
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 8, từ ngày 5 đến 8/11/2024. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mê Công (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc.
Đây là các hội nghị định kỳ của GMS, ACMECS và CLMV, cũng là những hoạt động cấp cao trực tiếp đầu tiên của các cơ chế này kể từ năm 2018. Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính thành công nhằm tiếp tục khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác GMS, ACMECS và CLMV, đồng thời thể hiện vai trò nòng cốt, sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng Mê Công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN)
GMS được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ, thành lập năm 1992. GMS có sự tham gia của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc (hai tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).
GMS nhằm thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột, bao gồm kết nối, cộng đồng và năng lực cạnh tranh, trong 10 lĩnh vực, gồm nông nghiệp, năng lượng, môi trường, y tế, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, du lịch, giao thông, cạnh tranh thương mại và phát triển đô thị.
Sau hơn ba thập kỷ phát triển, GMS đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong hỗ trợ tiểu vùng Mê Công kết nối cơ sở hạ tầng và phát triển các hành lang kinh tế.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 7 (tháng 9/2021), GMS đã đạt được một số kết quả quan trọng triển khai Khung chiến lược GMS 2030, trong đó huy động được khoảng 107 tỷ USD vốn đầu tư vào 435 dự án của tiểu vùng cho giai đoạn 2021-2026.
Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 7 diễn ra ngày 9/9/2021 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: VGP)
Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 7 diễn ra ngày 9/9/2021 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: VGP)
Cơ chế ACMECS được thành lập tháng 11/2003 tại Hội nghị cấp cao Bagan theo sáng kiến của Thái Lan, với sự tham gia của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
ACMECS là cơ chế hợp tác nội khối duy nhất có sự tham gia đầy đủ của năm nước tiểu vùng Mê Công, với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế để phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của các nước thành viên.
ACMECS nỗ lực huy động nguồn lực để triển khai một số dự án hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, kết nối hạ tầng mềm, phát triển các kỹ năng thông minh và nâng cao năng lực của đội ngũ y tế.
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ACMECS lần thứ 5, ngày 3/11/2022. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ACMECS lần thứ 5, ngày 3/11/2022. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Hội nghị cấp cao CLMV được tổ chức lần đầu tháng 11/2004 tại thủ đô Viêng Chăn của Lào trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10, với mục tiêu hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập vào tiến trình phát triển chung của khu vực.
Hợp tác CLMV tập trung sáu lĩnh vực, gồm thương mại và đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Các nước thành viên CLMV thời gian qua tập trung triển khai Khung khổ phát triển CLMV, trong đó có một số dự án nâng cao năng lực và tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại, đầu tư.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 16, các nước thông qua Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2025-2026, với năm trụ cột hợp tác, gồm thương mại và đầu tư, triển khai các cam kết khu vực, phục hồi sau đại dịch, triển khai Khung khổ phát triển CLMV và phát triển nguồn nhân lực.
Hai cơ chế ACMECS và CLMV góp phần thúc đẩy phối hợp chính sách, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 16, ngày 18/9/2024. (Ảnh: Nhandan.vn)
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 16, ngày 18/9/2024. (Ảnh: Nhandan.vn)
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 14, ngày 16/9/2022. (Ảnh: Nhandan.vn)
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 14, ngày 16/9/2022. (Ảnh: Nhandan.vn)
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch CLMV lần thứ 6, ngày 3/11/2022. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch CLMV lần thứ 6, ngày 3/11/2022. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)
Những lĩnh vực hợp tác mới là nguồn xung lực mạnh mẽ định vị các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV không chỉ là các cơ chế hạt nhân truyền thống trong hợp tác tiểu vùng; mà còn là những cơ chế tiên phong đưa tiểu vùng Mê Công lên một tầm cao mới trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình
Tại Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 8, Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 10 và Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 11, bên cạnh các vấn đề truyền thống như kinh tế, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư,kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới, trong đó nổi bật là đổi mới sáng tạo.
Việt Nam luôn coi trọng các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công, trong đó coi GMS và ACMECS là các cơ chế có ý nghĩa chiến lược, gắn với các đối tác quan trọng hàng đầu; coi CLMV là cơ chế nhằm gia tăng sự hỗ trợ và quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của tiểu vùng Mê Công.
Tại các cơ chế GMS, ACMECS và CLMV, Việt Nam thể hiện sự tham gia chủ động, tích cực, thể hiện trách nhiệm đóng góp vào lợi ích chung của khu vực, nâng cao hiệu quả hợp tác tiểu vùng, huy động hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt với việc các nước đẩy mạnh tập hợp lực lượng thông qua các sáng kiến và cơ chế đa phương.
Tại tiểu vùng Mê Công, các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đa chiều đến các nước. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh các chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng các công trình trên sông Mê Công, các nước tiểu vùng Mê Công còn gia tăng phối hợp, hợp tác tại các cơ chế tiểu vùng nhằm ứng phó hiệu quả các thách thức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF, diễn ra tại Trung Quốc, ngày 25/6/2024. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF, diễn ra tại Trung Quốc, ngày 25/6/2024. (Ảnh: TTXVN)
Chuyến công tác cũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển tốt đẹp, với điểm nhấn là các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước thời gian qua, trong đó có chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc (tháng 6/2024) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (tháng 10/2024).
Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây cũng tiếp tục được thúc đẩy, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam-Quảng Tây đạt khoảng 36 tỷ USD, kim ngạch thương mại Việt Nam-Vân Nam đạt 2,6 tỷ USD.
Trong chuyến công tác tại Trung Quốc, bên cạnh việc tham gia chương trình nghị sự của các hội nghị cấp cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ thăm và có các hoạt động quan trọng tại tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh.
Điều này thể hiện sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Việt-Trung, nhất là trong việc thúc đẩy triển khai nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên từ góc độ các địa phương.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai
Trong bối cảnh này, chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 8 của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với nước chủ nhà Trung Quốc, cũng như mong muốn tăng cường tin cậy chính trị và duy trì đà phát triển của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chụp ảnh chung trước hội đàm, Hà Nội, ngày 13/10/2024. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chụp ảnh chung trước hội đàm, Hà Nội, ngày 13/10/2024. (Ảnh: TTXVN)
Chuyến công tác cũng khẳng định, Việt Nam ủng hộ Lào trên cương vị nước Chủ tịch ACMECS; mong muốn củng cố đoàn kết giữa các nước tiểu vùng Mê Công, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa năm nước thành viên ACMECS vì sự phát triển của tiểu vùng, trong các lĩnh vực, như quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, ứng phó biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, kết nối khu vực toàn diện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Tham dự Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 11, Việt Nam thể hiện mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên CLMV trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, kết nối doanh nghiệp, tạo thuận lợi về thương mại và đầu tư, cũng như tăng cường vai trò ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.
Chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả và nâng tầm đối ngoại đa phương, cũng như Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/5/2023 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược đối với hợp tác tiểu vùng Mê Công đến năm 2030.
Ngày xuất bản: 4/11/2024
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN – MINH ANH
Trình bày: NHÃ NAM
Nguồn tư liệu: BỘ NGOẠI GIAO