
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4/2025.
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ tư của đồng chí Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, là chuyến thăm thứ 2 trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta và Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong thời gian chưa đầy một năm sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư Tô Lâm. Chuyến thăm càng thêm ý nghĩa khi được tiến hành trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1950-2025).
Tôi tin tưởng rằng bên cạnh việc tiếp nối và duy trì các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước trong những năm gần đây, chuyến thăm sẽ để lại dấu ấn lịch sử, tiếp thêm động lực mạnh mẽ và tạo nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong giai đoạn mới; tiếp tục đưa ra những bố trí chiến lược, những định hướng quan trọng, đưa quan hệ Việt-Trung tiếp tục phát triển vững chắc, bền chặt, gặt hái nhiều thành tựu mang tính đột phá vì lợi ích phát triển của mỗi nước.
- Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chụp ảnh chung, ngày 19/8/2024. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chụp ảnh chung, ngày 19/8/2024. (Ảnh: TTXVN)
Tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trong chặng đường 75 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính. Hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của mỗi nước. Đặc biệt, từ sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 đến nay, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng được thúc đẩy phát triển lên tầm cao mới, đạt được rất nhiều dấu ấn quan trọng.
Sau khi hai nước ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược (tháng 12/2023), quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo quỹ đạo thuận lợi hơn, có những bước chuyển rõ nét, khá toàn diện theo định hướng “6 hơn”, được hai bên đánh giá là tốt nhất từ sau bình thường hóa quan hệ đến nay.
Vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc được nâng cao. Trung Quốc tỏ rõ sự ưu tiên, coi trọng quan hệ với Việt Nam. Cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành sự quan tâm cao đối với sự phát triển quan hệ Việt-Trung; là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam nhiều nhất trong lịch sử. Sự tin cậy chính trị giữa hai đồng chí Tổng Bí thư được củng cố, mới nhất là thông qua chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024) và cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng (tháng 1/2025).

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình, các chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước thời gian qua đã định hướng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững, theo định hướng “6 hơn”.
Ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD (tăng 17,46% so với cùng kỳ). Về đầu tư, năm 2024, Trung Quốc đứng đầu về số dự án cấp mới với 955 dự án, đứng thứ 3/110 đối tác đầu tư vào Việt Nam về số vốn với 4,73 tỷ USD (tăng hơn 3,05%). Lũy kế đến 31/12/2024, Trung Quốc tiếp tục đứng thứ 6/148 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 5.111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 30,83 tỷ USD, chiếm hơn 6,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong tháng 3/2025, Trung Quốc đứng thứ 2 về tổng số vốn đăng ký, đạt 1,23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,5%.
Về du lịch, năm 2024 Việt Nam đón 3,74 triệu lượt khách Trung Quốc (tăng 114% so với năm 2023), chiếm 21,26% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đứng thứ hai sau Hàn Quốc. Trong ba tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón 1,58 triệu lượt khách Trung Quốc vào Việt Nam, tăng 178% so với cùng kỳ, đứng đầu trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam.
Giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, văn hóa giữa hai nước diễn ra hết sức sôi động.
Hai nhà lãnh đạo tại lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước, diễn ra tại Bắc Kinh, ngày 19/8/2024. (Ảnh: TTXVN)
Hai nhà lãnh đạo tại lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước, diễn ra tại Bắc Kinh, ngày 19/8/2024. (Ảnh: TTXVN)
Truyền thông Trung Quốc từng nhiều lần khẳng định, quan hệ Việt-Trung phát triển tích cực, lâu dài phù hợp với nhu cầu của hai nước và người dân. Theo TTXVN, trả lời phỏng vấn của Thời báo Hoàn Cầu, giáo sư Phan Kim Nga, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ mật thiết ngay từ giai đoạn đầu thành lập Đảng, với sự tương đồng về niềm tin và lý tưởng. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống này có lịch sử lâu đời, là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng tìm tòi con đường phát triển đất nước giữa nhân dân hai nước.
Ông Vu Hướng Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc), nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc nằm trong chỉnh thể chiến lược đối ngoại và chiến lược phát triển đất nước, vừa có nhu cầu chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội, hiện đại hóa đất nước, vừa có đòi hỏi về chính trị là kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay, cả Trung Quốc và Việt Nam đều mong muốn thúc đẩy sự phát triển, thịnh vượng của kinh tế thế giới và tiến trình toàn cầu hóa.
Ngày 19/8/2024, tại Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 19/8/2024, tại Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước. (Ảnh: TTXVN)
Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc các thời kỳ” nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025”.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc các thời kỳ, ngày 20/3/2025. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc các thời kỳ, ngày 20/3/2025. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là dịp để chia sẻ về quan hệ hữu nghị Việt-Trung, đặc biệt là truyền tải thông điệp về vai trò, quyết tâm của học sinh, sinh viên hai nước qua các thời kỳ đối với việc thúc đẩy tầm nhìn cho kỷ nguyên phát triển mới của mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ hai dân tộc anh em.
Vui mừng nhận thấy thanh niên hai nước đang phát huy tốt vai trò “sứ giả văn hóa trẻ”, là những nhịp cầu nối liền tình hữu nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, thế hệ trẻ luôn được lãnh đạo hai Đảng, hai nước đặc biệt quan tâm và kỳ vọng sẽ kế thừa truyền thống hữu nghị, mang đến sức sống mãnh liệt và tương lai tươi sáng cho quan hệ Việt-Trung; thế hệ trẻ hai nước chính là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc đưa quan hệ Việt-Trung phát triển tốt đẹp, thực sự hiệu quả, bền vững lâu dài.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một số gợi mở đối với thanh niên, thế hệ trẻ hai nước.
- Một là, cần nâng cao nhận thức sâu sắc về bề dày lịch sử, ý nghĩa quan trọng và tầm cao chiến lược của quan hệ Việt-Trung, thanh niên hai nước có vinh dự và trách nhiệm tiếp nối, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.
- Hai là, cần nỗ lực học tập, rèn luyện, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ để đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển lực lượng sản xuất mới ở mỗi nước, củng cố nền tảng vật chất của quan hệ hai nước.
- Ba là, đổi mới sáng tạo công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung, đẩy mạnh các chương trình giao lưu, hợp tác thiết thực, hiệu quả, làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận thanh niên, tăng cường giao lưu học sinh, sinh viên, hợp tác giáo dục và đào tạo.
Trong khi đó, ôn lại những dấu mốc lớn trong lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ bày tỏ kỳ vọng thế hệ trẻ, lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc sẽ tiếp tục kế thừa, gìn giữ và phát huy tốt truyền thống hữu nghị, tài sản chung quý báu của hai dân tộc.
Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tiếp tục đi sâu trao đổi chiến lược, đánh giá về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, đặc biệt là kết quả đạt được trong việc thực hiện những thỏa thuận chung cấp cao, xác định các phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc phát triển ổn định, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
- Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình
Việc đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam là hoạt động đối ngoại có ý nghĩa hết sức quan trọng, lâu dài đối với quan hệ hai Đảng, hai nước; khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; khẳng định sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai nước đối với việc củng cố quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển vững chắc, ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.
Ngày xuất bản: 13/4/2025
Chỉ đạo thực hiện: Chu Hồng Thắng - Phạm Trường Sơn
Nội dung: Minh Hằng - Nguyễn Hà
Trình bày: Nhã Nam
Nguồn: Bộ Ngoại giao, TTXVN