Việt Nam giàu tiềm năng tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp và năng lượng tái tạo

Nhận định, tín chỉ carbon ở nước ta đang có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lưu ý, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, kinh doanh tín chỉ carbon; thiết lập hạ tầng phục vụ cho việc vận hành thị trường carbon và xây dựng các tiêu chuẩn tín chỉ carbon theo các ngành, lĩnh vực cụ thể. Báo Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu chung quanh chủ đề này.

Việt Nam là một trong năm quốc gia có nhiều dự án CDM nhất thế giới

Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có tiềm năng về tín chỉ carbon. Ông có thể đánh giá và phân tích cụ thể hơn về thực trạng và tiềm năng này?

Tại Việt Nam, việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Trong những năm qua, Việt Nam có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon như CDM, Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Cơ chế theo tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế theo tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS). Trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp khoảng 40,2 triệu tín chỉ carbon và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Tính riêng tín chỉ carbon thu được từ các chương trình, dự án theo cơ chế CDM, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có nhiều dự án CDM nhất trên thế giới và đã đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ carbon. Hiện nay, tín chỉ carbon ở nước ta đang có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo. Để tạo tín chỉ carbon phải được đăng ký theo các tiêu chuẩn tín chỉ carbon.

Có thể nói, thị trường tín chỉ carbon trên thế giới đang rất phát triển và có những tiêu chuẩn chung mà chúng ta buộc phải đáp ứng. Ở Việt Nam, “sân chơi” này đang được vận hành ra sao và chúng ta có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Việc phát triển thị trường carbon là nhằm mục tiêu hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính, có tính đến lợi ích của doanh nghiệp với chi phí thấp. Trên thế giới hiện có 34 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng thuế carbon; 48 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng thị trường carbon; trong đó có một số quốc gia áp dụng hỗn hợp cả hai loại công cụ này, có thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc.

Thị trường carbon tự nguyện có nhiều loại tiêu chuẩn tín chỉ carbon được áp dụng, bao gồm cả tiêu chuẩn do Liên hợp quốc ban hành (Cơ chế CDM) và các tiêu chuẩn do một số tổ chức quốc tế ban hành (Cơ chế GS, Cơ chế VCS). Tiêu chuẩn đối với thị trường carbon bắt buộc tùy thuộc vào quy định của quốc gia, có thể chỉ áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hoặc bao gồm cả các tiêu chuẩn chung quốc tế.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia các cơ chế theo thị trường tự nguyện với các quốc gia, tổ chức quốc tế. Việt Nam đã tham gia tích cực thực hiện các dự án theo Cơ chế CDM, Cơ chế JCM, các chương trình trao đổi kết quả giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính từ rừng và trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, các chương trình, dự án đều phải tuân thủ tiêu chuẩn của cơ chế hợp tác song phương hoặc đa phương.

Việt Nam đang hoàn thiện cơ sở pháp lý và thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước, trao đổi kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon quốc tế thông qua các chương trình, dự án được ký kết thỏa thuận. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon để có cơ sở pháp lý phát triển thị trường carbon, trao đổi tín chỉ carbon.

Chúng ta có thuận lợi là đã có các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon tự nguyện từ sớm thông qua các cơ chế CDM, JCM và có nhiều tiềm năng thực hiện các biện pháp giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính. Tuy nhiên, để thành lập và vận hành thị trường carbon, chúng ta còn thiếu thông tin, dữ liệu làm cơ sở xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp; thiếu nguồn nhân lực có trình độ, am hiểu sâu về xây dựng, đăng ký, thực hiện, thẩm định dự án tạo tín chỉ carbon; chưa có các tiêu chuẩn tín chỉ carbon nội địa.

Cần hiểu đúng và đủ về tín chỉ carbon

Nếu chỉ nhìn vào tiềm năng và giá tín chỉ carbon thì ai cũng nghĩ đây là một cơ hội để kiếm tiền nhưng thực tế, việc triển khai giảm phát thải khí nhà kính cần phải được đầu tư về mặt công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, vận hành hệ thống và rất nhiều vấn đề khác nữa. Ông nhận định như thế nào về khía cạnh này?

Để có được kết quả giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon thường đi kèm với đầu tư phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phải thực hiện tuân thủ các phương pháp luận và tiêu chuẩn nhất định. Doanh nghiệp và người dân có thể có thêm nguồn thu từ tín chỉ carbon, nhưng cần hiểu rõ nguồn thu này chỉ là giá trị tăng thêm khi có đầu tư cho các hoạt động giảm phát thải bao gồm đầu tư công nghệ, vận hành hệ thống và phải được thực hiện theo các phương pháp luận và tiêu chuẩn tạo tín chỉ carbon; để tạo ra tín chỉ carbon cần thực hiện từ 2 đến 4 năm và phải thuê đơn vị độc lập thẩm định. Thực tế đã có những doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dự án tạo tín chỉ, nhưng đã bỏ cuộc do phải tốn chi phí thẩm định độc lập và phí cấp tín chỉ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon với lộ trình đưa thị trường carbon đi vào hoạt động chính thức từ năm 2028. Vậy, lộ trình xây dựng sàn giao dịch carbon đã và đang được xây dựng như thế nào, thưa ông?

Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ mô hình thị trường và việc xây dựng sàn giao dịch carbon để sớm được vận hành. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP để thiết lập cơ sở pháp lý cho vận hành thị trường carbon và trao đổi tín chỉ carbon. Trong giai đoạn đầu, các cơ sở, doanh nghiệp phát thải lớn thuộc các lĩnh vực nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi-măng sẽ được Nhà nước phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thực hiện trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch. Dự thảo Nghị định cũng đề xuất các quy định trao đổi tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

Cần giải pháp tổng thể, chuẩn bị toàn diện

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề này. Theo ông, Việt Nam cần có những giải pháp tổng thể gì để xây dựng hiệu quả thị trường carbon góp phần đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia?

Như đã nêu ở trên, việc phát triển thị trường carbon nhằm mục tiêu hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính, có tính đến lợi ích của doanh nghiệp với chi phí thấp. Trong bối cảnh các quốc gia đều phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã đề ra mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để phát triển thị trường carbon ở nước ta, cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, kinh doanh tín chỉ carbon; thiết lập hạ tầng phục vụ cho việc vận hành thị trường carbon và xây dựng các tiêu chuẩn tín chỉ carbon theo các ngành, lĩnh vực.

Thứ hai, cần đề xuất danh mục hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích trao đổi tín chỉ carbon với các đối tác quốc tế, là những biện pháp ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi chi phí lớn mà Việt Nam khó thực hiện để thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế hỗ trợ.

Thứ ba, các bộ quản lý lĩnh vực chuyên ngành cần xác định rõ tiềm năng giảm phát thải, bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia để làm cơ sở trao đổi kết quả giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính với quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Thứ tư, cần chuẩn bị nhân lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện cần thiết để vận hành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Thứ năm, cần đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển thị trường carbon, trao đổi tín chỉ carbon trong nước và với quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Ánh Tuyết-Vũ Thành-Sơn Bách-Thúy Hà-Công Lý
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Hà An, Phan Thanh Cường, Khánh An, Lưu Hương, Bảo Thắng, A.I