Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Bình:
“Bác sĩ trước hết phải là người thân của người bệnh”
“Bệnh nhân không chỉ cần một phác đồ điều trị cá thể hóa, mà còn cần truyền cho họ tư tưởng lạc quan. Những người bệnh về máu, nhất là máu ác tính, tư tưởng chiếm vai trò quan trọng để chống chọi lại bệnh. Vì thế trong điều trị, bác sĩ không chỉ đơn thuần quan tâm đến phác đồ, mà cần phải thật sự là người thân của người bệnh”, nghe Tiến sĩ Bình nói dứt lời, tôi mới hiểu, vì sao những chia sẻ của ông trên fanpage của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương về điều trị bệnh máu ác tính, lại có sức hút với rất đông người bệnh và người nhà người bệnh.
Trong hành trình 40 năm thành lập và phát triển Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Phó Viện trưởng, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Bình đã có 20 năm cùng các đồng nghiệp ghi dấu ấn trong hành trình cập nhật những kỹ thuật mới và nâng cao chất lượng điều trị. Đã có rất nhiều bệnh nhân kéo dài sự sống, đẩy lùi bệnh tật nhờ bàn tay và trái tim nhân ái của những bác sĩ như ông.
Những bước phát triển mạnh mẽ của ngành huyết học
Những năm 2000, bệnh lý huyết học gần như là nhóm bệnh lý chưa có chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh. Với những bệnh ở nhóm tiên lượng nặng, sự sống vô cùng ngắn ngủi. Thí dụ như, bệnh nhân bị Đa u tủy xương đến viện trong trạng thái nặng, tế bào ác tính tăng sinh phá hủy xương thành nhiều ổ khiến người bệnh chỉ nằm một chỗ và tử vong nhanh trong 12 tháng. Nhiều bệnh nhân mắc ung thư máu, sự sống chỉ tính bằng tuần hoặc tháng.
Công tác tại Khoa Bệnh máu tổng hợp gần 15 năm, chứng kiến những người bệnh không may mắn chấm dứt cuộc sống, khiến Tiến sĩ Bình và các đồng nghiệp luôn đau đáu, mong muốn đưa ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị để giành giật sự sống cho người bệnh.
Vừa làm, vừa cập nhật kiến thức mới trên thế giới, mạnh dạn ứng dụng vào thực tiễn, từ các phương pháp hóa trị liệu tới sinh trị liệu, giờ đây, những người không may mắc bệnh máu ác tính, đã thật sự bước sang một trang khác cuộc đời.
“20 năm qua, thật sự chuyên ngành huyết học đã phát triển mạnh mẽ”, Tiến sĩ Bình tự hào nói khi cả 2 lĩnh vực truyền máu và huyết học đều có những bước tiến không ngừng. Trong lĩnh vực truyền máu, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương trở thành trung tâm tiếp nhận và cung cấp máu lớn nhất cả nước với việc tiếp nhận khoảng 500 nghìn đơn vị máu/năm, bảo đảm an toàn truyền máu ở mức độ cao cho toàn quốc, không để xảy ra tình trạng khan hiếm máu điều trị vào những dịp cao điểm.
Với lĩnh vực huyết học, ngày càng đông bệnh nhân được phát hiện bệnh lý chuyên sâu về máu và phát hiện từ giai đoạn sớm. Với sự ra đời của nhiều loại thuốc mới, cùng các phương pháp kỹ thuật được cập nhật từ thế giới, các bệnh nhân ung thư nói chung và bệnh lý ung thư huyết học có nhiều cơ hội để điều trị bệnh của mình có hiệu quả cao.
Ông kể, những năm 2020, bệnh U lym pho, Đa u tủy xương tiên lượng sống thấp, nhưng đến nay nhờ chẩn đoán được các đột biến và đưa vào các loại thuốc điều trị nhắm đích chuyển đổi gene, bệnh nhân gần như khỏi bệnh hoàn toàn trở về cuộc sống bình thường, có người sống 20-30 năm như bệnh Lơ xê mi kinh dòng hạt. Hàng loạt thuốc điều trị nhắm đích được sản xuất để điều trị cho bệnh lý ung thư và huyết học nên nhiều bệnh nhân ung thư như ung thư vú, gan, phổi tế bào không nhỏ, ung thư huyết học được kéo dài cuộc sống đôi khi không còn biểu hiện của bệnh khi đi thăm khám thông thường.
Bước tiến của hóa trị liệu sang sinh trị liệu được hiện thực hóa bằng nhiều ca bệnh lui bệnh hoàn toàn. Nếu trước đây, hóa trị liệu là phương pháp cứu cánh cho người bệnh máu ác tính nhưng nhiều tác dụng phụ, có người không đáp ứng, tỷ lệ tử vong sớm cao thì với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, thuốc điều trị đích đã tiêu diệt đúng đích tế bào ung thư, giảm tác dụng phụ của hóa trị liệu và đạt hiệu quả điều trị cao.
Với một số bệnh về máu, hiện các thầy thuốc đã giải được trình tự gene và tìm được các đột biến ở trên nhóm bệnh máu, từ đó đưa ra được tiên lượng và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp để cải thiện thời gian sống thêm của bệnh nhân. Nhờ đó, những người không may mắc bệnh đa u tủy xương có thể kéo dài sự sống từ 2-3 năm lên 10 năm. Với người bị u lympho (ung thư hạch) khi sử dụng phác đồ sinh hóa trị, cuộc sống của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, từ 30% sống thêm 3 năm đạt mức 55-60% sống thêm 5 năm.
“Các thuốc điều trị nhắm đích, phương pháp sinh trị liệu là xu hướng điều trị rất hiệu quả cho bệnh nhân ung thư nói chung, huyết học nói riêng, cải thiện sống thêm cho bệnh nhân, đặc biệt giảm tác dụng phụ cho người bệnh”
Chuẩn hóa quy trình điều trị, phát triển kỹ thuật mới và làm chủ kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu trở thành cứu cánh cho người bệnh thời gian gần đây. Nhờ đó, một số bệnh không có thuốc điều trị như Lơ xê mi cấp, Suy tủy xương, Thalassemia… đã điều trị dứt điểm bệnh. Từ ghép tự thân hoặc ghép tế bào gốc đồng loài từ anh chị em ruột phù hợp HLA hoàn toàn thì với sự phát triển của kỹ thuật mới, các bác sĩ tiến hành ghép tế bào gốc được cho bệnh nhân phù hợp không hoàn toàn, phù hợp một nửa, ghép tế bào cuống rốn hoặc ghép tế bào gốc trung mô. Nhờ triển khai được nhiều kỹ thuật ghép để cứu sống người bệnh nên không bị thiếu nguồn tế bào gốc để ghép cho người bệnh.
“Đến nay, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã ghép hơn 650 bệnh nhân và họ thật sự được cứu sống. Nhờ thành tựu này, bệnh nhân không phải đi nước ngoài điều trị, giảm rất nhiều chi phí điều trị cho bệnh nhân ghép tế bào gốc”
Ông hào hứng kể về một ca bệnh đặc biệt trong đời điều trị của ông 3 năm trước, bệnh nhân là thanh niên hơn 30 tuổi chưa lập gia đình. Bệnh nhân tự dưng bị liệt 2 chân do u tủy, và đã được mổ ở một bệnh viện ngoại khoa. Tuy nhiên, sau ca mổ, tình trạng không hồi phục và tìm ra bệnh ung thư máu, cảm thấy tương lai gần như chấm hết. Cho tới khi tới Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương làm các xét nghiệm chuyên sâu về máu, anh được chẩn đoán đúng bệnh đa u tủy xương và ngay lập tức đưa vào trị liệu. Chàng thanh niên 30 tuổi từ đó đã bước sang một trang mới cuộc đời với đôi chân hồi phục hoàn toàn. “Nếu không được chẩn đoán bệnh, bệnh nhân sẽ bị liệt suốt đời, thậm chí tử vong vì nhiều biến chứng”, Tiến sĩ Bình chia sẻ.
Có một số người bệnh bị chẩn đoán nhầm ở các tuyến khác, cho tới khi đến Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương mới tìm ra căn nguyên bệnh tật để được điều trị tận gốc. “Có bệnh nhân mang khối u lớn và đã được điều trị bằng phương pháp cũ nhưng không đáp ứng, u bị vỡ gây ra nhiễm trùng. Nhưng hiện nay, nhờ điều trị nhắm đích, những bệnh nhân như vậy đã triệt tiêu được khối u. Hiệu quả tới mức các kết quả sau này không phát hiện ra người bệnh từng có khối u”, bác sĩ Bình nói.
Dành trọn tâm huyết cho người bệnh
Tròn 20 năm theo ngành huyết học, Tiến sĩ Bình bảo, người chọn cho ông theo ngành y chính là bố mình vì “ông muốn có một người chăm sóc sức khỏe trong gia đình”. Vì sự tin tưởng của bố, chàng thanh niên Vũ Đức Bình đã rẽ từ ý định thi ngành kinh tế, hàng hải sang học bác sĩ quân y tại Học viện Quân y. Sau 6 năm học bác sĩ đa khoa, theo sự phân công của tổ chức, ông đi học chuyên sâu về ngành huyết học và tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa 1 loại xuất sắc.
Sau thời gian ngắn rời khỏi môi trường quân đội về công tác tại Bệnh viện hữu Nghị Việt Xô, ông bước chân sang Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và gắn bó tại đây từ năm 2004. Trải qua nhiều thăng trầm cùng ngành huyết học, ông và các đồng nghiệp đã cùng tạo nên những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật điều trị cho người mắc bệnh máu.
20 năm qua, Tiến sĩ Vũ Đức Bình cũng là cái tên rất hot trên fanpage của Viện, khi chia sẻ kiến thức về các bệnh lý cho người nhà người bệnh và người bệnh, giúp người bệnh yên tâm vào phác đồ điều trị của bệnh viện.
Sau những giờ làm quản lý tại bệnh viện, ông cùng các đồng nghiệp vẫn giành thời gian viết những hướng dẫn chăm sóc cho người bệnh thuộc các nhóm bệnh như: Ung thư hạch, Đa u tủy xương, Thalassemia… và nhiều bệnh lý khác để người bệnh có cuốn sổ tay gối đầu giường. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia giảng dạy đào tạo, hỗ trợ cho các khoa Huyết học-Truyền máu và khoa U bướu của các bệnh viện về cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý trên như Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện đa khoa Nghệ An, Bệnh viện U bướu Nghệ An, Trung tâm Huyết học-Truyền máu Hải Phòng, Trung tâm Huyết học-Truyền máu Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên…
Cùng với các cán bộ huyết học, ông đã đặt chân tới bao nhiêu mảnh đất, tham gia sàng lọc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) cho đồng bào dân tộc vùng cao. Ông vẫn nhớ như in gương mặt thất thần của một gia đình nghèo khi con mình sinh năm 2007 được sàng lọc bệnh Thalassemia và phát hiện ung thư máu cấp tính ở Hà Giang một năm trước. Khi đó, cháu bé 12 tuổi chưa có biểu hiện lâm sàng, nhưng các kết quả xét nghiệm cho thấy mắc bệnh Lơ xê mi cấp. Nhà nghèo, cha mẹ chỉ nhìn nhau rưng rức khóc. Đoàn công tác đã ngay lập tức thông báo cho Sở Y tế tỉnh Yên Bái và gia đình, đưa cháu bé về Hà Nội chẩn đoán chuyên sâu và đưa vào điều trị hóa trị liệu. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng cháu bé không thể qua khỏi”, Tiến sĩ Bình buồn bã nói.
Những ngày đại dịch Covid-19 tàn phá TP Hồ Chí Minh, ông xung phong cùng các đồng nghiệp vào tuyến đầu nóng bỏng, 45 ngày bám trụ điều trị cho người bệnh. Ông bảo, ông xung phong đi với mục đích, động viên tinh thần cho các nhân viên y tế. Và với xuất phát điểm là một bác sĩ quân y, là một người lính nên việc ra trận tuyến đó cũng không có gì đáng cân nhắc.
“Tôi đi chống dịch đúng thời điểm TP Hồ Chí Minh căng thẳng nhất với tinh thần người lính. Đặc biệt, giai đoạn này nhiều bệnh nhân Covid-19 mắc rối loạn đông máu rất nặng, nên những bác sĩ huyết học như chúng tôi đã tập trung toàn lực lượng tư vấn hội chẩn cho các ca bệnh rối loạn đông máu nặng”, Tiến sĩ Bình kể.
Trong 138 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/10/2021, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương vinh dự có Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Trưởng đoàn công tác số 1 của Viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách).
Suốt 20 năm công tác tại viện, ông tham gia nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ; là nghiên cứu viên của 3 nghiên cứu đa quốc gia, đa trung tâm; là chủ nhiệm đề tài và nghiên cứu viên của trên 60 công trình nghiên cứu khoa học về chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân bệnh máu.
Gắn bó với Khoa Bệnh máu tổng hợp, ông trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bệnh máu, đặc biệt nhóm bệnh Đa u tủy xương, U lympho, Hội chứng rối loạn sinh tủy, Hội chứng tăng sinh tủy… và đã có không ít bệnh nhân coi ông như người cha, người chú trong gia đình vì sự ân cần trong công tác điều trị.
“Tôi vẫn luôn nói với bệnh nhân của mình, nếu biết mình mắc bệnh ung thư đừng quá hoang mang, lo lắng. Mắc bệnh ung thư không phải là một dấu chấm hết mà đấy chỉ là cơ thể mình chuyển sang một trạng thái mới, trạng thái thích nghi với điều trị bệnh lý ung thư. Khi có tư tưởng thoải mái, họ mới sẵn sàng tự tin chống đỡ với điều trị và phối hợp điều trị”
Tự nhận mình chỉ là một bác sĩ làm ở bệnh viện đầu ngành và còn nhiều người có kiến thức giỏi, chuyên sâu hơn mình, Tiến sĩ Vũ Đức Bình khiêm tốn bảo, trong điều trị, ông xác định không có phác đồ nào cố định cho bệnh nhân mà tính cá thể có vai trò quan trọng. Do đó, phải căn cứ từng tình trạng người bệnh để có quyết định phù hợp.
Ông cũng tâm sự, tư tưởng người bệnh là mảng các nhân viên y tế hay quên lãng trong điều trị. Nếu tư tưởng người bệnh thoải mái, tin vào thầy thuốc, họ sẽ có năng lượng để sẵn sàng đối chọi với bệnh tật thì khi đó, việc đáp ứng điều trị tốt hơn, tỷ lệ khỏi bệnh cao hơn. Người bi quan thì kết quả điều trị sẽ rất thấp. “Trong điều trị các bệnh về máu ác tính, có nhiều yếu tố người bác sĩ là người làm chuyên môn cần phải quan tâm đến chứ không chỉ quan tâm tới thuốc”, ông giãi bày.
Thời gian này, Tiến sĩ Vũ Đức Bình đang gấp rút cùng các đồng nghiệp, làm việc với Viện Sức khỏe Hoa Kỳ để tiến tới triển khai liệu pháp CAR-T tại Việt Nam. Kỹ thuật đang được nghiên cứu ứng dụng điều trị ung thư ở thế giới và được cho là biện pháp cuối cùng hiện nay điều trị cho những trường hợp bệnh máu ác tính mà đã bất thành với các phương pháp điều trị cũ. Với giá thành rất cao và nhiều kỹ thuật triển khai phức tạp, ông bày tỏ hy vọng trong 2-3 năm tới, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương sẽ làm chủ được và đưa kỹ thuật này vào ứng dụng cứu sống người bệnh.
“2-3 năm là khoảng thời gian rất gấp rút và chúng tôi rất mong sớm đưa liệu pháp này vào điều trị. Phương pháp này sử dụng tế bào T của bệnh nhân được thu thập từ máu, được cảm nhiễm, nuôi cấy và nhân lên, có khả năng nhận diện và tấn công tế bào ung thư hiệu quả. Tôi chỉ mong mỏi, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội tạo cơ chế, chính sách để các loại thuốc điều trị ung thư mới nhưng giá thành còn đắt đỏ được sớm đưa vào điều trị cho người bệnh để họ kéo dài sự sống”, Tiến sĩ Vũ Đức Bình tâm sự.
Ngày xuất bản: 4/1/2025
Nội dung: NAM ĐÔNG - THIÊN LAM
Trình bày: DIỆP LINH