Việt Nam

Cống hiến & sẻ chia

LTS – Trong tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam thể hiện rõ vai trò là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ cao cả, trực tiếp có mặt tại “điểm nóng”, giúp đỡ, san sẻ nỗi đau chiến tranh, thảm họa với bạn bè, tham gia tiến trình cứu hộ-cứu nạn, tái thiết, giữ gìn và tham gia kiến tạo hòa bình, ổn định, phát triển.

Theo bước phát triển Thế và Lực mới của đất nước, lá cờ đỏ sao vàng đã sẵn sàng xuất hiện tại bất cứ nơi nào cần đến những bàn tay giúp đỡ. Ảnh: Thành Đạt

Theo bước phát triển Thế và Lực mới của đất nước, lá cờ đỏ sao vàng đã sẵn sàng xuất hiện tại bất cứ nơi nào cần đến những bàn tay giúp đỡ. Ảnh: Thành Đạt

Đó không chỉ là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt ra. Đó còn là tư tưởng nhân văn thấm trong huyết quản mỗi công dân, là nỗ lực cống hiến tự thân trong dòng chảy hội nhập toàn cầu.

Thế và lực, trên những chặng đường

Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh

Trái đất, môi trường và khí hậu -ngôi nhà và tài sản chung của chúng ta-  đang bị tổn thương rộng khắp bởi hàng loạt thiên tai và biến động chưa từng có. Nhân loại cũng vừa trải qua một đại dịch toàn cầu khủng khiếp khiến tất cả các nước, các dân tộc chấn động, từ tầm vĩ mô đến các vấn đề xã hội, kinh tế, đời sống và sức khỏe của mỗi cá nhân. Còn hiện tại, giữa khi thế giới nỗ lực tìm  cách tạo dựng cuộc sống “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19, tình hình thế giới lại diễn ra nhiều căng thẳng, xáo trộn, bất an...

Bối cảnh ấy đòi hỏi các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, xác định lại chiến lược và sách lược ngoại giao của mình để thích nghi với cục diện mới, hạn chế rủi ro và tranh thủ cơ hội cho lợi ích quốc gia dân tộc.  Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ.

Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Nguồn: Bộ Ngoại giao

Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Nguồn: Bộ Ngoại giao

Trong đường lối đối ngoại, đối ngoại đa phương được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những ưu tiên. Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế nêu rõ nhiệm vụ: Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi.

Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư, về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 xác định: Đưa đối ngoại đa phương thành một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu, và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: Công tác đối ngoại đa phương là chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.

Nhìn lại đường lối, chủ trương và biện pháp ngoại giao của Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới (năm 1986), đối chiếu giai đoạn kháng chiến và thập niên đầu sau chiến tranh, có thể khái quát một số nguyên tắc, phương châm xuyên suốt giúp chúng ta hiểu và đánh giá đúng đặc thù ngoại giao Việt Nam ngày nay, đó là:

Thứ nhất, luôn giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, thượng tôn lợi ích quốc gia dân tộc trong đường lối và hoạt động ngoại giao, đối ngoại nói chung: Chúng ta đã thể hiện kim chỉ nam hành động này ở thời kỳ căng thẳng Xô- Trung trong Chiến tranh Lạnh, cũng như suốt những    năm đàm phán với Hoa Kỳ cho Hiệp định Paris (1968-1973).

Hiệp định Hòa bình Paris 1973, mốc son kết tụ tinh hoa trong đặc trưng phong cách ngoại giao và đối ngoại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Hiệp định Hòa bình Paris 1973, mốc son kết tụ tinh hoa trong đặc trưng phong cách ngoại giao và đối ngoại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Thứ hai, chủ trương tập hợp lực lượng ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đây là một thành công nổi bật, có thể   nói là điển hình của ngoại giao Việt Nam từ trước đến nay, giúp lý giải một số thành công của Việt Nam trong thế kỷ này.

Thứ ba, một trong những phương thức của ngoại giao Việt Nam từ thời kháng chiến là phát huy kênh đối ngoại nhân dân rất thành công, bổ trợ cho ngoại giao nhà nước, tăng sức mạnh   của chúng ta trong đàm phán với Hoa Kỳ. Nhờ tập hợp lực lượng và hoạt động đối ngoại nhân dân, chúng ta đã thực hiện được thành công phương châm thêm bạn, bớt thù.

Thứ tư, qua những bối cảnh, tình huống phức tạp, những thách thức thăng trầm của mặt   trận đối ngoại từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, một đặc tính nổi bật của ngoại giao Việt Nam là tính chất đáng tin cậy, có trước có sau với bạn bè truyền thống, những bên đã giúp đỡ Việt Nam, nhân dân Việt Nam qua các giai đoạn cam go, thử thách.

Việt Nam đã hai lần vinh dự trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nguồn: Bộ Ngoại giao

Việt Nam đã hai lần vinh dự trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nguồn: Bộ Ngoại giao

Nhìn lại tám thập niên qua, Việt Nam và ngoại giao Việt Nam đã biết đón và tận dụng thời cơ, đặc biệt thể hiện qua “bài học kinh điển về nghệ thuật đàm phán nói riêng và nghệ thuật ngoại giao đặc sắc Việt Nam nói chung”, như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích trong bài “Đôi điều suy ngẫm về Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, đó là bốn bài học chữ K: Kết hợp - Kiên định - Kiên trì - Khôn khéo.

Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, trong bối cảnh vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam nhanh chóng mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.

Ngày nay, Việt Nam đã vươn lên đạt vị thế của một quốc gia tầm trung, với những cơ hội và cả những yêu cầu, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế gắn  liền với vị thế này.

Vậy thì trong cục diện mới, ngoại giao Việt Nam cần phải rút những bài học gì, vận dụng những phương thức thành công cho đến nay như thế nào, điều chỉnh chủ trương và biện pháp  nhằm củng cố và tiếp tục nâng cao thế và lực của Việt Nam trong thế giới biến động, nhiều thử thách như hiện nay và thời gian tới?

Trong một thế giới bất định, khó dự đoán như hiện tại, Việt Nam lại được cảm nhận rộng rãi (bởi các cường quốc, các đối tác phát triển, các nước đang phát triển, các nước nhỏ cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực khác nhau) như một thành viên cộng đồng quốc tế đáng tin cậy (reliable) với chính sách đối ngoại kiên định, nhất quán có thể dự đoán (predictable), những tính chất quý báu và thiết yếu.

Nhờ đó, Việt Nam được đăng cai những hội nghị cao cấp quốc tế, từ Hội nghị cao cấp Cộng đồng Pháp ngữ (năm 1997), đến Thượng đỉnh APEC (năm 2017), được giữ vị trí Tổng Thư ký ASEAN (2013-2017) và hai lần được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng  Bảo an Liên hợp quốc (2007-2008 và 2020-2021, lần sau với số phiếu 192/193).

Hai đoàn cứu trợ thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã nhanh chóng có mặt ở “điểm nóng nhân đạo” Thổ Nhĩ Kỳ, san sẻ gánh nặng đau thương mất mát với người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất lịch sử. Ảnh: Thành Đạt

Hai đoàn cứu trợ thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã nhanh chóng có mặt ở “điểm nóng nhân đạo” Thổ Nhĩ Kỳ, san sẻ gánh nặng đau thương mất mát với người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất lịch sử. Ảnh: Thành Đạt

Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc, như thành viên Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027, thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025...

Ngoại giao Việt Nam cũng đặc biệt thể hiện thế chủ động trong vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của tổ chức khu vực ASEAN cũng như tổ chức toàn cầu Liên hợp quốc, để đạt đến một thế cho phép nâng cao vai trò đóng góp cho các tổ chức đa phương, có thể chủ động đề xuất sáng kiến.

Đơn cử, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021), Việt Nam đã thúc đẩy bảo trợ cho Nghị quyết 2573 về hoạt động nhân đạo, bảo vệ hiệu quả dân thường trong điều kiện chiến tranh. Một biểu hiện nổi bật gần đây nhất là việc ta cử hai đoàn cứu trợ nhân đạo đến Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia cứu trợ tìm kiếm nạn nhân thảm kịch động đất.

Việt Nam được cảm nhận rộng rãi như một thành viên cộng đồng quốc tế đáng tin cậy. Ảnh: Thành Đạt

Việt Nam được cảm nhận rộng rãi như một thành viên cộng đồng quốc tế đáng tin cậy. Ảnh: Thành Đạt

Trong khuôn khổ ASEAN, chúng ta đã triệu tập tại Hà Nội năm 2010/Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ADMM mở rộng thành ADMM+, với sự tham gia của tám nước đối tác

Đến thời điểm này, có thể nói ngoại giao Việt Nam đang tiến tới phương thức ngoại giao tổng lực, tiếp tục mở rộng phương diện tiếp cận khắp năm châu, từ siêu cường đến những quốc đảo nhỏ bé; kết hợp ngoại giao song phương với các nước và đa phương với các tổ chức quốc tế toàn cầu và khu vực; phối kết các kênh đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.

Đồng thời, sự liên kết giữa phát triển kinh tế - xã hội trong nước và thương mại rộng mở, song song tăng trưởng đều đặn với chính sách và biện pháp ngoại giao… càng tạo cho thế đứng của Việt Nam vững chãi trong hội nhập quốc tế.

Việc Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc, và mới đây nhất là tham gia hoạt động cứu hộ-cứu nạn sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chứng minh đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển, làm bạn với tất cả các nước, thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế của Việt Nam. Những đóng góp của Việt Nam, theo đúng khả năng của mình, được cộng đồng quốc tế đánh giá là đã mang lại những hiệu quả thiết thực
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến

Một minh họa ngoạn mục cho phương thức ngoại giao tổng lực là “ngoại giao vaccine”, hướng đi đã giúp cho Việt Nam thoát khỏi thử thách khủng khiếp của bệnh dịch thế kỷ này.

Đến khi nhà nước Việt Nam xác định dứt khoát không thể có giải pháp triệt để hiệu quả nào ngoài kịp thời tiêm vaccine toàn dân, các thành phần các cấp của bộ máy nhà nước, kể cả các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cùng các doanh nhân, đã chung tay nỗ lực tìm kiếm, đặt mua, vận động các nước và các tổ chức quốc tế đóng góp, hoặc thuận lợi hóa việc tìm kiếm đặt mua và  tiếp nhận vaccine. Mặt trận Tổ quốc cũng vận động công chúng đóng góp tài chính để nhà nước có điều kiện đặt mua vaccine kịp thời.

Những bàn tay bạn bè từ khắp nơi trên thế giới trong thời gian Việt Nam chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Những bàn tay bạn bè từ khắp nơi trên thế giới trong thời gian Việt Nam chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Trên hết, Việt Nam không chỉ ủng hộ và thúc đẩy các cơ chế chia sẻ vaccine trên trường quốc tế, mà cũng sẵn sàng chuyển giao một khối lượng không nhỏ các thiết bị, vật tư y tế thiết yếu. Dư luận quốc tế, do đó, đã ghi nhận sự chủ động, năng động, “sáng tạo” của Việt Nam trong chiến dịch “ngoại giao vaccine”.

Ở bình diện khác, cũng cần nêu bật vai trò của các doanh nghiệp lớn trong việc vừa quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, vừa góp phần xây dựng hình ảnh đối ngoại của Việt Nam. Chẳng hạn, Trường đại học FPT đón nhận nguyên một lớp 40 sinh viên Nigeria sang học ở Việt Nam; hay việc tập đoàn Viettel ở Mozambique triển khai chương trình CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), qua chương trình trang bị phương  tiện tiếp cận internet đến các trường ở nông thôn nước này.

Cuối cùng, không thể không nhấn mạnh: phong cách ngoại giao Việt Nam hình thành và phát triển với thời gian và bước tiến của đất nước-dân tộc, từ dấu ấn di sản của Chủ tịch   Hồ Chí Minh đến ngoại giao tổng lực ngày nay là đa chiều (song phương, đa phương), đa lĩnh vực (chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa), đa kênh (nhà nước, quốc hội, nhân dân), đa chủ thể (tổ chức, nhóm, cá nhân) và đa hình thức (từ biện pháp ngoại giao chính thống đến giao lưu, trao đổi không chính thức, v.v).

Đại sứ Đỗ Sơn Hải và các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức quyên góp ủng hộ các nạn nhân. Ảnh: Thành Đạt

Những sự chung tay theo tinh thần “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Thành Đạt

Những đóng góp của Việt Nam, theo đúng khả năng của mình, được cộng đồng quốc tế đánh giá là hiệu quả và thiết thực. Ảnh: Thành Đạt

Đại sứ Đỗ Sơn Hải và các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức quyên góp ủng hộ các nạn nhân. Ảnh: Thành Đạt

Những sự chung tay theo tinh thần “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Thành Đạt

Những đóng góp của Việt Nam, theo đúng khả năng của mình, được cộng đồng quốc tế đánh giá là hiệu quả và thiết thực. Ảnh: Thành Đạt

Phong cách ngoại giao ấy đã và đang tiếp tục phát huy tác động tích cực: Vừa chủ động, vững chãi, đáng tin cậy trong thực hiện trách nhiệm quốc tế, vừa không ngừng “thêm bạn bớt thù”, giúp cho đất nước tiếp tục hội nhập quốc  tế thành công, tạo cơ sở để phát triển bền vững.

Sự chủ động, tích cực của Việt Nam cũng được thể hiện rõ trong công cuộc chống đại dịch Covid-19, trong đó, Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với sự đồng thuận cao.

Việt Nam đóng góp cho Quỹ Ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc và cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC của Liên hợp quốc. Việt Nam đã đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine, thông qua Quỹ ứng phó khẩn cấp trung tâm (CERF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), UNICEF...

Lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam trao tặng nhân dân Cộng hòa Belarus các trang thiết bị phòng chống dịch. Ảnh: Trần Minh

Lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam trao tặng nhân dân Cộng hòa Belarus các trang thiết bị phòng chống dịch. Ảnh: Trần Minh

Ngày xuất bản: 13/3/2023
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, VÕ HOÀNG, ĐINH TRƯỜNG, MINH PHÚ, NGUYỄN HÀ
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG