XUNG LỰC MỚI CHO QUAN HỆ ASEAN-AUSTRALIA VÀ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VỚI AUSTRALIA, NEW ZEALAND

Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand từ ngày 5 đến 11/3.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị truyền tải thông điệp Việt Nam đánh giá cao vai trò của Australia, một trong những đối tác tin cậy, chân thành, hợp tác ngày càng năng động của Hiệp hội, cũng như cam kết nỗ lực đóng góp thúc đẩy mối quan hệ ASEAN-Australia.

Là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Australia và New Zealand trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Australia và New Zealand.

ASEAN-AUSTRALIA: NỬA THẾ KỶ ĐỐI THOẠI VÀ HỢP TÁC

Australia là một trong những đối tác đầu tiên thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN năm 1974. Nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác, hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2014 và sau đó là Đối tác chiến lược toàn diện năm 2021. Australia ủng hộ sự đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực hỗ trợ Hiệp hội xây dựng Cộng đồng và hợp tác tiểu vùng Mekong. Đây là cơ sở để hai bên đẩy mạnh hợp tác thực chất và hiệu quả hơn.

Trong những năm gần đây, nhất là sau khi ASEAN và Australia thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và triển khai tổ chức Hội nghị cấp cao hằng năm, hợp tác giữa hai bên diễn ra năng động trong nhiều lĩnh vực, cả về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển.

Quan hệ ASEAN-Australia được thúc đẩy qua nhiều cơ chế, bao gồm các cuộc họp hằng năm cấp lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao, quan chức cấp cao (SOM), và Ủy ban hợp tác chung. Ngoài ra, hai bên còn có nhiều cơ chế đối thoại cấp bộ trưởng, SOM và cấp làm việc trong các lĩnh vực chuyên ngành, như quốc phòng, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, kinh tế, lâm nghiệp…

Hợp tác ASEAN-Australia hiện được triển khai trên cơ sở Kế hoạch hành động ASEAN-Australia giai đoạn 2020-2024 và Phụ lục triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Australia. Đến tháng 3/2023, tất cả các dòng hành động thuộc Kế hoạch hành động và Phụ lục đã và đang được triển khai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 3. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 3. (Ảnh: TTXVN)

Về hợp tác chính trị-an ninh, Australia tham gia tích cực vào các khuôn khổ do ASEAN chủ trì như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF). Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực biển, an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng và tội phạm xuyên quốc gia… 

Về hợp tác kinh tế, Australia là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của ASEAN. Theo thống kê của ASEAN, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 101,08 tỷ USD năm 2022. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Australia vào ASEAN năm 2022 đạt 2,01 tỷ USD.

Australia là một trong năm nước đối tác của ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). ASEAN, Australia, và New Zealand đã hoàn tất đàm phán và ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA). Nhằm tăng cường hợp tác với các nước thành viên Hiệp hội, tháng 9/2023, Australia ra mắt Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040.

Trong hợp tác văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển, hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, giao lưu nhân dân, thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ và trẻ em, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Australia tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển tại các nước, cũng như giữa các nước thành viên Hiệp hội; phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững trong toàn khu vực.

“ASEAN đóng vai trò trung tâm trong tương lai của chúng ta và Australia rất coi trọng quan hệ đối tác với ASEAN. Chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với tất cả các nước thành viên ASEAN, bao gồm cả các cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi thủ đô của các nước ASEAN.”

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski

Hội nghị cấp cao đặc biệt được tổ chức tại thành phố Melbourne của Australia nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Australia được thiết lập. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Australia và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự Hội nghị lần này với tư cách quan sát viên.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các điểm nóng xung đột tiếp tục leo thang. Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực tới ổn định và phát triển. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục hồi nhanh chóng, tiếp tục là động lực phát triển của thế giới, cũng là địa bàn chiến lược của cạnh tranh nước lớn.

Trong bối cảnh này, với chủ đề “Đối tác cho tương lai”, Hội nghị cấp cao đặc biệt là dịp để hai bên rà soát trong quan hệ 50 năm qua và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy mối quan hệ này phát triển thực chất, hiệu quả trong thời gian tới, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 3. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 3. (Ảnh: TTXVN)

VIỆT NAM-AUSTRALIA: NỀN TẢNG NÂNG TẦM QUAN HỆ

Ngày 26/2/1973, Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao và tiến hành lập Đại sứ quán tại mỗi nước. Hai nước từng bước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, Đối tác toàn diện tăng cường và Đối tác chiến lược lần lượt vào các năm 2009, 2015 và 2018. Hai bên kỷ niệm dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023 với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực.

“Những thành tựu hợp tác quan trọng, phù hợp với lợi ích của cả hai nước sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tiếp tục là động lực quan trọng để hai bên không ngừng đẩy mạnh quan hệ song phương.”

Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Australia tiếp tục phát triển tốt đẹp và hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, cũng như các cấp được hai bên duy trì thường xuyên.

Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh...

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 4/6/2023. (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 4/6/2023. (Ảnh: TTXVN)

Hiện Australia là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Australia. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 13,8 tỷ USD.

Tính đến hết tháng 12/2023, Australia có 621 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, y tế, trợ giúp xã hội và nông, lâm, thủy sản. Việt Nam có 92 dự án đầu tư vào Australia với tổng vốn đầu tư 552,7 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bán buôn bán lẻ, chế biến chế tạo.

Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Trong vòng 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng 3 tỷ AUD.

Australia cũng cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam. Hiện có khoảng 31 nghìn sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia. Hai nước đã ký thỏa thuận bổ sung Chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Australia giai đoạn 2021-2025, trị giá 50,1 triệu AUD.

Về hợp tác du lịch, Australia luôn nằm trong thị trường có lượng du khách đến Việt Nam hàng đầu. Sau thời gian tạm ngừng do tác động của đại dịch Covid-19, hợp tác du lịch giữa hai bên đã được nối lại từ tháng 3/2022.

Ngày 4/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 4/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Ảnh: TTXVN)

Hai bên đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực mới và tiềm năng, như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng…

Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước đang phát triển tốt đẹp. Đến nay đã có 15 cặp địa phương kết nghĩa. Các bang và vùng lãnh thổ Australia đẩy mạnh triển khai Chiến lược hợp tác Đông Nam Á, trong đó coi trọng và ưu tiên Việt Nam. Đã có bốn bang của Australia mở văn phòng thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Australia là thành viên quan trọng, có tiếng nói tại các diễn đàn đa phương và trên trường quốc tế, đóng góp hiệu quả vào hợp tác ASEAN và tiểu vùng Mekong.

Việt Nam và Australia hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…, cũng như trong các hiệp định thương mại tự do cùng tham gia, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia được đại diện bởi Đại sứ quán Australia tại Hà Nội với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia được đại diện bởi Đại sứ quán Australia tại Hà Nội với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh: TTXVN)

VIỆT NAM-NEW ZEALAND: HƯỚNG ĐẾN DẤU MỐC MỚI

Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975. Để tăng cường hợp tác thực chất và hiệu quả hơn, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2009 và sau đó là Đối tác chiến lược năm 2020.

Thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand phát triển tốt đẹp và hiệu quả. Hai bên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, cũng như các cơ chế hợp tác song phương, như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban hỗn hợp về kinh tế và thương mại, Đối thoại cấp cao về nông nghiệp... Hai bên nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2021-2024.

Kim ngạch thương mại song phương tăng đều qua các năm. Năm 2009 khi hai nước mới thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, kim ngạch thương mại song phương chỉ ở mức 300 triệu USD. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,3 tỷ USD, trong đó nhập khẩu đạt 680,6 triệu USD và xuất khẩu đạt 648,9 triệu USD.

Nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 27/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp song phương với Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 27/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp song phương với Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam xuất khẩu sang Australia điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, hạt điều, giày dép; nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, gỗ, nguyên liệu phụ liệu dệt, may, da giày, máy móc, sắt thép các loại…

Tính đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,35 triệu USD, tập trung các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng…

New Zealand luôn dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm. New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD ODA không hoàn lại cho giai đoạn 2021-2024, tương tự giai đoạn 2018-2021. Nguồn ODA tập trung các lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, giáo dục, ứng phó đại dịch Covid-19.

Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước tiếp tục phát triển thuận lợi. Các lĩnh vực hợp tác khác, như giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, lao động… tiến triển tích cực. Hai bên đang thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón và hội đàm Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 14/11/2022. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón và hội đàm Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 14/11/2022. (Ảnh: TTXVN)

Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 11 nghìn người, chủ yếu sinh sống ở thủ đô Wellington và các thành phố Auckland, Christchurch. Đại bộ phận kiều bào có cuộc sống ổn định và tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần đóng vai trò cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Với New Zealand, Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực. Hai nước chia sẻ nhiều quan điểm, tầm nhìn chung và hợp tác tích cực trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai nước duy trì và thúc đẩy hợp tác hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC… và các hiệp định thương mại tự do cùng tham gia, như CPTPP, RCEP.

New Zealand luôn coi trọng vai trò của ASEAN, đặc biệt từ khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2015. New Zealand ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; tham gia đầy đủ các cơ chế, diễn đàn do ASEAN dẫn dắt; chú trọng đẩy mạnh quan hệ với ASEAN thông qua chiến lược kết nối sâu rộng hơn. Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-New Zealand, Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác thực chất giữa Hiệp hội và New Zealand.

Những thành quả hợp tác thời gian qua là nền tảng tích cực để Việt Nam và New Zealand đẩy mạnh hợp tác cả song phương và đa phương, đem lại những thành quả thiết thực hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2025.

Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam-New Zealand, ngày 23/5/2023. (Ảnh: TTXVN)

Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam-New Zealand, ngày 23/5/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm góp phần tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, Kết luận 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Chuyến công tác thể hiện sự tham gia chủ động, tích cực và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào quan hệ ASEAN-Australia, đồng thời góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa.

Ngày xuất bản: 4/3/2024
Tổ chức thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - MINH ANH
Trình bày: NHÃ NAM
Nguồn tài liệu: BỘ NGOẠI GIAO, TTXVN