Giới âm nhạc Việt Nam vừa đón một tin vui, đó là bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh mục Ký ức Thế giới. Sự kiện này không chỉ ghi dấu ấn lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của Việt Nam được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới, mà còn là dịp vinh danh di sản đồ sộ của nhạc sĩ Hoàng Vân, với hơn 700 tác phẩm âm nhạc, được lưu giữ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Phiên họp của Hội đồng Chấp hành UNESCO, nơi ghi danh Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân.

Phiên họp của Hội đồng Chấp hành UNESCO, nơi ghi danh Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân.

Vào hồi 23 giờ ngày 10/4 (tức 4 giờ ngày 11/4 giờ Việt Nam) tại Thành phố Paris, Pháp, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã nhất trí ghi danh “Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân” của Việt Nam vào Danh mục Ký ức Thế giới. Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của cá nhân Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới. Bộ sưu tập là một trong 74 hồ sơ được UNESCO khuyến nghị ghi danh trên tổng số 121 hồ sơ đề cử được xem xét trong kỳ họp này.

Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân tương đối đầy đủ và nguyên vẹn, bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc từ năm 1951 đến 2010, được lưu giữ dưới nhiều chất liệu khác nhau gồm bản thảo, tổng phổ, phân phổ, phim, ảnh, file âm thanh, bản in, băng, đĩa, tệp tin số… Sưu tập là nguồn tài liệu tham khảo cho nghiên cứu văn hóa, xã hội trong bối cảnh hậu thuộc địa và góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam và thế giới. Hiện nay bộ Sưu tập đã được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, và trang web đa ngữ (https://hoangvan.org) cho phép công chúng và học giả có thể tiếp cận một các dễ dàng.

Đây là một bộ sưu tập được hình thành trong chiều dài hơn nửa thế kỷ.

Bộ sưu tập được bắt đầu vào những năm 2000 với khoảng 100 bản ghi từ VOV. Đây là những bản nhạc đã được thu thanh và lưu trữ tại Đài. Những bản ghi âm này còn là cơ sở để khôi phục nhiều bản tổng phổ. Như nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân cho biết, hiện nay, để có bài và tổng phổ phục vụ nhu cầu biểu diễn, nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng đã phải ghi âm lại nhiều tác phẩm từ những files audio này.

Một số tác phẩm tiêu biểu:

Ca khúc tiêu biểu: Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca giao thông vận tải, Con chim vành khuyên, Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Hà Nội – Huế - Sài Gòn, Tâm tình người thủy thủ, Quảng Bình quê ta ơi, Tình ca Tây Nguyên, Tình yêu Hà Nội.

Trường ca, hợp xướng và đại hợp xướng: Hồi tưởng, Vượt núi, Việt Nam muôn năm, Kỷ niệm ở quê hương…

Nhạc giao hưởng: Giao hưởng thơ số 1 Thành đồng Tổ quốc, Tác phẩm cho dàn nhạc và hợp xướng Điện Biên Phủ, 4 chương, Giao hưởng số 2, 4 chương (chưa công bố), Giao hưởng thơ số 3 (chưa công bố), Giao hưởng trữ tình số 4 Synfonia Lyrica (chưa công bố)

Nhạc phim: Nổi gió, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Khói trắng, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu

Từ khi nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vào năm 2018, hai người con của nhạc sĩ là Nhạc trưởng Lê Phi Phi và Nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc, Tiến sĩ Lê Y Linh đã chung sức sưu tầm, thống kê, hệ thống hóa, khôi phục tư liệu tạo nên bộ sưu tập cá nhân của nhạc sĩ và đã đề cử cho Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. 

Nhưng thực tế, theo Tiến sĩ Lê Y Linh, hành trình này đã bắt đầu từ năm 2000, khi nguy cơ những bản nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân không còn được giữ, có nguy cơ bị phân tán, thất lạc, phá hủy do những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Vào năm 1960, sau 6 năm học đại học chính quy về sáng tác và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, nhạc sĩ Hoàng Vân trở về Hà Nội cùng với những nhạc sĩ đầu tiên khác được đào tạo ở nước ngoài và các tác phẩm giao hưởng của họ. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1960 tại Đài Phát thanh Việt Nam (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV) với tư cách là một trong những nhạc trưởng và giám đốc nghệ thuật đầu tiên của Dàn nhạc Đài Phát thanh.

Ông ngừng công tác ở Đài vào khoảng đầu 1970 và công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến những năm 1990. Nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được sáng tác trong thập kỷ này, một thập kỷ quan trọng của nền âm nhạc chuyên nghiệp đương đại Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai.

Những bản thảo, tư liệu và tổng phổ của ông sáng tác trong giai đoạn này sau khi được thu thanh đã lưu vào thư viện của Đài. Những tài liệu ấy không những phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt và chiến tranh, mà còn bị cháy rụi vì một vụ hỏa hoạn đã bùng phát trong kho lưu trữ tổng phổ của Đài vào khoảng năm 1969-1970.

Sau đó, kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, bối cảnh âm nhạc Việt Nam đã trải qua một thời kỳ biến động lớn, đặc biệt sự tái cấu trúc của nhiều tổ chức khác nhau trong thời gian đất nước mở cửa cho nền kinh tế thị trường vào những năm 1990.

Ngoài ra, trong thực tế, các nghệ sĩ độc tấu và nhạc trưởng nhiều khi không trả lại bản nhạc của họ sau khi chơi hoặc thu âm. Đây là những lý do chính khiến cho bản thảo và tổng phổ của tất cả các nhạc sĩ đã bị phân tán ở nhiều nơi: nhà hát và dàn nhạc, thư viện và nhà kho, các cơ quan bị sáp nhập, tách ra, hay thay đổi chức năng. Về bản thu âm, thiết bị ghi âm cũ không thể theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Kết quả là nhiều tài liệu âm nhạc không còn có thể phát (và nghe) được nữa vì không được cập nhật về mặt công nghệ (thí dụ như số hóa).

Vào tháng 12/1994, để chuẩn bị cho buổi hòa nhạc Hoàng Vân tại Paris, nhạc sĩ đã phải chép tay lại một số bản nhạc để các nghệ sĩ sử dụng. Vào tháng 8/2000, nhạc sĩ Hoàng Lương đã phải nghe bản thu của tác phẩm này vào năm 1976 và ghi âm lại “Hồi tưởng” (Reminiscence), tác phẩm đồ sộ của nhạc sĩ Hoàng Vân dành cho dàn nhạc và hợp xướng kép, bởi tổng phổ và phân phổ có thể đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn và/hoặc bị mất. Đây cũng chính là bản tổng phổ được dùng từ đó đến nay.

Nhận thức được những trở ngại đối với việc bảo tồn các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn quan trọng này của âm nhạc Việt Nam, gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân đã quyết định sưu tầm lại tất cả các tác phẩm của ông, từ các bản thảo, tổng phổ, ghi âm… cho đến những tư liệu, tài liệu, hình ảnh về nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Hoàng Vân vào khoảng những năm 1990-2000 trong một cuộc du ngoạn tại Bắc Macedonia một mùa tuyết trắng.

Nhạc sĩ Hoàng Vân vào khoảng những năm 1990-2000 trong một cuộc du ngoạn tại Bắc Macedonia một mùa tuyết trắng.

Tiến sĩ Lê Y Linh kể lại: “Để sưu tầm các tài liệu, tôi đã mở từng thùng carton, lật từng trang giấy hoen ố gấp đôi gấp ba lạc trong một cuốn sách, gọi điện, viết tin nhắn, viết thư cho các cơ quan, người hâm mộ, xin từ lý lịch tự thuật của ông đến các bản phỏng vấn từ các phóng viên, ghi chép những lời kể, ký ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp, nhà báo, bạn bè của nhạc sĩ; sưu tầm các bài báo, sách in, băng, đĩa, file mềm tại thư viện, kho lưu trữ…ghi âm, ghi hình các cuộc đàm đạo, phỏng vấn”.

Tiến sĩ Lê Y Linh cũng cho biết, em trai bà, nhạc trưởng Lê Phi Phi chịu trách nhiệm hiệu đính, so sánh các bản thảo, số hóa, thậm chí khôi phục lại tác phẩm bằng cách ghi âm qua các bản thu thanh.

“Đặc biệt, tôi phải thật sự cảm ơn những người bạn, người quen, người yêu âm nhạc của ông, các trang web, các nhóm yêu nhạc trong đó có nhiều bạn còn rất trẻ… Lặng lẽ, ngày qua ngày, tháng qua tháng, có những nhà sưu tập đã cho tôi bản in duy nhất họ đang có. Có người tặng lại chúng tôi những bản nhạc, bản thảo, cuốn sách… vẫn còn giữ qua hơn nửa thế kỷ, hay gửi cho chúng tôi những tệp tin âm thanh tưởng như không bao giờ tìm lại được... để Sưu tập trở thành một tài sản của ngày hôm nay.  Và chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm, khôi phục để phát huy những giá trị của Sưu tập trong tương lai” - Tiến sĩ Lê Y Linh nói.

Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn Quốc tế Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, hồ sơ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quốc tế với những giá trị nổi bật. Bộ sưu tập được bảo tồn tốt, có tính tiếp cận cao thông qua nền tảng số đa ngữ (https://hoangvan.org), góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Đánh giá của Hội đồng cũng cho rằng, Sưu tập này không chỉ là những tác phẩm có giá trị mang dấu ấn của nhạc sĩ Hoàng Vân, mà còn phản ánh một trong những bước ngoặt lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam, những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Sưu tập tài liệu còn đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa âm nhạc. Đây là nguồn tư liệu khoa học quý, cung cấp những thông tin giá trị về một giai đoạn then chốt trong quá trình hình thành và phát triển của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, cũng như xã hội Việt Nam nói chung.

Hơn thế nữa, Sưu tập này còn là một công cụ tham chiếu hữu ích cho các nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc Việt Nam, các nước trong khu vực và giới nghiên cứu quốc tế, giúp làm sáng tỏ sự phát triển và những biến thể của âm nhạc cổ điển phương Tây ngoài châu Âu, đặc biệt là tại Việt Nam và khu vực châu Á trong bối cảnh hậu thuộc địa.

Nhạc sĩ Hoàng Vân hát cùng các đồng nghiệp tại một hội nghị năm 1989. (Ảnh tư liệu)

Nhạc sĩ Hoàng Vân hát cùng các đồng nghiệp tại một hội nghị năm 1989. (Ảnh tư liệu)

Ngoài những giá trị tại Việt Nam, Sưu tập tài liệu còn mang tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Với ngôn ngữ âm nhạc hàn lâm, các nghệ sĩ khắp thế giới có thể dễ dàng tiếp cận và biểu diễn các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân, giúp công chúng yêu nhạc cổ điển quốc tế khám phá một nền âm nhạc giàu bản sắc văn hoá Việt Nam và có giá trị nghệ thuật cao góp phần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc cổ điển thế giới.

Hội đồng cũng đánh giá Sưu tập là một điển hình về việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản tư liệu của một gia đình nghệ sĩ, khi các bản thảo và tổng phổ phần lớn được bảo quản trong tình trạng tốt. Sưu tập tài liệu sở hữu khoảng 200 bản thu thanh (hơn 20 giờ thu), trong đó, có nhiều bản thu gốc chuẩn khi tác phẩm ra đời, được thể hiện qua giọng hát của các thế hệ ca sĩ nổi tiếng Việt Nam thời kỳ đó.

Với các chất liệu phong phú như tổng phổ viết tay, bản in, bản thu âm và nhiều video tư liệu, Sưu tập tài liệu đáp ứng nhu cầu của nhiều cộng đồng hoạt động âm nhạc như dàn dựng, giảng dạy, nghiên cứu…

Sưu tập tài liệu không chỉ mang giá trị tinh thần sâu sắc đối với xã hội và cộng đồng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa nghệ thuật hàn lâm và công chúng. Tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân mang một sức sống đặc biệt. Không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao, những sáng tác của ông còn trở thành giáo trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, các trường âm nhạc và Nhạc viện, đồng thời, luôn xuất hiện gần gũi với công chúng trong các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp cấp quốc gia, quốc tế, cũng như các phong trào âm nhạc nghiệp dư.

Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch MOWCAP, chuyên gia Ủy ban tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới nhận xét, đây là Hồ sơ đề cử một loại hình di sản đặc biệt mà Việt Nam chưa từng có, đó là sưu tập tài liệu lưu trữ cá nhân của một nhạc sĩ do gia đình thu thập, bảo quản, gìn giữ mà không phải do một cơ quan nhà nước quản lý và đã ứng dụng công nghệ thông tin để phát huy giá trị rộng rãi cho đông đảo công chúng.

Nhạc sĩ Hoàng Vân và con trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi. (Ảnh tư liệu gia đình)

Nhạc sĩ Hoàng Vân và con trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi. (Ảnh tư liệu gia đình)

Ngoài ra, nội dung hồ sơ đề cử hết sức độc đáo, phong phú và thể hiện rõ ý nghĩa quốc tế, có tầm ảnh hưởng sâu về chuyên môn, rộng về phạm vi trong nước, khu vực và quốc tế, có sự lan tỏa trong cộng đồng trong và ngoài nước biết đến tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Theo TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch MOWCAP, chuyên gia Ủy ban tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới: “Việc ghi danh Sưu tập Nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ là hồi chuông thức tỉnh về việc lưu giữ các tư liệu âm nhạc không chỉ ở Việt Nam, mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới.

Điều này góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn các tư liệu góp phần làm giàu ký ức của quốc gia và thế giới từ các cá nhân, gia đình... cũng như các nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ... Đây chính là một trong những mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.”

 Cục Di sản văn hóa đánh giá, Sưu tập tài liệu lưu trữ của nhạc sĩ Hoàng Vân được đề cử ghi danh Di sản tư liệu thế giới không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ di sản tư liệu (lĩnh vực âm nhạc) thuộc sở hữu gia đình, cá nhân, góp phần khẳng định tính thực tiễn, hiệu quả của Luật Di sản văn hóa năm 2024, là động lực cho việc bảo vệ, phát huy giá trị của những di sản tư liệu, góp phần khẳng định vị thế di sản văn hóa Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.

Việc ghi danh này cũng đưa tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO công nhận lên 11 di sản, trong đó có 4 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần làm dầy thêm kho tàng di sản nhân loại.

Nhạc sĩ Hoàng Vân, tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh ngày 24/7/1930 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học ở phố Hàng Thùng, có cha và ông nội đều là nhà nho.

Năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông rời Hà Nội lên đường tham gia kháng chiến, tham gia Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội.

Trong thời gian này, ông sáng tác "Tin chiến thắng" và "Chiến thắng Tây Bắc" (1951), "Hò kéo pháo" (1953), tác phẩm nối liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, giải nhất Đại hội văn công toàn quốc đầu tiên (1954), chính thức mở đầu cho sự nghiệp sáng tác.

Nhạc sĩ đi tu nghiệp tại Nhạc viện quốc gia Bắc Kinh, Trung Quốc từ năm 1954 đến năm 1960. Ông tốt nghiệp Đại học Âm nhạc tại Nhạc viện quốc gia Bắc Kinh bằng bản giao hưởng thơ "Thành đồng Tổ quốc" sau đó về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, gây dựng dàn nhạc Đài.

Ông làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (từ 1963), giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ năm 1961 đến năm 1983.

Năm 2000, ông được trao Giải thường Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Ông qua đời năm 2018.

Ngày xuất bản: 25/4/2025
Nội dung: TUYẾT LOAN
Trình bày: DUY LONG
Ảnh: Tư liệu, Tư liệu gia đình