Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 7/10/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu".

Tại hội thảo, TS. Dương Minh Huệ (Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã có bài tham luận với chủ đề "Vai trò, vị thế của thủ đô Hà Nội trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc". Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu nội dung bài tham luận.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ vị thế của Thủ đô Hà Nội: “Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế thì mỗi xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”[1]. Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là “vùng đất địa linh nhân kiệt”, với lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ khi được giải phóng đến nay (10-10-1954-10-10-2024), đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của Hà Nội, không ngừng đổi mới, phát triển để biến mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực, xứng đáng là trái tim của cả nước.

1. Vị thế Hà Nội trước ngày giải phóng

Mảnh đất Thăng Long - Hà Nội mang tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý, chính trị, kinh tế và văn hóa, con người. Sự hội tụ của các dòng cư dân về mảnh đất này diễn ra cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc đã làm cho Thăng Long - Kinh kỳ mang một nét đặc trưng riêng.

Hà Nội khởi đầu lịch sử với vị thế kinh thành của đất nước từ sự kiện vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô” mùa Xuân năm 1010, chuyển kinh đô nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Hà Nội) và đổi tên là Thăng Long (tháng 7 năm Canh Tuất). Trong “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ, một trong những lý do quan trọng nhất được nhà vua đưa ra là “muốn đóng đô ở nơi trung tâm mưu đồ nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Nhà vua nhận thấy vị trí quan trọng của vùng đất Thăng Long-Hà Nội: Ở vào nơi trung tâm trời đất, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng với vị trí giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, thuận theo chiều hướng núi sông quay vào, ngoảnh ra, đất rộng và bằng, cao và thoáng… Xem khắp đất Việt, chỉ có đây là nơi thắng địa. Thật là nơi hội tụ quan trọng của bốn phương, nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Sự kiện dời đô của Lý Thái Tổ đã mở đầu cho một thời kỳ ổn định về chính trị, củng cố và phát triển kinh tế - xã hội, là sự mở đầu cho việc xây dựng nền móng cho văn hiến của dân tộc ta và đặc biệt là văn hiến Thăng Long.

Chiếu dời đô bản chữ Hán. Chiếu dời đô là văn bản rất quan trọng, có ý nghĩa đối với lịch sử Việt Nam và lịch sử Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: baotanghanoi.com.vn)

Chiếu dời đô bản chữ Hán. Chiếu dời đô là văn bản rất quan trọng, có ý nghĩa đối với lịch sử Việt Nam và lịch sử Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: baotanghanoi.com.vn)

Từ năm 1010 đến năm 1788, Thăng Long liên tục giữ vai trò kinh đô của nước Đại Việt, tuy tên gọi có thay đổi như Đông Đô vào cuối đời Trần (1397) và Hồ (1400-1407), Đông Kinh thời Lê sơ (1428-1527) từ năm 1430, hay tên mang tính dân dã Kẻ Chợ thời kỳ phát triển của kinh tế hàng hóa, của đô thị thế kỷ XVII-XVIII.

Dưới thời Tây Sơn, năm 1788, vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân, rồi từ năm 1802, nhà Nguyễn chọn Phú Xuân - Huế làm kinh thành. Thăng Long trở thành thủ phủ của Bắc Thành, Cấm Thành và một phần Hoàng Thành. Bắc thành tương ứng với Bắc Bộ, nhưng thủ phủ vẫn là phủ Phụng Thiên, năm 1805, đổi là phủ Hoài Đức, gồm hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Năm 1831, nhà Nguyễn lập tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân, trong đó huyện Hoài Đức mở rộng thêm huyện Từ Liêm. Thành Hà Nội trở thành tỉnh thành của tỉnh Hà Nội và vẫn nằm trong sông về phía hữu ngạn sông Hồng.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Hà Nội lại khôi phục vị thế Thủ đô của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa

Thời Pháp thuộc tính từ năm 1882 đến năm 1945, từ nhượng địa của Pháp bên bờ sông Hồng, thành phố Hà Nội được mở rộng dần, đến năm 1899 bao gồm hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, một phần huyện Từ Liêm ở phía Tây và huyện Thanh Trì ở phía Nam. Năm 1903, vùng ngoại ô Hà Nội được mở rộng thêm về phía Đông, gồm một số xã thuộc tống Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Trong thời Pháp thuộc, Hà Nội đã có phần mở rộng sang bên kia sống Hồng, không còn là Hà Nội với nghĩa bên trong sông nữa. Năm 1945, với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Hà Nội lại khôi phục vị thế Thủ đô của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Từ khi tiếp quản Thủ đô, ngày 10-10-1954, cùng với quá trình phát triển kinh tế- xã hội, Hà Nội đã qua 4 lần điều chỉnh địa giới: 1961, 1978, 1991, 2008.

2. Hà Nội - Ngọn cờ đầu trong Tổng Khởi nghĩa tháng Tám

Tháng 8-1945, trước những thuận lợi của tình hình quốc tế và phong trào cách mạng trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngày 15-8-1945, được tin Nhật chính thức đầu hàng, Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương.

Cùng ngày, Hội nghị cán bộ quân sự bất thường được Thành ủy Hà Nội triệu tập tại chùa Hà để bàn về công tác quân sự chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Ngày 16-8-1945, Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị cán bộ mở rộng thông báo Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng - Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội.

Chiều 17-8-1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Tổng hội viên chức tổ chức cuộc mít tinh hô hào nhân dân ủng hộ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim, song đã bị Ủy ban Quân sự cách mạng chiếm lấy diễn đàn để tuyên truyền cách mạng. Những tổ chiến đấu, những tuyên truyền viên xung phong đã thi hành nhiệm vụ; nhiều lá cờ đỏ sao vàng, trong đó một lá cờ đỏ sao vàng lớn đã phủ kín mặt trước lễ đài; tiếng reo hò của quần chúng ủng hộ Mặt trận Việt Minh lên cao và cuộc mít tinh này đã chuyển sang biểu tình, tuần hành do các đội tự vệ chiến đấu dẫn đầu đi từ Nhà hát Lớn qua các phố trung tâm, với các khẩu hiệu được hô vang: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”…

Ngày 17/8/1945, từ cuộc biểu tình do Tổng hội Viên chức ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim biến thành cuộc biểu dương lực lượng của Việt Minh khởi động cuộc nổi dậy. (Ảnh tư liệu)

Ngày 17/8/1945, từ cuộc biểu tình do Tổng hội Viên chức ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim biến thành cuộc biểu dương lực lượng của Việt Minh khởi động cuộc nổi dậy. (Ảnh tư liệu)

Có thể nói, đây chính là những phút giây đầu tiên của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội. Trước khí thế cách mạng của quần chúng và tình hình của địch, tối 17-8- 1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp Hội nghị mở rộng, bàn cụ thể kế hoạch khởi nghĩa và dự kiến tiến hành vào ngày 19-8-1945. Sáng 19-8-1945, từ các cửa ô, quần chúng nhân dân giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ tiến về Nhà hát Lớn và trung tâm thành phố tham gia khởi nghĩa tạo khí thế cách mạng mạnh mẽ.

Trưa cùng ngày, cuộc mít tinh trọng thể tại Nhà hát Lớn đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang, tuần hành thị uy của gần 20 vạn người. Tối ngày 19-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp, thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời, ra mắt sáng ngày 20-8-1945. Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội thắng lợi.

Hà Nội khởi nghĩa thành công là ngọn cờ đầu, lan nhanh, vang dội đi khắp nơi; có tác động quyết định, cổ vũ và tạo điều kiện để nhân dân các địa phương trên cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền… Cả nước theo gương, vận dụng kinh nghiệm khởi nghĩa ở Hà Nội, nhất tề đứng lên khởi nghĩa thành công, giành độc lập cho dân tộc. Đồng thời, Hà Nội khởi nghĩa thành công đã tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền cách mạng chủ động chuẩn bị cho ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 19/8/1945, từ cuộc biểu dương lực lượng của Việt Minh ở quảng trường Nhà hát Lớn phát triển thành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Thủ đô Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Ngày 19/8/1945, từ cuộc biểu dương lực lượng của Việt Minh ở quảng trường Nhà hát Lớn phát triển thành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Thủ đô Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

3. 60 ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội - Mở đầu bản hùng ca chống Pháp

Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. (Ảnh tư liệu: Cục di sản văn hoá)

Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. (Ảnh tư liệu: Cục di sản văn hoá)

Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, cả Hà Nội hình thành thế trận, mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố.

Do vị trí đặc biệt, nên Thủ đô Hà Nội được quân Pháp coi là mục tiêu chiến lược, “chặng cuối cùng của sự nghiệp giải phóng”. Vì vậy, chúng đã tập trung lực lượng lớn nhất tại đây và dùng nhiều thủ đoạn hòng nhanh chóng đánh úp, lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ. Nắm chắc dã tâm của kẻ thù, Đảng nhận định: “Nhất định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội đã anh dũng mở đầu cuộc kháng chiến của toàn dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần bình tĩnh, tự tin, quyết thắng. Nhằm giành quyền chủ động, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng Tổng chỉ huy, 20 giờ 03 phút ngày 19-12-1946, đèn điện toàn Thành phố phụt tắt - đó là tín hiệu tiến công - pháo ở các pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo bắn vào Thành Hà Nội, mở đầu cuộc chiến 60 ngày đêm khói lửa.

Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, cả Hà Nội hình thành thế trận, mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố. Trong những ngày ác liệt đó, đồng bào và chiến sĩ Thủ đô đã sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, đạt hiệu quả cao. Quân và dân Hà Nội còn dũng cảm đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, dùng chai xăng crếp đốt cháy xe bọc thép, ôm bom ba càng xông vào xe tăng, dùng súng trường bắn rơi máy bay địch. Nhiều trận đánh quyết liệt diễn ra ở khắp Thành phố, năm cửa ô không lúc nào im tiếng súng.

Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, giam chân chúng trong Thành phố vượt thời gian dự kiến, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Mặt trận di chuyển về căn cứ an toàn. 60 ngày đêm chiến đấu giam chân địch, Hà Nội thực sự tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách, trí tuệ Việt Nam, trở thành biểu tượng hào hùng của sức mạnh tiến công và toàn dân đánh giặc, của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

4. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm oanh liệt

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không chỉ đem lại niềm tin to lớn cho quân và dân ta, mà còn được đánh giá là một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, để lại nhiều bài học quý giá; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng, cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bè bạn quốc tế và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Cuối năm 1972, Việt Nam và Mỹ có thể đã đi tới một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhưng Washington lại quyết định dùng sức mạnh của "át chủ bài" cuối cùng là máy bay ném bom chiến lược B52, để âm mưu “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, sử dụng sức mạnh quân sự để buộc Niệt Nam phải chấp nhận những điều kiện áp đặt của Mỹ trên bàn đàm phán. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân lập kế hoạch sử dụng máy bay B52 đánh phá Hà Nội mang tên "Chiến dịch Linebacker II". Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tổng thống Nixon ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.

Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Trước tình hình đó, quân đội Việt Nam đã triển khai, bố trí lực lượng đối phó với quân địch, đồng thời lên kế hoạch sơ tán người dân đến khu vực an toàn. Sau 4 ngày khẩn trương thực hiện, Hà Nội đã chuyển ra khỏi nội thành 26 vạn người.

Thực tế là, không phải đến cuối năm 1972, mà ngay từ 7 năm trước đó - năm 1965, khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam, tiến hành “chiến tranh cục bộ” và bắt đầu sử dụng lực lượng ném bom chiến lược B52 trên chiến trường, trong một lần đến thăm bộ đội phòng không Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”[2].

Lần đầu tiên trong lịch sử "siêu pháo đài bay B52thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất

Trong 12 ngày đêm khói lửa (từ ngày 17/12 - 29/12/1972), Mỹ đã huy động 663 lượt máy bay B52, 3.920 lượt máy bay chiến thuật tấn công Hà Nội và các tỉnh miền Bắc của Việt Nam; thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kì từ năm 1969 đến 1971. Chỉ trong 12 ngày đêm, lần đầu tiên trong lịch sử "siêu pháo đài bay B52thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác, bắt 43 phi công Mỹ (có 33 phi công B-52) làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

5. Phát huy vị thế, vai trò Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến trong thời kỳ đổi mới

Từ năm 1986, khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, kế thừa, phát huy thành tựu, kinh nghiệm, nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Thành ủy, tạo bước chuyển biến mới trên mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ.

Trên lĩnh vực kinh tế, trên cơ sở đường lối đổi mới về kinh tế của Đảng và các bước phát triển về nhận thức đổi mới tư duy kinh tế của Đảng qua mỗi thời kỳ, Đảng bộ Hà Nội đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của Đảng bộ. Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ X (10/1986) xác định rõ mục tiêu phát triển sức sản xuất, mọi công việc phải lấy hiệu quả kinh tế-xã hội làm mục tiêu, đồng thời: “đổi mới quản lý, xóa bỏ lối quản lý quan liêu bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa lấy kế hoạch hóa làm trung tâm. Sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hóa-tiền tệ và thị trường trong cơ chế kế hoạch hóa như một thể thống nhất hữu cơ...xây dựng cơ cấu kinh tế bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế đối ngoại”.[3]

Bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ Hà Nội đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn những bước ban đầu của thời kỳ đổi mới về tính tất yếu khách quan của phát triển kinh tế thị trường, giải phóng sức sản xuất là tiền đề quan trọng trong quá trình lãnh đạo thực hiện vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X (17/10/1986). (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X (17/10/1986). (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Năm 2008 với những lợi thế về mở rộng địa giới hành chính, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XIV, XV có những bước đột phá về nhận thức và tư duy đổi mới về giải phóng sức sản xuất và chuyển dịch cơ chế quản lý. Đảng bộ xác định đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, coi trọng việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế. Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII (2020) tiếp tục xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và giao Thành ủy Hà Nội tập trung xây dựng 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội trong giai đoạn 2020 - 2025 và các chỉ tiêu, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước[4].

Văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội phát triển; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh xứng đáng với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Từ năm 1986, Đảng bộ Thành phố Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc, nơi gìn giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú, Hà Nội với bề dày ngàn năm văn hiến luôn đi đầu trong phát triển văn hóa. Đảng bộ Hà Nội xác định phải tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, đề ra những mục tiêu cụ thể để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, bảo đảm sự phát triển bền vững. Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO - một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô.

Sự nghiệp khoa học và công nghệ được đẩy mạnh, hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới, đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung lãnh đạo xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ Thủ đô, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI), góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế tri thức. Giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục được đổi mới, phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân có nhiều tiến bộ. Đảng bộ Thành phố chỉ đạo ngành y tế thực hiện các giải pháp đồng bộ, tích cực để từng bước triển khai các hoạt động y tế, chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, sức khỏe của nhân dân; khắc phục tình trạng quá tải của các bệnh viện. Tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội đạt 75,5 tuổi, cao hơn mức chung của cả nước 1,9 tuổi, tăng 0,6 tuổi so với năm 2009[5]. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế 90,1%; lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội đạt 37,5%, tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 32%[6]. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công, hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững; quốc phòng và quân sự địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của Thủ đô được chú trọng và đạt kết quả toàn diện. Hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện.

Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Thành phố tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới... Duy trì và phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương với vai trò thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết Trung ương (4, 6, 7 khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt kết quả toàn diện và quan trọng; củng cố các cơ sở đảng yếu kém; giải quyết tốt nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, tạo nền tảng xây dựng Đảng bộ Thành phố trong sạch, vững mạnh.

Xuất phát từ vị thế là Thủ đô - Trung tâm, đầu não kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội trong suốt mọi thời kỳ của lịch sử dân tộc, luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt khó đã tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, mở rộng dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Những thành tựu, kinh nghiệm đúc kết được sau gần 40 năm đổi mới, 16 năm mở rộng địa giới hành chính, hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, hơn 7 năm thực hiện Luật Thủ đô và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 giúp cho thế, lực và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Ngày xuất bản: Tháng 10/2024
Nội dung: TS. Dương Minh Huệ (Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Trình bày: Thùy Lâm
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN, Bảo tàng Hà Nội, Cục Di sản văn hoá