Vị thế của Kinh đô - Thủ đô

CỔ LOA, THĂNG LONG, HÀ NỘI

trong tiến trình lịch sử Việt Nam

"Hà Nội có một vị thế lớn nhất và đặc biệt nhất trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc mà không một đô thị nào hay một kinh thành nào khác của Việt Nam có thể sánh ngang được."

Thành Cổ Loa - Kinh đô của thời đại dựng nước đầu tiên

Sông Hồng là dòng sông lớn nhất ở miền bắc, được hợp thành từ 3 phụ lưu chính là sông Thao, sông Đà, sông Lô. Trong quá trình tiến hóa và thành tạo châu thổ, kể từ đỉnh Việt Trì, sông Hồng nhiều lần phân nhánh ở cả bên tả và bên hữu, tạo thành một loạt các chi lưu. Đó là các sông Cà Lồ và tiếp theo là sông Ngũ Huyện Khê, sông Đuống ở tả ngạn; sông Đáy (sông Hát), sông Nhuệ, sông Tô Lịch ở hữu ngạn.

Thư tịch đầu tiên chép đến sông Hồng là sách Thủy kinh của người thời Tam Quốc (220- 265) khởi thảo và đến khoảng năm 515-527 được Lịch Đạo Nguyên nghiên cứu, bổ sung, chú thích, chú giải thành sách Thủy kinh chú rất nổi tiếng. Sông Hồng trong sách Thủy kinh chú là sông Diệp Du bắt nguồn từ Trung Quốc “rồi đi về phía Đông Nam chảy vào quận Giao Chỉ… Qua phía Bắc huyện Mê Linh quận Giao Chỉ, chia làm 5 con sông, chằng chịt trong quận Giao Chỉ, đến địa giới phía Đông thì hợp lại làm 3 con sông… chảy về phía Đông ra biển, được mô tả là hệ thống sông chính, là động mạch chủ của toàn bộ các luồng giao thông, giao thương và hoạt động của con người trên địa bàn cư trú chủ yếu của người Lạc Việt, Âu Việt, của nước Âu Lạc (208TCN-179TCN) và của Hai Bà Trưng (40-43). Sông Hồng và các chi lưu của nó đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, cùng với toàn bộ diễn tiến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của nó, đặc biệt là khu vực Hà Nội - trung tâm của châu thổ. Đây là địa bàn căn bản, là trung tâm quan trọng nhất diễn ra quá trình hình thành người Việt cổ và nên văn minh Sông Hồng.

Địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay là cái nôi của nền văn minh Sông Hồng, trong đó Cổ Loa và phụ cận là trung tâm nhân lõi. Tại đây Khảo cổ học đã phát hiện các di tích xác nhận sự xuất hiện của con người liên tục từ văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay 4000 năm) qua Đồng Đậu (cách ngày nay 3500 năm) đến Gò Mun (cách ngày nay 3000 năm) và Đông Sơn (cách ngày nay 2800 năm). Đặc biệt cả một hệ thống tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn thuộc sơ kỳ của thời đại đồ Sắt như trống đồng loại I, lưỡi cày đồng, hàng vạn mũi tên đồng, khuôn đúc mũi tên đồng và nhiều công cụ sản xuất, đồ dùng, vũ khí bằng đồng, bằng sắt, xác nhận bước tiến vượt bậc của kỹ thuật sản xuất, năng suất lao động và khả năng chinh phục thiên nhiên và bảo vệ quê hương xứ sở. Đấy cũng chính là cơ sở quan trọng nhất để khi thành lập nước Âu Lạc vào năm 208 TCN, An Dương Vương không ở lại vùng trung du chóp trên đỉnh châu thổ mà chuyển xuống định đô ở đỉnh thứ hai của quá trình thành tạo châu thổ, trên bờ sông Hoàng Giang nối liền hệ thống sông Hồng với sông Thái Bình.

Một số khuôn ba mảnh bằng đá để đúc mũi tên đồng với nhiều mẫu khác nhau cùng với nhiều mẫu khác nhau cùng với một số khuân đúc mũi lao, mũi giáo được khai quật tại di tích Cổ Loa. (Ảnh: Ban quản lý khu di tích Cổ Loa)

Một số khuôn ba mảnh bằng đá để đúc mũi tên đồng với nhiều mẫu khác nhau cùng với nhiều mẫu khác nhau cùng với một số khuân đúc mũi lao, mũi giáo được khai quật tại di tích Cổ Loa. (Ảnh: Ban quản lý khu di tích Cổ Loa)

Thành Cổ Loa gồm 3 vòng thành - hào khép kín là thành - hào thành Nội, thành - hào thành Trung và thành - hào thành Ngoại với tổng chu vi khoảng trên 16 km, là một tòa thành quy mô lớn, tận dụng địa hình tự nhiên, kết hợp thủy bộ liên hoàn, tiện lợi cho cả phòng thủ và tấn công. Đây là tòa thành cổ nhất và đặc biệt nhất ở Đông Nam Á, đạt đến trình độ kiến trúc và nghệ thuật quân sự rất cao của các nước phương Đông. Mặc dù cho đến nay khảo cổ học vẫn chưa tìm thấy dấu tích kiến trúc đền đài, cung điện hay phố thị còn sót lại trong lòng đất Cổ Loa, nhưng như thế không có nghĩa là kinh đô Cổ Loa hoàn toàn không có cung cấm, đền đài, cung điện hay phần “thị” như tất cả các tòa vương thành khác. Chúng tôi thực tin là dù thời gian tồn tại của kinh đô nhà nước Âu Lạc rất ngắn, nhưng Cổ Loa có đến cả nghìn năm là trung tâm phát triển của lịch sử - văn hóa, trung tâm sản xuất và trao đổi hàng hóa lớn nhất, lâu dài, liên tục và tiêu biểu cho cả vùng châu thổ sông Hồng, không thể không có các đấu ấn đặc biệt này được lưu lại trong lòng đất. “Thành Cổ Loa là một chỉ tiêu phản ánh tập trung sự phát triển nhiều mặt của nước Âu Lạc đời An Dương Vương. Nó không những chứng tỏ tài năng lao động sáng tạo, những tiến bộ về kỹ thuật xây dựng, về kỹ thuật và nghệ thuật quân sự của người Việt cổ, mà còn biểu thị một bước phát triển mới của Nhà nước Âu Lạc, của quyền lực xã hội, của sự phân hóa xã hội.

Sơ đồ khu vực thành hào Cổ Loa. (Ảnh: Ban quản lý khu di tích Cổ Loa)

Sơ đồ khu vực thành hào Cổ Loa. (Ảnh: Ban quản lý khu di tích Cổ Loa)

Thời đại dựng nước đầu tiên được đánh dấu bằng 3 trung tâm văn hóa lớn là văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ, văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ và văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ với 3 loại hình nhà nước sơ khai là Văn Lang - Âu Lạc, Sa Huỳnh cổ - Chămpa và Phù Nam, trong đó Văn Lang - Âu Lạc không chỉ ra đời sớm nhất mà cũng sớm có sức quy tụ mạnh mẽ, đã phát triển thành dòng chảy chủ đạo của toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc. Kinh đô Văn Lang là kinh đô đầu tiên của Nhà nước Văn Lang trên chóp định của tam giác châu thổ Sông Hồng, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được vị trí chính xác và hình hài cụ thể. Vì thế, Cổ Loa với tư cách là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa của nước Âu Lạc, là đỉnh cao và biểu tượng sáng giá của nền văn minh Sông Hồng, phải được coi là đại diện tiêu biểu nhất, không chỉ cho kinh đô của các nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ở phía Bắc, mà cho toàn bộ các kinh đô, đô thành của thời đại dựng nước đầu tiên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Những kinh thành, đô thành là tiền thân của
kinh đô Thăng Long

Từ năm 179 TCN, nước Âu Lạc bị rơi vào ách đô hộ của phương Bắc, Cổ Loa và vùng phụ cận trở thành tâm điểm của các cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hóa. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc khởi nghĩa Tây Vu Vương là cuộc khởi nghĩa lớn đầu tiên chống lại ách đô hộ của nhà Hán lại nổ ra trên đất Cổ Loa. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa toàn dân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam bùng nổ ở cửa sông Hát (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) lấy hai huyện Mê Linh, Chu Diên ở hai bên bờ sông Hồng (tương đương với địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay) làm địa bàn căn bản, nhanh chóng giành thắng lợi trên phạm vi toàn quốc, kết thúc ách đô hộ hơn 200 năm của phương Bắc, mở ra tương lai phát triển mới của quốc gia dân tộc. Trên tầm cao của chiến thắng, Hai Bà Trưng quyết định mở nước là sự “nối lại nghiệp xưa họ Hùng”, xưng Vương và xây dựng kinh đô Mê Linh ở ngay bên bờ sông Hồng (nay là làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng do người phụ nữ trẻ tuổi của Hà Nội khởi xướng, lãnh đạo, lấy Hà Nội làm địa bàn trọng yếu, đã trở thành kỳ tích anh hùng có một không hai trong lịch sử dân tộc và cũng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Đây thật sự là cột mốc bản lề, cơ sở vững chắc và là định hướng cho toàn bộ quá trình phát triển, biến đổi của lịch sử đất nước.

Tròn 500 năm sau, Lý Bí là người gốc ở huyện Thái Bình lại tiếp tục lấy địa bàn căn bản của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng làm trung tâm tập hợp lực lượng, phát động cuộc khởi nghĩa toàn dân thứ hai trong lịch sử dân tộc. Khi giành được thắng lợi trên phạm vi toàn quốc, Lý Bí quyết định xưng Đế (trở thành người Việt Nam đầu tiên xưng Đế), lập ra nước Vạn Xuân vào năm 544, chọn vùng đất trung tâm phố cổ Hà Nội làm đất đóng đô, khẳng định vị trí Đế đô của vùng trung tâm nội thành Hà Nội trước Lý Thái Tổ gần một nửa thiên niên kỷ. Sau khi bị quân nhà Lương đàn áp, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương và cả Hậu Lý Nam Đế tiếp tục dựa vào dòng sông Hồng để duy trì lực lượng, tấn công, phòng thủ, khôi phục lại vương triều và duy trì sự tồn tại của nhà nước Vạn Xuân cho đến năm 602.

Sơ đồ: Vị trí của thành Cổ Loa, Mê Linh, Vạn Xuân, Ô Diên, Tống Bình, Đại La… và một số dấu tích quan trọng của thời Bắc thuộc trên đôi bờ sông Hồng

Sơ đồ: Vị trí của thành Cổ Loa, Mê Linh, Vạn Xuân, Ô Diên, Tống Bình, Đại La… và một số dấu tích quan trọng của thời Bắc thuộc trên đôi bờ sông Hồng

Vào đầu thời Bắc thuộc dòng sông Hồng vẫn chảy sát khu phố cổ, mà cả Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, sông Tô Lịch đoạn chảy từ Hồ Khẩu cho đến Chợ Gạo là vết tích còn lại của lòng sông Hồng xưa. Năm 545 Lý Nam Đế đem 3 vạn quân đắp thành ở cửa sông Tô Lịch (tức là ở trên bờ sông Hồng chỗ Hồ Khẩu hiện nay) để chống lại cuộc tấn công đại quy mô của quân Lương, bảo vệ cho kinh thành Vạn Xuân ở phía sau. Sau khi chặn đánh quân Lương ở cửa sông Đuống không thành công, Lý Nam Đế kéo đại quân về giữ cửa sông Tô Lịch. Thành ở cửa sông Tô Lịch bị thất thủ, triều đình Vạn Xuân theo dòng sông Hồng ngược lên trấn giữ thành Gia Ninh ở phía dưới ngã ba Bạch Hạc. Rồi thành Gia Ninh và thượng lưu sông Hồng tiếp tục bị thất thủ, Triệu Quang Phục thay thế Lý Nam Đế kéo 2 vạn quân về đóng ở đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) và ngược dòng sông Hồng tổ chức các cuộc tiến công đánh bại quân Lương, khôi phục nhà nước Vạn Xuân. Đến khi nhà nước Vạn Xuân bị phân liệt, Triệu Việt Vương vẫn đóng đô ở thành Vạn Xuân, còn Lý Phật Tử thì đóng đô ở thành Ô Diên (ở bờ nam sông Hồng, chỗ cửa sông Nhuệ cổ nhận nước từ sông Hồng và phân nhánh đổ thẳng ra sông Đáy, thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng), lấy bãi Quân Thần (hai xã Thượng Cát, Hạ Cát, quận Bắc Từ Liêm) làm ranh giới.

Lỵ sở của chính quyền đô hộ phương Bắc lúc đầu đặt tại Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), nhưng đến sau khi nhà nước Vạn Xuânbị đánh tan, nhà Tùy và sau đó là nhà Đường đã chuyển hẳn phủ đô hộ xuống khu vực huyện Tống Bình, tức là khu vực kinh đô Vạn Xuân của Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương trước đó. Các chính quyền đô hộ đã khai thác triệt để thế mạnh của sông Hồng cùng các chi lưu, phụ lưu để mở rộng cai quản toàn bộ khu vực phía Bắc nước ta và cả miền Nam Trung Quốc. Thành Tống Bình và sau đó là thành Đại La đã trở thành tiêu điểm của các cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Đó là các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến năm 687, của Mai Thúc Loan năm 713-722, của Phùng Hưng 766-791, của Dương Thanh 819-820… Năm 905, nhân cơ hội chính quyền trung ương của nhà Đường đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, Khúc Thừa Dụ được sự ủng hộ của dân chúng đã nổi dậy lật đổ chính quyền đô hộ của nhà Đường ở thành Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ. Họ Khúc vẫn đóng trị sở ở thành Đại La, biến Đại La thành trung tâm tập hợp và huy động lực lượng toàn dân tộc, xây dựng quyền tự chủ và bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành lại được.

Địa tầng và mặt bằng hố khai quật thành Ngoại năm 2012. (Ảnh: Ban quản lý di tích Cổ Loa)

Địa tầng và mặt bằng hố khai quật thành Ngoại năm 2012. (Ảnh: Ban quản lý di tích Cổ Loa)

Năm 931, Dương Đình Nghệ sau khi đánh bại cuộc tấn công xâm lược của Nam Hán, tiếp tục công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của họ Khúc, vẫn lấy thành Đại La làm thủ đô của chính quyền tự chủ. Ngô Quyền là người làng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) đã từ sớm đi theo Dương Đình Nghệ khôi phục quyền tự chủ. Đến khi Dương Đình Nghệ bị sát hại, Ngô Quyền kéo quân ra hạ thành Đại La rồi tiến ra Bạch Đằng làm nên trận chung kết lịch sử kết thúc nghìn năm Bắc thuộc. Ông quyết định mở nước, xưng Vương và đóng đô ở Cổ Loa để khẳng định quyết tâm tiếp nối sự nghiệp của Hùng Vương - An Dương Vương và được tôn vinh là vị Tổ Trung hưng đất nước.

Sự trở về kinh đô cũ Cổ Loa có ý nghĩa hết sực đặc biệt về mặt chính trị, quân sự, nhưng trên thực tế Cổ Loa giữa thế kỷ X không còn là trung tâm xã hội và văn hóa hàng đầu đất nước nữa. Trong 4 thế kỷ biến đổi, khu vực kinh đô Vạn Xuân - thành Tống Bình - Đại La dần dần phát triển thành đô thị tập trung dân cư hơn bất cứ một địa phương nào khác của An Nam đô hộ phủ, với 11 hương và khoảng 15 vạn dân. Tòa thành Đại La mà Cao Biền cho đắp năm 866, được Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô gọi là “đô cũ của Cao Vương”, không chỉ là tòa quân thành bề thế, mà còn là đô thị phát triển với hơn 40 vạn gian nhà. Hai triều Đinh, Lê vì những lý do riêng không chọn Cổ Loa hay Đại La làm kinh đô, nhưng vẫn rất chú tâm duy trì nhịp độ phát triển của vùng đất trung tâm châu thổ sông Hồng trong các kế sách xây dựng và bảo vệ đất nước, mà kết quả khai quật khảo cổ học đã chứng minh một cách thuyết phục có một nền văn hóa Đại La thế kỷ X tiếp tục phát triển trên nền tảng của văn hóa Đại La cuối thời Bắc thuộc với những đặc trưng riêng hết sức độc đáo của thời kỳ đầu độc lập. 

Kinh thành Thăng Long - Đế đô của Kỷ nguyên văn minh Đại Việt

Lý Công Uẩn người làng Dương Lôi (thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh), sáng lập Vương triều Lý tại kinh thành Hoa Lư và quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La bên bờ sông Hồng vào năm 1010. Trong hơn 42 năm (968-1010), kinh đô Hoa Lư đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, tạo điều kiện cho triều Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009) củng cố chính quyền trung ương, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất của quân Tống (980-981) và giữ vững nền thống nhất quốc gia, đặt cơ sở cho bước phát triển toàn diện và trội vượt của đất nước. Thế nhưng Hoa Lư đã dần dần bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Lý Công Uẩn “xem khắp nước Việt” và nhận thấy chỉ có khu vực thành Đại La mới “là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Ông đã thể hiện một cách tuyệt vời tầm nhìn xuyên thấu không gian, xuyên suốt thời gian khi giải thích: “Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sau sông trước. Vùng đất này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Như thế, hơn bất cứ một khu vực nào trong nước, khu vực thành Đại La theo quan niệm của Lý Công Uẩn, vốn là một kinh đô, đã hội đủ được tất cả các điều kiện, các lợi thế để xây dựng một đế đô, kinh sư lâu dài, vĩnh viễn, “trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có.

Tất cả những điều kiện tự nhiên và kết quả phát triển của lịch sử đã tạo dựng những tiền đề cho Đại La đóng vai trò kinh đô của đất nước thời kỳ phục hưng dân tộc. Lý Công Uẩn không chỉ nhận thức sâu sắc tất cả những tiền đề đó, mà điều quan trọng hơn là ông hoàn toàn ký thác niềm tin của mình ở sức mạnh của đất nước, ở tương lai phát triển của dân tộc. Quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La của Lý Công Uẩn là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị, trù tính, tìm chọn của cả dân tộc hàng nghìn năm nên trở thành tuyệt đối đúng, đáp ứng được trọn vẹn không chỉ nhu cầu phát triển của đất nước, ý chí của Hoàng đế và vương triều mà còn là nguyện vọng tha thiết của toàn dân.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ cả về tinh thần lẫn vật chất, vào mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn đích thân tổ chức việc dời đô từ thành Hoa Lư ra kinh phủ ở thành Đại La. Công việc đại chuyển dời này cũng hoàn toàn bằng thuyền theo đường sông Hồng. Khi thuyền vừa đến nơi, đang tạm đỗ dưới thành Đại La thì bỗng có rồng vàng hiện lên trên thuyền ngự. Nhân đó Lý Công Uẩn quyết định đổi tên thành gọi là thành Thăng Long. Thành Thăng Long với biểu tượng Rồng bay lên vừa mang khí thế vươn lên mạnh mẽ của dân tộc, vừa chứa đựng ý niệm thiêng liêng về cội nguồn Rồng Tiên và ước mơ về nguồn nước, mưa thuận gió hoà của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở châu thổ sông Hồng.

Thành Thăng Long ngay từ thời mới định đô đã bao gồm 3 vòng thành, trong đó Cấm Thành là trung tâm chính trị của Vương triều. Phía ngoài, cùng với một số cung điện, chùa tháp là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng gồm các bến chợ, phố phường và cả các thôn trại. La Thành là vòng thành ngoài cùng có chức năng vừa là thành lũy bảo vệ vừa là hệ thống giao thông, giao thương thuận tiện vừa là đê ngăn lũ lụt. Cửa của cả 3 vòng thành gồm nhiều cửa nước nối với sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và đều đổ vào sông Hồng. Các cửa kinh thành (thành Đại La) nối thông ra sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu ngay từ thời kỳ mới định đô Thăng Long cũng đã được gọi chung là “cửa ô”. Từ Lý Thái Tổ cho đến các triều vua đời Lý, Trần, Lê về sau đều triệt để tận dụng địa thế tự nhiên của vùng “sông hồ nửa đất nửa nước”, của “Hồng Hà Tây vắt qua Đông/ Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này” để quy hoạch và xây dựng kinh đô Thăng Long. Phương tiện đi lại trong kinh thành Thăng Long, kể cả trong Cấm thành, Hoàng thành và mở rộng ra toàn bộ kinh thành chủ yếu đều bằng thuyền trên hệ thống liên hoàn hào thành, ao, hồ nối thông với sông Ngọc Hà, Tô Lịch, Kim Ngưu, Thiên Phù, Nhuệ Giang và đổ ra sông Hồng.

Giống như nhiều tòa Vương thành (Đế thành) khác của các nước phương Đông, thành Thăng Long cũng có trục tâm linh của Cấm thành và Kinh thành. Trục tâm linh (hay trục chính tâm) của Cấm thành là trục Bắc - Nam, chiếu thẳng từ điện Kính Thiên qua Thềm Rồng, sân Long Trì, Đan Trì, Đoan Môn và thẳng đến vị trí của Kỳ Đài thành Hà Nội thời Nguyễn. Trải qua hàng nghìn năm với muôn vàn biến đổi nhưng trục chính tâm của Cấm thành Thăng Long - Hà Nội vẫn hầu như không có sự thay đổi. Trục tâm linh hay trục phát triển của Kinh thành Thăng Long suốt từ thời định đô Thăng Long (như Lý Thái Tổ đã khẳng định trong Chiếu dời đô) và kéo dài mãi cho đến sau này chính là dòng sông Hồng huyền thoại chảy từ Tây sang Đông. Không chỉ dưới thời Lý, thời Trần, mà cả đến thời Lê, thời Nguyễn về sau, sông Hồng lúc nào cũng là mặt tiền của Kinh thành, là tuyến giao thông, giao thương quan trọng nhất, động mạch chủ kết nối Thăng Long - Hà Nội với mọi miền đất nước. Sự hội tụ và lan tỏa sức mạnh chính trị - quân sự, kinh tế - xã hội cùng các giá trị văn hóa của quốc gia Đại Việt chủ yếu đều thông qua dòng sông này.

Sơ đồ: Thành Thăng Long thời Lý Trần trong mối quan hệ với sông Hồng, Hồ Tây và các sông Tô Lịch, Kim Ngưu.

Sơ đồ: Thành Thăng Long thời Lý Trần trong mối quan hệ với sông Hồng, Hồ Tây và các sông Tô Lịch, Kim Ngưu.

Ngô Thì Sĩ thế kỷ XVIII sau hơn 750 năm nhìn lại quá trình phát triển và biến đổi của kinh đô Thăng Long các thời Lý, Trần Lê nhận xét: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có; phía Tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng; phía Bắc thấu đến Ninh Sóc Kinh Bắc. Miền Đông Nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền Tây Bắc thì liên lạc bằng trạm, là nơi trung tâm của nước, bốn phương chầu về, núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt thật không nơi nào hơn được nơi này…. Cho nên truyền ngôi trong hơn 200 năm, đánh giặc Tống, dẹp giặc Chiêm, nước mạnh dân giàu, có thể gọi là đời rất thịnh trị.

Tầm nhìn và sự nghiệp Thiên niên kỷ của Lý Thái Tổ có thể hình dung được bắt đầu từ sự hiểu đúng, đánh giá chuẩn xác vai trò, vị trí của dòng sông Hồng, cũng như thế mạnh rất căn bản của cộng đồng dân cư gắn bó số mệnh với dòng sông lịch sử này. Lý Thái Tổ với quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã huy động được toàn bộ điều kiện thiên nhiên, kinh tế, văn hóa và đặc biệt là con người tứ trấn (Đông, Đoài, Nam, Bắc) trở thành nguồn lực, thành nội lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển kinh đô Thăng Long, không chỉ dưới thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ, mà còn mãi về sau.

Từ thế kỷ XVI và nhất là sang các thế kỷ XVII, XVIII, khi vị thế của trung tâm hành chính đầu não suy yếu thì Thăng Long lại nổi lên thành một đô thị mặt tiền hướng sông, vô cùng sầm uất. Richard mô tả trên sông Kẻ Chợ (sông Hồng): “Số lượng thuyền bè ở đây lớn đến nỗi rất khó mà tiến gần được đến bờ sông. Nhiều sông ngòi và những bến cảng buôn bán sầm uất nhất của chúng ta ở châu Âu, ngay cả đến thành phố Venise với tất cả những thuyền bè lớn nhỏ, cũng không thể nào cho ta được một ý niệm về sự hoạt động và cả cư dân trên sông Kẻ Chợ”. Baron S trong sách Description of the Kingdom of Tonqueen (1683) cho rằng sông Hồng “cực kỳ thuận tiện cho kinh thành. Tất cả hàng hóa đều được mang đến đây theo dòng sông này. Đây là nơi thâu tóm mọi hoạt động của vương quốc. Vô vàn thuyền bè đi lại buôn bán khắp nơi trong nước”.

Đến thời Tây Sơn ở cuối thế kỷ XVIII, khi Thăng Long không còn là kinh đô chung của quốc gia Đại Việt, người đương thời vẫn rất tự hào về sức sống mới của một đô thị đang hồi sinh mạnh mẽ trên sóng nước sông Hồng.

Suốt gần 8 thế kỷ của Văn minh Đại Việt, đất nước đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong phát triển kinh tế, chấn hưng văn hóa, lập nên những kỳ tích anh hùng chống ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, hoàn thành công cuộc mở cõi và định cõi để có được một quốc gia dân tộc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, văn minh và cường thịnh hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong Kỷ nguyên văn minh Đại Việt, Thăng Long (Đông Đô, Đông Kinh) luôn luôn là Kinh đô, là trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm kinh tế, xã hội và văn hóa lớn nhất và tiêu biểu nhất của cả nước. Thăng Long thực sự là không gian lịch sử - văn hóa hội tụ, giao lưu, kết tinh và lan tỏa lớn nhất, mạnh nhất, quan trọng và tiêu biểu nhất trong suốt Kỷ nguyên văn minh Đại Việt và mãi về sau.

Hà Nội - Thủ đô của Kỷ nguyên độc lập tự do và văn minh, hiện đại

Tên Hà Nội thật ra mới chỉ xuất hiện từ năm 1831, khi vua Minh Mệnh quyết định chia đặt các tỉnh, trong đó tỉnh Hà Nội bao gồm 4 phủ (Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân), mà hạt nhân là khu đô thị cổ truyền tương đương với địa bàn 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận. Quy mô và phạm vi khu phố thị về hình thức chưa có sự thay đổi nhiều, nhưng trong thực chất đang có xu hướng nông thôn hóa với các thôn trại nông nghiệp đan cài vào cả khu phố phường và thành cổ.

Trong thời Pháp thuộc, Hà Nội vừa là thủ phủ của Liên bang Đông Dương, vừa là thủ phủ của Bắc Kỳ, đã trở thành thành phố nhượng địa gồm khu đô thị cổ truyền và một phần huyện Từ Liêm, một phần huyện Thanh Trì. Năm 1903, địa bàn Hà Nội được mở rộng sang phía bờ Bắc sông Hồng, bao lấy một số xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Hà Nội chuyển dần thành đô thị hiện đại, trung tâm giao lưu và tiếp biến văn hóa, tri thức Đông - Tây, kết nối truyền thống với hiện đại, trung tâm của nhiều phong trào yêu nước và cách mạng, nhất là từ khi Đảng Công sản Việt Nam thành lập.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khẳng định sự ra đời của Kỷ nguyên độc lập tự do, tiến lên văn minh hiện đại.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bước sang kỷ nguyên mới, Hà Nội lại tiếp tục đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 10-10-1954, Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Ngay từ ngày đầu tiếp quản, Hà Nội đã phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Năm 1961, thành phố Hà Nội được tích hợp thêm 18 xã, 6 thôn, 1 thị trấn thuộc tỉnh Hà Đông, 29 xã, thị trấn thuộc tỉnh Bắc Ninh, 17 xã và một nửa thôn của tỉnh Vĩnh Phúc, 1 xã của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Quy mô này về cơ bản được giữ ổn định trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 30-4-1975, công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Đây là một thành tựu vĩ đại, đã đưa Việt Nam lên vị trí tiên phong của phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên phạm vi thế giới, Trong những năm tháng này Hà Nội trở thành quê hương của phong trào thanh niên Ba sẵn sàng, phụ nữ Ba đảm đang, chiếc gậy Trường Sơn, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại vô cùng thảm khốc của đế quốc Mỹ, làm nên một trận Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội vào cuối năm 1972. Sau ngày đất nước thống nhất, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng thành phố Thủ đô xứng tầm của cả nước.

Ngày 29-12-1978, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn việc sáp nhập các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây và thị xã Hà Đông cùng 17 xã của các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai tỉnh Hà Sơn Bình; toàn bộ huyện Sóc Sơn, 18 xã và 1 thị trấn của huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội. Ngày 12-8-1991, Quốc hội lại có nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây, trong đó toàn bộ phần đất của tỉnh Hà Sơn Bình mới nhập vào Hà Nội 13 năm trước được chuyển về tỉnh Hà Tây. Huyện Mê Linh dịp này cũng được chuyển trả về tỉnh Vĩnh Phú. Quy mô thành phố Hà Nội về cơ bản được quay trở lại thời kỳ 1961-1978, chất lượng đô thị tuy có được cải thiện phần nào, nhưng xem ra Hà Nội vẫn còn là thành phố thủ đô nghèo so với các thành phố thủ đô trong khu vực Đông Nam Á.

Từ năm 1986, Hà Nội đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chuyển dần sang cơ chế thị trường, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI chứng kiến quá trình phát triển đô thị và đô thị hóa rất nhanh ở cả hai bên bờ sông Hồng thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Lúc này bên cạnh hệ thống cầu đường được xây dựng từ trước vẫn phát huy tác dụng (cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương) đã liên tục xuất hiện các cầu Trung Hà, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Nhật Tân, cùng các đường vành đai 2, 3, 4 và hệ thống các tuyến đường giao thông hai bên bờ sông, nội đô, nội thị được nâng cấp, đã không chỉ kết nối hai bên bờ sông, mà dần dần đã kéo sông Hồng trở lại vị trí trung tâm phát triển đô thị Hà Nội.

Ngày 29-5-2008, theo quyết định điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội đã đưa toàn bộ tỉnh Hà Tây, toàn bộ huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Địa bàn thành phố Hà Nội trải rộng ra hai bên bờ sông Hồng với diện tích 334.470,2ha, gồm 10 quận, 1 thị xã, 18 huyện, 154 phường, 22 thị trấn, 401 xã và dân số trên 6.800.000 người.

Cầu Nhât Tân được xem là biểu tượng cho sự phát triển của Thành phố Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô, và cũng tượng trưng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân - Thành phố Hà Nội.

Cầu Nhât Tân được xem là biểu tượng cho sự phát triển của Thành phố Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô, và cũng tượng trưng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân - Thành phố Hà Nội.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 khẳng định mô hình Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại với 3 trục phát triển là Sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì và Nhật Tân - Nội Bài, trong đó Sông Hồng là trục trung tâm và chủ đạo.

Hiện nay Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, thành phố trực thuộc trung ương gồm 12 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông), 1 thị xã (Sơn Tây), 17 huyện (Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức). Ngày 3-3- 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đến năm 2025 thành các quận nội thành. Trên cơ sở thành tựu phát triển đô thị và đô thị hóa, thành phố Hà Nội đang xúc tiến xây dựng 2 thành phố trực thuộc Thủ đô: Thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) thiên về dịch vụ, hội nhập quốc tế, đô thị thông minh và thành phố phía Tây (Xuân Mai, Hòa Lạc) thiên về khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo, trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu.

Như thế mô hình phát triển thành thành phố thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng châu thổ sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu và sánh ngang với thủ đô các nước phát triển trong khu vực trên căn bản đã trở thành hiện thực.

Hà Nội - Trung tâm của các kỷ nguyên văn minh lớn Việt Nam

Địa bàn thành phố Hà Nội nằm gọn ở trung tâm châu thổ Sông Hồng, nơi con người tụ cư sớm và đông đúc, nơi chứng kiến toàn bộ quá trình hình thành cộng đồng người Việt cổ, với sự ra đời của nền văn minh Sông Hồng. Nền văn minh Sông Hồng là nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, sử dụng công cụ sản xuất bằng kim khí (đồ đồng, đồ sắt), tạo ra bước phát triển trọi vượt về kinh tế, xã hội và thông qua đó xác lập bản lĩnh, truyền thống và lối sống Việt Nam, đặt cơ sở vững vàng cho sự ra đời và phát triển của quốc gia dân tộc.

Kể từ thời đại dựng nước đầu tiên cho đến nay các kinh đô kinh thành Cổ Loa, Mê Linh, Vạn Xuân, Ô Diên, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh, Hà Nội gần như liên tục nối tiếp nhau đều được đặt trên địa bàn Hà Nội, biến Hà Nội thành trung tâm hội tụ, kết tinh, giao lưu, lan tỏa lớn nhất và mạnh nhất các giá trị lịch sử và văn hóa của cả nước. Hà Nội thực sự là căn cốt của toàn bộ lịch sử đất nước, là trung tâm và đỉnh cao của cả ba kỷ nguyên văn minh lớn Việt Nam là Kỷ nguyên văn minh dựng nước và giữ nước đầu tiên, Kỷ nguyên văn minh Đại Việt và Kỷ nguyên độc lập tự do tiên lên văn minh hiện đại. Đấy là vị thế lớn nhất và đặc biệt nhất của Hà Nội trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc mà không một đô thị nào hay một kinh thành nào khác của Việt Nam có thể sánh ngang được.

Hà Nội thực sự là căn cốt của toàn bộ lịch sử đất nước, là trung tâm và đỉnh cao của cả ba kỷ nguyên văn minh lớn Việt Nam là Kỷ nguyên văn minh dựng nước và giữ nước đầu tiên, Kỷ nguyên văn minh Đại Việt và Kỷ nguyên độc lập tự do tiên lên văn minh hiện đại.

Đây cũng là trường hợp vô cùng hy hữu trên thế giới, đúng như đánh giá của UNESCO khi vinh danh khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa Thế giới: “Nó là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng và là trung tâm quyền lực chính trị trong suốt 13 thế kỷ cho đến ngày nay... Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục lâu dài như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Sồng Hồng luôn giữ vai trò quyết định của đô thị Hà Nội

Lịch sử thế giới từng xác nhận sự hình thành và phát triển rực rỡ của nhiều nền văn minh nhân loại gắn với những dòng sông lớn. Sông là huyết mạch, là nhựa sống, là bầu sữa nuôi lớn các nền văn minh và các đô thị lớn trên trái đất. Nền văn minh sông Hồng và đô thị Cổ Loa - Vạn Xuân - Thăng Long - Hà Nội cũng có quá trình hình thành và biến đổi không nằm ngoài quy luật phổ biến này.

Ngay từ khi châu thổ sông Hồng thành hình thì người Việt cổ chủ yếu theo dòng sông Hồng tiến xuống khai phá, tìm mọi cách “sống chung với lũ” và tạo lập nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Sông Hồng là điều kiện tiên quyết là trung tâm của mọi hoạt động mưu sinh, trung tâm của mọi sáng tạo văn hóa của người Hà Nội.

Từ quy hoạch đô thị cho đến kiến trúc phường phố, chợ búa, thương điếm, bến cảng Kẻ Chợ, các làng nghề, phố nghề, các lễ hội, tín ngưỡng, tập quán, từ các trò chơi dân gian đến các hoạt động cung đình, các kỳ công chống ngoại xâm ở Đông Bộ Đầu, ở Chương Dương, Tây Kết, Hàm Tử… tất cả đều có hình bóng hay sự hóa thân của dòng sông Mẹ - sông Hồng. Đấy là nét đặc trưng và bản sắc nhất của văn hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội cổ truyền.

Sông Hồng luôn giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ quá trình lịch sử - văn hóa của các kinh đô - kinh thành - đô thị cổ truyền trên đất Hà Nội. Đến khi người Pháp đặt ách đô hộ trên đất nước ta, sông Hồng và các chi lưu của nó hầu như không được quan tâm đến nữa và dần dần trở nên xa lạ, thậm chí trở thành hiểm họa trong đời sống cư dân Thủ đô. Phải đến đầu thế kỷ XXI, sông Hồng mới bắt đầu có điều kiện hồi phục vai trò vốn có của nó và từng bước khẳng định trở lại vị trí là trục phát triển chủ đạo của Thủ đô. Hà Nội đang hội được các cơ hội thuận lợi, trở lại với điều kiện tự nhiên vốn có, với nhịp sống của thiên nhiên, với bề dầy truyền thống và vươn lên hội nhập với xu thế phát triển chung của khu vực và của thời đại.

Hàng nghìn năm qua sông Hồng luôn luôn ở vị trí trung tâm quyết định mọi hoạt động của cộng đồng cư dân, của toàn bộ quá trình hình thành và biến chuyển không gian lịch sử - văn hóa Thủ đô, từ cố đô Cổ Loa cổ kính 2.300 năm trước cho đến thành phố Hà Nội trực thuộc trung ương ngày nay. Tựa núi, nhìn sông, hướng ra Biển Đông là mô hình thành tạo, là quy luật biến đổi và là định hướng phát triển của Hà Nội ngày xưa, ngày nay và mãi về sau.

Hà Nội - Vùng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo

Hà Nội là không gian lịch sử - văn hóa có lịch sử lâu đời và tập trung cao nhất của toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước. Có sự kiện lịch sử trọng đại nào hàng nghìn năm qua lại không được quyết định từ đây, khai mở ở đây và tác động mạnh mẽ đến đây.

Qua quá trình lịch sử lâu dài, kể từ khi có con người xuất hiện trên vùng đất Hà Nội, nhất là từ khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Lý Nam Đế dựng đô Vạn Xuân, Lý Thái Tổ định đô Thăng Long và cho đến nay Hà Nội liên tục là trung tâm đầu não của cả nước, nên đã tạo lập một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng với những giá trị mang tính hội tụ, chắt lọc, kết tinh tiêu biểu và tỏa sáng của lịch sử văn hóa dân tộc.

Di sản văn hóa Hà Nội bao gồm 2 loại hình là di sản vật thể và di sản phi vật thể.

Di sản văn hóa vật thể là các di chỉ khảo cổ học, di tích kinh thành Cổ Loa, Mê Linh, Vạn Xuân, Ô Diên, Đại La, Thăng Long, các thành lũy, đồn bảo quân sự, các trận chiến, các vùng chiến trường, các kiến trúc đền đài, cung điện, lầu gác, các di tích di vật tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh như đình, chùa, đền, miếu, am, quán, các kiến trúc nhà cổ truyền ở đô thị và nông thôn, cùng các vật dụng truyền thống trong sản xuất và sinh hoạt; một số kiến trúc thời Pháp thuộc và các di tích cách mạng, kháng chiến. Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.435 di tích di tích đã được xếp hạng các cấp (gồm 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 21 di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia và 1.254 di tích cấp thành phố)...

Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được Tổ chức giáo dục văn hóa khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 16/11/2010. (Ảnh: TTXVN)

Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được Tổ chức giáo dục văn hóa khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 16/11/2010. (Ảnh: TTXVN)

Hà Nội hiện nay có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó bao gồm 1.206 lễ hội, 3 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, 1 di sản nằm trong danh mục bảo vệ khẩn cấp của UNESCO, 25 di sản trong danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có một khối lượng tư liệu chữ Hán và chữ Nôm hết sức đồ sộ, kết tinh của nền văn hóa bác học và dân gian lớn nhất và lâu đời nhất của cả nước...

Di sản văn hóa của Hà Nội tập trung rất cao ở các vùng kinh đô, đô thành, đô thị, trải dọc theo hai bờ sông Hồng, phản ánh đặc trưng và bản sắc văn hóa sông nước có cội nguồn từ văn minh sông Hồng và được duy trì mãi về sau. Trên khắp đất nước Việt Nam, không có địa phương nào hội được số lượng rất lớn với các di sản văn hóa tiêu biểu như ở Hà Nội. Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt qúy giá, là nguồn lực hàng đầu cho Hà Nội khai thác xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô.

Người Hà Nội: Kết tinh văn hóa dân tộc và phẩm chất riêng có của người Kinh Kỳ

Hà Nội là đất tụ thủy, tụ nhân, tụ tài, tụ lực, cùng với các lớp cư dân bản địa từ thời dựng nước đầu tiên là các lớp cư dân tứ xứ, anh tài bốn phương đổ về. Hầu hết các giá trị tinh hoa của dân tộc, của giống nòi đều được hội tụ về đây và lan tỏa từ đây. Những hoàng đế anh minh, những danh tướng thiên tài, những danh nhân kiệt xuất, cho đến những thường dân nếu không được sinh ra ở đây thì cũng chọn nơi đây làm nơi lập nghiệp và cống hiến.

Họ là những anh hùng dân tộc, các nhà chính trị, quân sự, ngoại giao kiệt xuất, các danh nhân văn hóa lớn, những người đã đóng góp tài năng, trí tuệ, cuộc đời và sự nghiệp làm rạng rỡ lịch sử và văn hóa Hà Nội. Đó là Hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Chu Văn An, Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu), Cao Bá Quát (Thánh Quát), Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Phú Trọng…

Họ là những người lao động giỏi “khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ”, những nông dân sáng tạo ra những sản phẩm nổi tiếng của đất Kinh Kỳ, những người sản xuất và buôn bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Tiêu biểu cho những người lao động sáng tạo là tổ sư các nghề, là thợ cả, thợ lành nghề, các nghệ nhân được đời đời ca ngợi.

Thành tựu lao động sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội trong vai trò hội tụ và kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc và hiện hữu với những tên tuổi các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, những người lao động tài giỏi và thành công trên tất cả các lĩnh vực đã kết quyện và định hình thành những phẩm chất nhân cách đặc trưng và truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội. Đó là tinh thần yêu nước và ý chí tự lập, tự cường; truyền thống đoàn kết và tinh thần nhân ái, hòa hiếu, bao dung; truyền thống lao động sáng tạo; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; truyền thống văn minh thanh lịch trong cuộc sống và trong ứng xử…

Nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội. Vì thế phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội.

 

Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân