Vì mục tiêu phát triển
bền vững
cho ngành nước

Nhà máy nước Quảng Châu do DNP Water đầu tư xây dựng tại Quảng Bình. Ảnh: Hương Nguyễn

Nhà máy nước Quảng Châu do DNP Water đầu tư xây dựng tại Quảng Bình. Ảnh: Hương Nguyễn

Xác định mục tiêu, nhiệm vụ sống còn của ngành là không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nước nhưng để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả, bên cạnh những bước đi cụ thể, căn cơ, điều mong mỏi và cũng là điều kiện tiên quyết là Nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết để ngành nước vận hành. Đây là ý kiến của những người đang hoạt động lâu năm trong ngành cấp nước.

Ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng Quản lý Thoát nước và Xử lý nước thải thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng):
Luật Cấp thoát nước sẽ là công cụ quản lý, phát triển ngành cấp nước hiệu quả và bền vững

Có một thực tế đang tồn tại, cấp nước là một trong những dịch vụ công thiết yếu với cộng đồng, nhưng đến nay ngành nước vẫn đang hoạt động vẫn chưa có một thể chế chính sách toàn diện, phù hợp để quản lý và hỗ trợ hoạt động cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng. Để đáp ứng đòi hỏi chính đáng đó, Bộ Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, hội nghề nghiệp liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước. Đây là lần đầu tiên, lĩnh vực cấp nước nói riêng, cấp thoát nước nói chung được nghiên cứu xây dựng công cụ pháp lý cấp luật chuyên ngành. Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua đưa Luật Cấp thoát nước vào chương trình xây dựng chính sách, pháp luật trước năm 2025.

Dự thảo Luật Cấp thoát nước định hướng một số nội dung cụ thể, chi tiết về lĩnh vực cấp nước, đó là: đầu tư phát triển cấp nước theo quy hoạch, định hướng, chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, đầu tư phát triển cấp nước, có tầm nhìn dài hạn; quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước, bảo đảm an ninh, an toàn cung cấp nước sạch; đổi mới quản lý dịch vụ cấp nước bảo đảm hài hòa lợi ích an sinh xã hội và sản xuất, kinh doanh hiệu quả; bảo đảm tài chính trong hoạt động cấp nước. Nhà nước kiểm soát giá nước sạch nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của cộng đồng. Chính quyền địa phương kiểm soát tổng mức đầu tư, các chi phí cấu thành giá nước sạch. Giá nước sạch được tính đúng, tính đủ, hướng tới giao cho doanh nghiệp quyết định giá nước sạch sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án giá; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về cấp nước.

Luật Cấp thoát nước khi vận hành sẽ là công cụ quản lý, phát triển ngành cấp nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành nhằm cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Chú trọng công tác bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng

Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang nghiên cứu xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại các kỳ họp Quốc hội trong năm tới. Theo đó, Dự thảo luật bổ sung một số điểm mới, như các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước ở trung ương và địa phương; tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước. Các quy định nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Quy định cụ thể về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước.

Các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, hướng tới mục tiêu Nhà nước ban hành chính sách, hậu kiểm, quản lý; doanh nghiệp thực hiện đầu tư công trình cấp nước; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Dự thảo luật đồng thời bổ sung nội dung lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực; quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước.

Ngành cấp nước được đầu tư công nghệ ngày một hiện đại.

Ngành cấp nước được đầu tư công nghệ ngày một hiện đại.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Nước AquaOne:
Cấp nước từ khu vực tư nhân cần sự tham gia, hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước

Ngành nước hiện là lĩnh vực rất tiềm năng và có nhiều dư địa để đầu tư phát triển. Việc xã hội hóa cấp nước đã và đang thúc đẩy được vai trò và đóng góp nguồn lực từ khu vực tư nhân, góp phần giảm gánh nặng về việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho đầu tư cung cấp nước sạch. Để phát triển các công trình cấp nước từ khu vực tư nhân, rất cần sự tham gia và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, cần có cơ chế ưu đãi hơn về cấp vốn đối với các dự án cấp nước. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án cấp nước đều huy động vốn từ các ngân hàng thương mại với lãi suất cao, chi phí tài chính lớn, cơ hội để được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi còn hạn chế.

Cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực cấp nước nông thôn và kiểm soát đầu tư hiệu quả. Khu vực nông thôn vốn có mật độ dân cư thưa, quy mô nhỏ, phân tán, mạng lưới đấu nối rộng, suất vốn đầu tư chi phí quản lý, vận hành bảo trì, bảo dưỡng lớn, tỷ lệ thất thoát nước cao dẫn đến giá thành lớn. Tuy nhiên, mức thu nhập và khả năng chi trả của người dân hạn chế cùng thói quen dùng nước tự khai thác, nên hiệu quả cấp nước thấp, thu hồi vốn chậm. Do đó, cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ chi phí giá thành sản xuất nước hợp lý, giúp người dân khu vực có mức thu nhập thấp cũng có thể được tiếp cận với nguồn nước sạch đầy đủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Cần thống nhất đơn vị cấp nước tại khu vực cấp nước đã được cấp chủ trương đầu tư. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư cần đáp ứng các tiêu chí điều kiện nhằm bảo đảm hệ thống vận hành quản lý an toàn, bền vững và hiệu quả. Thống nhất, bổ sung và hoàn thiện các quy định về thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) bảo đảm minh bạch rõ ràng đối với lĩnh vực cấp nước.

Nhà nước sớm ban hành Luật Quản lý cấp nước để tạo hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ cấp nước an toàn, bền vững cũng như thuận lợi cho các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý, giám sát hiệu quả quá trình thực hiện đầu tư...

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương (BIWASE):
Lựa chọn nguồn nước tương thích trong bối cảnh biến đổi khí hậu

BIWASE là chủ đầu tư của hệ thống Nhà máy nước Dĩ An 1, Nhà máy nước Dĩ An 2 tại TP Thủ Dầu Một, Nhà máy nước Tân Hiệp tại thành phố mới Bình Dương và một số nhà máy nước nhỏ ở các huyện. Ngoài hoạt động ở Bình Dương, BIWASE còn cấp cho khu vực TP Hồ Chí Minh với công suất tương đương 45.000 m3/ngày đêm và đầu tư ra ngoài tỉnh như ở Đồng Nai, Bình Phước, Cần Thơ.
Ở những nơi mà BIWASE đầu tư, chúng tôi luôn quan tâm đặc biệt công tác cấp nước an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ. BIWASE nhận thức rằng việc biến đổi khí hậu bây giờ không còn dự báo nữa mà đã xảy ra rồi. Mỗi địa phương có đặc điểm tự nhiên khác nhau, nguồn nước, lượng nước khác nhau. Riêng Bình Dương được thiên nhiên ưu đãi có 3 mặt giáp hai con sông lớn và một kênh dẫn nước lớn (hồ Phước Hòa về hồ Dầu Tiếng), do vậy Bình Dương có nhiều sự lựa chọn sao cho tối ưu nhất.

Ngay từ đầu, BIWASE ưu tiên lựa chọn nguồn nước thô (nguyên liệu đầu vào) sao cho có chất lượng ổn định cao nhất, chất lượng tốt nhất... Kinh tế chỉ là yếu tố xem xét. Nước sông Sài Gòn rất gần nơi tiêu thụ lớn, nhưng công suất khai thác chỉ đạt 30.000 m3/ngày đêm, trong khi đó phần còn lại trên 600.000 m3/ngày đêm, BIWASE chọn nguồn từ sông Đồng Nai vì có ưu điểm là lưu lượng dồi dào, chất lượng nước tốt hơn hẳn các nguồn khác, hàm lượng mangan và sắt ít hơn so với nước sông Sài Gòn. Do vậy, suốt nhiều năm qua, BIWASE luôn cấp nước ổn định 24/24 giờ và không phải dừng cấp nước để tu bổ nhà máy hay mạng lưới (nước từ nguồn sông Đồng Nai rất ít đóng cặn trong ống, do vậy duy trì được tuổi thọ của đường ống dẫn nước sẽ cao hơn).

Từ kinh nghiệm của BIWASE cho thấy, tiêu chí lựa chọn nguồn nước để đầu tư xây dựng nhà máy nước phải luôn đặt ưu tiên sự ổn định về lượng và chất. Không nên vì quá chú trọng đến kinh tế rồi có lúc gặp phải sự cố không bảo đảm an toàn nước.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Lâm Nhi-Đức Tuấn-Lâm Việt Tùng-Tiểu Vũ-Bình Nhi
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Nguyễn Hải, Trần Đức, Hương Nguyễn, Reuters, nguồn internet