LTS-Với tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đến báo Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Báo Nhân Dân cuộc phỏng vấn nhân dịp đón Xuân mới Nhâm Dần-2022. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên (PV): Kính thưa Tổng Bí thư, năm Tân Sửu-2021 sắp khép lại, một mùa xuân mới lại đến trên đất nước ta. Xin đồng chí cho biết đôi điều cảm nhận về một năm đã đi qua?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, chúng ta đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tổ chức thành công những sự kiện đó: Tổ chức Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, từ xây dựng văn kiện đến công tác nhân sự và cách thức tổ chức; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt, sớm ổn định tổ chức, bảo đảm bộ máy của cả hệ thống chính trị hoạt động liền mạch, không để xảy ra khoảng trống trong chỉ đạo, tổ chức, điều hành khi chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ,... Năm 2021, đất nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh. Với tinh thần coi sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách đồng bộ, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cuộc sống của người dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Qua đại dịch Covid-19, càng thấy rõ tính ưu việt của chế độ ta. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, huy động mọi nguồn lực, sức người, sức của của Nhà nước và nhân dân; sự hỗ trợ chí tình, chí nghĩa của cộng đồng quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài để tập trung cao độ phòng, chống dịch, đặc biệt là việc tiêm vaccine phòng ngừa, điều trị người bị nhiễm bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Tuy có những tổn thất mất mát vì dịch bệnh quá phức tạp, chưa có tiền lệ, nhưng kết quả công tác phòng, chống dịch là minh chứng rõ nhất khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn lấy nhân dân làm trung tâm, hết lòng vì nhân dân phục vụ. Qua đại dịch càng thấy niềm tin của nhân dân dành cho Đảng và chế độ tiếp tục được củng cố vững chắc; tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tình yêu thương con người-nguồn lực tinh thần vô giá của dân tộc ta lại được tỏa sáng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Như vậy, chúng ta vừa tập trung mọi khả năng cao nhất để chống dịch hiệu quả vừa khôi phục, phát triển sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức chấp nhận được. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại không ngừng mở rộng, nhất là với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế như tôi vẫn thường nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Theo tôi, đó là những điều dễ cảm nhận nhất đối với năm Tân Sửu-2021.

PV: Năm 2021 là năm đầu triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Xin Tổng Bí thư cho biết, so với các nhiệm kỳ trước, năm nay có điểm gì mới?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trước hết cần nhắc lại là, Đại hội XIII của Đảng được tổ chức rất thành công trên nhiều phương diện, trong đó có những điểm mới so với các nhiệm kỳ trước, không chỉ đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, mà còn xác định phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chính vì vậy, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần này đặt ra những yêu cầu mới, trước hết là khâu học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động. Ngay sau Đại hội, các đảng bộ đều khẩn trương hoàn thiện chương trình hành động, xây dựng kế hoạch tổng thể và cho từng năm sát hợp với thực tiễn. Điểm mới của nhiệm kỳ này là Trung ương chỉ đạo tổ chức bảy hội nghị toàn quốc theo lĩnh vực, ngành với quy mô lớn, cách làm bài bản, khoa học để quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thống nhất chương trình hành động cụ thể hơn với tư duy, tầm nhìn xa, rộng hơn; có sự liên thông, liên kết rõ hơn giữa các khối, các ngành, các vùng. Tất cả các hội nghị đều được tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để “phủ sóng” trên toàn quốc. Đó là: Cuộc bầu cử Quốc hội và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV; Phiên họp đầu nhiệm kỳ của Chính phủ với các địa phương; các hội nghị của khối Mặt trận Tổ quốc; Hội nghị của chín cơ quan nội chính ở Trung ương; Hội nghị về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Hội nghị về công tác đối ngoại. Đặc biệt là Hội nghị Văn hóa toàn quốc có quy mô lớn, có chiều sâu về nội dung, nhìn lại cả quá trình xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất năm 1946. Cách tổ chức, tuyên truyền sâu rộng đã mang đến một khí thế mới, quyết tâm mới cho toàn ngành, nhất là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ,... Đó là cách làm thiết thực, thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động cao trong toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt” dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng để đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Đăng Khoa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Đăng Khoa

PV: Thưa Tổng Bí thư, lâu nay vẫn có ý kiến cho rằng, khâu tổ chức thực hiện nghị quyết còn yếu. Vậy làm thế nào để khắc phục, để biến nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Như tôi đã nói, “Không phải Đại hội bế mạc là coi như xong. Đây mới chỉ là bước mở đầu. Làm được hay không, có biến nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Đại hội”. Để khắc phục hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện, phải đổi mới ngay từ khâu quán triệt nghị quyết, nắm thật chắc những điểm mới, nội dung cốt lõi; xây dựng có cơ sở khoa học và tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch công tác, dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, xử lý một cách bài bản, dứt điểm, có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề kinh tế-xã hội nổi cộm, tránh phô trương, hình thức, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Chủ trương, quyết sách có rồi. Khâu quan trọng là tổ chức thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần bám sát nghị quyết, chương trình hành động và đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, triển khai bài bản, chắc chắn, chọn việc nào làm trước, việc nào làm sau; phân công, phân nhiệm rõ ràng để có căn cứ kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác đối với từng cán bộ; định kỳ có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, sớm phát hiện, điều chỉnh những bất cập cho phù hợp với thực tiễn, tránh rập khuôn, cứng nhắc, nhất là những vấn đề lớn mang tính động lực thúc đẩy phát triển, hay liên quan nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, vùng miền, địa phương. Vừa chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vừa phê bình những nơi, những cán bộ làm qua loa chiếu lệ, đến đâu hay đó, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, kể cả những trường hợp lợi dụng đổi mới để làm trái, bất chấp quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những thách thức do đại dịch gây ra cả về kinh tế cũng như các vấn đề xã hội. Càng khó khăn càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng để tháo gỡ, giải quyết vấn đề đặt ra, phát huy, khai thác tốt mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước. Chúng ta có nền tảng vững chắc, đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thành tựu của hơn 35 năm đổi mới. Tôi tin rằng những chủ trương, nghị quyết của Đảng, khát vọng của dân tộc sẽ được hiện thực hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 ngày 19/4/2021. Ảnh: Đăng Khoa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 ngày 19/4/2021. Ảnh: Đăng Khoa

PV: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII và năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Thưa Tổng Bí thư, định hướng cho nhiệm vụ then chốt này trong những năm tới là gì?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đây là công việc khó, phức tạp và vô cùng nhạy cảm. Trong những năm gần đây, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII và năm 2021, chúng ta làm được nhiều việc là do có sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, bài bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan chức năng; đặc biệt là sự ủng hộ, đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó cũng là những bài học kinh nghiệm hay cần phát huy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Điểm mới trong nhiệm kỳ này là, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà chú trọng cả đấu tranh phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây mới là cái gốc của vấn đề. Có suy thoái về tư tưởng chính trị, có biến chất, tha hóa về đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng; đây còn là căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, mà sinh thời Bác Hồ đã căn dặn phải coi nó là kẻ thù hung ác, là thứ giặc nội xâm, tuy nó không mang gươm, mang súng, nhưng nó rất gian giảo, xảo quyệt; kéo người ta xuống dốc không phanh, làm hư hỏng con người, băng hoại đạo đức. Phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ.

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý, bất kể người đó là ai, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Nhưng vẫn có cán bộ không cưỡng lại được lòng tham mà làm liều, đánh mất hết cả danh dự, điều thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi con người; làm xói mòn niềm tin đối với Đảng, làm cho gia đình hổ thẹn,...

Từ thực tế đó cho thấy, phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết xem khâu nào còn yếu thì tập trung khắc phục khâu đó; làm quyết liệt hơn nữa, đồng bộ, nhịp nhàng hơn nữa. Trước hết là rà soát lại các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là trong quản lý kinh tế, đất đai và công tác cán bộ; khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nếu cần thì thay thế những quy định, nội dung không còn phù hợp, không để chồng chéo, không để kẽ hở cho đối tượng xấu lợi dụng; phải có những điều khoản thật cụ thể, chế tài đủ mạnh làm hành lang pháp lý để không thể, không dám tham nhũng; vừa cảnh tỉnh, răn đe vừa làm căn cứ xem xét, xử lý vi phạm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội thì chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định. Các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới phải tạo cho được tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới; kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Về lâu dài, phải đổi mới toàn diện, mạnh mẽ công tác cán bộ, từ khâu phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng, luân chuyển, nhất là bố trí sử dụng, bổ nhiệm; đồng thời tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác này và chống chạy chức, chạy quyền theo tinh thần Quy định 205 của Bộ Chính trị. Đối với cán bộ, phải coi trọng cả đức và tài, lấy đức làm gốc, luôn tạo môi trường thuận lợi nhất để cán bộ cống hiến cho đất nước, đi liền với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi vi phạm; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ đức, đủ tài, tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Khi cán bộ có đức, có tâm trong sáng, hết lòng vì nước vì dân thì sẽ không còn tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhân dân thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.Ảnh: Trí Dũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà Tết liền anh, liền chị Quan họ tại Di tích lịch sử- văn hóa Đền Đô ở khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nhân dân thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.Ảnh: Trí Dũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà Tết liền anh, liền chị Quan họ tại Di tích lịch sử- văn hóa Đền Đô ở khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

PV: Nhân dịp đón chào Xuân mới Nhâm Dần, Tổng Bí thư có điều gì nhắn gửi đến đồng bào, đồng chí cả nước?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta đón Xuân mới Nhâm Dần đúng vào dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng với bao thời cơ lớn nhưng cũng không ít thách thức. Tôi mong rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn, chung sức, đồng lòng đẩy lùi đại dịch Covid-19, sớm khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới và đón Tết cổ truyền dân tộc thật đầm ấm, vui tươi, an lành, hạnh phúc; tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững. Năm 2022 phấn đấu làm tốt hơn năm 2021.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Nhân dịp đón Xuân mới Nhâm Dần-2022, tôi xin gửi đến đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới với tinh thần mới, quyết tâm mới, thắng lợi mới, an khang, thịnh vượng và mọi sự hanh thông!

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư. Kính chúc đồng chí dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, đón năm mới với nhiều niềm vui mới.

Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: BẮC VĂN, LƯU LAN HƯƠNG, NGÔ PHƯƠNG THẢO
Trình bày: HÙNG HIẾU