Hơn một năm công tác tại một vùng đất bất ổn, nguy hiểm nhưng khó khăn lớn nhất của Đại úy Vũ Nhật Hương chỉ là chuyện mất nước.“Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định, nhận nhiệm vụ, lên đường làm nhiệm vụ thì không ngại khó khăn.”

Đại diện cho Việt Nam, Đại úy Vũ Nhật Hương tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại cộng hòa Trung Phi nhiệm kỳ 2021 – 2022.

Trong buổi phỏng vấn với Báo Nhân Dân, Đại úy Vũ Nhật Hương không nén được sự nghẹn ngào khi nhắc tới từ “Trung Phi”. Giọng cô run nhẹ: “379 ngày làm việc tại Cộng hòa Trung Phi là từng ngày đáng nhớ trong đời tôi.”

PV: Tính tới thời điểm hiện tại, Đại úy đã kết thúc nhiệm kỳ công tác đặc biệt tại Cộng hòa Trung Phi bao lâu rồi?

Đại úy Vũ Nhật Hương: Hôm nay là tròn 2 tháng tính từ ngày tôi trở về từ Cộng hòa Trung Phi.

Ngày 4/12/2021, tôi lên đường tới châu Phi để nhận nhiệm vụ. Cho tới tận bây giờ, mỗi khi nhắc tới Cộng hòa Trung Phi, trong tôi vẫn có một cảm xúc khó tả: Rạo rực, bồi hồi và có một chút tiếc nuối.

379 ngày làm việc tại Trung Phi là từng ngày đáng nhớ trong đời tôi! Là 379 ngày tuyệt vời nhất trong 5 năm tuổi quân! Chuyến đi này đã để lại cho tôi rất nhiều trải nghiệm.

Tôi vẫn còn nhớ: Trẻ em đi đất, người dân đội mọi thứ trên đầu và những túi bóng nước là hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy khi đặt chân tới Cộng hòa Trung Phi.

Thay vì bán hay uống nước trong chai như ở Việt Nam, người dân Trung Phi bán nước uống trong những chiếc túi bóng trắng. Người bán đứng bán ngoài đường. Người uống cũng đứng ngoài đường. Họ uống nước trực tiếp từ một cái túi bóng. Cộng hòa Trung Phi không chỉ thiếu nước uống thôi đâu mà còn thiếu cả nước sinh hoạt.

Các con đường huyết mạch ở Trung Phi vẫn là đường đất. Xe đi thì bụi mù đất đỏ. Đường bụi đến nỗi tôi đi đằng sau mà không thể nhìn thấy xe đằng trước.

Cuộc sống ở Trung Phi đã làm tôi hoàn toàn choáng ngợp. Tôi giống như đang bước vào những thước phim tài liệu của những năm 80 vậy.

PV: Vậy cuộc sống trong “bộ phim tài liệu từ những năm 80” này có gây khó khăn gì cho một sĩ quan đến từ thế kỷ 20 không?

Đại úy Vũ Nhật Hương: Chuyện khủng khiếp nhất chắc là bị cắt nước.

Ngày thường, chúng tôi vẫn có thể bị cắt nước nhưng chỉ từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối. Nhưng khi thời tiết khắc nhiệt, nước bị cắt cả tuần! Bạn có tưởng tượng được không? Nếu mất nước một ngày, bạn đã khó chịu rồi thì ở Trung Phi, bạn có thể bị mất nước cả tuần. Trong khi thời tiết lúc nào cũng chạm ngưỡng 40 độ C.

Trong một tuần mất nước, chúng tôi chỉ có 1 can nước 20l để sử dụng: Vừa để đánh răng, rửa mặt vừa tắm gội, giặt giũ.

Tôi vẫn còn nhớ như in đêm có nước trở lại. Lúc ấy là 3 giờ sáng. Nước về chậm, nhỏ giọt chứ không phải xối xả. Phải canh, phải hứng nước từ nửa đêm cho tới sáng mới được 2 thau nước đầy. Tôi sung sướng vô cùng! Việc đầu tiên là phải đi gội đầu.

Cuộc sống của người dân cũng vậy. Nếu trời mưa, bạn sẽ chạy vào trong nhà trú đúng không? Nhưng người dân Trung Phi sẽ chạy ra ngoài để tắm mưa, để hứng nước mưa.

Nhưng niềm vui đó cũng chỉ kéo dài trong mấy ngày đầu. Bởi mùa mưa đến đồng nghĩa với lũ lụt đến. Mưa xói mòn tất cả mọi thứ, thậm chí là mái nhà của người dân.

Mong ngóng nhưng những cơn mưa cũng không hoàn toàn khiến người dân vui sướng.

PV: Hơn một năm công tác tại một vùng đất bất ổn, nguy hiểm nhưng khó khăn của chị chỉ là chuyện mất nước thôi sao?

Đại úy Vũ Nhật Hương: Khi đến Cộng hòa Trung Phi, tôi muốn mang tới hình ảnh một phụ nữ Việt Nam rắn rỏi, mạnh mẽ.

Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định, nhận nhiệm vụ, lên đường làm nhiệm vụ thì không ngại khó khăn.

Có người nói chiến trường không phải là nơi dành cho bóng hồng. Nhưng khi bóng hồng đến thì sao? Chúng tôi làm được mọi việc mà nam giới làm được. Hoàn thành mọi nhiệm vụ mà mọi người không nghĩ rằng “bóng hồng” có thể làm được. Biết mình có giá trị và thực sự mang giá trị về cho tổ chức.

Khi tôi và đồng nghiệp kết thúc nhiệm kỳ, chuẩn bị rời khỏi phái bộ, ngài Tham mưu trưởng nói với chúng tôi rằng:

-         Giá ở đây có cái máy photocopy thì tốt.

Tôi muốn photo các bạn - các sĩ quan nữ của Việt Nam.

Các bạn đã mang đến một tinh thần làm việc nhẹ nhàng, thoải mái và có gì đó tình cảm hơn. Các bạn đã kết nối được rất nhiều thứ lại với nhau: Kết nối con người với con người. Kết nối công việc với công việc.

Tôi nói điều này không biết là bạn có tin không. Nhưng điều khiến tôi sợ hãi nhất không phải là nguy hiểm hay áp lực công việc mà là thời gian. Tôi sợ thời gian trôi quá nhanh khiến tôi không kịp cảm nhận hết một năm nhiệm kỳ của mình.

Và điều đó đã xảy ra thật.

PV: Tôi bị ấn tượng mạnh khi đoàn Việt Nam tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em mồ côi ở Trung Phi, nhất là hình ảnh chị mặc áo bà ba ôm các em nhỏ. Cảm giác ôm một bé châu Phi trong lòng là như thế nào vậy?

Đại úy Vũ Nhật Hương: Tuyệt vời lắm! Tôi là người châu Á, các em là người châu Phi. Các em lạ lẫm lắm khi nhìn thấy chúng tôi. Rồi các em đến gần, trò chuyện bằng mấy những câu rất đơn giản thôi.

Đây là làng trẻ tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi sau xung đột.

Để mang Việt Nam tới các em gần hơn, tôi và đoàn công tác Việt Nam tổ chức ngày Tết Trung Thu cho các em. Chúng tôi muốn cho các em được biết ở châu Á, ở Việt Nam trẻ em được đối xử như thế nào, được nhận tình yêu thương như thế nào.

Chúng tôi mong muốn, trẻ em Việt Nam được hưởng cái gì thì trẻ em Trung Phi cũng được hưởng cái đó. Mâm cỗ cũng có đồ ăn, đèn trung thu và đầu lân (chúng tôi tự chế). Ánh mắt các em nhìn chiếc đèn ông sao nhiều màu lạ lẫm và tò mò lắm.

Các em ngây ngô hỏi:

-         Chú Cuội là gì? Chị Hằng là ai?

Bằng tất cả những hiểu biết về văn hóa của mình, chúng tôi giải thích cho các em về các sự tích Trung Thu của Việt Nam.

Hình ảnh các em cầm đèn ông sao thì thú vị lắm. Vì đó là một em bé châu Phi chứ không phải một em bé Việt Nam.

Sinh ra ở thành phố, Trung Thu của tôi chỉ là phá cỗ ở nhà, ở trường rồi xem tivi. Nhưng khi đến Trung Phi, tôi có những trải nghiệm mà mình chưa từng có: Rước đèn và hát bài hát Trung Thu từ một nơi rất xa tổ quốc. Cảm giác đó khác lắm! Bằng một ngày Tết Trung Thu trên một đất nước lạ lẫm, tôi dường như hiểu văn hóa của chính mình hơn.

Khi kết thúc buổi phá cỗ, Giám đốc làng trẻ nói nhỏ với tôi rằng:

-         Ngoài Trung Thu ra, các bạn còn ngày lễ gì nữa không?

Còn các em bắt đầu học câu: “Tôi cảm ơn” bằng tiếng Việt.

PV: Trải qua những khắc nghiệt, thiếu thốn ở Châu Phi ở Cộng hòa Trung Phi. Chị nghĩ gì về cuộc sống?

Đại úy Vũ Nhật Hương: Chỉ có đi đến những nơi còn nhiều bất ổn chính trị, những nơi còn nhiều khó khăn thì mới thấu hiểu được giá trị của hai chữ hòa bình.

Tôi lớn lên trong một gia đình đủ đầy, không ăn một bữa mẹ sẽ lo: “Sao giờ này còn chưa ăn?”. Vậy mà người dân Trung Phi có thể nhịn đói đến vài ngày, nhịn nước đến vài ngày. Họ đã quá mệt mỏi khi phải đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc sống, với sự an toàn của chính mình. Thế nên, việc ăn uống trở thành một điều xa xỉ.

2000 đồng ở Việt Nam khó có thể mua được một viên kẹo. Nhưng đó là số tiền những ông bố bà mẹ Trung Phi ao ước có được để cho con tới trường.

Lúc ấy tôi nghĩ về giá trị của hòa bình và trách nghiệm công việc của mình. Phải nỗ lực làm việc hết mình để đưa ra giải pháp tốt nhất cho phái bộ. Chỉ khi phái bộ phát triển, cuộc sống của người dân mới được bình ổn.

Giống như những lời tự nhận xét của mỗi sĩ quan Việt Nam khi kết thúc nhiệm kỳ: Chúc cho người dân phái bộ được sống trong hòa bình.

Tôi mong trẻ em Trung Phi được đến trường, mong những người phụ nữ có được vị thế. Tôi muốn Trung Phi không còn xung đột, không còn những cảnh súng ống.

Tôi muốn trẻ em không còn đi đất. 

  • Tổ chức sản xuất: Việt Anh
  • Thực hiện: Thi Uyên