Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11/2021. Chuyến thăm nhằm tiếp tục củng cố, đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, thực chất trong tất cả các lĩnh vực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời thúc đẩy triển khai Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, góp phần phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc.

"ĐẤT NƯỚC MẶT TRỜI MỌC"
KIÊN CƯỜNG, BAO DUNG


Nằm ở tây bắc lòng chảo Thái Bình Dương, ngoài khơi phía đông lục địa châu Á, Nhật Bản có diện tích 377.944 km2, với hơn 6.850 đảo lớn, nhỏ và dân số 125,12 triệu người. Nhật Bản là đất nước có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc, giao thoa hài hòa giữa cái mới và cái cũ, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của “xứ sở hoa anh đào”.

Nhật Bản không giàu tài nguyên, song với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, bằng sự nỗ lực lao động, sáng tạo cùng những cải cách đột phá, người dân Nhật Bản đã đưa đất nước trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Là thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhật Bản hiện là cường quốc kinh tế thứ 3 trên thế giới, một trong những nước đi đầu trong phát triển khoa học-công nghệ.

Về đối ngoại, Nhật Bản nỗ lực xây dựng quan hệ tin cậy với các quốc gia, dẫn dắt cộng đồng quốc tế vì hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. “Sách xanh ngoại giao năm 2021” của Nhật Bản khẳng định triển khai chính sách ngoại giao “bao dung và mạnh mẽ” trên cơ sở “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, trong đó coi trọng hợp tác, phát huy vai trò điều phối trong cộng đồng quốc tế.

Trong các trọng tâm của chính sách đối ngoại, Nhật Bản khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng thúc đẩy tự do thương mại và liên kết kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản tham gia và thúc đẩy ký kết, phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Việt Nam-Nhật Bản
Đối tác thân thiết, tin cậy

Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, với sự tin cậy chính trị cao. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản chung quý báu của cả hai dân tộc. Năm 2014, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, mở ra một chương mới trong sự phát triển của quan hệ song phương.

Mối quan hệ giữa hai nước được tăng cường thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao thường xuyên của lãnh đạo hai nước. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng (năm 2016).

Việt Nam và Nhật Bản duy trì các cơ chế hợp tác, đối thoại quan trọng như: Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2017), Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng (từ năm 2012), Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp (từ năm 2014), Đối thoại Chính sách biển Việt Nam-Nhật Bản cấp Bộ trưởng...

Hai nước phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại nhiều diễn đàn đa phương và tổ chức khu vực, quốc tế, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… Cùng là thành viên của CPTPP và RCEP, Việt Nam và Nhật Bản góp phần thúc đẩy tự do thương mại và liên kết kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Hợp tác kinh tế là điểm nổi bật trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011). Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ 2 (tính theo lũy kế), đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Về thương mại, Việt Nam và Nhật Bản dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Trong 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 31 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 14,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến ngày 20/9/2021, Nhật Bản có 4.748 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 63,85 tỷ USD (chiếm 15% tổng số vốn đầu tư), đứng thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Nhật Bản có 131 dự án cấp mới, đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư hơn 3,26 tỷ USD.

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) là điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước. Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng yên cho Việt Nam lớn nhất, với tổng giá trị vốn vay đến tháng 12/2019 khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng số vốn ký kết vay nước ngoài của Việt Nam.

ODA đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Với tư cách là nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẵn sàng đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị và sự phát triển của hai nước.
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akira.

Theo số liệu của JICA, một trong những nhà tài trợ song phương hàng đầu của Việt Nam, từ năm 1992 đến nay, JICA đã hỗ trợ tài chính khoảng 3.000 tỷ yên, cử khoảng 15 nghìn chuyên gia Nhật Bản sang công tác và đào tạo 27 nghìn nhân sự, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế bền vững, thông qua nhiều dự án với hình thức đa dạng.

Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, các dự án của JICA đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó có việc hoàn thành hơn 3.000 km đường bộ, 250 cây cầu, 5 cảng quốc tế và 10 nhà máy điện với tổng công suất khoảng 4.500 MW.

Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam Shimizu Akira. (Ảnh JICA).

Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam Shimizu Akira. (Ảnh JICA).

Hợp tác về nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng đạt những bước đột phá. Hai bên đang triển khai Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 2 (2020-2024).

Hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ và thực chất, với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam. Hợp tác về lao động, giáo dục, du lịch, hợp tác giữa các địa phương hai nước đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản và hiện đứng đầu về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản. Hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước phát triển với nhiều hình thức. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục-đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao; hợp tác xây dựng trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Dãy lớp học được xây dựng tại Nghệ An bằng vốn ODA của Nhật Bản. (Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam)

Dãy lớp học được xây dựng tại Nghệ An bằng vốn ODA của Nhật Bản. (Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam)

Hợp tác địa phương giữa hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 70 văn bản hợp tác, trong đó có các cặp quan hệ tiêu biểu như Thành phố Hồ Chí Minh với Osaka, Nagano; Hà Nội với Fukuoka, Tokyo; Đà Nẵng với Sakai, Yokohama; Phú Thọ-Nara; Huế-Kyoto; Hưng Yên-Kanagawa; Hải Phòng-Niigata…

Theo số liệu của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản, tính đến tháng 12/2020, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản gồm khoảng 450.000 người. Người Việt hiện sinh sống, làm việc, học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trong đó tập trung chủ yếu tại Aichi, Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba, Fukuoka… Hiện có khoảng 20.000 công dân Nhật Bản tại Việt Nam. Những cộng đồng này có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và Nhật Bản, cũng như góp phần tăng cường đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 tác động hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, hai bên duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt; phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine để phòng chống Covid-19. (Ảnh: VGP)

Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine để phòng chống Covid-19. (Ảnh: VGP)

Ngày 16/6/2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã thay mặt Chính phủ Việt Nam tiếp nhận lô vaccine gần 1 triệu liều của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam)

Ngày 16/6/2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã thay mặt Chính phủ Việt Nam tiếp nhận lô vaccine gần 1 triệu liều của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam)

Ngày 16/4/2020, Việt Nam đã trao tặng Nhật Bản khẩu trang và các vật tư y tế với tổng trị giá 100.000 USD. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Ngày 16/4/2020, Việt Nam đã trao tặng Nhật Bản khẩu trang và các vật tư y tế với tổng trị giá 100.000 USD. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Ngày 8/5/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao tượng trưng 140.000 khẩu trang y tế của Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Ngày 8/5/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao tượng trưng 140.000 khẩu trang y tế của Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Item 1 of 4

Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine để phòng chống Covid-19. (Ảnh: VGP)

Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine để phòng chống Covid-19. (Ảnh: VGP)

Ngày 16/6/2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã thay mặt Chính phủ Việt Nam tiếp nhận lô vaccine gần 1 triệu liều của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam)

Ngày 16/6/2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã thay mặt Chính phủ Việt Nam tiếp nhận lô vaccine gần 1 triệu liều của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam)

Ngày 16/4/2020, Việt Nam đã trao tặng Nhật Bản khẩu trang và các vật tư y tế với tổng trị giá 100.000 USD. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Ngày 16/4/2020, Việt Nam đã trao tặng Nhật Bản khẩu trang và các vật tư y tế với tổng trị giá 100.000 USD. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Ngày 8/5/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao tượng trưng 140.000 khẩu trang y tế của Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Ngày 8/5/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao tượng trưng 140.000 khẩu trang y tế của Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Chính phủ Nhật Bản tích cực hỗ trợ Việt Nam chống dịch thông qua khoản viện trợ hơn 4 tỷ yên, cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca. Đáp lại những nghĩa cử cao đẹp này, Việt Nam đã hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản...

Với chuyến thăm Nhật Bản lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp đón kể từ khi ông nhậm chức. Đầu tháng 11 này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Kishida Fumio đã gặp nhau bên lề Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh).

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bên lề Hội nghị COP26. (Video: VTV)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bên lề Hội nghị COP26. (Video: VTV)

Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; trên tinh thần đó, nhất trí sớm thu xếp các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước.

Thủ tướng Kishida Fumio nhiều năm nắm giữ chức Tổng Thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam và đã thăm Việt Nam nhiều lần, góp phần tích cực nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á vào năm 2014.

Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akira cho rằng, các chuyến thăm và trao đổi cấp cao hai nước trong những năm gần đây, cũng như chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính là những minh chứng rõ nét khẳng định quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, với độ tin cậy cao.

Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, trao đổi thương mại giữa hai nước sẽ tăng mạnh, nhất là sau khi RCEP có hiệu lực. Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, hai nước sẽ chứng kiến sự bùng nổ về du lịch; Việt Nam sẽ đón thêm nhiều nhà đầu tư mới từ Nhật Bản. Tương tự, hợp tác hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và lao động sẽ sôi động trong thời gian tới. 

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thể hiện quyết tâm của Việt Nam đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản bước sang một giai đoạn phát triển mới, thực chất và hiệu quả hơn. Việt Nam luôn là bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của Nhật Bản và ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới, cùng Nhật Bản đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Chỉ đạo thực hiện: NGỌC THANH, NINH SƠN
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Nội dung: ĐINH TRƯỜNG, NHƯ NGỌC
Trình bày: MINH THU, BIỆN DIỆU, PHAN ANH
Ảnh: TTXVN, VGP, ĐẠI SỨ QUÁN NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM, ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI NHẬT BẢN, JICA, REUTERS, BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM