
Năm 2025 đánh dấu ba sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam và quan hệ Việt Nam và Mỹ: 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025); 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ (1995-2025); và 80 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-2025). Những cột mốc này không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà còn phản ánh sự chuyển biến lớn lao trong quan hệ giữa hai quốc gia từng là cựu thù.
Nhân dịp này, phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Nhân dân, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), nguyên Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.
PV: Thưa ông, từng là một người lính trực tiếp tham gia chiến đấu và sau này đảm nhiệm công tác đối ngoại, ông có suy nghĩ gì khi nhìn lại hành trình hòa giải và phát triển quan hệ Việt Nam và Mỹ?
Đại sứ Bùi Thế Giang: Cuộc đời tôi gắn với Mỹ từ cả hai mặt: tiêu cực và tích cực. Nhà tôi ở thị xã Bắc Giang thủa ấy từng hai lần trúng bom Mỹ. Cuộc đời sinh viên đại học của tôi bị ngắt quãng khi tôi xung phong nhập ngũ lên đường đánh Mỹ. Sau chiến tranh, tôi được tuyển dụng làm công tác đối ngoại, trong đó có tham gia nhiều nhiệm vụ trực tiếp liên quan tới Mỹ và quan hệ Việt – Mỹ như là một trong hai người Việt Nam đầu tiên từ Việt Nam du học tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Paul Nitz (SAIS) thuộc Đại học Johns Hopkins (JHU) của Mỹ từ tháng 9/1993 khi Mỹ còn chưa dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam, hoặc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ việc đón tiếp năm đời Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam. Tất cả những việc đó giúp tôi hiểu nhiều hơn về Mỹ, về quan hệ Việt – Mỹ và về quá trình bình thường hoá và phát triển quan hệ giữa hai nước.
Quan hệ Việt - Mỹ có thể được coi là một mối quan hệ đặc biệt. Hai nước có những giao lưu tích cực từ rất sớm. Năm 1787, chỉ 11 năm sau khi nước Mỹ tuyên bố độc lập, Hoàng tử Cảnh, con trai của vua Gia Long, khi tới Paris (Pháp) đã gặp Tham tán Toàn quyền Đại sứ quán Mỹ tại Pháp Thomas Jefferson, người sau này trở thành Tổng thống thứ 3 của Mỹ, để trao đổi vể việc đưa giống lúa từ Việt Nam về trồng tại Mỹ. Hai nước lại cũng trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc, kéo dài, để lại những hậu quả không thể sớm khắc phục.
Năm 2025, chúng ta kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Mỹ; và 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Tuy nhiên, đối với quan hệ Việt – Mỹ, còn phải kể tới một sự kiện quan trọng nữa, đó là kỷ niệm 80 năm quan hệ hợp tác giữa Việt Minh và OSS (Cơ quan Tình báo Chiến lược của Mỹ) khi đó hoạt động ở khu vực này nhân danh phe Đồng minh.
Đại sứ Bùi Thế Giang.
Đại sứ Bùi Thế Giang.
PV:Ông có thể nói rõ hơn về mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Minh và OSS?
Đại sứ Bùi Thế Giang: Trong những năm giữa thập niên 1940 khi chúng ta phải đồng thời kháng chiến chống Pháp và Nhật, Bác Hồ đã chỉ thị cho bộ đội, dân quân và nhân dân ta cứu giúp phi công Mỹ gặp nạn và báo cho Việt Minh. Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ tờ truyền đơn do Bác Hồ thiết kế, trên đó có hai câu thơ: "Quân đội Mỹ là bạn ta/Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh."
Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ tờ truyền đơn do Bác Hồ thiết kế, trên đó có hai câu thơ: "Quân đội Mỹ là bạn ta/Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh."
Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ tờ truyền đơn do Bác Hồ thiết kế, trên đó có hai câu thơ: "Quân đội Mỹ là bạn ta/Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh."
Không chỉ là người chỉ đạo chiến lược, mà chính Bác Hồ đã từng băng rừng, lội suối để đưa viên Trung uý phi công Mỹ William Shaw bị pháo cao xạ Nhật bắn rơi sang Côn Minh (Trung Quốc) bàn giao cho Lực lượng Không quân số 14 của Mỹ đóng tại đó. Bác đã được thu xếp gặp Thiếu tướng Claire Chennault là đại diện cao nhất của Mỹ và Đồng minh ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Cuộc gặp này là khởi đầu cho một thỏa thuận: Việt Minh sẽ cứu các phi công Mỹ gặp nạn, đồng thời thu thập thông tin liên quan quân đội Nhật, chuyển cho phía Mỹ (nhân danh Đồng minh), còn phía Mỹ thông qua OSS sẽ hỗ trợ thông tin, vũ khí và huấn luyện cho bộ đội Việt Minh. Đây là cơ sở để Bác Hồ chỉ huy xây dựng một sân bay dã chiến cỡ nhỏ tại Lũng Cò (Tuyên Quang) để chuẩn bị đón hàng và người của phía Mỹ, còn phía Mỹ quyết định cử Thiếu tá Allison Thomas, và 9 quân nhân thuộc Nhóm Tình báo Chiến lược “Con nai” lần lượt nhảy dù xuống Tân Trào tháng 7/1945, gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giúp huấn luyện kỹ chiến thuật tác chiến và cung cấp vũ khí cho lực lượng Việt Minh non trẻ của chúng ta, và cùng chúng ta thành lập đơn vị vũ trang hỗn hợp Việt - Mỹ gồm khoảng 200 người mang tên Đại đội Việt - Mỹ, sau Đại hội quốc dân Tân Trào xuất quân tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, rồi tiến về Thủ đô Hà Nội.

PV: Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta năm 1945 có ý nghĩa gì, thưa ông?
Đại sứ Bùi Thế Giang: Trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã trích dẫn 2 văn bản quan trọng, gồm Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, trong đó câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ là: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."
Có lẽ trên thế giới, không có quốc gia nào trích Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ để đưa vào tuyên ngôn độc lập của nước mình. Bác Hồ là người đi nhiều, biết rộng, hiểu sâu văn hoá, lịch sử và ngôn ngữ của nhiều quốc gia, nhiều nền văn mình nhân loại. Bởi vậy, việc chọn và trích dẫn những câu trên đây từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ để đưa vào Tuyên ngôn Độc lập của nước ta không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải chỉ là một cử chỉ mang tính sách lược. Theo tôi hiểu, Bác Hồ đã nhìn rõ ý nghĩa lịch sử và giá trị nhân văn của nhân loại được phản ánh trong thông điệp nói trên.
Tiện thể, cũng xin thông tin để phóng viên Báo Nhân Dân biết thêm: Ngày 17/10/1945, đúng 45 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, được phép của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một tổ chức mang tên “Việt - Mỹ Thân hữu Hội”, là tổ chức hữu nghị đầu tiên giữa nhân dân Việt Nam với nước ngoài, đã ra mắt tại Nhà Khai trí Tiến Đức, nay là Nhà hàng Lục Thủy, số nhà 16 phố Lê Thái Tổ, ngay sát Trụ sở chính của Báo Nhân Dân, bên Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội. Có thể coi đây là thêm một điều đặc biệt nữa trong mối quan hệ Việt - Mỹ.
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."
Câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 của Bác Hồ

PV: Tuy nhiên, sau khi Việt Nam giành độc lập, quan hệ hai bên lại rơi vào thế đối đầu khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Theo ông, cuộc chiến tranh đó đã gây ra những tổn thất gì cho cả hai nước?
Đại sứ Bùi Thế Giang: Chiến tranh đã để lại nhiều hậu quả rất nặng nề.
Về phía Mỹ, hơn 58.000 binh sĩ thiệt mạng. Đây là tổn thất lớn nhất về sinh mạng của Mỹ so với bất kỳ cuộc chiến tranh nào mà nước Mỹ từng can dự. Và cuộc chiến này không chỉ lấy đi bằng ấy sinh mạng, nó còn chia rẽ nước Mỹ sâu sắc, còn để lại nhiều di chứng trên con người, xã hội và chính trị Mỹ. Hàng chục năm sau cuộc chiến ấy, mỗi khi nước Mỹ có can dự vào một khu vực trên thế giới, hầu như khi đó người Mỹ lại được nhắc để nhớ về cuộc chiến ở Việt Nam.
Đối với Việt Nam ta, đất nước bị tàn phá nghiêm trọng với khoảng 15 triệu tấn bom đạn Mỹ ném xuống, nhiều hơn tổng số bom sử dụng trong Thế chiến II. Khoảng 2 triệu người Việt Nam thiệt mạng, 4 triệu người bị thương. Gần 2 triệu héc-ta rừng bị hủy hoại bởi chất độc hóa học, đặc biệt là chất độc da cam. Nền kinh tế kiệt quệ, với GDP năm 1975 chỉ đạt khoảng 6,5 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD/năm.
Hiện nay, 50 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với 3 hậu quả rất lớn: Thứ nhất, tác động của chất độc da cam/dioxin trên con người và môi trường. Hơn 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, trong đó 150.000 trẻ em sinh ra với dị tật bẩm sinh. Tác động của chất độc da cam/dioxin đã kéo sang thế hệ thứ tư, thứ năm của người Việt Nam.Thứ hai, bom mìn vật liệu chưa nổ (UXO) vẫn tiếp tục giết chết và làm bị thương đồng bào ta và gây ô nhiễm môi trường trên một diện tích lớn. Hơn 100.000 người đã bị chết, bị thương do UXO gây ra. Trên dưới 18% tổng diện tích của cả nước vẫn bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm UXO. Thứ ba, bên cạnh những nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước, vẫn còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới hàng tuần vẫn phát chương trình “Nhắn tìm đồng đội” trên sóng truyền hình quốc gia, công bố danh tính, dữ liệu cá nhân của những cán bộ, chiến sĩ mất tích, để ai biết được thì báo cho các cơ quan chức năng.
PV: Dù chịu tổn thất rất nặng nề từ cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra, Việt Nam vẫn chủ động tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích. Hành động này phản ánh điều gì, thưa ông?
Đại sứ Bùi Thế Giang: Việt Nam bắt đầu tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh từ năm 1973, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Chúng ta đơn phương làm việc đó suốt 15 năm, trước khi Mỹ tham gia cùng tìm kiếm với chúng ta từ năm 1988. Chúng ta đã tìm kiếm và trao trả hài cốt cho phía Mỹ trong lúc chúng ta còn số lượng lớn người mất tích và những bộ hài cốt chưa xác định danh tính mà tôi vừa nêu, và trong lúc dân ta còn nghèo, trình độ phát triển xã hội còn thấp, mức sống còn cách người Mỹ một khoảng cách rất xa. Thậm chí, để làm công việc nhân đạo đó, có những cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh cả tính mạng khi trực thăng chở họ đi tìm kiếm gặp nạn. Phải là một dân tộc nhân đạo, một dân tộc luôn hướng về tương lai, một dân tộc mang tinh thần nhân văn sâu sắc, mới có thể làm được điều đó. Bởi vậy, điều hoàn toàn hiểu được là không chỉ người dân Mỹ mà ngay cả Lãnh đạo Mỹ thuộc mọi đảng phái, mọi xu hướng chính trị, đều đã nói hai từ “biết ơn” đối với chúng ta về nghĩa cử này. Điển hình nhất có lẽ là trong tuyên bố chung Việt - Mỹ tháng 9/2023 khi thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “bày tỏ lòng biết ơn với nhân dân Việt Nam vì những nỗ lực bền bỉ, lâu dài trong việc kiểm kê và tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh."
Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius thường kể lại rằng trong một chuyến thăm miền Trung, ông gặp một người mẹ đã mất 9 người con trong chiến tranh. Người mẹ ấy đã từng ôm một mẹ của một cựu chiến binh Mỹ tử trận ở Việt Nam và nói “Ta là bạn của nhau”, khiến cho bà mẹ Mỹ ấy phải bật khóc…
Hài cốt lính Mỹ được bàn giao để hồi hương Ảnh- Bộ Ngoại giao.
Hài cốt lính Mỹ được bàn giao để hồi hương Ảnh- Bộ Ngoại giao,
Bàn giao hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: Bộ Quốc phòng
Bàn giao hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: Bộ Quốc phòng
PV: Ông vừa nhắc đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm này?
Theo tôi, trong các chuyến thăm Việt Nam từ năm 2000 tới nay của năm Tổng thống Mỹ, mỗi chuyến thăm có một tính chất và ý nghĩa riêng. Ngay hai chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu cũng vậy. Nhưng phải nói chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden có ý nghĩa đặc biệt. Ngoài việc Tổng thống Joe Biden từng gặp, chủ trì chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi Tổng Bí thư thăm Mỹ năm 2015; là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài gửi thư chúc mừng sớm nhất khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử…, chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden còn là theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi nghĩ trong lịch sử chính trị Mỹ, có lẽ đây là lần đầu tiên, và là duy nhất, khi một Tổng thống Mỹ tới thăm cấp nhà nước một quốc gia theo lời mời của lãnh đạo một đảng chính trị, mà đó lại là Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền ở một nước từng đánh Mỹ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ tiến hành hội đàm, tại Trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ tiến hành hội đàm, tại Trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
PV: Ông dự báo thế nào về quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai, thưa ông?
Đại sứ Bùi Thế Giang: Nếu nhìn vào thực tế thăng trầm của hầu như mọi mối quan hệ quốc tế trong những năm qua, có thể dễ dàng thấy rằng quan hệ Việt - Mỹ về cơ bản luôn theo hướng “thăng”, liên tục phát triển kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Dẫu mới có 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng nếu tính từ Hiệp định Thương mại song phương năm 2001, đến việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện năm 2013, rồi lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023, phải nói rằng quan hệ hai nước đã đi một chặng đường dài, vượt qua thử thách của thời gian. Bên cạnh những phát triển về chính trị-ngoại giao, hợp tác trong khoa học-công nghệ, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu… đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Đặc biệt, hợp tác kinh tế-thương mại – trụ cột của trụ cột – được gia tăng không ngừng, năm sau cao hơn năm trước. Hai năm qua, tổng kim ngạch thương mại đã vượt con số 100 tỉ USD/năm.
Đây là những có sở quan trọng để hai nước hợp tác hóa giải xung đột và xây dựng quan hệ thực chất, lâu bền dựa trên những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Hành trình này đặt nền tảng để hai nước tiếp tục phát triển hợp tác sâu rộng, đáp ứng lợi ích của hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của hai nước, của khu vực và của toàn thế giới.
Dẫu mới có 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng nếu tính từ Hiệp định Thương mại song phương năm 2001, đến việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện năm 2013, rồi lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023, phải nói rằng quan hệ hai nước đã đi một chặng đường dài, vượt qua thử thách của thời gian.
PV: Xin cảm ơn ông!

E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung: ANH THƠ
Trình bày: HÙNG HIẾU