GS Tiến sĩ Bùi Hải Hưng – Tổng Giám đốc, Công ty VinAI thuộc Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh,nếu con người có thể làm tốt việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các công việc cần sử dụng trí óc trong đó có nghiên cứu khoa học thì đây sẽ là một giai đoạn rất sôi nổi trong lịch sử loài người.
Trước đây công cụ giúp con người giải phóng sức lao động chân tay. Còn giờ công cụ sẽ giúp chúng ta tăng hiệu suất của sức lao động đầu óc. GS Tiến sĩ Bùi Hải Hưng – Tổng Giám Đốc, Công ty VinAI thuộc Tập đoàn Vingroup lập luận: Nếu trong tương lại một nhà khoa học sử dụng công cụ có khả năng tư duy như trí tuệ nhân tạo thì năng lực nghiên cứu của họ có thể tăng lên rất nhiều.
Vậy thì điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển khoa học nói riêng và sự phát triển của loài người nói chung? Những phát minh của con người sẽ còn tăng tốc với mức độ như thế nào? Nếu con người có thể làm tốt việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các công việc cần sử dụng trí óc trong đó có nghiên cứu thì đây sẽ là một giai đoạn rất sôi nổi trong lịch sử loài người.
PV: Được biết đến là một trong những bộ não hàng đầu của Việt Nam về trí tuệ nhân tạo, tôi hơi tò mò, không biết ông đã bắt đầu tiếp xúc với khái niệm trí tuệ nhân tạo như thế nào?
Ông Bùi Hải Hưng: Trí tuệ nhân tạo thực chất là một bộ môn nghiên cứu khoa học với sức ứng dụng rất lớn. Mục đích của nhánh khoa học này là tạo ra những thuật toán giúp máy tính và máy móc có khả năng làm các công việc đòi hỏi trí tuệ thông minh như con người.
Trong quá khứ, người ta nghĩ những việc gì, cái gì liên quan đến năng lực trí thông minh đều là của riêng con người. Nhưng bắt đầu từ năm 1950, chúng ta bắt đầu tìm cách để máy tính có khả năng thông minh như con người.
Ngay từ thời điểm khai sinh của bộ môn trí tuệ nhân tạo, mọi người đã đặt ra câu hỏi: Vậy máy tính có thể thực sự suy nghĩ như con người hay không? Tất nhiên, tại thời điểm đó, câu hỏi này cũng chỉ mang tính chất triết học thôi. Bởi công nghệ, năng lực tính toán cũng như hiểu biết về máy học vào thời điểm đó còn khá là sơ khai.
Đầu những năm 1990, khi học đại học ở Úc, tôi được học về trí tuệ nhân tạo. Những bài tập nhận dạng con số từ hình ảnh đã làm tôi phải “wow” lên và thấy rất thú vị.
Nhưng nếu ai đó hỏi tôi vào thời điểm những năm 1990 rằng: Máy có thể làm những việc đòi hỏi tư duy người không? Thì tôi đã tin là có. Còn cách thức máy làm thế nào? Có giống cách con người tư duy không thì điều này chưa hoàn toàn chắc chắn.
PV: Như ông nói, máy tính có khả năng suy nghĩ như con người. Vậy ông có thể so sánh giữa hai năng lực suy nghĩ này không? Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của trí tuệ nhân tạo?
Ông Bùi Hải Hưng: Tôi sẽ lấy ví dụ bằng việc thử so sánh ChatGPT với một đứa trẻ. Dữ liệu nạp vào của ChatGPT hoàn toàn là văn bản trên Internet. Sau đó, ChatGPT có thể tổng hợp thông tin từ vô số nguồn khác nhau. Kết quả là ChatGPT có rất nhiều thông tin, có thể trở nên uyên bác trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì chỉ một hoặc số ít lĩnh vực như con người.
Mặt khác, khi đã đọc đủ thì ChatGPT bắt đầu biết cách hành văn trơn tru và mượt mà dựa vào công nghệ “mô hình ngôn ngữ lớn” và là đặc điểm khiến cho rất nhiều người yêu thích ChatGPT. Mô hình này chính là một ứng dụng rất thú vị của máy học và xác suất thống kê trong ngôn ngữ. Văn phong là chìa khóa của giao tiếp.
Lần đầu tiên trong lịch sử, con người thấy một cái máy có khả năng trả lời các câu hỏi với một văn phong thậm chí mượt hơn cả bản thân mình.
Tuy nhiên, nếu một người có khả năng đọc tất cả mọi văn bản, sách vở trên đời nhưng lại chưa bao giờ có cơ hội nhìn thế giới xung quanh bằng con mắt của mình như một đứa trẻ thì sẽ thế nào? Khi được sinh ra, đọc không phải là việc đầu tiên mà đứa trẻ làm.
Chúng bắt đầu quan sát thế giới xung quanh và xây dựng hiểu biết của mình từ những trải nghiệm thực tế như chơi đùa, tập đi,… Đó là cách một đứa trẻ hiểu được mô hình cách vận hành của thế giới.
Còn ChatGPT chỉ được học từ văn bản. Đó chính là bất lợi của công cụ này. Ví dụ: Nếu chúng ta cung cấp cho ChatGPT một hệ thống văn bản nói về một thế giới khoa học viễn tưởng thì ChatGPT sẽ đưa ra câu trả lời cho thế giới tưởng tượng chứ không phải là thế giới mà chúng ta đang sống.
Nhưng một đứa trẻ sẽ biết là những điều đó là không có thật. ChatGPT đang thiếu một điều mà ngay cả đứa trẻ cũng biết đó là: Thứ gì là thực tế, thứ gì là tưởng tượng, thứ gì là thứ chúng ta biết, và đặc biệt thứ gì là thứ chúng ta không biết.
PV: Vậy theo ông, trong tương lai trí tuệ nhân tạo có thể suy nghĩ hoặc tạo ra những hành vi mà con người không thể thực hiện được hay không?
Ông Bùi Hải Hưng: Mục đích đầu tiên của trí tuệ nhân tạo là làm những việc thông minh giống như con người. Khi việc này có thể xảy ra được thì câu hỏi tiếp theo là: Nếu trí tuệ nhân tạo có thể làm tốt hơn con người thì sao?
Thực tế là việc này đã xảy ra rồi. Trí tuệ nhân tạo đã thắng con người ở cả môn cờ vua và cờ vây, đã tìm ra lời giải cho những vấn đề hóc búa về khoa học đã tồn tại hàng thập kỷ như cấu trúc 3D của protein. Tôi nghĩ điều này là minh chứng rõ ràng máy tính hoàn toàn có thể tư duy tốt hơn con người ở một số lĩnh vực hẹp và là công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người.
Điều này sẽ tăng năng suất lao động đặc biệt ở các lĩnh vực cần lao động trí óc, và qua đó tạo ra tác động rất lớn đối với xã hội của loài người. Ví dụ, sự ra đời của ChatGPT sẽ khiến nhiều công việc thay đổi. Tôi sẽ lấy ví dụ với nghề sáng tạo nội dung. ChatGPT sẽ là công cụ đắc lực để tăng năng suất lao động cho những ai đang làm công việc này.
Tuy nhiên việc tăng năng suất lao động tăng lên đồng nghĩa với số lượng nhân sự có thể giảm đi. Vậy nhu cầu nhân sự giảm xuống đối với 1 số ngành nghề thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi nghĩ xã hội và đặc biệt là hệ thống giáo dục sẽ cần phải nhanh chóng thích ứng với việc này.
Chúng ta có thể đặt ra một loạt câu hỏi rất cụ thể: Tốc độ phát triển của khoa học còn tăng lên như thế nào khi con người có một công cụ như trí tuệ nhân tạo?
Khi một nhà nghiên cứu sở hữu công cụ có khả năng tư duy như trí tuệ nhân tạo thì năng lực nghiên cứu của họ tăng lên rất nhiều. Vậy thì điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển khoa học nói riêng và sự phát triển của loài người nói chung?
Trước đây công cụ giúp con người giải phóng sức lao động chân tay. Còn giờ công cụ giúp chúng ta tăng năng suất của việc lao động trí óc.
Việc kết hợp giữa tư duy của con người và tư duy của máy móc (như một công cụ hỗ trợ) là một tương lai đầy hứa hẹn. Nếu chúng ta quản lý tốt việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các công việc trí óc và nghiên cứu thì đây sẽ là một giai đoạn rất sôi nổi trong lịch sử loài người.
PV: Sau hơn 4 năm thành lập, Vin AI đã đạt được những dấu mốc nào trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo? Ông và đồng nghiệp đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong chính công việc của mình như thế nào?
Ông Bùi Hải Hưng: Sau 4 năm thành lập, VinAI đã từng bước khẳng định vị thế và năng lực của mình trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. VinAI vinh dự được lọt vào Top 20 công ty toàn cầu dẫn đầu về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo do Thundermark Capital tổ chức bình chọn vào năm 2022, sánh ngang hàng loạt các công ty tên tuổi đến từ các nước phát triển, với hơn 120 công trình nghiên cứu chỉ tính riêng tại các hội thảo hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo cho đến thời điểm hiện tại. Đạt được cột mốc này là một thành công ngoài sức tưởng tượng của tôi rất nhiều người khác.
Với các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trong mảng Di chuyển và giao thông thông minh (Smart Mobility), VinAI đã đưa giải pháp Quan Sát Toàn Cảnh 360 độ (SVM) lên mẫu xe điện VFe34 của Vinfast và được khách hàng phản hồi rất tích cực về chất lượng.
Dòng sản phẩm nâng cao Quan Sát Trong Suốt (JellyView) hiện đang được đặt hàng phát triển cho một khách hàng là hãng xe ở Châu Âu. Đây là dấu mốc quan trọng cho chiến lược mang sản phẩm AI người Việt ra quốc tế, theo đó hơn 100.000 mẫu xe SUV tại thị trường này sẽ dùng giải pháp của VinAI. Sản phẩm Hệ Thống Quan Sát Người Lái (DMS) đang được sử dụng và tích hợp trên các mẫu xe eBus của Vinfast, dự kiến dùng để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu trong thời gian tới.
Trong mảng AI camera, chúng tôi với sự hợp tác cùng Qualcomm đã ra mắt giải pháp AI cho đô thị thông minh. Đây là giải pháp trí tuệ nhân tạo có khả năng tự động phát hiện các tình huống bất thường qua camera, góp phần nâng cao chất lượng an ninh toàn diện tại các đô thị hiện đại.
Giải pháp còn giúp các khách hàng doanh nghiệp tối ưu 30% chi phí đầu tư phần cứng, đồng thời giảm thiểu chi phí điện và vận hành. Hiện tại, công nghệ này đã được triển khai trên hơn 9.000 luồng camera tại Vinhomes Smart City, đem lại lợi ích thiết thực cho cư dân.
Việc ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo mới như AI tạo sinh để tăng độ chính xác của các mô hình trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng từ rất sớm tại VinAI dựa vào nền tảng trí tuệ nhân tạo sẵn có. Nhờ đó quá trình phát triển và hoàn thiện sản phẩm của chúng tôi diễn ra nhanh và tối ưu hơn.
PV: Đã từng có 15 năm làm việc tại Viện Nghiên cứu Stanford, Google DeepMind, ông thấy môi trường làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong và ngoài nước khác gì nhau?
Ông Bùi Hải Hưng: Khác nhau rất nhiều.
Khi nghiên cứu cũng như phát triển sản phẩm trong nước, chúng tôi phải tự định nghĩa cho mình thế nào là tốt nhất. Tức là chúng tôi phải đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng tương đương với nước ngoài với cách làm linh hoạt hơn. Nếu mình không làm được thì sẽ không thể bắt kịp.
Tất nhiên nguồn lực các nước phát triển đầu tư cho trí tuệ nhân tạo lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn cần phải đặt ra những tiêu chí đo lường chất lượng tương đương với thế giới.
Với một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu không hành động chúng ta sẽ là người đứng ngoài cuộc chơi của công nghệ trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Hậu quả không chỉ là không chạm được vào tiềm năng cũng như lợi nhuận mà công nghệ này đem lại, mà khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển sẽ ngày càng lớn. Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực chính cho cuộc cách mạng số sắp tới.
Hiện tại chúng ta phải đi mua công nghệ của nước ngoài với số tiền không nhỏ. Nếu nắm được công nghệ, Việt Nam có thể làm bài toán ngược lại. Thay vì đi mua công nghệ thì chúng ta có thể bán công nghệ. Ước tính, giá trị kinh tế mà trí tuệ nhân tạo mang lại có thể lên tới 15.000 tỷ đô.
PV: Trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn này, tôi vẫn nghĩ sẽ được gặp ông ở một phòng nghiên cứu với một phong thái rất chậm rãi. Nhưng thực tế là tôi đã đợi và quan sát ông trong một buổi giới thiệu sản phẩm kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Tôi có cảm giác hiện giờ ông giống như một nhà khoa học nhưng lại đi kinh doanh vậy?
Ông Bùi Hải Hưng: Tôi vẫn là một nhà khoa học! Bản chất của bộ môn trí tuệ nhân tạo khác với khoa học thuần cơ bản như toán học ở chỗ tính ứng dụng của trí tuệ nhân tạo rất là cao. Bởi vậy, hầu hết mọi chuyên gia trong ngành đều có một đam mê là tạo ra những công nghệ có rất nhiều người sử dụng. Việc hiểu được và làm được để người sử dụng có những trải nghiệm mới thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo là một việc rất thú vị.
PV: So với 4 năm trước, trông ông có vẻ gầy đi. Điều này có ảnh hưởng gì tới tham vọng mà 4 năm trước ông xây dựng không?
Ông Bùi Hải Hưng: Tôi trông có vẻ gầy đi chứ cân nặng thì có bị tăng một chút! Sau 4 năm kể từ khi VinAI thành lập, tôi nghĩ là Việt Nam đã thực sự bắt đầu bắt kịp được với ngành khoa học trí tuệ nhân tạo trên thế giới. VinAI đã rất kiên quyết trong việc đặt ra các tiêu chuẩn về nghiên cứu ở mức độ cao nhất thế giới.
Và nhờ đó, chúng ta đã có loạt công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực quan trọng như AI tạo sinh, mô hình ngôn ngữ lớn, được công bố ở những hội nghị tiếng tăm nhất thế giới, và đào tạo ra một thế hệ các tài năng trẻ rất giỏi và là tương lai cho ngành trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Thực tế những việc này đều chưa có tiền lệ, và đã đặt ra một nền móng rất tốt cho ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Thứ tôi kỳ vọng hơn nữa là được nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam cả về số lượng cũng như chất lượng. Trong tương lai, tôi thực sự mong muốn Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ sở nữa như VinAI để cùng đặt ra mục tiêu: Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở đẳng cấp quốc tế, mang lại những lợi ích thiết thực cho con người cũng như những lợi ích về kinh tế cho Việt Nam.