cũ. Bà Thống kể: “Cái cồng cũ nó vọng lắm, không như cồng bây giờ. Ngày xưa, khi tôi lấy chồng ở dưới Nghĩa Phúc, cách đây phải bảy, tám cây số, nhưng khi tiếng cồng đánh lên thì ở đây cũng nghe thấy. Nghe là biết ngay cồng nhà mình. Mà bây giờ thì tiếng cồng chỉ vang xa được tầm hai, ba cây số thôi, xa hơn là khó nghe rồi”.

Câu lạc bộ đã thu hút được nhiều người trẻ tham gia.

Câu lạc bộ đã thu hút được nhiều người trẻ tham gia.

Đến nay, nhờ tình yêu cồng chiêng cùng những nỗ lực của chính quyền và người dân trong xã, phong trào khôi phục văn hóa truyền thống ở Giai Xuân đã bắt đầu gặt hái những kết quả tích cực. Các câu lạc bộ cồng chiêng, múa hát, dệt võng gai đã được thành lập, duy trì và biểu diễu thường xuyên. Các bà, các cô cũng đã huy động được một số lượng người trẻ tham gia tập đánh cồng chiêng, hát đối.

Bà Tám cho biết: “Bây giờ chúng tôi đang bày cho con cháu biết chơi, biết đánh cồng chiêng. Hát đối cũng phải dạy cho các cháu để chúng biết bên nam hát ra sao, bên nữ hát ra sao. Các cháu thích lắm”.

Tại hội diễn văn nghệ của đồng bào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, chúng tôi gặp bạn Nguyễn Văn Tuấn, một trong số các thành viên trẻ của câu lạc bộ cồng chiêng Long Thọ. Tuấn chia sẻ: “Hiện nhiều bạn trẻ đi làm xa, bị ảnh hưởng bởi văn hóa bên ngoài nên cũng quên dần các nét văn hóa của dân tộc mình. Bởi vậy em muốn tham gia câu lạc bộ để phát huy bản sắc dân tộc mình, những nét đẹp văn hóa mà ông cha để lại”.

Hằng năm, xã Giai Xuan đều tổ chức các chương trình thi văn nghệ và mỗi đội phải có một tiết mục mang bản sắc dân tộc mình.

Hằng năm, xã Giai Xuan đều tổ chức các chương trình thi văn nghệ và mỗi đội phải có một tiết mục mang bản sắc dân tộc mình.

Và để khuyến khích các xóm chú trọng hơn tới việc bảo tồn văn hóa truyền thống, hằng năm, xã đều tổ chức các chương trình thi văn nghệ và yêu cầu mỗi đội phải có một tiết mục mang bản sắc dân tộc mình. Tiết mục này sẽ được chấm điểm cao hơn và được tặng bằng khen. Ngoài ra, chính quyền xã còn muốn triển khai các biện pháp để khôi phục, bảo tồn các làn điệu, các bài cồng chiêng, đưa một số làn điệu dân ca của người đồng bảo Thổ vào dạy trong trường học. Tuy nhiên, những mong muốn này hiện vẫn chưa thể thực hiện được, bởi việc này đòi hỏi phải có nghệ nhân có trình độ, phải biên soạn thành sách, quay video để làm tư liệu lưu trữ.

Vượt qua bao thăng trầm, khó khăn để khôi phục và bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng, giờ đây các chị, các cô trong câu lạc bộ cồng chiêng xóm Long Thọ chỉ có một mong ước rằng những nỗ lực và tấm lòng của họ sẽ được lớp trẻ thấu hiểu và tiếp nhận. Để từ đó, sẽ góp tay cùng tiếp nối truyền thống tổ tiên, duy trì và phát huy ruyền thống nguồn cội văn hóa; góp phần đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Chia tay các bà, các cô, tiếng cồng chiêng, tiếng hát réo rắt vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi, như một lời chia tay lưu luyến các vị khách từ phương xa:

Đến đây chào khách đường xa,

Về đây đưa lễ quê nhà chúng tôi.

Cám ơn khách quý quan tâm,

Dân đây chỉ biết âm thầm nhớ thương.

Bà con đồng bào dân tộc Thổ xã Giai Xuân biểu diễn tại lễ bế mạc các hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nghệ An. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Bà con đồng bào dân tộc Thổ xã Giai Xuân biểu diễn tại lễ bế mạc các hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nghệ An. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ngày xuất bản: 10/6/2024
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh
Nội dung: Thành Châu-Nam Đông
Ảnh: Nam Đông-Thành Đạt; Trung tâm văn hóa huyện Tân Kỳ
Trình bày: Bảo Minh